La Ronde

Chương 8: Ra tù
Utopia nhất định phải vắng mặt thì mọi người mới có thể có khát vọng.

——————————————————————————————————

Sáng sớm thứ hai, Valentino đến cổng trại giam. Giám đốc đích thân dẫn anh ta đi qua dãy hành lang đầy ngột ngạt, rẽ qua hai khúc cua mới đến được căn phòng nơi Conrad bị giam giữ. Conrad được chăm sóc đặc biệt trong phòng biệt giam. Cậu dựa vào tường và ngồi trên nền đất ướt, đầu cúi xuống, trên người vẫn mặc chiếc áo sơ mi trắng nhuốm đầy máu, mái tóc vàng xỉn màu che mất đi khuôn mặt.

Valentino giống như Daedalus* khi nhìn thấy đôi cánh bằng sáp của đứa con trai yêu quý bị tan chảy, dù đau buồn không thể chịu nỗi nhưng cũng không dám nhìn kỹ cảnh tượng khủng khiếp đó. Anh ta lấy hai tay che mắt mình lại. Ngay sau đó, anh ta trấn tĩnh lại cảm xúc của mình và gọi hai tiếng Conrad qua cánh cửa sổ phòng giam. Conrad di chuyển, như thể đang cố nhìn lên.

Lúc này, lính canh cũng mở cửa phòng giam. Valentino vội vàng đi tới bên cạnh Conrad, vén mái tóc đầy lộn xộn của cậu, rồi lấy khăn ra nhẹ nhàng lau mặt cậu: "Không sao rồi... Tôi đến đón em đây, tôi sẽ đưa em ra ngoài."

Bởi vì hai ngày rồi không chợp mắt, Valentino thoạt nhìn tuy mệt mỏi, nhưng lời nói trong miệng lại cực kỳ kiên định.

Conrad cố hết sức mở to mắt nhìn anh, nở một nụ cười. Nụ cười kia có lẽ đã động đến vết thương của cậu, nhìn qua có chút kỳ quái, nói với Valentino: "Biểu cảm này của anh là sao đây? Tôi không có sao, tôi đã quen với những vết trầy xước nhỏ này từ lúc ở xưởng rồi."

Và những "vết trầy xước nhỏ" này làm cho cậu thậm chí không thể đứng lên. Valentino đã mượn chiếc xe đẩy mà trại giam dùng để vận chuyển đồ tiếp tế, các lính canh đề nghị giúp đỡ, nhưng anh ta từ chối. Anh tự mình bế Conrad lên tấm thép của chiếc xe đẩy, giúp Conrad điều chỉnh tư thế và đảm bảo rằng cậu đã ngồi đúng tư thế trước rồi mới từ từ đẩy đi.

Anh cảm thấy như mình đang cầm một món đồ sứ dễ vỡ.

Tất nhiên anh biết Conrad không phải đồ sứ, cũng không là hoa và dây leo mà anh đã vẽ. Cậu ấy là một đứa trẻ mạnh mẽ, nhiệt tình, đơn giản và ngây thơ, có thể im lặng làm việc trong xưởng mười hai giờ mỗi ngày trong, và sẽ bảo vệ danh dự của mình và bạn bè bằng nắm đấm mỗi khi bị xúc phạm. Cậu ấy xuất thân bần hàn nhưng không bao giờ ti tiện, sẽ không che giấu sự thiếu hiểu biết của mình đối với một chuyện gì đó. Cậu ấy không muốn phức tạp hóa mọi thứ lên, luôn mơ mơ màng màng sống qua ngày, và luôn hết mình đắm chìm trong từng khoảnh khắc.

Valentino đã gặp qua nhiều người, trong đó không thiếu những phần tử trí thức uyên bác hoặc các nghệ sĩ với gu thẩm mỹ tinh tế, và anh đương nhiên ngưỡng mộ những người này, nhưng anh không ngạc nhiên trước những thành tựu của họ. Kiến thức và gu thẩm mỹ có thể đạt được thông qua nỗ lực, nhưng tình yêu và vẻ đẹp thì lại là trời sinh.

Thuở nhỏ, anh không có bạn chơi cùng. Khi các chị gái của anh đang học lễ nghi hoặc chơi búp bê thì anh sẽ ngồi trong phòng chơi đàn piano. Khi mệt mỏi thì anh sẽ đọc triết học Đức một lúc. Anh đặc biệt thích tác phẩm "Zarathustra đã nói như thế", trong đó có ba cuộc hóa thân của tinh thần: lạc đà, sư tử và trẻ thơ.

Tinh thần của những học giả trưởng thành đó, bao gồm cả anh, là một con lạc đà có sức nặng, khoẻ mạnh nhưng lại quá nặng nề. Họ không thể hoàn toàn phủ định cách mạng cũng như không thể toàn tâm toàn ý cho cách mạng. Bởi vì họ luôn phân tích logic đằng sau cuộc cách mạng, đặt câu hỏi về thiết kế cụ thể về utopia, việc theo đuổi tính toàn diện của tất cả mọi thứ đã khiến họ kiệt sức. Tinh thần của những người trẻ tuổi trên đường phố giống như một con sư tử, sẵn sàng hô to đòi tự do, và dồn hết sức lực và đam mê của họ cho sự nghiệp này.

Cuộc hoá thân thứ ba của tinh thần là trẻ thơ, và Conrad thuộc loại này. Đứa trẻ đang ở trong thời khắc nguyên thủy, khi đó xúc xắc chưa được gieo ra và vũ điệu vòng tròn vẫn còn ở điểm bắt đầu. Đứa trẻ chưa tách mình ra khỏi tự nhiên nên tâm tình của chúng cũng bình yên và hạnh phúc như tự nhiên. Họ ngây thơ và hay quên, họ có thể bắt đầu hoặc kết thúc bất cứ lúc nào.

Conrad chắc chắn không phải là đồ sứ, cậu ấy là một thứ gì đó dễ vỡ hơn cả đồ sứ. Conrad cũng không phải là một bông hoa, cậu ấy có màu sắc rực rỡ hơn cả những bông hoa.

Không có cuộc cách mạng nào đáng với việc biến đứa trẻ thành lạc đà, và không có gì trên đời đáng với một mức giá cao như vậy. Dưới sự thúc đẩy của sự cố này, Valentino đã suy nghĩ về số phận của cuộc cách mạng, hoặc có thể anh ta chỉ đang đối mặt với phỏng đoán đã luôn tồn tại trong lòng mình.

Giống như Imam* chỉ có thể duy trì quyền lực siêu việt của mình đối với giáo đoàn của mình bằng cách đứng sau nó, vì vậy utopia nhất định phải vắng mặt thì mọi người mới có thể có khát vọng. Cách mạng không gợi lên utopia, mà gợi lên những dục vọng ma quái của con người bị kéo dài vô thời hạn kia.

***

*Daedalus: là một kiến trúc sư và thợ thủ công lành nghề, được coi là biểu tượng của trí tuệ, tri thức và quyền lực. Chính ông đã tạo ra đôi cánh bằng sáp để Icarus, con trai ông, có thể trốn thoát. Và trong lần trốn thoát đó, Icarus đã không để ý đến lời cảnh báo của cha mình và bay quá gần mặt trời; sáp giữ đôi cánh của anh ấy tan chảy và Icarus ngã xuống chết.

*Imam: là một vị trí lãnh đạo trong Hồi giáo, được sử dụng trong bối cảnh của một vị trí lãnh đạo việc thờ phụng của một nhà thờ và cộng đồng người Hồi giáo.

***

De Ville đứng ngoài cổng trại giam đợi không lâu thì thấy Valentino đẩy Conrad ra ngoài. Gã vội vàng chạy tới hỗ trợ, giúp Valentino đỡ Conrad dậy.

De Ville nhìn Valentino tựa đầu Conrad vào vai mình, không quan tâm đến việc máu của cậu ta làm vấy bẩn chiếc áo khoác đắt tiền. Động tác thận trọng đó khiến De Ville cười thầm trong lòng, chút vết thương này với gã là không nặng lắm. Khi còn nhỏ, gã đã chứng kiến ​​rất nhiều tên đàn ông trong làng bị côn đồ đánh gãy chân vì không trả được các khoản nợ cờ bạc. Nhưng gã vẫn tỏ ra hết sức quan tâm: "Conrad, cậu không sao chứ? Mặc dù bây giờ bệnh viện đang đình công, nhưng tôi biết các sinh viên trường y, tôi có thể nhờ họ xem qua cho cậu." Gã nói điều này, nhưng lại nhìn Valentino.

Conrad mạnh mẽ đáp lại: "Cảm ơn cậu De Ville. Ngoại trừ hơi chóng mặt ra, giờ tôi thấy ổn rồi."

Nhưng giọng cậu yếu đến nỗi De Ville không nghe được cả câu. Khi được hỏi, Valentino nói: "Cậu ấy bị chóng mặt và không thể nói nhiều. Tôi không làm phiền cậu nữa, cậu cứ đưa cậu ấy về khách sạn. Tôi có một bác sĩ từ Ý đến."

De Ville nhanh nhạy nhận ra giọng điệu của Valentino đã khác trước. Nếu trước đây nói rằng gã vẫn còn mong muốn kết giao với Valentino, thì bây giờ gã đã hoàn toàn từ bỏ ý định đó. Vẫn là dáng vẻ lịch sự và khiêm tốn, nhưng sự xa cách trong giọng điệu làm cho người ta khó có thể bỏ qua—— không phải kiểu xa lánh người lạ—— mà là kiểu khiến De Ville nhận ra rằng đây là sự xa cách của một quý tộc có đẳng cấp hoàn toàn khác xa với tầng lớp của gã. Có lẽ sau khi trở về, gã sẽ nhận được lời cảm ơn từ Valentino, cảm ơn gã vì đã viết bài giúp Conrad và sự hỗ trợ của gã trong suốt quãng đường đi. Cũng có nghĩa là cái gọi là "quan hệ" giữa bọn họ chẳng qua là tương đương với hợp đồng thù lao ngầm.

Dưới sự áp bức do cảm giác thân phận này mang lại, De Ville ngoài mặt đáp lại vài câu nhưng trong lòng lại càng thêm uất ức. Gã mơ hồ đánh giá Conrad, tự hỏi liệu đứa trẻ này có gì tốt hơn gã không. Thoạt nhìn, cậu ta là một chàng trai người Đức sống ở nông thôn, và cậu ta chắc chắn không thông minh lắm, nếu không thì sao có thể sang Pháp làm công nhân ở xưởng ô tô khi còn trẻ. Hơn nữa, cậu ta hành động liều lĩnh và bốc đồng, còn bị cảnh sát bắt giữ khi chính phủ Pháp có ý muốn kiểm soát cuộc bạo loạn. Nhân cách, học thức, tầm nhìn thì không có gì có thể so được với gã, nếu có ưu điểm thì chính là khuôn mặt kia. Nhưng cá nhân gã không thích gương mặt điển hình của người Đức, đường nét quá nghiêm túc và rắn rỏi lại thiếu vẻ thân thiện. Ồ, có lẽ vì thế mà cậu trai thôn quê này luôn giả vờ ngu ngốc để giảm bớt cái loại cảm giác nặng nề này. Như vậy xem ra, cậu ta cũng không hẳn là ngu xuẩn đến mức hết thuốc chữa. Nhưng cho dù vậy, cũng không đáng để Valentino nhìn cậu ta nhiều hơn. Điều mà quý ông trẻ tuổi này cần là một cánh tay phải đắc lực, nên dù có là bạn của người chăn cừu hay công nhân xưởng xe thì có tính là gì đâu?

Nghĩ đến đây, De Ville thậm chí còn không nhận ra tiếng thở dài của mình, nghĩ rằng Valentino là một gã công tử ăn chơi tuỳ hứng. Nếu gã có xuất thân như Valentino, gã sẽ không bao giờ lãng phí sức lực của mình với những kẻ kém cỏi này. Ban ơn đền nghĩa, tên công nhân nhỏ bé này có thể đáp lại những gì?

Gã cứ thế đắm chìm trong thế giới của riêng mình. Một lúc sau, ba người họ trở về đến khách sạn du Cap. De Ville vội vã rời đi, nói rằng gã còn có việc gấp cần đến tòa soạn.

Bác sĩ do Valentino gọi đến đã tiến hành kiểm tra tổng quát, và khử trùng vết thương cho Conrad, xác định rằng cậu đã bị gãy xương ở ba mức độ khác nhau, và cậu đã được đeo gạc bảo vệ.

Conrad đổ mồ hôi lạnh nhưng vẫn giữ im lặng, sau khi bác sĩ rời đi, cậu làm như lơ đãng liếc trộm vẻ mặt Valentino, và bị đối phương bắt được.

Valentino ngồi xuống bên giường và đắp chăn cho cậu: "Kurt cũng đã được thả, lẽ ra Barbara nên đi đón cậu ấy."

Conrad vốn còn có chút thấp thỏm bất an, nhưng nghe xong lời này liền vui sướng đến mức tựa hồ quên đi đau đớn, cả người đều bật dậy: "Thật sao? Cậu ấy còn sống!"

Valentino nhẹ nhàng đẩy cậu xuống, để cậu nằm xuống: "Ừ, dù sao bây giờ không sao cả, cậu không cần lo lắng cho cậu ta nữa." Sau đó, anh ta nhìn Conrad với ánh mắt nghiêm khắc.

Conrad từ nhỏ đến lớn chưa từng bị anh lớn nào kỷ luật qua, cũng rất hiếm khi cảm nhận được cảm giác đứa nhỏ làm sai bị cha trách mắng. Nhưng nghĩ lại, cậu cũng không có làm sai cái gì, cho nên lấy lại được chút tự tin, ánh mắt cũng không có né tránh nữa.

"Lần này quá nguy hiểm, nếu như những tên cảnh sát đó nhất thời bốc đồng bắn vào người em, em sẽ ra sao?"- Cuối cùng Valentino cũng có thể nhìn vào đôi mắt xanh xám này lần nữa, trong lòng không khỏi sợ hãi, trong lời nói mang theo ý trách cứ.

"Nhưng tôi không làm gì sai cả. Họ đã xúc phạm Barbara trước. Nếu như nổ súng, bắn chết tôi còn tốt hơn là bắn chết Barbara, cô ấy còn có hai đứa con..."

Valentino hít một hơi thật sâu.

Anh không bao giờ thể hiện quá nhiều cảm xúc trước mặt người khác, một trong những lời dạy dỗ của bậc trưởng bối là luôn xử sự bình tĩnh và điềm tĩnh. Ngay cả ngày mẹ anh mất, anh cũng không khóc cho đến khi trở về phòng. Nhưng lúc này, anh đã không thể kiềm chế được cơn tức giận của mình: "Bọn họ nhục mạ Barbara, em nhất định phải lập tức đánh trả sao? Có bị đánh chết cũng không sao? Em có còn nhớ là đã hứa với tôi sẽ đưa tôi về thăm sân nhà của em không?"

Anh ta tức giận đến mức muốn đập vỡ hai lọ thủy tinh Émile Gallé để xả giận, nhưng tâm tính được nuôi dưỡng bao nhiêu năm không cho phép anh ta làm như vậy, nên anh ta chỉ biết ngồi đó, hai tay run rẩy, nhìn chằm chằm vào Conrad mà không nói nên lời.

"Nếu như lúc đó tôi không đánh trả, thì tôi còn có cơ hội nào nữa? Hơn nữa, tôi còn tưởng rằng Kurt đã bị bọn họ giết!"- Conrad cũng bị cảm xúc kích động khó hiểu của anh làm cho sửng sốt, nhưng nhìn sắc mặt Valentino càng lúc càng kém, lại thêm một câu: "Thôi, anh xem, bây giờ không phải đã ổn rồi sao? Phía cảnh sát vẫn e sợ sức mạnh của công nhân, vì vậy họ đã thả tất cả chúng ta ra ngoài."

Valentino tức giận cười đáp lại, anh vốn là không muốn nói ra, nhưng lúc này lại không khống chế được bản thân: "E sợ sức mạnh của công nhân? Em có biết vì sao em và Kurt được thả ra không? Em tính thử xem Kurt đã bị bắt nhốt bao nhiêu ngày rồi! Công nhân mất tích với cậu ta bây giờ ở đâu!"

Conrad cũng nghĩ đến một khả năng, khuôn mặt nhợt nhạt của cậu cuối cùng cũng nổi lên chút sắc đỏ lạ thường: "...Tại sao?"

Trong lòng Valentino cảm thấy buồn bực, nhưng nói đến đây đã không có khả năng quay đầu lại: "Còn có thể vì cái gì nữa? Tất nhiên là bởi vì tôi đã liên lạc riêng với Cộng sản Ý, cùng thực hiện một cuộc làm ăn! Nếu không, công đoàn sao có thể đi tới đồn cảnh sát? Em đã thấy công đoàn ra mặt cho những công nhân nào bị bắt chưa!"

Conrad suýt chút nữa ngất đi, cậu không thể tin được hỏi: "Anh lợi dụng đặc quyền của mình để thương lượng với công đoàn, thả tôi và Kurt ra ngoài?"

Valentino không nói tiếp, anh bước sang phía bên kia phòng, còn Conrad đã có câu trả lời cho mình. Cậu đang cố gắng để rời khỏi giường và rời khỏi phòng ngay bây giờ.

Valentino dường như đã sớm đoán được phản ứng của cậu, nhanh chóng bấm điện thoại, gọi cho bác sĩ sống bên cạnh, mặt không chút cảm xúc nói: "Bác sĩ Gooden, cho cậu ấy một liều thuốc an thần."

——————————————————————————————————

Editor:

Trong cuốn "Zarathustra đã nói như thế", Nietzsche đã mô tả sự tiến hoá về mặt tinh thần của một con người từ lúc bé thơ cho đến già. Ông bắt đầu bằng hình ảnh một đứa trẻ dành những năm đầu tiên như một kẻ góp nhặt những nghĩa vụ, những sang chấn và từ "Không", và nay hắn ta như một con lạc đà, một con thú phải gánh vác những gì người ta quẳng lên lưng nó. Đứa trẻ bị biến thành lạc đà bởi con rồng xã hội hay được người ta gọi là "Ngươi Phải", và trên mỗi miếng vảy của con rồng, đó là những luật lệ và giáo điều dạy ngươi rằng cái gì ngươi không được làm. Sau cùng, đứa bé con ấy lại bắt đầu đặt câu hỏi ngược lại cho những kẻ quyền thế trong xã hội; hắn sẽ hỏi tại hắn phải gánh vác những thứ nặng nề như thế, nếu hắn để ý đến hoàn cảnh xung quanh mình, một cảm giác ảo mộng vỡ tan tành, bởi vì hắn đã thấy được sự ngu đần của cái thế giới mà hắn bị đặt vào đó, hắn đã thấy được hậu quả của những năm tháng phải quỳ gối trước con rồng và hắn cảm giác rằng mình đã bị phản bội, những thứ mà xã hội người ta hứa hẹn sẽ chẳng bao giờ đến.

Và rồi hắn sẽ nhận ra hoàn cảnh của mình, mọi giới hạn và kì vọng đã giam cầm hắn, và cuối cùng hắn sẽ cho đi, sẽ gục ngã, sẽ vứt bỏ gánh nặng trên lưng mình xuống sa mạc bên dưới kia. Đây là dấu hiệu đầu tiên của sự trưởng thành, mà Joseph Campbell gọi là "tiếng gọi phiêu lưu", và đó là giai đoạn cuộc đời khi cậu trai ấy dấn thân đi vào sa mạc, khởi hành đi về phía con rồng mang tên "Ngươi Phải". Thời điểm này, con lạc đà trẻ phải đối diện với hai lựa chọn: Hắn sẽ tiếp tục tồn tại như một con thú mang theo những gánh nặng và cứ để con rồng điều khiển cuộc đời hắn, hay giết đi con rồng và trở thành con sư tử, vị vua cai trị chính vương quốc của mình:

"trở thành một con sư tử đoạt lấy sự tự do của chính mình và trở thành vua... Ai là con rồng khổng lồ mà linh hồn của nó không còn kêu tên Chúa? "Ngươi Phải" chính là tên con rồng đó. Nhưng linh hồn của sư tử nói, "Ta sẽ"." (trích "Zarathustra đã nói như thế")

Con rồng ấy sẽ xác định ngưỡng của thời thiên thiếu, bởi vì đó là ngưỡng đầu tiên sau khi được sinh ra mà người ta cần sự tỉnh thức, một sự xé bỏ những giới hạn và áp đặt trong thời thơ ấu—đó là giai đoạn là một cậu bé sẽ học cách hét "Tôi sẽ" vào mặt con rồng khủng khiếp. Một thứ gì đó trong ta ước rằng sẽ mãi là trẻ con, và nhiều người vẫn giữ những lời hứa trẻ con của mình suốt đời và chẳng bao giờ đứng được trên đôi chân của chính mình, bởi vì thà nằm yên ấm trong vòng tay mẹ suốt đời là hơn cả. Hầu hết những người đó đều có nỗi sợ trách nhiệm và hậu quả mà tự do mang lại cho họ, nhưng nếu một con người tiếp tục bám víu lấy những ảo tưởng thời thơ ấu, rồi anh ta sẽ từ chối mở rộng nhãn quan ra khỏi cái biên giới chật hẹp của thời niên thiếu, và sẽ chẳng bao giờ khám phá ra những nỗi sợ hãi, thay vào đó, anh ta sẽ chẳng bao giờ trở thành người mà anh ta lẽ ra nên trở thành.

Ngưỡng cửa cuối cùng của cuộc đời—đó là thời điểm sám hối và sự khôn ngoan của tuổi già. Văn hoá của chúng ta đã lý tưởng hoá và ưu tiên tuổi trẻ nhiều đến nỗi mà hầu hết mọi người đều sợ tuổi già. Carl Jung nói rằng trong những bộ lạc nguyên thuỷ, người già luôn là những người canh gác thiêng liêng cho sự công bằng và là ánh sáng dẫn đường cho thế hệ trẻ. Nhưng ngày nay họ có vai trò gì? Đi đâu rồi sự thông thái và những truyền thuyết của thế hệ già? Đáng buồn thay, người già lại tìm thấy mình trong một guồng máy ép họ phải cạnh tranh với thế hệ trẻ, và nếu bị thua cuộc, họ sẽ bị loại ra khỏi xã hội, vào trại dưỡng lão, bởi vì ở thời đại chúng ta, những kẻ không mang giá trị kinh tế bị coi là một gánh nặng.

Sẽ chẳng hạnh phúc tí nào nếu như phải chiến đấu với rồng cả đời; một người không thể sống lúc tối cũng như lúc sáng. Tuy nhiên hiểu được giai đoạn này thực sự đáng giá để còn biết điều gì đang đợi mình ở phía trước. Carl Jung nói rằng lúc chiều tà của cuộc đời, có thể là một cột mốc cho những gì đã qua và là cơ hội cho sức sáng tạo bất diệt, bởi vì một người già không còn tham gia vào thành tích của cuộc đời—vì ông đã thành tựu cả đời rồi. Ông ta nên bỏ đi hết thảy những thứ trên đời này và những gì mà ông đã đạt được ở phần trước và hạ thấp năng lượng, để đi vào trong và để lại bàn cờ cuộc sống cho những ai còn chưa chứng tỏ được bản thân. Và khi đã bỏ lại hết thảy, một lần nữa ông già ấy biến hoá và quay trở lại thế giới như một đứa trẻ con, nhưng lần này ông đã là một đứa trẻ với kinh nghiệm của con lạc đà và sự thông thái của sư tử, sẵn sàng truyền lại sự thông thái cho những ai bắt đầu đi trên cuộc hành trình.

Trẻ con lớn lên khỏi sự vô thức, nhưng người già phải lùi xuống vô thực; cả hai ngưỡng—lớn lên và hạ xuống đều cần sự dũng cảm để bỏ lại cái thế giới đã biết và bước chân vào cái chưa biết. Đứa trẻ và người già sống mà không gặp phải vấn đề nhận thức hay sự bấp bênh về tương lai, và chỉ vào buổi ban trưa cuộc đời thì những vấn đề ấy mới nổi lên. Ở thời điểm đỉnh cao nhất của cuộc đời, chúng ta từng bước tiến tới chỗ con rồng và khắc tên mình lên đời, và chỉ một lần ta trao cho thế giới tài năng của mình và rót đầy chén rượu cuộc đời, ta mới sẵn sàng đến tuổi già. Đây là vòng luân hồi vĩ đại của cuộc đời, ba ẩn dụ lớn nhất cho con người—khi tinh thần biến thành con lạc đà, con lạc đà biến thành sư tử, và sư tử cuối cùng thành đứa trẻ.

Cre: Harry J. Stead.
Chương kế tiếp