Hoàng Lê Nhất Thống Chí

Hồi 9 (Phần 2)

Thư thảo xong, đệ lên vua xem. Vua sai lấy ở kho nội phủ một số vàng, đoạn màu, và lụa vải thổ sản làm đồ biếu tặng. Rồi vời Trần Công Xán vào trước mặt để dặn dò và giao cho mang đi. Ngay hôm đó, bọn Xán lên đường. Trăm quan đều tiễn chân đến ngoài kinh thành. Riêng Nguyễn Hữu Chỉnh thì cùng Xán ngủ đêm ở chùa Thịnh Liệt. Xán bảo Chỉnh rằng:

- Bắc bình vương là người hiểm sâu khó lường, chuyến đi này vị tất ông ta đã nghe theo. Nhưng tôi đã vâng mệnh nhà vua thì cứ liệu chiều biện luận, liều chết mà cãi. Còn công việc phòng bị thì sau khi tôi đi, ông phải chú ý thêm, chớ có sơ suất. Dọc theo địa phận miền núi Thanh Hoa, phải gấp rút chia đồn đóng giữ các nơi hiểm yếu đề phòng quân bộ. Cửa biển trong trấn Sơn Nam cũng nên đóng cọc ngang dòng sông, để chặn quân thuỷ. Nếu họ trái lời hẹn, mà tới đánh, thì ta đã có phòng bị trước, không đến nỗi để việc tới nơi mới hấp tấp.

Chỉnh nói:

- Xin thầy cứ đi, không cần phải quá lo. Lời nói của thầy ai chẳng nghe theo? Nếu không thì việc điều khiển quân lính của trò đây cũng chẳng kém ai. Vạn nhất có biến, há lại không làm nổi một trận sấm vang chớp giật, nghiêng biển, lật núi cho sướng bụng hay sao? Họ dù kiệt hiệt, cũng chẳng làm được gì.

Xán không cho lời nói của Chỉnh là phải.

Khi sứ thần đến đầu huyện Quỳnh Lưu thì có viên tướng của Võ Văn Nhậm sai ra đóng đồn ở đấy đón vào trong đồn. Xem xét đồ vật xong rồi, y chỉ cho ba viên sứ thần và mười tám người tôi tớ cùng đi, còn bao nhiêu đều bảo về.

Đến doanh trấn Nghệ An, Nhậm sai thết tiệc khoản đãi, rồi thong thả hỏi Xán rằng:

- Quan văn quan võ ở Bắc Hà như cụ phỏng được mấy người? Vua Lê giao nước cho tên giặc Chỉnh, ý ngài tự nghĩ ra sao? Tôi nay đã lĩnh binh phù, sớm tối sẽ kéo thẳng ra Thăng Long, trước chém đầu giặc Chỉnh sau hỏi tội vua Lê sao lại bội ơn dong nạp đứa làm phản? Rồi báo cáo rõ ràng với sĩ dân Bắc Hà, cho họ biết tại sao chúng tôi phải dùng quân? Vua Lê đã không giữ nổi nước nhà thì các trấn từ Thanh Hoa trở ra, chúng tôi không lấy, người khác cũng sẽ lấy. Nghệ An là một mảnh đất cỏn con, cắt hay không cắt có quan hệ gì đến việc mất còn của nước nhà mà phải đi xa xin xỏ cho mất công trèo non lội suối. Tôi chỉ e rằng con chim đã lìa tổ, đến lúc bay về lại không có cành để đậu nữa mà thôi!

Xán im lặng, mọi người nghe nói đều sợ hãi. Đến lúc trở ra, Xán bảo Nho rằng:

- Người Tây Sơn hành binh như bay, tiến quân rất gấp. Xem họ đi lại vùn vụt mau chóng như thần, chống không thể được, đuổi không thể kịp, xưa nay chưa hề nghe có giặc nào như thế. ý tôi đã lo xa, phải đề phòng trước, lúc đi đã dặn ông Bằng phải như thế, như thế, không biết ông ấy có nhớ không? Nếu hơi chậm trễ, việc sẽ không kịp.

Nói xong, than thở hồi lâu rồi đi. Nho bèn nói với Xán rằng:

- Xem mưu kín của chủ tướng họ, thì việc thôn tính nước mình họ đã sắp đặt sẵn sàng. Việc tôn phù năm trước chẳng qua chỉ là mượn cớ mà thôi. Bọn lang sói vốn sẵn bụng ác, quyết không thể nói bằng nhân nghĩa. Bây giờ xe sứ thần đã ra khỏi bờ cõi, kinh thành sắp bị nạn đinh đao, sự thế quá gấp, phải tính đường quyền biến để làm cho được việc, không nên câu nệ. Vả xem ông Bằng từ khi đắc chí đến nay, đai vàng ngang lưng, bộ dạng nhơn nhơn tự đắc, không còn như hồi trước "nhá rễ cây mà làm nên việc". Tôi e rằng ông ta lính quýnh ra trận, thế nào cũng bị Võ Văn Nhậm bắt mất. Lúc đó vua ta đi hay ở lại, cũng chưa dám chắc. Chúng ta phải trù tính thế nào để ngấm ngầm xoay lại then máy, may ra mới có thể cứu vãn được. Chỉ cần cho nước được yên, dầu có tự tiện cũng không hề gì. Nếu cứ vâng chỉ cũ, cố tranh cãi về việc Nghệ An, thì đúng như người ta vẫn nói: "Cướp đã vào nhà còn sửa phên dậu". Như thế thật là thất sách. Vậy xin chữa lại quốc thư để mang đi.

Xán nói:

- Chữa! Chữa như thế nào?

Nho nói:

- Chữa rằng: "Họ Trịnh chuyên quyền, vua Lê đã không còn nước. May nhờ quý quốc vương tôn phò. Nếu trời còn phù hộ nhà Lê, tiên đế đâu đến nỗi qua đời. Tôi là cháu kế tự còn nhỏ tuổi, nghĩ rằng gánh vác không nổi, để nhục cho xã tắc. Kinh thư có chữ "làm khách", Kinh thi nói rằng "có khách" (hai câu này đều có nghĩa là muốn nhường nước cho người khác. ở đây, tỏ ý nhường cả nước cho Tây Sơn, và chỉ xin cắt lại cho một mảnh để vua Lê lấy chỗ thờ cúng tổ tiên mà thôi), đều là việc cũ đời xưa. Kính xin cắt cho một phần đất để được nối đời thờ phụng tổ tiên. Thật là thuận mệnh trời để mà sống còn, cầu lòng thương của trời về dài lâu vậy!". Nếu họ chỉ muốn giữ nước, không có bụng làm hại mình, thấy nói như thế chắc hẳn phải mừng rỡ, thế nào họ cũng thả sứ thần về nước và chia đất cho ta. Nhân thế ta có thể khuyên vua ta hãy tạm ở đất ấy. Họ không có lòng ngờ ta, thì sẽ không đến dòm giỏ nữa. Bấy giờ ta sẽ lo tính dần dần như vua Thiếu Khang ở Luân ấp, vua Câu Tiễn ở Cối Kê, tự nhiên sẽ có ngày trung hưng. Nếu không thế, họ đã tức giận mà ra tay hung tàn, thì bọn mình chỉ làm ma biển khơi. Điều đó tuy chẳng đáng kể nhưng vua ta sau khi phiêu bạt, long đong, không còn tấc đất để nương tựa, thì dẫu đến tài như Khổng Minh cũng khó lòng mà trở tay.

Xán nói:

- Không được! Ông Bằng theo việc quân từ lúc đầu còn để chỏm, là tay lão luyện trong chốn trận mạc, nếu như đô thành mắc nạn binh đao, tưởng cũng không đến nỗi khốn đốn lắm. Hai nước đánh nhau, chưa biết ai thua ai được. Chúng ta vâng mệnh đi sứ, mới ra khỏi cõi mà đã chữa quốc thư, mạo lời chúa, chẳng những bị tội với nước mình, mà nếu bên địch khám phá ra chỗ lừa dối đó, họ cũng không dong mình; tai vạ càng lớn, tiếng cười không biết bao giờ mới hết. Chi bằng cứ minh bạch mà làm, việc thành hay bại là tại ông trời, ta có lo gì.

Từ đó Nho không dám nói nữa.

Khi đến Phú Xuân, các sứ thần bày lễ vật vào yết kiến Bắc bình vương. Xán trình quốc thư lên. Bắc bình vương xem qua một lượt, rồi vứt xuống đất mà nói to:

- Thư này ai làm? Nói ra toàn điều vô nghĩa lý. Người Bắc quen dùng lời lẽ để dử người. Ta không phải trẻ con mà lừa dối được đâu!

Xán vẫn không đổi nét mặt, ung dung trả lời:

- Xin đại vương hãy bớt giận, để tôi nói rõ. Nếu muốn giết tôi, tôi cũng xin nói một lời rồi chết.

Bắc bình vương vốn trọng Xán, liền đổi nét mặt mà rằng:

- Ngày xưa ta vượt biển ra Bắc, phá Thăng Long, diệt họ Trịnh, cả nước khiếp sợ, trong triều ngoài nội đều chịu bó tay, không ai dám làm gì. Lúc bấy giờ nếu ta chiếm giữ đất nước, xưng đế, xưng vương, gì mà chả được? Nhưng vì ta xa mến đức của tiên đến, nên đem cả cõi đất nguyên vẹn trả lại ngài. Cơ đồ thống nhất đều do tay ta gây dựng lại. Bắc triều lại dùng chế sách "thượng công" để đền đáp ta. Chẳng biết "thượng công"? là danh hiệu gì? Đối với ta có thêm được cái gì không? Kịp đến khi tiên đế chầu trời, lễ cả sơn lăng, ta giúp đỡ cho: tự vương nối ngôi, lễ lớn sách lập, ta chủ trương cho. Nay không cảm ơn những việc của ta làm, lại chứa chấp kẻ phản ta, chống cự với ta, mưu đồ dành lại đất Nghệ An. Xử sự như thế, nhân tình có ai nín nhịn được không? Ta đã phái ra hai vạn binh mã, sai tả quân Võ Văn Nhậm thống lĩnh, thẳng tới Thăng Long, chặt đầu cha con giặc Chỉnh về dâng. Chắc rằng khi Chỉnh nghe tin quân ta kéo ra, thế nào cũng kèm tự tôn bỏ chạy. Bấy giờ ở dưới gươm đao, ngọc đá lẫn lộn, không biết tự tôn có giữ được yên lành hay không? Nếu có làm sao, người trong nước lại qui oán về ta thì thật phiền.

Xán thưa:

- Xưa đức Lê Thái tổ dẹp yên quân Ngô, mở mang nước nhà, công đức như trời. Vua Thánh tông tự mình làm nên thái bình, rạng danh đời trước, mở rộng về sau. Từ núi Thạch Bi ra bắc, từ dẫy Đại Lĩnh (Thạch Bi ở Quảng Nam (Quảng Nam-Đà Nẵng) Đại Lĩnh ở Khánh Hoà (Phú Khánh)) vào nam, đều làm tôi làm dân, ai ai cũng phải tôn kính, trải qua hàng trăm năm. Họ Mạc tiếm ngôi, cả nước đều giận. Đấng tiên vương hội họp những người đồng chí, dựng lại họ Lê. Họ Trịnh nối theo cũng vì có công phò Lê, cho nên mới sai bảo được bốn phương, và được mọi người hưởng ứng. Từ mấy đời nay, chúa Trịnh tuy là hiếp chế vua Lê, nhưng chính sóc không đổi thay, chuông khánh vẫn ở đấy (Chính sóc là ngày mùng 1 tháng giêng; xưa các vua sáng nghiệp khi lên ngôi thường đổi chính sóc, đây mượn ý đó để nói đến quyền vua. Chuông khánh (nguyên văn là chuông và giá khánh) là những đồ thờ của nhà vua; đây ý nói miếu đường của nhà vua vẫn tồn tại), thiên hạ vẫn là thiên hạ của nhà Lê. Đại vương ruổi xe một mạch, thẳng đến kinh thành, tuy rằng oai danh đã vang dậy khắp nơi, nhưng cũng do lấy nghĩa cả tôn phò, khiến người ta tin phục, mới được như vậy. Nếu không, việc vào nước người ta, đâu có dễ dàng như thế. Tiên đế thoạt thấy đại vương, tiếp đãi rất là long trọng. Trước ban sách mệnh làm tước công, rồi sau sẽ phong vương, đó là điển cũ của bản triều, không phải trả ơn không hậu, chớ nên thấy như thế mà cho là bạc. Một nước đã trải hơn ba trăm năm, trời cao chứng giám, lòng người tôn sùng. Đại vương đem cả cõi đất trả lại nguyên vẹn, là thể thuận ý trời, chiều lòng dân, chưa có thể lấy đấy làm ơn. Tiên đế mất đi, hoàng thượng nối ngôi, mọi việc đều bẩm trước với đại vương. Đại vương không làm chủ thì ai làm chủ nữa. Lý đã đến thế, đừng cũng chẳng được. Tôi không dám khen ngợi để dâng lời ton hót. Đại quân về Nam, Nguyễn Hữu Chỉnh đuổi theo, đại vương để hắn ở lại Nghệ An, sao lại bảo hắn làm phản? Nghệ An vốn là đất cũ của bản triều, bản triều phải giữ lấy bờ cõi, sao lại nói là tranh giành? Đại vương phái binh mã ra, nếu là để thăm hỏi, bản triều đã có lễ nghênh tiếp. Bằng không, thì như người xưa đã nói: "Nước lớn có quân đánh dẹp, nước nhỏ có cách chống giữ". Tôi nay đã ra khỏi cõi, việc ấy không còn dám biết đến. Tự hoàng của nước tôi, trời đã sai làm vua, đế vương có chân mệnh, gươm đao cũng phải lựa chọn, đại vương chớ có lo. Nếu như đại vương cứ thuận lẽ trời mà làm, gây lại nước đã suy, nối lại họ đã dứt, để cho nước của nhà họ Lê được yên ổn, thì những người làm tôi làm dân trong cả nước ai chẳng cảm đội công đức, còn có oán gì? Nhược bằng làm trái lại, thì sự thế thay đổi khác thường, tôi đây ngu dại, không thể nào mà thấy trước được.

Xán cứ cãi đi cãi lại mãi, không chịu khuất phục một lời nào. Đến lúc trời sắp tối, Bắc bình vương bảo:

- Hãy ra nhà trọ mà nghĩ đi nghĩ lại cho kỹ!

Xán nói:

- Nghĩ lắm luẩn quẩn lại dễ lầm lẫn, một chết là xong!

Bắc bình vương nổi giận, sai đem giam Xán vào ngục. Bọn án và Nho cũng đều bị chia ra giam ở các nơi khác.

Xán vào ngục, cười nói như thường, Bắc bình vương sai người đến dò, thấy Xán viết ở chỗ giam đôi câu đối như sau:

Đạt đức hữu tam, túng vị năng chi, nguyện học.

Tiểu tâm vô nhị, hành kỳ tố dã, hà vưu? (nghĩa là: Đạt đức có ba, dù chẳng làm nên xin học. Giữ lòng như một, noi theo chí cũ, oán gì?)

Tư mã Ngô Văn Sở xin giết chết bọn Xán. Bắc bình vương còn tiếc tài của Xán, bèn bảo trung thư Lê Văn Kỷ và viên quan bộ Lễ là Vũ Văn Trụ rằng:

- Nhân vật Bắc Hà, Xán cũng vào bậc giỏi đấy! Ta muốn thu phục hắn để dùng, nhưng mà chắc hắn không chịu. Các ngươi thử hiểu dụ hắn một phen nữa xem sao?

Hai người bèn đến chỗ giam Xán, thấy Xán mang gông nằm sấp, liền nói:

- Ông già sao lại tự mình làm khổ mình như vậy?

Xán trả lời:

- Cũng là số mệnh đấy thôi!

Kỷ nói:

- Quân tử có khi không cần theo số mệnh, chế ngự được số mệnh là cốt ở mình. Ví như đánh bạc, đồng tiền một sấp một ngửa; ta theo kẻ được mà đánh, thiên hạ sẽ khen ta là người đánh bạc giỏi.

Xán nói:

- Bởi thế cho nên đó chỉ là phường cờ bạc, chứ không phải đạo của người quân tử. Tôi nghe nói: "Kẻ làm bề tôi phải chết vì chữ trung". Đấy là lời dạy của người xưa!

Hai người biết là không thể làm lung lay được ý chí của Xán, liền đi ra và nói với nhau:

- Nhà Hán có Tô Tử Khanh (tức Tô Vũ đời Hán Võ đế. Khi đi sứ Hung Nô, Tô Vũ bị Hung Nô giữ lại, bắt nuôi dê ở Bắc Hải 19 năm ròng, mà Tô Vũ vẫn giữ khí tiết không chịu khuất phục) nhà Lê có Trần Công Xán. Đáng thương, nhưng cũng đáng ghét thay!

Vừa gặp lúc đó, vua Tây Sơn gửi thư ra kể tội lỗi của Bắc bình vương và sắp phái quân tới đánh. Tướng sĩ dưới cờ của Bắc bình vương có kẻ trốn đi, Bắc bình vương liền bảo Trần Văn Kỷ rằng:

- Nay nước ta có việc lôi thôi, lòng người còn phân vân. Việc biến trong nhà không nên để nước láng giềng nghe biết. Sứ Bắc ở đây, tai vách mạch rừng. Họ ở xa đến để dò xét ta, giữ họ ở lại thì họ biết rõ tình hình trong nước, hoặc giả nhân đó họ xúi giục, gây ra việc không hay. Thả họ về thì lại bị họ rêu rao làm lộ việc, người Bắc Hà mà biết, thì lại sinh lòng khinh rẻ ta. Bởi thế, ta định ném bọn họ xuống biển, để cho hết tiếng tăm dấu vết, vậy cứ theo chước đó mà làm.

Rồi Bắc bình vương sai đô đốc là Võ Văn Nguyệt sắp sẵn vài chiếc thuyền biển, nói phao là đưa sứ thần về Bắc.

Lúc bọn Xán vào từ giã, Bắc bình vương nói:

- Các ông hãy về trước, chờ lúc tôi ra ngoài ấy vời vào gặp mặt, sẽ có cách xử trí việc Nghệ An.

Rồi Bắc bình vương lại đem tặng họ một trăm nén bạc và bảo:

- Đây là của công chúa gửi tặng, các ông đừng chối từ.

Tiếng gọi là đưa họ về, nhưng thật ra Bắc bình vương đã ngầm bày mưu cho Nguyệt, người ngoài không ai được biết.

Tháng ba, mùa xuân năm Đinh vị (1787) thuyền từ cửa Tư Dung (thuộc Thuận Hoá, nay là cửa Tư Hiền) giương buồm ra đi, không mấy ngày đã đến cửa biển Đan Nhai thuộc thị trấn Nghệ An. Nguyệt cùng bọn sứ thần ghé thuyền vào bờ, rồi cùng lên bộ.

Lúc ấy có người học trò của Xán là giám sinh Nguyễn Hiên, người huyện Chân Lộc, nghe tin thầy học được về, vội mừng rỡ đến chào. Chợt thấy nét mặt Nguyệt có vẻ khác thường, Hiên ngầm đoán được ý của hắn, bèn nói kín với Xán hãy xin đổi đi đường bộ.

Nhưng Nguyệt nói:

- Tôi vâng mệnh đưa sứ giả đi đường biển, thuận tiện mà ổn thoả, không nên đi đường bộ, trèo non vượt suối vất vả.

Rồi đó, cả bọn lại lên thuyền ra biển.

Vừa ra đến ngoài khơi, Nguyệt liền bảo bọn lái thuyền đục thuyền cho nước vào, dìm cả bọn sứ thần xuống biển. Hiên đứng trong bờ trông ra xa gào khóc hồi lâu mà về. Hôm ấy nhằm ngày 11 tháng 4, mùa hè năm Đinh vị (1787).

Xong việc, Nguyệt lại ghé thuyền vào bờ, nói phao cho trong ngoài biết rằng, thuyền gặp sóng gió bị đắm, để tránh cái tiếng giết hại sứ giả. Lúc bấy giờ, có người làm hai câu thơ rằng:

Tên lưu vũ trụ bia ngàn thuở,

Nghĩa nặng cương thường biển vạn năm.

Từ lúc bọn Xán đi Nam, Chỉnh cho rằng việc thế nào cũng xong, nên đã nói toạc ra ở trong triều rằng:

- Tình hình Tây Sơn như ở trong tầm con mắt của ta. Họ sẽ mừng là ta đã không gây sự, để họ có thể chuyên tâm vào việc nước họ. Hiện nay cuộc nội chiến của họ đang rối ren, thì giờ đâu mà lo đến việc bên ngoài. Còn Võ Văn Nhậm thì chơ vơ ở Nghệ An ngoảnh về bên trong không có quân cứu viện, có làm được gì? Bắc bình vương thấy thư của ta đưa đến, thế nào cũng mừng mà nghe theo, xin đừng lo gì việc miền Nam!

Vì thế, những lời Xán dặn lúc ra đi, Chỉnh đều không để ý tới, chỉ tâu xin cho Nguyễn Duật làm trấn thủ Thanh Hoa mà thôi.

Lúc Duật sắp đi, Chỉnh dặn rằng:

- Chỉ nên giữ gìn bờ cõi cẩn thận, chớ có sinh sự để bên địch nghi ngờ. Đợi khi Trần bình chương trở về, sẽ dời vào làm trấn thủ Nghệ An, sửa lại luỹ cũ ở Hoành Sơn, giữ vững bờ cõi để làm chước lâu dài.

Quan bình chương Phan Lê Phiên nghe được chuyện ấy, liền đến nhà Chỉnh mà nói:

- Ông Trần đã già giặn việc đời, xét đoán công việc rất nhanh. Ngày thường ông ấy bàn bạc tính liệu như thần, đến lúc sự việc xảy ra, không việc gì là không đúng. Ông chớ nên xem thường!

Chỉnh cũng không cho là phải. Phiên ra ngoài nói với người bạn đồng liêu là Trương Đăng Quỹ rằng:

- Ông Bằng vốn có tiếng là biết việc binh, thế mà không nghe lời can, coi thường quân giặc, sợ rằng quốc đô mới qua một cuộc tàn phá, không thể chịu nổi một trận giày đạp nữa. Chúng ta gánh chức phụ bạt đã lâu, nếu "đổ mà không giữ, nguy mà không phò" thì còn dùng hạng tướng quốc như chúng ta làm gì?

Hai người than thở cùng nhau hồi lâu, rồi Phiên nói:

- Nghĩ lại công đức của tiên đế rất lớn, mà nay ngài chưa có miếu hiệu, không bàn định cho kịp lúc này, rốt cuộc điển lễ vẫn thiếu.

Hai người bèn cùng bàn với các quan, dùng sách vàng tôn xưng tiên đế làm Vĩnh hoàng đế, miếu hiệu Hiển tông. Rồi tâu với vua xin làm lễ cáo miếu. Chỉnh nói:

- Theo lễ, việc tôn xưng miếu hiệu phải chờ sau ngày đại tường, khi đã rước linh vị vào miếu rồi mới cử hành, làm gì mà gấp thế?

Phiên nói:

- Việc đời chưa biết thế nào, bây giờ chính là lúc cần phải tôn mỹ hiệu của tiên đế cho xong ngay đi!

Chỉnh nghe nói cũng im lặng.

Lại nói, lúc Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An vào kinh. án đô vương Trịnh Bồng chạy qua sông, sang trấn Kinh Bắc, vào tạm lánh ở làng Quế ổ. ở đấy có viên võ biền tên là Nguyễn Đình Toại (Cương mục chép là Nguyễn Trọng Mại) vâng mật chỉ của chúa kêu gọi các thổ hào vùng Thuận Thành, Từ Sơn mộ quân nghĩa dũng, mưu đồ đánh Chỉnh để dẹp yên nạn nước và khôi phục nghiệp cũ. Rồi đó, Toại lại đưa hịch cho các phiên thần ở vùng Lạng Sơn, Cao Bằng, bảo họ họp quân lại, làm việc cần vương.

Chỉnh thấy vậy, luôn luôn tỏ ý muốn đánh, nhưng vì có Dương Trọng Tế chiếm giữ huyện Gia Lâm, đắp luỹ chống nhau với Chỉnh, đường đi còn bị ngáng trở một lối, nên Chỉnh đành phải tạm gác việc ấy lại chưa làm vội. Kịp đến khi Trọng Tế đã bị giết, Chỉnh bèn hối hả cho việc đánh chúa Trịnh là điều cần thứ nhất, liền tâu xin tự mình đem quân bản bộ tiến đánh.

Vua Lê nghĩ chúa Trịnh vốn có lòng kính thuận không nỡ đánh, vả trong bụng đang hết sức ghét Chỉnh, không muốn cho hắn đắc chí, sợ sẽ thành cái thế lấn át vua, nên muốn ngăn việc ấy lại. Nhưng rồi khó nói ra lời, nhà vua bèn sai viên nội hàn là Vũ Trinh tuyên rõ chỉ ý của vua và truyền cho Chỉnh biết rằng:

- Gia đinh họ Trịnh trải qua nhiều đời, thực có công lớn, nếu để người như Tử Văn mà phải tuyệt tự thì lấy gì mà khuyến khích điều thiện? (Tử Văn tên thực là Đấu Cốc Ô Đồ, người đời Xuân thu, làm quan nước Sở, có công lớn trong việc trị nước. Sau người em họ là Đấu Việt Thục làm loạn, đáng lẽ phải tru di cả họ, nhưng Sở Trang Vương tha tội cho người cháu của Tử Văn, và nói: "Người như Tử Văn mà bị tuyệt tự thì lấy gì mà khuyến khích điều thiện"). Chỉ bằng trước hãy làm bài cáo văn hiểu dụ rõ đường phúc hoạ cho y. Nếu y cứ u mê không tỉnh, sau đó ta hãy đem quân đánh. Ta cứ giữ niềm trung hậu, để cho người ngoài không nói vào đâu được, há không hơn hay sao?

Chỉnh không nghe, nói:

- Nếu tôi không đem quân ra, để cho việc Trọng Tế giúp chúa được thành, xem y có xử hậu với hoàng thượng không? Anh hùng làm việc, há lại theo lòng nhân đức của đàn bà?

Rồi Chỉnh cố xin ra quân, vua Lê bất đắc dĩ phải cho Chỉnh đốc suất các quân qua sông, thuyền bè chật cả mặt nước, khí thế rất là lẫm liệt đáng sợ.

Chúa Trịnh nghe tin, vội vàng sai Toại đốc suất người trong họ ở Quế ổ làm quân tiền phong, thổ hào Yên Dũng là Nguyễn Trọng Linh làm tướng chống bên tả, thổ hào Gia Bình là Trần Quan Châu làm tướng chống bên hữu, bày trận chờ sẵn.

Quân Chỉnh tới nơi, hai bên đánh nhau từ sáng đến trưa, chưa phân được thua; sau đều rút quân để nghỉ ngơi.

Chỉnh sai người đưa tờ chiếu của vua tới dụ chúa, khuyên nên qui thuận, không nên chống cự. Chúa cười mà nói:

- Hữu Chỉnh đến đây lần này, ý muốn bắt sống ta, nếu nuốt trôi được, chắc không chịu nhả ra. Nay lại lấy lời ngon ngọt dỗ ta, thằng nghịch tặc này quỉ quyệt đáng ghét thật. Tuy vậy, hắn đã mượn mệnh lệnh hoàng thượng đưa ra, ta không thể im lặng không trả lời.

Chúa bèn tự thảo một tờ biểu trần tình, kể tội ác của Chỉnh và nói nhân dân ai cũng nghiến răng tức giận, xin hãy giết Chỉnh đã, rồi sẽ về triều, lời lẽ có nhiều câu gay gắt.

Thật là:

Sống mái ngoài đồng còn chửa quyết,

Trai cò trong ruộng vẫn giằng co

Chưa biết thua được ra sao? Hãy xem hồi sau phân giải.

Chương kế tiếp