dũng sỹ chép còm

chương 3
Chú lắng nghe tiếng động tĩnh xung quanh. Gian nhà bếp hoàn toàn im ắng. Xa xa đâu phía ngoài sân khu hang ổ có tiếng bàn chân mang vuốt sắc đi lại. Tiếng sắt thép va nhau lách cách. Một tràng súng nổ chí chát làm chao đảo bóng đêm. Tiếng nổ đập vào vách thùng, dội vào tai chú, như đang nằm dưới đáy ao nghe tiếng sấm rền rung chuyển bầu trời tối sầm giữa cơn giông. Chú lập tức tung mình lao vọt lên miệng thùng. Soảng! Soảng! Soảng! Chú nhảy ba cái liền nhưng đầu đều bị dập vào vách thùng rơi xuống. Tối quá chú không nhìn rõ được miệng thùng để ước lượng chiều cao. Lần thứ tư, chú thu hết sức vọt lên theo hướng chênh chếch. “Uỵch” Thân hình chú rơi thẳng, đập mạnh xuống nền nhà cứng như đá, đau nổ đom đóm mắt. Cửa bếp mở toang nhìn ra khoảng sân rộng mờ mờ ánh trăng mồng tám. Chú nhắm phía cửa trườn ra khỏi bếp. Tiếng vây bụng cọ nền bếp kêu lạo xạo sao mà vang mà to! Chú cố lóc thật nhẹ hơn. Ra khỏi cửa bếp, chú lóc men theo giải bóng tối sát tường một cái tổ cao bằng ngọn cây sung. Quanh cái tổ có những lỗ đen ngòm, sâu hoắm như những con mắt trợn trừng nhìn chú. Một tràng tiếng nổ xé tai. Từ trong những cái hố mắt có phun ra những tia lửa đỏ khé, bay ngang qua đầu chú. Chú ngẩng nhìn lên, bầu trời đầy sao. Chú sực nhớ có lần cụ Sộp dạy chú cách nhìn trăng tìm phương hướng. Vừng trăng khuyết màu vàng nâu sắp lặn khuất sau dãy mái nhà trước mặt. Cụ Sộp dặn trăng lặn về hướng Tây, còn Ao Cây Sung nằm hướng Đông Nam làng. Như vậy là ao nằm phía vây trái mình, chú nghĩ vậy và quay đầu về phía đó, lóc đi. Khoảng sân đầy đất bụi, rác rưởi. Họ hàng nhà cá lóc được trên cạn là nhờ có lớp nhớt bọc quanh mình. Bụi đất thấm khô rất nhanh lớp nhớt dính trên mình Lóc hoa, dính bết vào vảy. Lóc qua khỏi khoảng sân, cả thân hình chú bị bó chặt trong một lớp áo đất. Dọc lối đi dựng đứng như thành lũy vào vào nóc hầm ngầm, những đống hòm sắt, gỗ, những bộ phận gì đó bằng sắt to lù lù như những bộ xương quái vật.
Mấy lần chú suýt lộn cổ xuống giao thông hào miệng hầm ngầm hun hút như miệng giếng. Chú hú vía, rơi xuống đó coi như là chôn sống. Lớp vảy dưới bụng chú tróc gần hết, đầu vập liên tiếp vào bê tông, đá, sắt thép... môi mặt chú bầm dập tóe máu. Một tên Bói cá rằn ri xách súng đi ngang, bước sượt qua đầu chú. Chỉ một li leo là bàn chân có vuốt sắc của hắn dẫm chú lòi óc.
Bây giờ thì phải khó khăn lắm chú mới có thể nhích lên được một chút, có thể nói nhích lên từng cái vẩy. Nhưng chú vẫn tiếp tục lóc lên với cái ngoan cường dữ tợn mà chú thừa hưởng được của mẹ. Gặp một cái dốc, đầu chú bất thình lình chúc xuống. Chú chưa kịp gượng dậy thì đã lăn lông lốc như một khúc củi. Bầu trời và mặt đất quay lộn trước mặt chú. Đang lăn bỗng có những cái gai nhọn sắc tua tủa ôm giữ chú lại. Khi đã bớt chóng mặt chú định thần nhìn kỹ thì té ra đó là những lớp rào thép gai, giống hệt lớp rào gai rải quanh bờ ao.
Chú ngước nhìn trời, hy vọng tìm thấy vừng trăng để định hướng. Nhưng trăng đã lặn từ bao giờ. Bầu trời lúc này chỉ có lốm đốm đầy sao. Sao óng ánh, nhấp nháy như những cái vẩy cá diếc, cá trôi, ai đánh ra làm vương vãi khắp bầu trời. Không có trăng chú hoàn toàn bị mất phương hướng. Ao Cây Sung nằm phía nào đây, đằng trước, đằng sau, bên trái, bên phải! Chú vụt nhớ cụ Sộp có tài nhìn sao để tìm phương hướng. Nhờ vậy cụ từng thoát chết trong nhiều lần vượt thùng nhốt vô cùng mạo hiểm. Chú thắc mắc hỏi cụ: “Ông ơi, nhìn trăng hoặc mặt trời mà tìm ra phương hướng đã đành, vì mỗi thứ chỉ có một. Nhưng sao thì có man vô vàn thế kia, ngôi sao nào cũng nhấp nha nhấp nháy đều lượt, biết nhìn vào ngôi nào mà tìm? - Cụ Sộp cười: “-Hòn đá biết nói cho cái tai biết nghe cháu ạ. Bầu trời đêm với hàng triệu ngôi sao cũng giống như cuốn sách chi chít những chữ đối với người. Người biết chữ nhìn vào sách sẽ đọc được đủ điều nghĩa lý, chuyện lạ, việc hay. Người không biết chữ nhìn vào chẳng khác gì nhìn mặt bùn đáy ao. Cháu ạ, mọi việc trên đời, cả những cái dễ nhất mà muốn hiểu biết cho thấu đáo cũng đều phải khổ công học hỏi. Từ chuyện sao trên trời, đến chuyện ngọn rong, chuyện cỏ, là dễ à? Cháu thử kể cho ông nghe xem đáy nước có bao nhiêu giống rong, bên bờ nước có bao nhiêu loại cỏ nào? Đây là chưa kể đến những cái khó hơn, như tiếng nói, tập tục, những bài hát, điệu múa... của mỗi giống cỏ, loại rong.”
Rồi cụ giảng cho chú nghe, sao trên trời cũng có tên gọi như cá, như các giống cỏ, rong... Sao Hôm, Sao Mai, Sao Hỏa, Sao Mộc, Sao Tua Rua, Sao Thần Nông, Sao Hiệp Sỹ, Sao Bò Cạp, Sao Nùng Cày, Sao Thiên Vương, Đại hùng tinh, Tiểu hùng tinh... Ngôi nào, chòm nào, nằm ở góc trời nào, giờ nào mọc, giờ nào lặn, mùa nào có, mùa nào không... Muốn nhìn sao để tìm phương hướng nhất nhất đều phải biết rõ, nghe cụ Sộp giảng giải về rong, cỏ, sao trời, Lóc hoa lúc đó mới cảm thấy mình dốt nát hết chỗ nói. Chú định bụng sẽ bớt rong chơi, thường xuyên đến xin cụ dạy cho cách nhìn sao để tìm phương hướng. Nhưng rồi chú cứ lần lữa tự hẹn rày, hẹn mai. Chú quá quen lang thang, cứ nghĩ đến học là ngại “Giá mình chịu khó học từ ngày ấy thì đâu đến nỗi bây giờ phải mù tịt nằm kẹt cứng ở đây”. Chú nghĩ vậy là lòng cồn lên vì hối tiếc. Nhưng có hối cũng đã muộn mất rồi. Có lẽ chỉ chốc nữa là trời sáng. Tụi Bói cá sẽ đổ xô đi tìm mình. Mất con cá nhốt trong thùng khác chi mất miếng ăn kề tận miệng. Giả dụ chúng không tìm thấy, thì phơi nắng một ngày mai là mình sẽ chết khô ở đây. Kiến sẽ lũ lĩ kéo đến kìn kìn tha thịt mình đi. Một vài ngày sau, mình cỏ còn lại bộ xương trắng hếu... Những ý nghĩ cay đắng đó bỗng làm bùng lên trong lòng chú một nỗi tức giận sôi sục - Không! Chú thầm kêu mình không thể chết vô ích, khốn khổ như vậy được. Nếu mình chịu xuôi vây nằm đợi chết ở đây thì lấy ai báo cho bà con dân ao biết đến ngày rằm, bọn chúng sẽ giết tất cả bằng hai trái mìn điện! Thu hết bao nhiêu hơi sức còn lại, chú lại càn lên, cố vượt thoát ra ngoài những lớp rào kẽm gai. Gai thép rỉ tua tủa cào xé chú từ đầu đến đuôi. Vẩy rụng từng mảng. Vây lưng, vây bơi chèo, đuôi bị xé rách tướp như rễ bèo. Gai thép chọc vào mép, ngoắc vào mang, quào vào mắt. Cựa phía nào gai đâm phía ấy. Cũng may gai thép không có ngạnh như lưỡi câu nên chú mới có thể vùng ra mà trườn lên. Khắp thân mình chú rướm máu. Đau đớn và kiệt sức, chú nằm im thở dốc và đột ngột ngất xỉu... Một làn nước nhẹ mơn man vỗ quanh mình chú. Làn nước bỗng nóng dần lên rồi sôi bỏng như muốn luộc chín da thịt. Chú quẫy mạnh cố nhảy thoát ra khỏi làn nước và bừng tỉnh cơn ác mộng.
“Đến ngày rằm... loại mìn điện hai mươi cân...” Câu nói ghê rợn này lại rành rọt vang lên bên tai chú. Nó như một sức mạnh kỳ dị lôi kéo chú lóc lên phía trước. Cuối cùng chú đã chui ra khỏi những lớp rào kẽm gai. Chú lóc vào một đám cỏ rậm trước mặt. Lá có ướt sương quật lên mình chú, chú rùng mình, Một cảm giá dễ chịu lan khắp cơ thể. Như có ai dấp nước mát lên làn da khô cháy, bọc trong lớp áo bụi và rát bỏng nhưng vết thương. Chú nằm im một lúc và thấy sức dần dần hồi lại.
Rích, rích, rích! Chú giật mình chưa kịp hiểu tiếng kêu của loài thú gì, đã thấy xông đến trước mặt những con vật bốn chân lông như lông rái cá, mõm nhọn, đuôi dài, mắt tròn xoe, thao láo. Chúng dừng lại cách chú một tầm nhảy chúng kêu rích rích, trừng mắt nhìn chú hăm dọa, và nhe hết răng ra. Răng chúng nhọn hoắt, dày khít khịt và trắng lóa, trông còn dữ dằn hơn cả hàm răng bác Sộp chột nổi tiếng hung dữ của của Ao Cây Sung.
Nhìn cái mõm, cặp mắt, hàm răng. Lóc hoa hiểu ngay rằng chúng sắp nhảy chồm lên mình xé xác mình trong khoảnh khắc. Chúng còn chần chừ vì chưa trông thấy mình bao giờ, liệu có phải là một địch thù đáng sợ không?
Chú gầm lên trong cổ họng:
- Tao sứt đầu, toạc mang, tróc vẩy, trầy vi, rách tan nát hết cả vây lẫn đuôi mới thoát ra được đến đây. Bây giờ lại để cho chúng mày xé xác tao ăn thịt à? - Trong cơn tức giận, Lóc hoa trở lên hung dữ, quyết liệt. Chú đập mạnh đuôi tung cao mình như lúc phóng lên đớp mồi. Cái thân hình rách nát của chú rơi thẳng xuống trúng mõm một con thú có vẻ hung hăng to lớn nhất. Trước cú tấn công bất ngờ của Lóc hoa, đàn chuột kêu rích rích và bỏ chạy toán loạn - À, thì ra chúng mày cũng chẳng đáng sợ như tao tưởng! Chú khinh bỉ nhìn theo - Nhưng bây giờ mình phải lóc gấp ra khỏi đây đề phòng chúng có thể quay trở lại.
Chú ngọ nguậy hồi lâu trong đám cỏ nhưng không biết nên chọn hướng nào để càn đi. Bỗng một làn gió mát lạnh từ xa lướt tới, rì rào trên ngọn cỏ. Với khứu giác nhạy bén lạ lùng của loài cá. Lóc hoa ngửi thấy phảng phất trong gió có mùi vị quen thuộc của ao quê, Đó là mùi nước đọng, mùi bùn, mùi rong, mùi những thân cỏ bị gãy dập, mùi hoa bèo tím nhạt, mỏng manh, chú thấy lòng bồi hồi không tả. Đúng rồi, đúng là Ao Cây Sung ở phía đầu ngọn gió. Chú tưởng như ao quê biết chú mắc nạn ở đây, đã gửi gió mang đến cho chú những mùi vị của mình, dẫn lối cho chú lóc về. Lóc hoa quay mình, đón làn gió mát lạnh, đi ngược về phía gió thổi. Càng tiến lên chú càng ngửi thấy mùi ao quê đậm đà hơn.
Chân trời phía đông ửng hồng. Lóc hoa đã lóc đến mấp mé bờ ao. Nhìn thấy mặt nước màu rêu, lăn tăn gợn sóng, mắt chú bỗng hoa lên. Bầu trời sáng hồng dưới đáy ao quay lộn trước mắt chú. Mặt nước như nở nụ cười xanh mát, dang rộng âu yếm chờ đón chú. Thu hết chút hơi sức còn lại Lóc hoa quẫy đuôi lao đầu xuống ao, Nhưng sức đuối quá, chú không vượt khỏi rìa cỏ nước. Chú rơi xuống một bè cỏ nổi lềnh bềnh gần sát bờ, chú cố quẫy để tụt xuống nước nhưng cũng vừa lúc ấy chú ngất đi...
sáng hôm đó, như thường lệ, mặt ao vừa ửng hồng, Rô nhọ rời khỏi đám rong đuôi chó mà chú dựa lưng ngủ trong đêm. Chú bơi lượn quanh rìa ao còn mát lạnh hơi đêm, Póc! Póc! Póc! Chú vừa đớp mồi vừa nghịch ngợm quay trong trong nước như quả bóng. Nhờ thân mình được bọc trong lớp vẩy cứng như áo giáp với những hàng vây lưng lởm chởm gai nhọn. Rô nhọ coi khinh tất cả các loài thú dữ như rắn cạp nong, rắn nước, rắn mòng, thường nằm phục trong các đám cỏ rậm quanh bờ, rình bắt cá vào giờ này. Thấy chú bơi lượn qua, chúng đều ngoảnh mặt làm ngơ. Đớp phải chú coi như mất mạng. Cách đây mấy hôm, một con cạp nong lớn tham ăn, đớp liều một chú rô don, rô don giương hết vây lưng lên, cạp nong bị hóc ngang cuống họng. Khạc không ra, nuốt không vào. Chỉ một ngày đêm, cạp nong khoanh mình vào một búi cỏ lồng mà chết. Miệng rắn há hoác, trong cổ họng vẫn mắc kẹt chú rô don.
Nhác trông thấy một con châu chấu ma đậu giữa sống lá cỏ đung đưa, Rô nhọ nhảy lên đớp nhưng không trúng. Nó đậu cao quá, chính nhờ cái nhảy bắt mồi hụt ấy mà Rô nhọ nhìn thấy Lóc hoa nằm phơi mình trên bè cỏ nước cách đó không xa “-Ai thế nhỉ? Hình như đã chết rồi hay sao ấy”... - Rô nhọ tự hỏi và vừa bơi vừa nhảy như ném thia lia trên mặt nước đến chỗ Lóc hoa nằm, Chỉ sau một đêm mà Lóc hoa khác lạ hẳn đi, trông còn chẳng ra hình dạng gì nữa. Suốt từ đầu đến đuôi vẩy tróc từng mảng lớn nham nhở như vừa bị dao đánh dối. Trên làn da bị tróc vẩy, nhiều vết cắt sâu hoắm. Đuôi, vây lưng, mang trắng nhợt. Vừa thoáng nhìn, Rô nhọ đã sợ hãi la to:
- Úi, bạn Lóc hoa! - như không còn tin vào mắt mình nữa, chú rạch ngược lên bè cỏ, nhìn sát tận mắt - Đúng là Lóc hoa, Lóc hoa vượt được thùng nhốt trở về rồi bà con ơi! - Chú vui mừng la to. Nhưng lúc này không có bà con nào bơi lượn gần đó. Chú nhìn kỹ vào mang bạn, thấy mang phập phồng nhè nhẹ.
- Còn sống! Còn sống! - Chú reo - Lóc hoa! Lóc hoa! Rô nhọ đây, bạn tỉnh lại đi! - Chú ghé sát mang bạn gọi giật liên hồi nhưng Lóc hoa vẫn nằm thẳng đơ, bất động.
- Lóc hoa! Lóc hoa! Bạn làm sao thế! Lóc hoa!
Những tiếng sau chú bật lên nghẹn ngào thành tiếng khóc.
Phải bơi gọi ngay bà con đến đưa Lóc hoa ra khỏi chỗ mắc cạn, Để chậm thì nguy mất! Rô nhọ tự nhủ vậy là định rạch xuống nước. Nhưng vừa dương nắp mang lên chưa kịp rạch, chú nhìn thấy một tên Bói cá rằn ri, vai vác cần, tay xách thùng nhốt, đang đi đến gần bờ ao. Rô nhọ kinh hoàng lo sợ thay cho bạn: hắn ta sẽ nhìn thấy Lóc hoa mất! Nằm phơi ra trên cỏ thế này họa có mù mới không nhìn thấy! Bơi đi gọi bà con tới cứu không kịp nữa rồi. Kìa, nó đang cúi lom khom nhìn xuống đất, bước đi mỗi lúc một đến gần bờ ao hơn. Trong cái giây phút nguy nan ấy, Rô nhọ quên hết sợ hãi. Chú quyết liều thân cứu bạn. Nếu không cứu được thì cũng chết với bạn! Chú nghĩ vậy và rạch chui xuống dưới lưng Lóc hoa, cố dùng sức đẩy bạn xuống nước. Lóc hoa lớn xác và nặng gấp mười lần Rô nhọ. Chú chống đầu và đuôi xuống bè cỏ uốn mình cong veo như mảnh trăng thượng tuần, cố sức nâng mình bạn lên đẩy đi. Chú có cảm giác bong bóng mình sắp nổ kêu đánh tít vì gắng quá sức. Nhưng Lóc hoa không chút lay chuyển. Chú phát khóc vì sự yếu ớt của mình, Biết dù có cố gắng sức thêm nữa cũng vô ích, chú rạch chui lên. Chú trườn nằm ngang lên mình bạn để xem xét. Chú nhận thấy mình không đẩy nổi bạn, một phần vì đầu bạn nằm lên mấy thân cỏ - lồng. Cần phải đẩy những thân cỏ lồng này cho đầu Lóc hoa chúc xuống, Rô nhọ nghĩ vậy và rạch đến phía đầu bạn. Chú dùng đầu, lưng, vây húc như điên vào những thân cỏ. Xạc! Xạch! Xạch! Xạch! Chú vùng quẫy trong đám cỏ với sức mạnh hung dữ liều lĩnh của con cá bị mắc vô lưới cố vùng quẫy để thoát khỏi lưới.
Tên Bói cá rằn ri đã đến sát bên bờ ao. Tiếng động vùng quẫy của Rô nhọ làm hắn chú ý nhìn xuống bè cỏ nước. Hắn la lên mừng rõ:
- A con lóc bông! Đúng con lóc bông nhảy khỏi thùng nhốt đêm qua! Trời đất! Làm sao hắn càn được từ trong đồn ra thấu đây, thánh thật! - Hắn bỗng phá lên cười ha hả: - Nhưng mày tận số rồi con ơi! Số đã chết thì con có thoát đằng trời!
Hắn quăng cần câu và cái thùng sắt nhốt cá xuống đất, xắn cao quần lội xuống nước. Cũng vừa lúc đó, Rô nhọ húc bật tung hết những thân cỏ Lóc hoa ghếch đầu. Đầu Lóc hoa từ từ chúc xuống nước, hắn hớt hải với tay chụp. Nhưng Rô nhọ còn nhanh hơn hắn, nhảy phóng xuống nước, miệng cắn vào cái vây bơi chèo của bạn, và kéo tuột bạn khỏi bè cỏ nước. Bàn tay hắn chỉ kịp chạm vào cái đuôi rách bươm, Lóc hoa đã mất hút trong làn nước xanh rêu, rong mọc san sát.
Xong, Rô nhọ ngậm vây bạn kéo tuột xuống đáy ao, chui sâu vào rừng rong. Cứ thế, chú gắng hết sức dìu bạn từng chặng một, len lỏi giữa rừng rong. Lóc hoa vẫn mê man bất tỉnh, thân mình thẳng cứng như gốc cây. Khi chắc chắn không còn nguy hiểm nữa, Rô nhọ đặt bạn nằm đấy, bơi phóng đi gọi bà con đến giúp sức. Chỉ một loáng, nhiều bà con đổ xô đến. Họ xúm vào đỡ đầu, đỡ bụng, đỡ đuôi, đỡ vây, đưa Lóc hoa đến một đám rễ bèo trải sát mặt bùn, sẫm bóng gốc sung già.
Hơi mát lạnh của rễ bèo và mùi bùn của ao quê làm Lóc hoa dần dần hồi tỉnh. Chú cựa mình rên rỉ nhưng hai mắt vẫn nhắm nghiền. Bà con mừng rỡ sục bùn sủi tăm lay gọi chú. Mấy cụ cá nghề thuốc gia truyền bơi đi tìm rễ rong, rễ cỏ dấu nhai dập phun lên khắp thân hình chú. Rô nhọ, Chép còm, Chày mắt đỏ, Ngão, Vền thay phiên nhau nổi lên mặt ao hớp không khí, ngậm chặt, rồi đưa xuống hà hơi cho Lóc hoa thở.
Nhưng đã hơn một ngày một đêm Lóc hoa vẫn trong tình trạng hôn mê. Trong lúc mê sảng chú cứ nhắc đi nhắc lại những tiếng lạ lùng: “Ngày rằm... Mìn điện hai mươi cân... Chết hết...”
Chú bật kêu thét “Trốn mau! Trốn mau!” Những tiếng mê sảng ấy có nghĩa gì! Bà con đoán là chú mang những tiếng ấy từ hang ổ tụi Bói cá rằn ri. Tuy không hiểu nhưng họ đều có linh cảm là nó báo trước một tai họa vô cùng khủng khiếp sắp ụp xuống Ao Cây Sung. Do đó, họ càng nóng lòng nóng ruột mong chờ chú tỉnh lại, Nhưng liệu chú có qua khỏi được không?
Nhờ việc Lóc hoa thoát chết mà Chép còm và Chày đã gặp mặt được gần đầy đủ mặt bà con dân ao. Suốt từ sáng đến lúc mặt ao tối mịt, hết tốp cá này đến toán cua, ốc khác kéo đến thăm hỏi, mang quà, thức ăn, thuốc dấu đến cho chú. Chép còm, Chày, Rô nhọ suốt ngày đêm túc trực săn sóc bạn gặp bà con nào Chép còm cũng nói chuyện về dòng sông lớn và dự định mời bà con cùng nhau hợp sức tìm kế thoát khỏi ao, rồi cùng bơi đến dòng sông diệu kỳ ấy. Nhưng hầu hết chẳng ai nghe chú. Nhất là các bác cá già, họ bảo chú là “trứng đòi khôn hơn cá” và cái chuyện dòng sông lớn là chuyện tầm phào, viển vông. Có bác còn chế diễu chú như kiểu người lớn chế diễu những ước mơ ngây ngô của trẻ em:
- À, tưởng gì chứ cái dòng sông lớn mà cháu nói đó bác biết tỏng tòng tong từ lâu rồi cháu ơi! Nó là cái chảo đầy mỡ, vung đậy kín, bắc trên bếp lửa cháy rừng rực.
Chép còm khổ sở vì bị chế diễu nhưng vẫn kiên nhẫn nói:
- Chính cụ Nheo mù kể với chúng cháu về dòng sông lớn, và hồi trai trẻ cụ cũng từng vượt ao ra đi...
Bác Chắm cỏ cười nhạo:
- Ối dà, tưởng ai chứ cụ Nheo mù thì nói mà làm gì! Cụ ấy là nhà thơ mà!
- Nhưng nhà thơ thì làm sao kia ạ?
- Cháu không hiểu à? Các nhà thơ họ có thể nghĩ ra đủ mọi chuyện viển vông hoang đường, rồi sau đó chính họ lại tin những chuyện mình bịa tạc ra là có thật. Thế mới chết!
Một bác Diếc sứt mép phụ họa theo:
- Đúng đấy, đúng đấy! Hồi tôi mới bằng cái lá chanh, tôi có nghe một bài thơ kể chuyện cái cây gì đó, đại khái như cây sung ao ta đây này, mà tán cây to đến nỗi “Ngựa phi trăm năm không ra ngoài bóng mát” thế mà có ngày đó tôi cũng ngốc nghếch tin là có thật!
Những lời diễu cợt và thái độ không tin tưởng của phần đông bà con dân ao về chuyện dòng sông lớn làm cho Chày không khỏi nao núng hoang mang. Cô buồn rầu nói với Chép còm:
- Hay lời cụ Nheo mù có lý... Việc bơi đến dòng sông lớn vượt quá sức loài cá chúng ta.
Chép còm nói:
- Chúng mình còn ít tuổi mà công chuyện theo đuổi lại quá lớn, các bác các cụ làm sao có thể tin ngay được? Theo mình trước tiên chúng mình phải tìm đến các bạn cùng tuổi, nói chuyện lôi kéo họ. Khi các bạn đã theo mình đã khá đông sẽ tìm đến những anh chị lớn tuổi hơn. Sau đó chúng ta sẽ xúm lại thuyết phục các cụ, chắc các cụ sẽ nghe ra.
Nghe theo lời khuyên của Chép còm, chiều hôm đó Chày đã kết thân được với một bạn gái là Cua yếm nâu. Hai cô trước đây là hàng xóm láng giềng, ở cách nhau chỉ một lùm rong đuôi chó. Cả hai cùng trạc tuổi, biết tên biết mặt nhau nhưng không mấy khi bắt chuyện nhau. Tuy vậy cả hai vẫn thường để mắt ngầm nhận xét nhau. Cua yếm nâu cho Chày tính nết lông bông, chỉ biết rong chơi, bơi lượn, làm dỏm làm dáng, lại kiêu. Con gái mà sống tạm bợ, chẳng có hang cũng chẳng có ngách. (Chày vốn sống trong một lùm rong liễu, rẽ rong chui vào giữa dựa lưng, chẳng hề mất công sửa sang, đào khoét). Chày thì cho Cua yếm nâu con gái mà tính nết như bà cụ, căn cơ quá mức. Lúc nào cũng chỉ thấy áp bụng sát bùn bò tám chân mà đào hang bới ngạch. Thân hình thì lôi thôi lếch thếch, chẳng chịu sửa sang trau chuốt. Từ lưng đến yếm không mấy khi không dính bùn, dính rêu...
Cua yếm nâu quả cũng có như vậy, một phần do tính nết nhưng cũng một phần do cảnh nhà cô quá vất vả, neo đơn. Gia đình cô chỉ có hai mẹ con. Mẹ cô là bà Cua yếm đen bị lòa cả hai mắt lại rụng mất bốn chân và một càng nên không thể tự bò đi kiếm mồi được. Từ ngày mới lột vỏ, Cua yếm nâu đã phải tần tảo kiếm mồi nuôi mẹ. Đào hang đào ngạch cho mẹ nằm, đỡ chân nâng càng lúc mẹ cần lết ra khỏi hang. Cô phụng dưỡng, nâng giấc mẹ từng li từng tí. Lòng hiếu thảo của cô được bà con dân ao lấy làm gương để dạy dỗ con cháu.
Lần này vì mục đích lớn lao đang theo đuổi, Chày tự tìm đến với Cua yếm nâu. Vượt qua được cái phút ngượng ngập ban đầu, chỉ chốc lát hai cô đã dựa càng kề vây chuyện trò cởi mở. Và cả hai đều hối hận tại sao không kết thành bạn thân sớm hơn. Hai cô tít tít tranh nhau nhận lỗi:
- Lỗi tại mình cả...
- Không phải lỗi tại bạn. Chính mình mới thật có lỗi... Lòng dạ mình chật hẹp, hay thành kiến lại hay xét nét. Tính nết mình thật khó thương... - Cua đưa càng cắp nhẹ vào vây Chày cặp mắt đen nhanh nhánh như hạt huyền nhìn bạn vừa dịu dàng vừa âu yếm:
Càng trò chuyện, Chày càng nhận ra, ẩn giấu trong cái mai cục mịch của bạn là cả một tấm lòng sôi sục can đảm.
- Nhiều đêm mình không sao chợp mắt, trằn trọc cho tới sáng, lòng nung nấu nhiều dự tính liều lĩnh... Mình muốn đào một con đường xuyên qua bờ ao, rồi mời bà con theo con đường ngầm thoát ra ngoài... và mình đã bắt đầu đào con đường ngầm đó...
- Bạn đã đào thật à? - Chày hỏi lại mắt tròn xoe nhìn bạn.
- Ừ... - Vẫn với giọng đều đều giản dị, - Cua yếm nâu kể tiếp - hễ rỗi ra được phút nào là mình lại đào ngày đào đêm, cứ hì hục một mình, giấu không cho ai biết. Mình đã đào mất bao nhiêu lâu, mình không nhớ nữa. Chỉ biết là con đường ngầm gần sắp xuyên bờ. Bờ bên trong mình nghe rõ tiếng nước xôn xao vỗ ì oạp bên ngoài. Nhưng rồi mình đã bỏ dở không đào tiếp nữa. Có mấy đứa bạn tình cờ biết việc mình làm xúm lại trêu chọc. “Dã tràng xe cát bể Đông, nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì...”.
- Dã tràng là ai thế?
- Ờ, đằng ấy chưa biết anh Dã Tràng nhỉ? Cùng họ nhà cua chúng mình đấy, nhưng quen sống trên bờ biển, trong cát mặn. Nếu muôn loài trên trái đất cần dựng một cái đài kỷ niệm chung để biểu dương sức mạnh của ý chí và lòng tin, sức mạnh của tinh thần táo bạo, cả gan thì theo mình nên dựng tượng anh Dã Tràng. Tổ tiên của anh ấy vô ý đánh rơi viên ngọc quý xuống biển Đông. Anh ấy quyết định phải lấp cạn biển Đông để mò tìm viên ngọc. Anh ấy dùng đôi càng xe cát ướt thành viên để lấp biển. Anh ấy chất cát viên thành đống lớn đống nhỏ trên khắp bãi biển. Biển Đông giận dữ trước ý đồ táo bạo của anh xô sóng vào bờ quật tan tành hết những đống cát viên chưa kịp lấp biển. Nhưng biển quật tan đống này anh lại xe tiếp đống khác. Và cứ như thế, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, anh ấy vẫn gan góc đọ sức với biển, tiếp tục theo đuổi mục đích của mình, không một thoáng mảy may ngã lòng thối chí.
- Nhưng biển Đông thì to bằng ngần nào?
- Đằng ấy đoán thử xem!
- Chẳng phải gần bằng cái ao của chúng mình ấy nhỉ?
Cua yếm nâu cười:
- Chỉ có trời mới sánh được với biển mà thôi.
- Thế thì anh Dã Tràng phải to đến bằng ngần nào.
Chày hỏi, giọng sửng sốt:
- Có to bằng tán cây sung không?
- Anh ấy còn bé hơn cả mình!
Chày quạt vây lắc đầu nói:
- Ôi, mình cứ tưởng đâu như là chuyện do các nhà thơ tưởng tượng ra ấy!
- Đằng ấy không biết sao, tất cả những điều kỳ diệu lạ lùng nhất mà các nhà thơ tưởng tượng ra cũng đều bắt nguồn từ chuyện có thật.
Vui chuyện, Cua yếm nâu dẫn bạn đi xem con đường đào dở dang của mình. Bò quanh quất một lúc, Cua yếm nâu dắt bạn đến trước một búi cỏ, nước rậm rì mọc bám vào bờ ao. Miệng hang ngầm hun hút hiện ra. Cô trỏ cửa hang và nói:
- Đào ở tầm này vừa kín đáo, mà nếu mực nước có rút cạn bà con vẫn có thể thoát ra được. Đằng ấy có muốn chui vào xem qua tý cho biết không?
Thấy cửa hang sâu và tối quá, Chày có ý ngại. Với bản năng cổ truyền của loài cá, tất cả những dáng vật có hình tròn, sâu, và tối bao giờ cũng gợi lên trong lòng họ mối nghi ngại kinh hãi. Nó làm cho họ liên tưởng tới những cạm bẫy khủng khiếp như lờ, giỏ đó...
Cua yếm nâu hiểu ý bạn liền bò lên và chui vào hang trước. Chày cố lấn lướt nỗi sợ hãi chui theo bạn. Đường hầm tối đen, lóc óc nước và hình như càng vào sâu càng hẹp dần. Mỗi lần Chày quạt vây để trườn tới, vây bơi chèo chạm phải vách đất cứng cáp. Con đường như xuyên mãi, xuyên mãi, không cùng không tận. Ba bốn lần Chày hỏi:
- Sắp đến cùng đường chưa đấy?
- Chưa, chưa, bạn cứ gắng trườn tới đi. Mình đào rất cẩn thận nên đường ngầm còn vững chắc lắm, không sập đâu mà sợ!
Chao, thật khó mà tin được đây là công trình của chỉ có một cô gái bé nhỏ như Cua yếm nâu. Nếu không biết rõ ai cũng phải tưởng đây là công trình của một người khổng lồ! Chày nghĩ vậy. Lúc chui ra khỏi đường ngầm, Chày nhìn bạn không chớp mắt. Cô bỗng thấy bạn như khác lạ hẳn đi, đẹp đẽ và to lớn khác thường. Và đứng bên cạnh bạn, cô cảm thấy mình thật nhỏ bé, thật tầm thường. Cô buột miệng kêu lên:
- Mình thật không ngờ! Mình không hiểu cậu lấy đâu sức mà đào nổi một con đường ngầm như thế! Đằng ấy thật xứng đáng là họ hàng của anh Dã Tràng.
Trước lời ngợi khen chân thành và nồng nhiệt của bạn Cua có vẻ ngượng ngịu, Cô vòng càng ôm ngang lưng bạn thủ thỉ nói:
- Từ đây chúng mình sẽ mãi là ruột thịt của nhau nhé!
- Ừ, nhất định thế. Mãi mãi sẽ là ruột thịt của nhau. Cho đến chết!
Chày nói với bạn về dự định của mình với Chép còm rồi hỏi:
- Đằng ấy có thể cùng với chúng mình chung sức mưu việc đó không?
Cua iếm nâu chống càng xuống bùn, nghĩ ngợi hồi lâu, rồi giọng buồn buồn:
- Mình hiện còn mẹ già tàn tật, không thể bỏ mẹ ở lại để theo các bạn được. Nhưng nếu các bạn cần đến mình một việc gì đó mà sức mình có thể đảm đương được thì mình xin hứa sẽ không tiếc thân cho dù rụng hết chân, gãy hết càng.
Trước một lời hứa như vậy. Chày thấy rằng không còn gì đáng phải nói thêm.
Cũng trong lúc đó ở một góc ao khác, Chép còm bơi sát bùn vừa sủi tăm khói vừa băn khoăn suy nghĩ: Trước tiên mình nên chọn bạn nào đây để cùng mưu việc khó khăn này? Liệu có nhiều bạn cùng có mong ước như mình không? Chú chợt ngoáy mạnh vây bơi chèo, hãm bớt đà bơi lại. Ngay trước mặt chú có đám đánh nhau to. Đánh đánh lộn làm nước xao động mạnh và bùn cuộn lên đục ngầu. Chú thận trọng bơi nhích lên để nhìn cho rõ. Giữa đám bùn nước đục ngầu hai bạn Trê và Bò, cùng trạc tuổi chú đang đánh nhau chí mạng. Con nhà võ đánh nhau có khác! Chú thầm nghĩ vậy và trong lòng không khỏi thán phục sức khỏe và võ nghệ của cả hai.
Bò và Trê được bà con dân ao mệnh danh là những dũng sỹ của đáy nước. Cả hai cùng chuyên sống sát bùn, thuộc họ cá không vây, còn gọi là cá đen.
Bò thân hình thuôn dài như mũi giáo búp đa, ngực nỏ, miệng rộng, hàm khỏe, xương đầu rắn như sắt, hai mép có bốn sợi râu. Da bò trơn nhẫy, nhiều nhớt, đầu, lưng, và đuôi màu vàng hươm, ngực và bụng màu trắng ngà điểm những đốm xanh đen. Trên sống lưng Bò có một ngạnh dài, nhọn hoắt, lởm chởm răng cưa. Hai bên vây có hai ngạnh ngắn hơn như nhọn sắc không kém. Cái đầu ngạnh đều tẩm chất độc gia truyền, đâm phải ai, vết thương nhức buốt thấu xương. Ba cái ngạnh này là vũ khí đặc biệt lợi hại của Bò làm cho hầu hết trai tráng trong ao, dù to xác đến gấp năm gấp bảy chú, cũng phải e dè kiêng sợ.
Bò tính tình nóng nảy ngỗ ngược, thích gây lộn đánh nhau và rất phàm ăn. Chú có thể nuốt chửng trong nháy mắt một con trùn đất bằng cái xe điếu.
Trê thân dài hơn Bò, mình tròn lẳn, đuôi bẹt, mềm ại như thân rắn. Da Trê cũng có rất nhiều nhớt, màu vàng sẫm, anh ánh xanh đen. Đầu trê rắn và bẹt như lưỡi xẻng, cặp mắt ti hí nhỏ như hai hạt vừng đen, mép có hai sợi râu tròn mập. Trên có hai ngạnh nằm bên hai vây, không nhọn sắc bằng ngạnh Bò nhưng rộng bản và khỏe hơn. Nếu ví ngạnh Bò là gươm dài thì ngạnh Trê là mã tấu. Đầu ngạnh cũng tẩm chất độc gia truyền, có khi còn độc hơn chất độc tẩm ngạnh Bò, Trê nổi tiếng trong ao gốc sung về sức chịu đựng dẻo dai “Phơi mười lăm nắng nắng không chết” như bà con dân ao thường kháo nhau. Một lần qua ham mồi, Trê trườn lên một quãng dốc ao trơn, bị sa vào một hồ bùn đặc quánh. Chú không sao trườn thoát ra khỏi hố vì thành hố dựng đứng. Chú đành phải rúc sâu xuống đáy bùn ẩn trốn. Dạo đó trời nắng hạn ghê gớm, bùn dưới đáy hồ khô dần rồi rạn nẻ chân chim. Chú đã phải nằm trong đáy hố suốt mười ngày trời không ăn, không uống, da khô cong nhăn nheo như quả trám phơi nắng. Bà con ai cũng đoán chắc chú chết rồi. Không ngờ sau một trận mưa to, chú lại càn được về ao khỏe mạnh như thường. Bà con hỏi chú, chú nói: “Cũng có hơi choáng váng một tý”. Trê tính tình lười nhác, sống chỉ biết có mình, chẳng quan tâm đến ai. Câu đầu miệng của chú là: “Ối dà, ai có phận nấy. Một cái đuôi không che nổi mặt trời.”.
Chú sống chui rúc trong hang sâu tối tăm, ban ngày ít khi ra ngoài. Chỉ đến lúc trời nhập nhoạng chú mới chui ra khỏi hang bơi men theo bờ ao kiếm ăn. Chú rất ham những thức ăn tanh thối. Sau khi đã chén thật đầy bụng, chú lại chui vào hang, đánh một giấc thẳng đuôi, cho đến lúc ngót bụng mới thức dậy.
Lúc này Bò và Trê đang mải lao vào cuộc ẩu đả, chẳng còn hay biết gì đến trời đất. Cả hai bơi lùi lại thủ thế, mặt gằm gằm nhìn nhau. Vây ngạnh đều giương thẳng, hàm nghiến trèo trẹo, râu rung bần bật. Rồi vụt một cái cả hai lao thẳng vào nhau, luồn dưới, trườn trên, đuôi quật phải, trái, ngạnh đâm trái, gạt, đỡ, chém, nhiều miếng rất ác hiểm. Vừa đâm chém cả hai vừa gầm gừ, trê kêu ẹc ẹc, Bò kêu ọ ọ! Bùn sục lên quay lộn múa tít, phủ kín cả hai như một màn khói dày đặc. Chép còm nhìn mà sởn hết vẩy, dựng hết vây lưng, lo sợ thay cho cả hai. Chú muốn xông vào can nhưng không dám. Nhỡ một trong năm cái ngạnh kia mà đâm phải thì rồi đời chú thầm nghĩ vậy và chợt nảy ra một mẹo. Chú bất thần la lớn, giọng khiếp đảm.
- Tụi Bói cá đến bà con ơi!
Quả nhiên Trê và bò liền buông nhau ra, xếp ngạnh, cụp vây, bơi phóng đi mỗi chú một ngả. Bò rúc đầu vào rễ một đám cỏ dừa, nằm im không động cựa. Trê chui tọt vào hang cạnh đó, đuôi run lẩy bẩy như lúc nằm trên thớt.
Chép còm thấy vậy phá lên cười ngặt nghẽo. Nghe tiếng cười Bò quay đầu lại. Trê chui ra khỏi hang, ngơ ngác hỏi:
- Ai cười đấy? Nghe kêu có tụi bói cá kia mà?
Chép còm liền bơi lại gần, nói giọng châm chọc:
- Tôi là Chép còm đây. Tụi Bói cá rằn ri thấy hai bạn cụp râu xếp ngạnh trốn chui trốn nhủi nên đã sợ hãi tháo lui cả rồi.
Trê và Bò nổi sung, cùng nhào đến trước mặt Chép còm. Cả hai trương ngạnh bạnh hàm, nghiến răng trèo trẹo nhìn Chép còm, quát to:
- Mày đánh lừa chúng tao phải không?
- Ai cho phép mày được diễu cợt chúng tao?
- Mày muốn tao lấy rỉ mắt bằng ngạnh có răng cưa chắc?
- Mày thích tao gãi cổ họng mày bằng mũi ngạnh tẩm chất độc phải không?
Chép còm chẳng tỏ vẻ gì hoảng sợ, cười tủm nói:
- Một thằng yếu ớt như Chép còm tôi không có lấy một tấc vũ khí phòng thân mà được chết dưới năm lưỡi dao tẩm thuốc độc của hai dũng sỹ lừng danh Ao Cây Sung thì cũng vinh dự lắm.
Vẻ mặt và giọng nói của Chép còm, tự nhiên làm cho cả hai từ từ cụp ngạnh lại, rêu mép ngọ nguậy, tỏ vẻ ngượng ngùng.
Bây giờ Chép còm mới thôi vẻ cười cợt, đổi giọng nhũn nhặn:
- Xin lỗi hai bạn, tôi đã lỡ làm cho hai bạn phải bực mình, Thật tình tôi chẳng có ý gì trêu chọc hai bạn. Tôi thấy hai bạn đánh nhau khiếp quá, muốn vào can nhưng không dám. Tôi sợ lỡ mà một trong năm cái ngạnh lợi hại kia của hai bạn đâm phải, thì khó lòng sống được để nhìn cái cảnh chết dần chết mòn của bà con dân ao. Nên buộc lòng tôi phải dùng chút mẹo nhỏ để can hai bạn ra.
Trê và Bò đều trố mắt nhìn Chép còm, vẻ sửng sốt, ngạc nhiên. Thằng này cũng chỉ trạc tuổi mình, sao ăn nói coi bộ đàng hoàng, chững chạc vậy? Cả hai đều nghĩ bụng và đưa mắt nhìn nhau.
Chép còm thân mật hỏi:
- Có chuyện gì xích mích mà hai bạn phải đâm chém nhau như thù hằn thế?
Bò ngọ ngậy, mắt nhìn xuống bùn, trả lời giọng bướng bỉnh:
- Chẳng có chuyện gì hết! Thấy ngứa ngạnh thì tìm thằng có ngạnh đâm chơi!
Đến lượt Chép còm sửng sốt:
- Lạ nhỉ! Bạn thấy ngứa ngạnh thèm đâm sao không đi tìm đâm bụi Bói cá rằn ri mà báo thù rửa hận cho bà con dân ao ta như anh Ngạnh lầm lì hay anh Cua đá có hơn không? Hay bạn chê tụi hắn không có ngạnh như bạn?
Bò cứng hàm không biết trả lời như thế nào đành cúi đầu khe khẽ kêu ọ ọ.
Chép còm quay lại hỏi Trê:
- Còn bạn, sao bạn lại đánh nhau? Chắc bạn cũng thấy ngứa ngạnh muốn tìm thằng có ngạnh đâm chơi?
Trê làu bàu trả lời:
- Ngứa ngạnh ngứa nghiếc gì! Tớ đang đào hang, nó ở đâu đâm sầm tới, chĩa ngạnh ra trước hoa khế tớ mà khoe mẽ ngạnh nó sắc, ngạnh nó nhọn... Tía thằng nào chịu được?
- Bạn đào hang làm gì mà đào chăm thế? Hình như hang cũ của bạn cũng đã khá sâu và an toàn lắm rồi kia mà?
- Đào để lỡ tụi Bói cá rằn ri có giở trò gì lấp mất hang cũ thì còn có chỗ mà chui rúc chứ đào làm gì!
Chép còm nhìn cả hai, lắc đầu nói:
- Tôi nghe bà con dân ao đồn đại hai bạn là những trang dũng sỹ của đáy ao. Theo lời cụ Nheo mù thì dũng sỹ là những ai có trái tim rực lửa nghĩa khí, yêu bà con đồng loại hơn mình, sẵn sàng dùng thanh gươm và sức mạnh của mình trừng trị những kẻ hung ác, bạo ngược, bênh vực những ai yếu ớt, khốn cùng. Họ sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, nếu cần thì có thể xông thẳng vào hom lờ, hom giỏ, hom đó lưỡi câu... để mưu cầu sự sống cho bà con. Còn các bạn thì đâm chém nhau chỉ vì ngứa ngạnh, thấy nguy khốn đến nơi thì đào hang cho kín cho sâu để thoát thân lấy một mình! Tôi thật lấy làm uổng cho hai tiếng dũng sỹ quá!
Bò và Trê nghe Chép còm nói, thấy đau khác nào bị ngạnh đâm vào giữa ruột. Không nín được, Bò kêu ọ ọ, Trê kêu ẹc ẹc!
Bò hậm hực nói:
- Đây cũng đồng ý sống như vậy thì tồi tệ thật. Nhưng muốn trở thành kẻ có ích cho đồng loại như đằng ấy nói thì cũng chẳng còn cách nào hơn được. Dù có liều mạng sống để đâm què cẳng vào tên Bói cá trong cái đám lúc nhúc đang sống trên các hang ổ kia như anh Ngạnh lầm lì liệu phỏng ích gì! Cả cái ao này rồi trước sau cũng bị chúng giết sạch.
Trê phụ họa theo Bò:
- Phải đấy, đúng đấy, ẹc ẹc! Chú thằng Trê này cũng chẳng phải là đứa tham sống sợ chết không biết nghĩ tới bà con.
Chép còm tức bực la lên:
- Không đúng! Tôi nghe cụ Nheo mù nói: Chẳng có ngục tù nào trên đời này lại không có lối thoát, nếu ta có đủ gan, đủ chí tìm lối thoát.
Rồi chú hạ thấp giọng kể cho hai bạn nghe về dòng sông lớn và mơ ước, dự định của mình. Chú ngỏ ý muốn hai bạn cùng với mình chung vây, chung ngạnh mưu toan việc lớn đó. Chú nói:
- Trong chuyến bơi mạo hiểm và chắc chắc là vô cùng gian khổ này, sức khỏe, võ nghệ và những thanh gươm tẩm độc lợi hai của hai bạn sẽ cần thiết cho bà con dân ao biết chừng nào!
Nhưng lời hào hùng nghĩa khí bao giờ cũng gây xúc động lớn trong lòng các trang dũng sỹ. Vì bề ngoài nom họ thật hùng hổ, hung hăng nhưng lòng dạ lại rất mực ngây thơ, thuần phác. Bò bơi đến sát trước mặt Chép còm, vây, ngạnh, vây, đuôi đều rung lên vì cố nén xúc động. Chú nói:
- Nghe cậu nói, mình bỗng thấy vô cùng hổ thẹn cho cuộc sống tồi tệ đã qua. Cậu đã làm cho mình sáng mắt. Từ giờ phút này trở đi mình xin theo cậu. Cậu hãy giao cho mình những việc khó khăn nguy hiểm nhất. Một là mình làm tròn, hai là mình chết!
Chép còm cũng xúc động không kém. Chú chúi đầu hôn vào má bạn nói:
- Chúng mình nhất định sống chết có nhau.
Trê vốn tính lười nhác, thích sống an nhàn với mồi tanh, hang kín, nhưng trong giây phút cảm kích này cũng thấy lòng xốn xang xao xuyến. Chú nói, mặc dầu cũng chưa nghĩ kỹ điều mình nói:
- Mình cũng xin theo cậu, và cậu hãy giao cho mình những công việc thật khó khăn nguy hiểm. Mình sẽ hết sức làm đến nơi đến chốn. Sống cùng sống, chết cùng chết!
Sức sống kỳ diệu của tuổi trẻ và sự chăm sóc tận tình của bà con dân ao đã giúp cho Lóc hoa chiến thắng thần chết.
Sau hai ngày đêm nằm thoi thóp trên đám rễ bèo, Lóc hoa đã qua cơn nguy kịch. Với giọng nói yếu ớt và đứt quãng, chú kể cho bà con và đứt quãng, chú kể cho bà con dân ao nghe những sự việc ghê gớm mà chú vừa trải qua.
Câu chuyện Lóc hoa kể lại chỉ một loáng đã lan truyền khắp mọi ngóc ngách ao. Cả ao liền nhốn nháo hết lên. Tăm họ sủi mặt ao dày như bong bóng trên sân mưa. Họ nháo nhào bơi, chui, rạch... ra khỏi hang, ngách, các đám rễ bèo, lá mục, các búi rong, các bè cỏ nước... Họ tìm đến những chỗ có đám đông tụ tập. Họ muốn dựa vào nhau, san sẻ bớt cho nhau nỗi khiếp đảm trước cái chết không còn hy vọng gì thoát khỏi.
Mấy bà già Dưng, Vền, Diếc, Chắm đen, Sộp từ trước đến nay vẫn xung khắc nhau như lưỡi câu với mép cá, lúc này đã tự tìm đến nhau, dựa vẩy, kề vây, chị chị em em. Bà nào cũng tranh nhau nhận lỗi về mình kém điều ăn ý ở. Không biết chín bỏ làm mười... Thảm hoa diệt vong mà bọn Bói cá rằn ri sắp phóng xuống ao quê đã xóa hết mọi hiềm khích và gắn bó họ lại thành một khối.
Không còn một ai buồn chuyện trò gì khác ngoài những tiếng xôn xao hỏi nhau:
- Rằm là ngày nào?
- Còn mấy bữa nữa thì đến ngày rằm?
- Hôm nay là ngày mấy?
- Nhìn trăng đêm qua thì biết, đúng ngày mồng mười.
- Rằm là lúc mặt trăng rọi xuống ao tròn vành vạnh như mắt cá.
Một chị Diếc dáng bơi nặng nề vì bụng đang có trứng, từ nãy tới giờ vẫn im lặng đưa cặp mắt đỏ nòng nọc nhìn hết bà con này đến bà con khác, bỗng bật lên khóc nghẹn ngào:
- Mồng mười hay rằm thì cũng vậy thôi! - Chị nói qua tiếng khóc tức tưởi. - Trước sau rồi tất cả dân ao cũng bị chúng giết sạch không sót một mống... Đến cả cái trứng cũng không sống sót.
Sự thật ghê rợn mà bà con đều cố tránh không nhắc đến, chị Diếc đột ngột nói ra thành lời, làm cho tất cả rùng mình ớn lạnh.
Nhưng liệu còn cách gì thoát khỏi không? Họ lặng im đau đớn đưa mắt thầm hỏi nhau như vậy. Nhưng không một ai cất tiếng trả lời.
Mặt trời lặn. Màu nước ao xanh sẫm dần như một bình mực được thêm bột mực vào cho đến lúc ngả hẳn sang màu xanh đen. Vừng trăng mồng mười sáng như bạc chuốt treo cao giữa bầu trời quang đãng, in xuống đáy ao một vừng trăng thứ hai, hơi ngả sang màu rong liễu non.
Loài cá vốn yêu trăng, thích đùa giỡn với trăng. Nhưng lúc này tất cả dân ao đều nhìn trăng với cặp mắt khiếp đảm như nhìn một tại họa chết người mà không có cách gì tránh khỏi. Họ biết vừng trăng lung linh đáy ao kia lúc này đang còn lép như bụng cá đói nhưng cứ sau mỗi đêm lại đày dần lên cho đến lúc tròn căng như bụng các chị chép trước khi vật đẻ, thì tất cả sẽ chết. Một cái chết thảm khốc, bong bóng vỡ tan xác nổi lềnh bềnh trắng xóa mặt ao. Họ có cảm giác lúc nào không phải lúc đang bơi giữa hai vừng trăng mà đang nằm giữa lưỡi dao và cái thớt.
Thế là hết. Hết bơi, hết lặn, hết sủi tăm, hết bắt mồi, hết buồn vui, giận dữ... Họ sẽ chết, làm mồi ngon cho bọn Bói cá rằn ri, không còn lưu lại một chút dấu tích trong cuộc đời này. Một cái trứng nhỏ nhất cũng không còn nữa!
Quanh quẩn thế nào mà hầu hết bà con dân lại lại bơi đến tụ tập trước hang cụ Nheo mù. Có lẽ bà con mong đợi ở cụ già từng trải và thông thái này một lời khuyên hoặc một mưu kế gì đó cứu họ khỏi thảm họa diệt vong sắp tới.
Cụ Nheo mù nằm ép bụng sát bùn ngay trước cửa hang tiếp chuyện bà con, Chép còm, Chày mắt đỏ, Rô nhọ, Lóc hoa, Trê quạt vây, ngoe nguẩy đuôi, quấn quýt chung quanh cụ như những vệ sỹ trung thành.
Nhiều bà cá già, vừa bơi đến nhìn thấy cụ đã mếu máo kể lể:
- Chúng tôi sống đến ngần này tuổi dù có phải chết ngay cũng chẳng còn tiếc nuối gì nữa. Chỉ tội nghiệp cho lũ cháu nhỏ, đang sức ăn sức lớn, việc hay chưa biết việc dở chưa tường... Chưa biết sống ra sao thì đã phải chết. Xin cụ hãy đem hết tài trí ra mà tìm mưu kế cứu lấy các cháu, cụ ơi!
Chính cụ Nheo mà cũng đang rối bời gan ruột. Trước hàng trăm cặp mắt đau đáu mong đợi của bà con, suýt nữa cụ kêu lên: “Cùng mương kiệt lạch rồi bà con ơi! Cái chết coi như không còn cơ chi tránh khỏi!”. Nhưng cụ đã ghìm lại được, và cái đầu cúi thấp xuống sát bùn. Ngay lúc đó, Chép còm từ phía sau lưng cụ, bơi lên trước, khép vây ngay đuôi, nói với bà con, giọng cung kính:
Chương kế tiếp