Tôi Trọng Sinh Trước Khi Đổi Hôn

Chương 69: Canh hai
Diệp Mạn bước vào kho hàng, dây chuyền sản xuất bóng loáng ở trước mặt, tựa như con ngựa chiến sẵn sàng chạy đua.

Ngay cả trưởng ban Mộc cũng không nhịn được vuốt ve dây chuyền sản xuất và nói: "Tuyệt vời, trông còn đẹp hơn lúc trước nữa, giống y như mới."

"Không những đẹp mà còn dễ sử dụng, chúng tôi đã thử khởi động máy móc, không có vấn đề gì cả, chúng tôi cũng đã học xong cách sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa dây chuyền sản xuất. Miễn là bên phía nhà máy chuẩn bị tốt thì có thể đem dây chuyền sản xuất đến đó." Triệu Vĩnh An hào hứng trả lời.

Tuy rằng mấy ngày nay người nào người nấy đều mệt bở hơi tai nhưng để phối hợp với Tạ Chí Cương để anh ấy có thể về sớm, mọi người đều dành cả ngày lẫn đêm trong nhà máy trừ lúc đi ngủ, nhưng khi nhìn thấy dây chuyền sản xuất không thể hoạt động lại được trang hoàng lộng lẫy như mới, họ đều cảm thấy rất vui vẻ và rất mãn nguyện.

"Tốt lắm, thời gian này mọi người vất vả rồi." Diệp Mạn vỗ tay nói: "Khóa cửa thôi, mọi người đi ăn cơm đi, đây cũng là dịp thực hiện lời hứa với sư phụ Tạ."

"Hoan hô." Tất cả mọi người đều hét lên đầy vui vẻ.

Khi đến nhà hàng, Diệp Mạn nhờ Triệu Vĩnh An gọi đồ ăn, mỗi ngày họ đều ăn cùng nhau nên ông ấy biết Tạ Chí Cương thích ăn món gì. Còn cô thì lấy ra một bao thư căng phồng: "Sư phụ Tạ, cảm ơn anh rất nhiều, ân thầy trọng như núi. Đây là khoản thanh toán cuối cùng của thỏa thuận, anh xem có thiếu hay không."

"Cảm ơn, đây là việc tôi nên làm." Tạ Chí Cương cầm lấy phong bì và mở nó ra, bên trong là những tờ tiền mới mệnh giá một trăm tệ, chắc hẳn mới rút từ ngân hàng về, anh hà hơi vào ngón tay, bắt đầu đếm tiền, sau khi đếm xong anh phát hiện có gì đó không ổn: "Giám đốc Diệp, chắc cô đếm nhầm rồi đấy, sao nhiều quá vậy."

Anh ấy đã đếm tới năm nghìn tệ, đằng sau vẫn còn tiền.

Diệp Mạn vừa cười vừa nói: "Một nghìn tệ kia là phí cảm ơn của riêng tôi, tôi thấy được sự chăm chỉ của sư phụ Tạ trong thời gian qua, thế nhưng nhà máy của chúng tôi chỉ mới khởi bước, kinh phí có hạn nên tôi chỉ có thể thêm nhiêu đó thôi, mong sư phụ Tạ đừng khinh thường."

Sao anh ấy lại khinh thường được cơ chứ! Đó là tiền lương mấy tháng của anh ấy, Tạ Chí Cương hơi cảm động, anh ấy rút ra một nghìn tệ còn lại: "Giám đốc Diệp, tấm lòng của cô tôi nhận, mọi người đã đưa nhiều lắm rồi, cô cầm một nghìn tệ này lại đi."

Những người có học thức ở thời đại này vô cùng chất phác, đến cả tiền công còn không muốn nhận.

Diệp Mạn không nhận lấy, đẩy tiền trở lại: "Sư phụ Tạ cầm đi, đây là một chút tấm lòng thành của tôi, anh còn phải chuyển nhà đến một nơi khác, đừng khách sáo với tôi. Với lại trong tương lai nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra với dây chuyền sản xuất của nhà máy chúng tôi hoặc nếu chúng tôi muốn mua một dây chuyền sản xuất mới, nhưng chúng tôi không biết gì cả, sợ rằng sẽ phải nhờ sư phụ Tạ giúp đỡ, coi như đây là tiền đặt cọc tôi đã trả trước cho anh, đúng không nào?"

Lời nói của Diệp Mạn vừa chân thành lại rất êm tai, hơn nữa Tạ Chí Cương lại rất cần tiền. Hai năm nay tiền lương của anh ấy cũng tăng lên, những năm trước anh ấy không có nhiều tiền, lại thêm chuyện mẹ anh ấy bị bệnh, tiền tiết kiệm trong nhà cũng gần như hết sạch. Hai năm trở lại đây, thu nhập của mọi người ngày càng tăng, giá nhà đất ở tỉnh cũng tăng lên một chút, mười nghìn tệ mua nhà xong cũng chẳng còn bao nhiêu, đồ đạc trong nhà cũng phải sắm sửa, anh ấy là đàn ông sức dài vai rộng thì không hề gì, nhưng cũng không thể để vợ con cùng chịu khổ.

Tạ Chí Cương nhét lại tiền vào phong bì và cảm kích đáp: "Cảm ơn giám đốc Diệp, nếu sau này có việc gì cần thì có thể gọi cho tôi."

"Đương nhiên rồi. Chú Triệu đã gọi đồ ăn, đi thôi, đi ăn cơm nào, buổi chiều còn phải bắt xe về nhà nữa đó." Diệp Mạn cười nói.

Triệu Vĩnh An nhận được lời dặn dò từ Diệp Mạn, ông không ngần ngại gọi đồ ăn một chút nào, ông gọi tám món mặn, hai món chay, thêm một món canh, một bàn đầy đồ ăn, từ khách đến chủ đều vui vẻ ăn uống. Sau khi ăn xong, Diệp Mạn và Triệu Vĩnh An đưa Tạ Chí Cương lên xe trở về thành phố Phụng Hà.

Trên đường trở về, Diệp Mạn có nhắc tới một chuyện với Triệu Vĩnh An: "Chú Triệu, nhà máy của chúng ta sắp khởi công, chú nghĩ kỹ chưa? Tiếp tục mở cửa hàng hay vào nhà máy?"

Trong khoảng thời gian này Triệu Vĩnh An vô cùng chăm chỉ, tuy rằng tuổi ông đã cao nhưng lại rất ham học hỏi, chịu thương chịu khó không thua kém gì một đám thanh niên. Dây chuyền sản xuất là bộ phận quan trọng nhất của nhà máy. Diệp Mạn hy vọng được giao nó cho người mà cô tin tưởng, nhưng cô cũng xem xét ý kiến của Triệu Vĩnh An kỹ lưỡng, dù sao nhà máy cũng mới bắt đầu, không thể cho ông mức lương quá cao.

"Nghĩ kỹ rồi, chú sẽ đến nhà máy. Dây chuyền sản xuất TV màu này thú vị hơn. Sau này chúng ta sẽ xây dựng một dây chuyền tiên tiến hơn, giống như nhà máy sản xuất TV thành phố Phụng Hà vậy, nơi sản xuất ra TV hàng chục inch, bán với giá vài ngàn tệ cho mỗi chiếc." Triệu Vĩnh An đã nghe rất nhiều chuyện về nhà máy sản xuất TV thành phố Phụng Hà từ miệng Tạ Chí Cương, ông cũng ước ao được như thế.

Diệp Mạn không ngạc nhiên với sự lựa chọn của ông, nhưng trong vòng hai năm qua, tiền lương cộng với hoa hồng và tiền thưởng của Triệu Vĩnh An đều là ba, bốn nghìn tệ một năm, tức là trung bình hơn ba trăm một tháng, nếu đặt mức thu nhập này ở tỉnh thì cũng không phải là thấp, ngay cả thu nhập của Tạ Chí Cương cũng chưa cao bằng ông ấy. Nhưng nếu vào nhà máy ngay từ đầu thì không thể trả cho ông ấy mức lương cao như thế, thứ nhất là vì nhà máy mới đi vào hoạt động, còn nhiều vấn đề cần dùng đến tiền như tiền thuê đất, chi phí xây dựng nhà xưởng, chi phí vật liệu cho dây chuyền sản xuất, bên cạnh đó còn có tiền lương của người lao động, mỗi ngày khi ra ngoài đều phải tiêu tiền, Diệp Mạn cũng phải tiết kiệm tiền. Ngoài ra, nếu đưa ông ấy ba trăm, còn những công nhân khác làm công việc tương tự nhưng chỉ trả có một trăm một tháng, chênh lệch thu nhập lớn như thế sẽ khiến những người khác nghĩ ra sao đây?

Vì vậy, Diệp Mạn mới nhắc nhở ông ấy: "Chú Triệu, nếu chú vào nhà máy, cháu có thể trả lương cho chú cao hơn những kỹ thuật viên khác nhưng lại thấp hơn nhiều so với thu nhập hiện tại của chú. Đây không chỉ là việc của riêng chú mà còn có liên quan đến cuộc sống của gia đình chú, hay là chú trở về bàn bạc với thím rồi hãy đưa ra quyết định cũng không muộn. Nếu chú không làm thì hãy sang nhượng cửa hàng sửa chữa cho người khác rồi tính phí chuyển nhượng."

"Ôi chao, bàn bạc gì nữa, chú có thể quyết định!" Triệu Vĩnh An không ngại gì cả.

Nhưng Diệp Mạn vẫn khăng khăng rằng phải về bàn bạc lại với thím rồi mới đưa ra quyết định.

Vì vậy sau khi ăn cơm tối và chuẩn bị đi ngủ, Triệu Vĩnh An nói với thím về chuyện ban nãy.

Thím Triệu cũng không nỡ: "Cửa hàng sửa chữa đang tốt mà lại giao cho người khác sao? Tiếc là tiếc mỗi tháng kiếm hơn một nghìn lận đó."

Hàng năm, mặc dù Diệp Mạn thỉnh thoảng có đến cửa hàng sửa chữa nhưng cũng chỉ mượn làm văn phòng mà thôi, cửa hàng đó đã được giao lại cho Triệu Vĩnh An, dù lỗ hay lãi thì cũng đều do Triệu Vĩnh An phụ trách. Chỉ trong hai tháng ngắn ngủi, ông ấy đã kiếm được hơn hai nghìn, thím Triệu dự định nghỉ việc không lương để phụ giúp việc mở cửa hàng. Dù sao thì việc làm ở đơn vị của thím cũng không tiến triển gì mấy, nhiều năm cống hiến cho đơn vị nhưng lương tháng của bà cũng chỉ hơn trăm, có lẽ hai năm nữa cũng sẽ đóng cửa như Hồng Tinh mà thôi.

(*) 2000 = 6.856.559 đồng

Từ sau khi Hồng Tinh sụp đổ, các nhà máy quản lý kém trong huyện đều có cảm giác khủng hoảng. Trước đây ai cũng nghĩ đất nước nhất định sẽ không để nhà máy phá sản, nhưng với bài học đắt giá từ Hồng Tinh thì còn chuyện gì là không thể? Tài chính có hạn, không có nhiều tiền để liên tục trợ cấp, hỗ trợ các nhà máy thua lỗ này.

Nhiều người đã dần nhận ra rằng chén cơm manh áo chẳng phải sắt đá, không thể nào bền chặt cả một đời. Sau chuyện đó, tác phong làm việc của nhiều nhà máy cũng dần cải thiện và tích cực nâng cao chất lượng làm việc.

Vì thế, thím Triệu cũng nhân cơ hội này kiếm nhiều tiền hơn, dù trong tương lai mọi chuyện có thay đổi ra sao, chỉ cần có tiền trong tay cũng sẽ không hoảng loạn, tiền chính là dũng khí của con người.

Triệu Vĩnh An cũng luyến tiếc, nhưng ông cũng nghĩ nhiều hơn: "Mấy con phố gần đây cũng mở một số cửa hàng sửa chữa, việc kinh doanh của cửa hàng đã không còn tốt như trước kia, tôi thấy e rằng sau này càng khó khăn hơn, không thể chỉ nhìn cái lợi trước mắt mà phải nhìn xa trông rộng, nếu lúc trước không nghe lời Diệp Mạn mà tham công tiếc việc, hôm nay chắc cũng phải lo sốt vó như nhà hàng xóm đó!"

"Hơn nữa, nếu Diệp Mạn không kéo tôi và cố gắng thuyết phục tôi ra ngoài làm việc với con bé thì gia đình chúng ta có được như ngày hôm nay không? Bây giờ con bé đang gặp khó khăn, tôi cũng muốn đi giúp nó, tiền lương có ít cũng không sao, nhà mình vẫn còn không ít tiền tiết kiệm gửi ngân hàng. Hơn nữa con bé cũng rất có năng lực, kiếm được tiền rồi sẽ không đối xử tệ bạc với chúng ta đâu, tôi cảm thấy theo nó sẽ không sai. Bà coi trưởng ban Mộc cũng từng là người rất uy nghiêm, mà bây giờ ông ấy cũng bị Diệp Mạn thuyết phục kìa, còn bằng lòng giúp đỡ con bé. Ông ấy chỉ nhận mức lương hơn một trăm, vậy mà cuối cùng tôi lại không thể vượt qua ổng sao?"

"Rồi rồi rồi, muốn đi thì đi đi, đừng nói tầm bậy tầm bạ nữa, nói nữa lại biến tôi thành người vô ơn luôn à." Thím Triệu tức giận quay lưng lại, không muốn để ý đến chồng.

Triệu Vĩnh An vội vàng nói: "Tôi không có ý đó, tôi chỉ nói cho bà biết tôi đang nghĩ cái gì. Lần trước chúng ta nghe theo Diệp Mạn cũng không mất mát cái gì, tôi tin lần này cũng không xảy ra chuyện gì đâu."

Thím Triệu im lặng một lúc rồi nói: "Tôi biết, Diệp Mạn rất trọng tình trọng nghĩa, nếu kiếm được tiền sẽ không tệ bạc với ông, tôi không có ngăn ông, nhưng mà còn cửa hàng sửa chữa phải làm sao bây giờ? Bỏ nó như thế thì có sao không?"

Triệu Vĩnh An nói ra kế hoạch của ông: "Tôi nghĩ sẽ chuyển nhượng nó cho người khác, chúng ta xem trong cửa hàng có một số người muốn tiếp nhận nó."

"Một số người, lỡ như tất cả đều muốn tiếp nhận thì phải làm sao? Ông giao cho ai đây?" Thím Triệu hỏi ngược lại.

Triệu Vĩnh An cũng chưa nghĩ tới chuyện này, ông nói: "Thì đến lúc đó tôi sẽ xem xét."

Thím Triệu xoay người ngồi dây: "Đến lúc đó xem xét à, nếu như xảy ra chuyện ồn ào gì đó, dẫn đến rạn nứt mối quan hệ thì làm sao? Chi bằng tôi sẽ nghỉ phép không lương đến cửa hàng hỗ trợ, còn ông đến nhà máy, tôi thì trông cửa hàng."

Thím Triệu càng nghĩ càng cảm thấy đây là một ý kiến hay, bằng cách này vừa có thể kiếm tiền cũng vừa có thể giúp đỡ.

"Tú Tú à, bà cũng không biết gì, đi đến cửa hàng sửa chữa để làm gì?" Triệu Vĩnh An không nói nên lời.

Nhưng thím Triệu không chịu nhận thua: "Tại sao lại không biết, tôi gả cho ông nhiều năm như thế, xem không biết bao nhiêu đồ được ông sửa, hơn nữa Tiểu Cầm không phải là con gái hay sao? Con bé làm được thì tại sao tôi lại không thể? Bên cạnh đó còn có Diệp Mạn, tuổi trẻ mà đã có năng lực hơn với mấy lão già bọn ông, ông bớt khinh phụ nữ đi nhé."

Triệu Vĩnh An cũng nói hết nước hết cái với bà, hôm sau nói chuyện đó cho Diệp Mạn: "Cháu quay lại khuyên thím giúp chú, chú khuyên bà ấy nhưng lại bị chụp cái mũ xem thường phụ nữ, còn nói cái gì mà chủ tịch hay nói là phụ nữ có thể gánh vác nửa bầu trời. Chú không thể nói gì với bà ấy, cháu giúp chú chuyện này nhé."

Diệp Mạn hớn hở: "Chú Triệu, chú định khuyên cái gì nữa, ý kiến của thím rất hay đấy."

"Sao cháu lại hùa với bà ấy làm chuyện hồ đồ như thế!" Triệu Vĩnh An không dám tin vào tai.

Diệp Mạn nói bằng giọng nghiêm túc: "Chú Triệu, cháu không hồ đồ, cháu thấy ý kiến của thím rất hay, chú không thấy Tiểu Cầm làm rất tốt sao? Ai quy định rằng chỉ có đàn ông mới có thể làm công việc sửa chữa? Phụ nữ có tính cẩn thận, tận tâm và có trách nhiệm cao, đều có thể làm như nhau, nếu chú không cho phép thím ấy thử thì cháu cũng nghĩ chú đang xem thường phụ nữ."

Triệu Vĩnh An không ngờ Diệp Mạn lại đứng về phía thím Triệu, ông bất lực nhìn cô: "Nhưng thím của cháu cũng đã ngoài bốn mươi tuổi, không chừng mấy năm nữa đã lên chức bà, đây..."

Diệp Mạn hỏi ngược lại: "Chú Triệu, vậy chú muốn làm ông sao? Chú không muốn làm công việc mới nữa sao, không muốn tạo ra giá trị cho cuộc đời ư? Thím có chí tiến thủ vậy thì sao chú lại không ủng hộ? Nếu chú muốn cháu nói thì hẳn là nên nói lời động viên và giúp đỡ thím ấy mới đúng."

Người giống như thím Triệu thật hiếm có khó tìm, nếu Xảo Vân hay Diệp Đại Ni có thể được một nửa như thím Triệu thì Diệp Mạn sẽ đốt pháo ăn mừng cho họ. Nếu bốn mươi tuổi thì sao? Đàn ông có thể làm thì sao phụ nữ lại không thể? Bọn họ có thể chịu khổ, lại sẵn lòng như thế thì nên có một lời động viên hơn là ngăn cản. Ngược lại, nếu bị cho thôi việc và thất nghiệp ở độ tuổi bốn mươi thì ta nên làm gì? Biết một kỹ năng nào đó còn hơn là không biết gì.

Triệu Vĩnh An không nói được gì khi nghe những lời của Diệp Mạn: "Chú chỉ sợ một vài người trong cửa hàng sẽ có ý kiến, thím con cũng không biết gì mà lại lãnh được nhiều tiền như thế, lâu dần thì mọi người sẽ nghĩ như nào đây?"

Triệu Vĩnh An là người biết nghĩ biết làm, hiện tại nhà bọn họ là chủ, là ông chủ nên cũng sẽ khác.

Tuy nhiên cũng có thể hiểu được rằng, cửa hàng sửa chữa chủ yếu dựa vào tay nghề và thái độ phục vụ của thợ chính, trước đây Triệu Vĩnh An là trụ cột, nhưng bây giờ lại bị một người như thím Triệu thay thế, thời gian dài thì khó nói lòng người có dao động hay không, có lẽ cũng nên thử nghiệm lòng người.

Vì thế Diệp Mạn đưa ra ý kiến: "Chú Triệu, tốt hơn hết là chú để thím Triệu theo Khang Bình và Tiểu Cầm học tập, nếu có thời gian rảnh ở nhà, chú cũng có thể dạy thêm cho thím Triệu, để thím ấy học cách sửa chữa đồ điện, bắt đầu sớm nhất có thể để xử lý một số vấn đề đơn giản và chia sẻ công việc với mọi người. Thứ hai, đưa phân nửa lãi ròng mỗi tháng cho ba thợ chính còn lại, coi như cho bọn họ cổ phần trên danh nghĩa, cứ như thế mọi người được lợi ích thực tế sẽ không phàn nàn gì, ngược lại càng cố gắng hơn nữa."

Điều mà Triệu Vĩnh An luôn lo lắng chính là không làm được việc gì mà lĩnh được nhiều tiền nhất, những người khác ắt sẽ có ý kiến, bây giờ phương pháp của Diệp Mạn đã giải quyết tất cả vấn đề, ông hớn hở nói: "Tiểu Diệp, cháu nảy số nhanh quá, chú sẽ về nói với thím, chắc hẳn bà ấy sẽ vui lắm đây."

"Dạ, chú Triệu cứ làm việc trong nhà máy đi, hôm nay cháu đã đi kiểm tra, nhà xưởng đã khô ráo mấy ngày rồi, có thể chuyển dây chuyền sản xuất vào. Chúng ta sắp xếp thời gian đưa dây chuyền sản xuất và các máy móc khác, nguyên vật liệu cũng đã mua gần hết rồi, tranh thủ khởi công trước tháng năm!” Diệp Mạn tự tin nói.

Triệu Vĩnh An đồng ý ngay lập tức.

Trong khoảng thời gian tiếp theo, mọi người đều rất bận rộn, vội vàng xử lý các hoạt động cho dịp khởi công.

Đến ngày hai mươi hai tháng tư, tất cả các giai đoạn sơ bộ đã chuẩn bị sẵn sàng, máy móc, vật tư đã được chuẩn bị, công nhân cũng được tuyển vào, từ công nhân cho ba ca đến các thầy chính thầy phụ đều được tuyển chọn. Tuy rằng nhà máy không lớn, chỉ có hơn trăm người nhưng đâu cũng vào đó.

Vì chỉ có một dây chuyền sản xuất nên Triệu Vĩnh An phụ trách bộ phận sản xuất, trưởng ban Mộc là giữ chức giám đốc chịu trách nhiệm điều phối mọi vấn đề trong nhà máy, kế toán La vẫn phụ trách công tác tài chính trong nhà máy, Lưu Mẫn là nhân viên mua vật tư trước đây từng làm cho Hồng Tinh, cũng là cháu gái của giám đốc Lưu. Trước đây cô ấy phụ trách mảng này nên rất quen thuộc với công tác nghiệp vụ. Diệp Mạn không hiểu rõ về cô ấy, nhưng trưởng ban Mộc đã tiến cử cô ấy, ông ấy nói rằng Lưu Mẫn là người có trình độ học vấn cao, hơn nữa còn trẻ tuổi nên có thể cộng tác ăn ý với Diệp Mạn. Trước kia cô ấy luôn phản đối ý tưởng mù quáng của giám đốc Lưu.

Ngày hai mươi ba tháng tư, nhà máy điện gia dụng Lão Sư Phụ chính thức khai trương, tiếng pháo nổ vang trời, Diệp Mạn đích thân treo biển hiệu "Nhà máy điện gia dụng Lão Sư Phụ" dưới ánh mắt tràn đầy kỳ vọng của mọi người.

Giám đốc Lưu đứng trong đám người chống nạng nhìn bảng hiệu lấp lánh dưới ánh mặt trời, dòng ký ức của ông chợt quay về hai mươi năm trước, vào tiết trời mùa xuân đầy nắng, ông giám đốc nhà máy đã vén tấm bảng hiệu Hồng Tinh, thoáng cái đã hai mươi năm trôi qua, ông phụ lòng mong đợi của người quản lý nhà máy cũ vì đã không thể trụ được nhà máy. Hy vọng nhà máy điện gia dụng Lão Sư Phụ có thể bù đắp sự tiếc nuối này và trở thành một thương hiệu nổi tiếng ở huyện Trường Vĩnh.

Ông không chào hỏi ai, cũng không đi xem nhà máy. Sau khi Diệp Mạn tuyên bố thành lập nhà máy điện gia dụng Lão Sư Phụ, giám đốc Lưu lặng lẽ chống nạng rời đi, ánh mặt trời kéo dài hình bóng của ông lão.

Sau khi khai trương khua chiêng gõ mõ rùm beng thì nhà máy cũng chính thức đi vào hoạt động sản xuất.

Không lâu sau đó, những chiếc TV màu 14 inch đầu tiên đã được sản xuất.

Vì là lô TV đầu tiên trong nhà máy nên đã thu hút sự chú ý của mọi người, trong ngày hôm đó, Diệp Mạn đã nhờ người chuyển một cái đến nhà ăn: "Đặt ở nhà ăn, trưa hôm nay mở cho mọi người cùng xem!"

Tới giữa trưa, khi các nhân viên đến nhà ăn để dùng bữa, họ nhìn thấy một chiếc TV được đặt ở đó, họ vô cùng ngạc nhiên: "Đây là TV của chúng ta sao? Tuyệt vời!"

"Mau mở lên xem đi." Mọi người sốt ruột không chịu nổi mà thúc giục.

TV đang mở, chiếu thời sự buổi trưa của đài truyền hình ở tỉnh, mọi người thích thú đứng lên xem, xem được TV cũng ăn được nhiều thêm hai bát cơm.

Nhưng sau khi xem một lúc, một người có đôi mắt tinh ý nói: "Phía bên trái màn hình TV hơi bị sáng hơn phần còn lại đúng không?"

"Ồ, đúng vậy, nhưng không rõ lắm đâu, không nhìn kỹ thì sẽ không thấy được, Tiểu Trương à, mắt cậu tinh ý thật." Một người khác vui vẻ nói.

Mọi người nhận xét từng chi tiết của chiếc TV.

Diệp Mạn đi vào liền nhìn thấy một số người đang tán gẫu vui vẻ, liền đi tới hỏi: "Mọi người tụm năm tụm ba ở đây nói gì thế?"

"Giám đốc Diệp, cô đến rồi, chúng tôi đang nói về Tiểu Trương có đôi mắt rất sắc bén, cậu ấy có thể nhìn thấy sự khác biệt nhỏ về màu sắc của màn hình." Một chàng thanh niên vui vẻ trả lời.

Nghe vậy, đột nhiên sắc mặt của Diệp Mạn trầm xuống, cô đẩy những người xung quanh sang một bên rồi hỏi: "Ở đâu vậy?"

Tiểu Trưởng chỉ vào mép trái của TV: "Giám đốc Diệp, cô xem này, ở đây sáng hơn ở giữa một chút đúng không?"

Diệp Mạn nhìn kỹ một hồi, quả nhiên là như vậy.

Cô lập tức căn dặn: "Đổi một chiếc khác thử xem."

Mọi người thấy sắc mặt cô thay đổi liền chạy đi lấy một chiếc TV khác đến, thế nhưng màn hình vẫn bị lỗi như thế.

Sắc mặt Diệp Mạn trầm xuống, cô tiếp tục nói: "Đổi một cái mới."

Lúc này mọi người mới nhận ra có điều gì đó không ổn, nhà ăn đang náo nhiệt đột nhiên trở nên im lặng, ai cũng không dám phát ra tiếng động, vội vàng chạy đi gọi Triệu Vĩnh An.

Triệu Vĩnh An sải bước đến hỏi Diệp Mạn: "Có chuyện gì thế? Giám đốc Diệp, TV của chúng ta có lỗi gì sao?"

Nó đã là cái thứ năm rồi, mép trái của mỗi chiếc đều sáng hơn một chút, người không nhìn cẩn thận sẽ không dễ phát hiện, điều này có nghĩa là có một vấn đề trong dây chuyền sản xuất của bọn họ.

Diệp Mạn nói: "Tạm ngưng sản xuất, kiểm tra tất cả TV, Tiểu Trương phụ trách phần này, hai tiếng sau gửi kết quả cho tôi."

Chương kế tiếp