Bút Ký Giải Phẫu Có Thật: Sổ Điều Tra Của Một Pháp Y Về Nguyên Nhân Tử Vong

4. Khoảnh khắc kinh hoàng nhất trong khi hành nghề của pháp y: Gặp người quen tại hiện trường án mạng
Là một pháp y, điều tôi không muốn nhất là gặp người quen ở nơi làm việc.

Hôm qua còn tươi cười chào hỏi, hôm nay lại nhìn thấy đối phương ngã xuống đất, loại cảm giác này cực kì tồi tệ.

Tôi từng nhìn thấy rất nhiều người chết, nhưng tôi không có cảm nhận trực quan về bộ dáng lúc họ còn sống. Không biết họ đứng như thế nào, đi như thế nào, chớp mắt như thế nào và cả phong cách nói chuyện của bọn họ. Giống như bị ngăn cách bởi một lớp màng mỏng giúp tôi ngăn cản hầu hết cú sốc tâm lý.

Nhưng nếu gặp phải người quen thì khác, tôi sẽ nghĩ đến chính mình.

Xác suất xảy ra nhỏ như vậy lại xảy ra trên người đối tác của tôi là pháp y Trương.

01.

Hôm đó, tôi chỉ mới ăn được một nửa bữa cơm thì tôi và pháp y Trương phải vội vàng chạy đến tiểu khu Thịnh Cảnh ở Đông Thành.

Các viên cảnh sát được phái đi đã đợi sẵn ở cổng. Hành lang tầng 17 của chung cư bị người dân vây lại chật như nêm cối, nhìn thấy chúng tôi đến liền tự động nhường đường.

Tôi liếc nhìn cánh cửa phía tây, chỉ thấy cánh cửa an ninh màu đỏ thẫm đang khép hờ, những mảnh vỡ của tay nắm cửa và khóa cửa nằm rải rác trên mặt đất, khung cửa đã bị biến dạng.

“Là em rể của nạn nhân cạy ra.” Một viên cảnh sát đứng ra giải thích.

Nhìn theo tầm mắt của viên cảnh sát, tôi nhìn thấy một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi đang ngồi ở lối thoát hiểm. Anh ta ngẩng đầu, sắc mặt không tốt lắm.

"Hôm nay có buổi họp mặt gia đình đã được sắp xếp từ trước. Vợ tôi gọi cho anh ta, tắt máy; gọi cho chị dâu cũng tắt máy."

Người em rể được cử đi kiểm tra tình hình xem đã xảy ra chuyện gì, anh ta gõ cửa nhưng không thấy động tĩnh gì nên gọi cả đống họ hàng đến.

“Suy nghĩ ban đầu của chúng tôi là gia đình ba người có thể đã gặp chuyện ngoài ý muốn, ngộ độc khí than.” Người họ hàng gọi cảnh sát trước, sau đó lại gọi cho xe cấp cứu.

Trước sự chứng kiến ​​của cảnh sát và bác sĩ, người em rể cạy cửa. Mọi người vào trong xem thử, vừa bước vào đã bị cảnh sát ngăn ở bên ngoài.

Chủ nhà đã chết, ở trong phòng khách.

“Trong nhà chỉ có một người?” Pháp y Trương hỏi.

Người cảnh sát gãi đầu: "Người nhà nói cả nhà ba người đều ở trong nhà."

Cách một cánh cửa an ninh nhưng tôi đã có thể ngửi thấy mùi tanh của máu và mùi thối rữa thoang thoảng trong phòng.

Sàn gỗ ở lối vào tối hơn khu vực xung quanh, là một vũng máu. Một vết máu rộng khoảng nửa mét kéo dài từ vũng máu, uốn lượn qua phòng khách đến phòng tắm, vẽ thành một hình chữ "S" như một con trăn trên mặt đất.

Người đàn ông chết trong phòng khách không nằm trên vết máu, ông ta khoảng năm mươi sáu mươi tuổi, khuôn mặt xanh xao, hai má hóp sâu, xuất hiện trước mặt chúng tôi với tư thế rất kỳ dị.

Ông ta đang nằm ngửa trên mặt đất trước cửa phòng ngủ, phần thân trên nằm trong phòng khách, phần thân dưới nằm trong phòng ngủ. Cả hai tai đều đang đeo ống nghe, một nửa đầu chum nghe được nhét vào trong vòng bít của máy đo huyết áp, tay ông ta còn đang nắm hờ quả bóp cao su.

Đôi mắt mở của ông ta bị bao phủ bởi một lớp bụi xám, lỗ mũi và quanh miệng có một lớp vật chất màu vàng giống như cháo kê bị khô trong không khí.

Trực giác cho tôi biết, những chất nôn đó không đơn giản chỉ là thức ăn.

Tôi ngẩng đầu nhìn pháp y Trương, hai tay anh ta chắp ở phía sau, nhìn chằm chằm vào khuôn mặt người chết, toàn thân đứng bất động. Một lúc sau, anh ta đột ngột ngồi xổm xuống, áp mặt vào mặt người đàn ông đã chết.

Mặt anh ta tái đi, vai và cánh tay đều đang khẽ run. Tôi vỗ nhẹ vào vai anh ta, thuận miệng hỏi: “Anh mệt quá à?”

Ai ngờ, pháp y Trương giật bắn người: "Không sao! Không sao!" Anh ta nhếch môi, vươn tay chỉ vào nạn nhân: “Người này…Tôi biết ông ta.”

02.

Người chết là Trần Vũ, phó khoa của một khoa trong bệnh viện, vợ ông ta là giám đốc của một doanh nghiệp nhà nước, con gái là nghiên cứu sinh của một trường đại học đứng đầu thế giới ở Mỹ.

Phòng khám pháp y và phòng khám của Trần Vũ là "hàng xóm". Mấy năm trước, pháp y Trương từng ăn cơm với mấy vị bác sĩ thân quen, Trần Vũ ngồi đối diện anh ta.

"Đúng vậy, là Lão Trần! Nhưng trước đây ông ta không gầy như vậy." Giọng pháp y Trương có chút khàn khàn, nuốt nước miếng: "Tôi quen biết lão Trần nhiều năm như thế cũng không biết ông ta đang sống ở đây.”

“Còn có hai người nữa!” Kỹ thuật viên kiểm tra dấu vết đứng trên bậc ở cửa phòng tắm, tiếng nói có chút vồ vập.

Tôi không khỏi hít một hơi thật sâu, lần theo vết máu đến cửa phòng tắm, mùi xác chết nồng nặc xộc thẳng vào mũi tôi.

Trên sàn phòng tắm có một chiếc chăn bông màu trắng, bốn bàn chân lộ ra ngoài.

Tôi bước tới, nhẹ nhàng vén tấm chăn bông lên.

Mẹ nằm trên, con gái nằm dưới, tư thế giống như con gái đang tựa đầu vào vai mẹ, hai người ôm lấy nhau. Đầu hai người be bét máu.

Đây là một vụ án diệt môn*.

(*)Giết sạch cả nhà.

Trên bồn rửa tay có một cây búa đầu tròn.

Đầu búa tròn tròn sáng loáng, cán búa màu gỗ còn rất mới, chữ khắc mép đầu búa và mối nối giữa đầu búa và cán búa có màu đỏ nhạt.

“Vị trí đánh rất thấp.” Pháp y Trương nói, anh ta chăm chú nhìn vào vết máu bắn tung tóe trong phòng tắm.

Đột nhiên tôi nghĩ đến cái tủ bát ở sảnh vào, vội vàng chạy ra ngoài đấy xem, phát hiện vị trí vết máu ở đó cũng rất thấp. Tôi hít một hơi thật sâu – điều này chứng tỏ hung thủ đã quật ngã hai mẹ con nạn nhân xuống đất rồi đập một búa thật mạnh vào đầu họ.

Chúng tôi phát hiện vài dấu chân máu ở gần đầu hai mẹ con nạn nhân.

“Là một người đàn ông,” Kỹ thuật viên kiểm tra dấu vết, cầm thước cuộn nói: “Cửa ra vào và cửa sổ vẫn trong tình trạng hoàn hảo, ngoài cửa ra vào không có dấu vết bị cạy mở, trong nhà cũng không có dấu vết bị lục lọi.”

Ý tứ của kỹ thuật viên rất rõ ràng – cậu ta nghi ngờ nam chủ nhân của căn nhà này đã giết vợ con mình.

“Ông ta không phải là người hung tợn như thế!” Pháp y Trương không tin nổi, lặp lại câu này tận ba lần.

Không lâu sau, một đồng nghiệp đã tìm thấy di thư của Trần Vũ ở trên tủ TV trong phòng khách. Mấy tờ giấy A4 được kẹp với nhau bằng một cái kẹp giấy nhỏ, cuối mỗi trang còn vẽ một mũi tên ngược.

Tôi nhìn sơ qua thì thấy nội dung đại khái là động cơ giết vợ và con gái của Trần Vũ và lý do ông ta tự sát.

Chúng tôi lại tìm thấy một phong bì màu trắng dưới gối của trần Vũ, trên tờ giấy A4 ở trong phong bì là từng hàng chữ đẹp đẽ. Không có chữ ký cũng không có ngày tháng.

Là giọng điệu của một cô gái, tiêu đề: "Có lẽ là di thư."

Không biết hai bức di thư này đã có từ bao giờ.

03.

Phòng giải phẫu sáng đèn, tiếng quạt hút ầm ầm phá tan sự tĩnh lặng của đêm xuân. Đối mặt với ba túi thi thể màu vàng trên sàn, tôi sợ trong lòng pháp y Trương cảm thấy khó chịu nên chủ động nhận nhiệm vụ khám nghiệm tử thi sơ bộ.

Pháp y Trương không nói không rằng chỉ khoát tay, ý bảo vẫn nên để anh ta làm.

Tôi biết anh ta không muốn tin kẻ sát nhân chính là Trần Vũ. Hơn nữa, còn chưa có kết quả nhận dạng chữ viết, bây giờ vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận.

Pháp y Trương chăm chú nhìn Trần Vũ đang nằm trên bàn giải phẫu hơn hai phút, chậm chạp không xuống tay. Pháp y Trương bỗng thở dài: “Ban đầu tôi còn cảm thấy ông ta quá phiền nhưng không ngờ ông ta lại ra đi như thế này.”

Dưới góc nhìn của pháp y Trương, Trần Vũ là một người rất cứng đầu và chăm chỉ.

Vào một mùa hè, pháp y Trương đang bận ở phòng khám pháp y thì Trần Vũ vội vàng chạy vào: "Pháp y Trương, mau sang mà xem, có một đám côn đồ đang quậy kìa.”

Pháp y Trương nhanh chóng bỏ công việc trong tay xuống rồi chạy vào phòng khám cùng Trần Vũ.

Ba thanh niên tóc vàng xăm trổ đang đánh nhau với một vị bác sĩ, hiển nhiên là vị bác sĩ kia phải chịu thiệt, hai người bảo vệ đang đứng bên cạnh cũng không biết phải làm sao.

“Dừng tay, tôi đến từ đồn cảnh sát đây!” Pháp y Trương hét lên.

Ba thanh niên buông vị bác sĩ kia ra, họ nhìn chằm chằm pháp y Trương vài giây, có lẽ thấy thân hình cường tráng, có khí thế liền nói vài câu hung tợn rồi chạy biến.

Sau sự việc này, Trần Vũ khen pháp y Trương không dứt miệng, mỗi lần có ẩu đả tranh cãi Trần Vũ đều sẽ vọt sang phòng khám bên cạnh tìm pháp y Trương đến giải quyết giúp.

“Tôi đã nói bóng nói gió với Trần Vũ rất nhiều lần là gặp rắc rối thì gọi 110 nhưng ông ta cứ đến tìm tôi.” Pháp y Trương có chút bất đắc dĩ.

Trần Vũ nhận định, pháp y Trương hữu dụng hơn đồn công an, người khác nói gì cũng không lọt tai.

Còn có một đêm, 120 chở một người bị thương do ngã từ trên cao xuống đến, cấp cứu hơn một giờ nhưng cuối cùng bệnh nhân vẫn chết. May mà gia đình của người chết hiểu đạo lý, không khóc không nháo cũng không bắt đền, chỉ muốn xử lý thi thể càng sớm càng tốt.

Lúc này, các bác sĩ và y tá mới thở phào nhẹ nhõm nhưng Trần Vũ lại lập tức lấy điện thoại ra gọi cho pháp y Trương: "Trên người người chết có rất nhiều vết thương, tôi nghi là anh ta bị ai đó hại chết."

Pháp y Trương vội vã chạy từ nhà đến bệnh viện ra, Trần Vũ chỉ vào một vết thương trên cơ thể người chết, nói: "Đây có thể là bị người ta đánh vào, hung khí có lẽ là một cây gậy sắt.”

Pháp y Trương nhìn sơ qua bên ngoài của thi thể, không giống vết thương do bị giết để lại nhưng Trần Vũ vẫn khăng khăng khẳng định có dấu vết bị đánh. Để xem xét kỹ hơn, pháp y Trương vẫn để Trần Vũ báo cảnh sát.

Cảnh sát tiến hành khám nghiệm hiện trường ở tòa nhà người chết ngã xuống, cũng thu được video giám sát, cuối cùng đã loại trừ khả năng đây là vụ án giết người.

Không phải án mạng là một chuyện tốt nhưng gia đình người chết không tiếp tục điều tra nữa. Bọn họ chỉ thẳng vào mặt Trần Vũ và pháp y Trương mà mắng: “Các người lo chuyện bao đồng! Gây rắc rối cho người khác!”

Pháp y Trương bị người nhà bệnh nhân mắng đến đỏ mặt nhưng Trần Vũ vẫn khăng khăng cho rằng bản thân đúng.

Bây giờ Trần Vũ không thể cố chấp như thế nữa rồi. Bụng của ông ta hóp lại, chỉ cần nhìn bề ngoài cũng có thể đếm được bao nhiêu cái xương ngực, bao nhiêu cái xương sườn và bao nhiêu cái xương đòn.

Chúng tôi nhận ra cơ thể của ông ta không có vấn đề gì lớn, ngoại trừ việc tim và màng tim bị dính vào nhau.

“Trái tim của ông ta có vấn đề.” Pháp y Trương có chút kinh ngạc.

Trần Vũ chuyên về mảng phẫu thuật tim nhưng ông ta lại không thể tự chữa cho chính mình.

04.

Nguyên nhân gây ra cái chết của Trần Vũ còn phải chờ kết quả xét nghiệm độc tố, còn nguyên nhân cái chết của vợ và con gái của ông ta rõ ràng hơn nhiều – vỡ đầu.

Pháp y Trương nói, khi còn sống Trần Vũ thường khen vợ hiền lành, đảm đang và cô con gái ngoan ngoãn ưu tú trong văn phòng: “Mấy năm trước, mỗi khi nhắc đến con gái thì đôi mắt của lão Trần liền phát sáng.”

Không ai ngờ tới một cô gái có học thức cao, ngoại hình ưa nhìn giờ đây lại nằm lên bàn giải phẫu với hình ảnh như thế này.

Trán và đỉnh đầu của cô ấy đều đã vỡ nát, sau khi làm sạch mái tóc xoăn vàng và vết máu thì tôi đếm được có tận mười một nhát búa đã bổ lên đầu cô ấy.

Về phân bổ vết thương, kết quả cho ra hầu hết đều là bị tấn công trực diện.

Pháp y Trương nhìn khuôn mặt bê bết máu của cô gái, nhìn gương mặt đang thối rữa ấy và nói: "Nếu thật sự là lão Trần ra tay thì ông ta thật sự quá độc ác!”

Con gái của lão Trần tên là Trần Hân Dư, hai mươi chín tuổi, chưa kết hôn, là một cô gái xinh đẹp đa tài.

Trong phòng khách có một cây đàn piano, là của cô ấy. Ở góc tường trong phòng ngủ còn dựng một cây đàn guitar, trên mặt đất có vài hộp giấy cứng bên trong toàn là sách, cuốn sách “Con tàu của Theseus” dày cộm được đặt ở trên cùng.

Pháp y Trương nói, mặc dù gia đình Trần Vũ có điều kiện nhưng chi phí cho các lớp học nghệ thuật như piano và khiêu vũ vẫn rất cao. Một đồng nghiệp từng hỏi Trần Vũ có xứng đáng không, ông ta nói: "Tôi chỉ có một đứa con gái, tất nhiên là phải ra sức đầu tư bồi dưỡng nó rồi.”

Một đồng nghiệp trêu đùa: “Con gái dù được nuôi dạy tốt đến mấy thì cuối cùng cũng phải đi lấy chồng không phải sao?”

Lúc đó Trần Vũ không nói gì nhưng mấy ngày sau ông ta cũng không nói chuyện với người đồng nghiệp đó nữa.

Pháp y Trương cảm thấy, những cái khác thì không nói nhưng lão Trần nhất định sẽ cố gắng hết sức trong việc nuôi dạy con gái.

Nhưng sổ ghi chép mà chúng tôi tìm thấy trong quá trình kiểm tra hiện trường hình như đang tiết lộ mối quan hệ gần đây giữa cha và con gái:

Trên cuốn sổ có hai nét chữ, giống như cuộc trò chuyện hàng ngày của hai cha con trong mấy ngày gần đây.

"Con muốn ăn dâu tây."

"Chiều nay bố sẽ đi mua."

Cha và con gái vốn nên thân thiết vậy mà ngay cả những lời giao tiếp hàng ngày như vậy cũng cần phải thể hiện qua giấy bút.

05.

Bàn trang điểm của Trần Hân Dư bày đầy mỹ phẩm đủ màu sắc, đầu giường còn dán một bảng công thức nấu ăn giảm béo, trên đó ghi lại những món mà cô ấy đã ăn trong mấy ngày qua, trông có vẻ là một cô gái lạc quan yêu đời.

Trong “di thư giả giả thật thật của Trần Hân Dư” có một câu như thế này: “Rõ ràng là tôi đã sống hết mình, rõ ràng tôi luôn dùng sự nỗ lực của mình để sưởi ấm những người xung quanh, rõ ràng tôi đã sống rất chân thành. Rõ ràng rất trân trọng những điều tốt đẹp của thế giới này.”

"Nhưng tại sao tôi lại muốn kết thúc cuộc đời của chính mình?"

Chúng tôi tìm thấy sáu hình xăm trên cơ thể của Trần Hân Dư, sau hai tai, ngực trái ngực phải, xương chậu trái, vai và lưng. Bàn tay mười ngón của cô ấy đều được sơn màu đỏ thẫm.

Theo ánh mắt truyền thống của một thành phố nhỏ thì Trần Hân Dư là một cô nàng vô cùng “thời thượng”. Có chút lạc loài.

Pháp y Trương nói: “Trong mấy lần gặp mặt gần đây, hình như lão Trần không muốn nhắc đến con gái mình nữa.”

Mấy người thân quen đều biết việc Trần Vũ nuôi con gái giống như nuôi một bông hoa quý vậy.

Ông cảnh cáo con gái không được làm những việc không liên quan đến học tập, đặc biệt là không được yêu sớm. Nhưng vì công việc bận rộn nên Trần Vũ không thể canh chừng con gái. Dù đang ở trong ca trực đêm thì chỉ cần có thời gian rảnh ông ta sẽ gọi về nhà hỏi con gái đang làm gì: “Con đã làm bài tập chưa? Đã luyện đàn chưa?”

Có một khoảng thời gian, điện thoại nhà bọn họ vừa đổ chuông một cái thì Trần Vũ sẽ vội vàng nghe máy, nghe thử có phải là gọi đến tìm con gái mình không. Nếu đầu dây bên kia là con trai thì Trần Vũ sẽ nói Trần Hân Dư đang bận rồi nhanh chóng cúp máy.

Bạn cùng lớp của Trần Hân Dư cũng là một cảnh sát, thỉnh thoảng cậu ta sẽ kể lại trải nghiệm một lần gọi điện thoại cho Trần Hân Dư, hình như trong lòng vẫn còn sợ hãi.

Từ thời tiểu học, chỉ cần có thời gian bác sĩ Trần sẽ đích thân đưa con gái đến trường. Đến năm cuối cấp, con gái mới bắt đầu tự đi học một mình, bác sĩ Trần thường âm thầm đi theo sau lưng con gái đến khi con gái bước vào khuôn viên trường mới thôi.

Thi thoảng, ông ta sẽ ở gần trường nhìn con gái mình tan học. Nếu phát hiện ra con gái mình chào hỏi, trò chuyện với ai trên đường, thì sau khi cô ấy về đến nhà ông ta sẽ hỏi thăm, nếu đối phương là con trai thì ông sẽ hỏi han kĩ càng.

Trần Vũ sinh ra trong một gia đình theo nghiệp y ở địa phương, trong nhà có sáu chị em gái, ông ta là đứa con trai duy nhất.

Vào đêm giao thừa đầu tiên sau khi con gái chào đời, Trần Vũ dẫn vợ con về nhà bố mẹ đẻ ăn Tết. Lúc đầu, ông cha già còn thân mật ôm cháu gái nhưng uống vài chén rượu liền biến thành người khác, ông ta không nói lời nào chỉ liên tục uống rượu giải sầu, cuối cùng còn ném cái ly xuống đất vỡ tan tành.

Trần Vũ hiểu ý bố mình nhưng ông ta và vợ đều là công chức nhà nước, kế hoạch hóa gia đình là ranh giới đỏ. Ông ta đã quyết tâm nuôi dạy con gái cho thật tốt.

Những năm qua, Trần Hân Dư cũng không chịu thua kém, thi đậu vào một trường đại học tốt ở trong nước. Ngày khai giảng, Trần Vũ đã lái xe đi hàng trăm ki lô mét đưa con gái đi nhập học. Ông ta ở lại khách sạn gần trường mấy ngày, mua chậu rửa mặt, màn, quạt, thậm chí còn mua cả máy giặt cho con gái.

Bạn cùng phòng đều hâm mộ Trần Hân Dư nhưng Trần Hân Dư lại cảm thấy rất mất mặt.

Cô ấy ganh tỵ với bạn cùng phòng một mình một người đến trường nhập học: "Sinh viên đại học nên tự lập hoàn toàn."

Về hành động, Trần Hân Dư không thể tự lập nhưng cô ấy đã tự lập về tinh thần.

Trong bức di thư giả giả thật thật của cô ấy, tôi nhớ có một câu thế này: "Có thể ban đầu sẽ có những ràng buộc và trở ngại từ gia đình, nhưng nếu tôi thực sự mạnh mẽ và quyết đoán thì sao tôi phải quan tâm đến những điều đó?"

06.

Pháp y Trương nói, Trần Vũ đã từng hỏi vài đồng nghiệp cách giải quyết mối quan hệ với con gái. Sau khi Trần Hân Dư tốt nghiệp đại học liền theo sự sắp xếp của mẹ vào làm trong một công ty ở địa phương. Ổn định, nhàn hạ, đãi ngộ cũng rất tốt.

Nếu cô ấy đi theo sự sắp xếp của bố mẹ thì sau đó Trần Hân Dư sẽ tìm một người bạn trai môn đăng hộ đối.

Trần Hân Dư vâng theo sự sắp xếp công việc của bố mẹ nhưng chuyện yêu đương thì cô ấy lại phản đối quyết liệt – cô ấy tìm được một người bạn trai, là người đến từ vùng khác.

Trần Vũ rất bất mãn.

Lúc chúng tôi dọn dẹp hiện trường ở nhà ông ta thì tìm thấy “Chín ý kiến” mà năm đó Trần Vũ đã viết cho con gái mình.

"Con có hiểu người này không? Con có biết gia cảnh của cậu ta không? Cậu ta thật lòng đối xử tối với con à? Sau này cậu ta về quê, hai đứa hai nơi thì phải làm sao? Bố mẹ chỉ có một đứa con gái là con, nếu con đi rồi thì bố mẹ biết làm sao đây? Điều kiện gia đình cậu ta không tốt, sau này làm sao mua nhà mua xe? Con có thể thích nghi với phong tục tập quán ở quê cậu ta không? Sau này con sinh con, bố mẹ già rồi thì làm sao đây? Cậu ta không cao, ảnh hưởng đến chiều cao của đứa nhỏ làm sao bây giờ?”

Trần Vũ từng tâm sự với một đồng nghiệp: "Tình yêu cái rắm, có thể mài ra ăn sao? Chuyện hôn nhân phải nghe ý kiến của người từng trải mới đúng, có nhiều chuyện người trẻ tuổi sẽ không bao giờ tính tới.”

Khi Trần Vũ còn trẻ, bố ông ta cấm ông ta yêu đương khi còn ở trên ghế nhà trường nhưng khi học đại học ông ta vẫn hẹn hò với một cô gái.

Năm hai người tốt nghiệp, bạn gái thời đại học của ông bỏ đi, ông ta vào làm việc tại một bệnh viện hạng hai ở địa phương. Qua sự giới thiệu của người thân trong gia đình, gặp được người vợ hiện tại, hai bên gia đình môn đăng hộ đối, bố mẹ hai bên cũng rất vừa lòng.

Điều kiện gia đình vợ tốt hơn nhà ông ta, chẳng những không có gánh nặng mà còn có thể giúp đỡ ông ta. Trần Vũ cảm thấy quyết định của bố mẹ mình rất đúng đắn.

Mà đứa con gái Trần Hân Dư này lại không nghe lời người từng trải mà tranh cãi với ông ta, cuối cùng Trần Vũ chốt một câu: “Nếu hai đứa còn tiếp tục ở bên nhau thì chúng ta cắt đứt quan hệ cha con.”

Trần Hân Dư nhượng bộ nhưng đưa ra “điều kiện trao đổi” với Trần Vũ, cô ấy muốn đi du học.

Sau khi ra nước ngoài, lúc Trần Hân Dư nói chuyện điện thoại với mẹ sẽ không nói chuyện với bố nữa.

Pháp y Trương nhớ lại, lần cuối cùng anh ta nghe Trần Vũ nhắc đến con gái mình là trong một buổi tiệc cưới.

Khi đó Trần Hân Dư vẫn đang du học ở Mỹ, pháp y Trương hỏi bâng quơ: "Lão Trần, khi nào nhà anh có đám cưới đây? Đừng ảnh hưởng đến việc ôm cháu ngoại của anh nha.”

Vốn dĩ chỉ là lời nói đùa, không ngờ Trần Vũ lại đen mặt, uống nửa ly rượu rồi chủ động nói về con gái mình.

Trần Hân Dư ở Mỹ đang yêu đương với một chàng trai ngoại quốc, là người da đen.

“Nếu biết chuyện sẽ thành ra thế này, chẳng thà để con bé tiếp tục quen với chàng trai lúc trước.” Trần Vũ thở dài, ngửa đầu uống cạn nửa ly rượu còn lại.

Trần Hân Dư ở nước ngoài đã không còn nghe lời nữa, vợ chồng Trần Vũ luống cuống. Bọn họ yêu cầu con gái sau khi tốt nghiệp phải về Trung Quốc càng sớm càng tốt.

Cân nhắc vài bận, cuối cùng Trần Hân Dư cũng đồng ý. Nhưng có chết cô ấy cũng không muốn trở về với bố mẹ, nhất quyết đi làm ở một thành phố lớn phía nam.

Đến đường cùng, Trần Vũ đành phải thỏa hiệp, ông ta nghĩ: "Về nước trước đã, sau đó lại từ từ nghĩ biện pháp."

Chỉ cần con gái ở trong nước, mọi việc vẫn có thể kiểm soát.

07.

Sau đó, pháp y Trương và tôi khám nghiệm thi thể vợ của Trần Vũ. Bà ta mặc quần áo chỉnh tề, hai tay có vết thương do chống cự, các vết thương còn lại tập trung chủ yếu ở đầu, tổng bộ bị đập mười sáu nhát.

Xem ra mục đích của kẻ sát nhân rất rõ ràng, đó là đánh thẳng vào đầu, giết người.

Trần Vũ từng khoe khoang vợ mình đức độ như thế nào trước mặt đồng nghiệp rất nhiều lần, ví dụ như: “Món gà hầm tối qua ngon lắm”, “Chị dâu của cậu mua cho tôi một chiếc khăn quàng cổ, rất đẹp.”

Anh luôn để ý đến sự đánh giá của người khác về hạnh phúc gia đình mình.

Một nhà ba người thiệt mạng, gia đình Trần Vũ và vợ ông ta đều là hai gia đình có sức ảnh hưởng lớn ở địa phương, đám họ hàng vẫn đang chờ kết luận của cảnh sát.

Hôm sau đi làm, lãnh đạo gọi tôi lên văn phòng hỏi rõ vụ việc, đồng thời dặn dò chúng tôi nhất định phải tìm ra nguyên nhân cái chết: "Điều tra xem, có khi nào là sau khi giết cả nhà họ, hung thủ đã làm giả hiện trường ‘nội chiến’, giả làm hiện trường tự sát.”

Chiều hôm đó, vật chứng và kết quả khám nghiệm tử thi tại hiện trường được đưa ra.

Thời gian chết của vợ và con gái của Trần Vũ tương đối gần nhau, khoảng 3 ngày trước; thời gian chết của Trần Vũ là khoảng hai ngày trước, ông ta là người chết cuối cùng.

Ở cán búa và đầu búa đã phát hiện ra DNA của vợ và con gái, nhưng ở đầu búa không tìm thấy DNA của Trần Vũ.

Kết quả kiểm tra bút tích cho thấy bức di thư có ký tên “Trần Vũ" đúng là do Trần Vũ viết và bức di thư thật thật giả giả kia là do con gái ông ta viết.

Về cơ bản đã có thể cho ra kết luận Trần Vũ chính là hung thủ sát hại vợ con. Kết quả này khiến pháp y Trương sửng sốt một chút.

Tôi lại tìm thấy "di thư" của Trần Vũ và con gái. Khi tìm được bức thư, có một con dao găm được đè trên đó.

Trong bức thư, Trần Hân Dư viết về những ràng buộc và trở ngại mà gia đình đã đặt lên người cô ấy: "Tôi luôn cảm thấy mình thật vô dụng, chẳng có gì trong tay. Cuộc đời của tôi thực sự thất bại như vậy ư?"

"Rõ ràng còn có rất nhiều thế giới nội tâm phong phú nhưng tại sao tôi không thể quyến luyến thế giới này nữa?”

Sau khi biết vài điều Trần Hân Dư phải trải qua trong quá khứ, bây giờ tôi nhìn vào bức di thư này liền cảm thấy cô ấy không giống như đang nói lời tạm biệt với thế giới mà giống như một lá thư cầu cứu.

Cô ấy xin sự giúp đỡ của bố mẹ nhưng lại nhận lấy một cây búa sắt.

Tôi không chắc liệu động cơ giết người trong bức di thư của Trần Vũ có đáng tin hay không nhưng ở chỗ ông ta ghi lại động cơ giết con gái của mình đã viết thêm một câu:

“Tính cách, nhận thức,… của con gái cũng là lý do tôi giết nó”.

08.

Cuộc điều tra vụ án vẫn đang được tiếp tục, vài mốc thời gian chính dần được tra ra.

Ngày 23 tháng 2 năm 2019, Trần Hân Dư đang làm việc ở thành phố lớn phía nam được mẹ đón về nhà. Từ đó cô ấy vẫn chỉ ở trong nhà, không bước ra khỏi cửa nữa.

Vì Trần Vũ sắp nghỉ hưu và bị ốm nhẹ nên ông ta rất ít khi đi làm. Về cơ bản chỉ ở nhà với con gái.

Camera ở tiểu khu cho thấy, 6 giờ sáng ngày 1 tháng 3, Trần Vũ ra ngoài đi dạo. Ông ta cúi gằm mặt đi quanh khu phố, đi rất chậm, mãi 7 giờ 30 mới về nhà.

9 giờ sáng ngày 1 tháng 3, vợ của Trần Vũ ra khỏi tiểu khu. Khoảng 5 giờ chiều, sau khi bước ra khỏi thang máy ở tầng 17 thì cả gia đình ba người không hề xuất hiện trong camera của tiểu khu nữa.

Cảnh sát xem đi xem lại video giám sát rất nhiều ngày, phát hiện hầu như vào khoảng 6 giờ sáng mỗi ngày Trần Vũ đều sẽ ra ngoài đi dạo, sau khi về nhà liền đóng cửa không bước ra nữa.

Chỉ có hơn 7 giờ sáng ngày 26 tháng 2 ông ta ra khỏi nhà đến tối mới về, trong tay cầm một túi nilon màu đen.

Chúng tôi nghi ngờ, trong chiếc túi ni lông là cây búa.

Đội điều tra đến hỏi một cửa hàng kim khí gần bệnh viện, người chủ nhớ người mua là một "ông già cao và gầy, đội một chiếc mũ da màu đen."

Nhân viên điều tra lấy bức ảnh của Trần Vũ ra, chủ tiệm gật đầu lia lịa.

Có năm chất kích thích thần kinh được tìm thấy trong dạ dày và nước tiểu của Trần Vũ. Giám đốc sở lý hóa nói với tôi là nồng độ của năm loại thuốc này không cao, liều lượng của mỗi loại thuốc đều thấp hơn nhiều so với liều lượng gây chết người.

"Tôi cho rằng năm loại thuốc này trộn lẫn vào nhau là vừa đạt đến liều lượng gây chết người. Thật trùng hợp."

Điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn là trong cơ thể của vợ con Trần Vũ cũng có cùng thành phần thuốc nhưng nồng độ liều lượng rất thấp.

Kết quả này khiến mọi người đều bất an.

Phương thức tự sát của Trần Vũ rất “văn minh”, trước khi chết không phải chịu đau đớn gì nhưng phương thức mà ông ta dùng để giết vợ con thì lại vô cùng man rợ.

Ông ta dùng búa đập vào đầu con gái 11 nhát, đập vợ mình 16 nhát.

09.

Ở địa phương có rất nhiều suy đoán xoay quanh nguyên nhân cái chết của gia đình Trần Vũ. Đàn em của tôi là Tiểu Lâm cũng gọi điện thoại cho tôi để tìm hiểu chân tướng của vụ án.

Tôi chợt nhớ ra cô ấy và trưởng khoa Trần làm trong cùng một bệnh viện.

“Tuần trước, phó trưởng khoa Trần còn dạo quanh khoa một lần, không ngờ đó là lần gặp cuối cùng.” Theo trí nhớ của cô ấy, sáng sớm ngày 26 tháng 2 Trần Vũ đã gần một năm không đi làm lại đến bệnh viện.

Ông ta gặp ai cũng chào hỏi, nụ cười thường trực trên môi, đồng thời còn tham gia vòng giao ca và trực phòng ngày hôm đó.

Trong ca trực, Trần Vũ đã chủ động bày tỏ quan điểm của mình về tình trạng của bệnh nhân, đồng thời thảo luận kế hoạch điều trị cho một bệnh nhân mắc bệnh tim.

Trong đợt kiểm tra phòng, ông ta đi theo trưởng qua đi thăm tất cả các phòng bệnh, tích cực giao lưu với bệnh nhân.

Ông ta cũng nói rất nhiều lời khách sáo: "Cảm ơn sự quan tâm chăm sóc của mọi người", "lâu nay tôi đã làm phiền mọi người rồi.”

Mọi người đều cảm thấy kỳ lạ nhưng lại khó mà mở miệng.

Trong khi đám đồng nghiệp đang bận rộn thì Trần Vũ nhàn rỗi không có việc gì làm lang thang trong khoa, thấy người nào rảnh rỗi thì sẽ lại gần chuyện trò vài câu.

Tiểu Lâm vẫn nhớ 10 giờ sáng hôm đó, Trần Vũ đi ngang qua cô rồi gọi cô lại.

“Trưởng khoa Trần có việc gì ạ?” Tiểu Lâm lịch sự hỏi.

Trần Vũ cười: "Không có việc gì, không có việc gì, mau đi làm đi!”

“Trước đây, mỗi lần gặp Trần Vũ đều là em chào ông ta trước, ông ta chưa từng chủ động chào hỏi em, đôi lúc còn vờ như không thấy nữa.” Tiểu Lâm nói: “Lúc đó em đã cảm thấy là lạ rồi.”

Thực ra, trước đây Trần Vũ không phải là người lạnh lùng.

Ông ta xuất thân trong gia đình theo nghiệp y, sau khi kết hôn, dưới sự sắp xếp của người lớn trong nhà thành công lọt vào bệnh viện đứng thứ ba và nhanh chóng được đề bạt lên làm phó trưởng khoa. Sau đó vì không thích cách làm việc của trưởng khoa cũ nên ông ta hợp tác với một vị phó trưởng khoa khác và một số bác sĩ có thâm niên trong nghề báo cáo hành vi vi phạm của trưởng khoa cũ.

Trưởng khoa cũ bị kéo xuống, vị phó trưởng khoa kia không có thâm niên như ông ta nhưng kỹ năng nghiệp vụ lại tốt hơn ông ta nên đã trở thành trưởng khoa mới.

Trưởng khoa mới nhậm chức đã nâng cao chính sách đãi ngộ của bác sĩ, đối xử với Trần Vũ cũng rất lịch sự nhưng càng về sau, trưởng khoa mới không giao nhiệm vụ cho Trần Vũ nữa, cũng không cho ông ta tiếp nhận bệnh nhân.

Trần Vũ mất đi quyền lực, ông ta tự cao nhưng lại gặp phải bước lùi lớn trong sự nghiệp, rất khó để được thăng chức trở lại.

Kể từ đó, Trần Vũ liền trở nên uể oải không còn nhiệt huyết như trước. Ông ta nói với đồng nghiệp của mình rằng dạ dày của ông ta không tốt lắm, muốn làm đơn xin nghỉ hưu sớm.

Đồng nghiệp khuyên ông ta nên tìm trưởng khoa mới để nói chuyện, kiểm tra sức khỏe nhưng ông ta từ chối: “Tôi là bác sĩ, tôi biết tình trạng của mình, đôi khi không kiểm tra còn tốt hơn là không kiểm tra.” Đây không phải là lời mà một bác sĩ chuyên nghiệp nên nói.

Bác sĩ Trịnh có quan hệ rất tốt với Trần Vũ nói, hôm đó sau khi tan làm Trần Vũ vẫn ngồi ở văn phòng khoa hơn nửa tiếng, tâm trạng có vẻ rất cô đơn.

Trong mắt người ngoài, ông ta là một người đáng được kính trọng, ông ta ưu tú nhưng cũng rất tự ti. Ông ta không thể kiểm soát cuộc sống của mình, càng không thể kiểm soát người khác.

10.

Kết hợp hiện trường, khám nghiệm tử thi và điều tra, chúng tôi biết đại khái một nhà ba người đã xảy ra chuyện gì.

Trần Hân Dư du học về liền làm việc cho một công ty ở miền nam. Khi mới bắt đầu công việc, Trần Hân Dư từng nói với mẹ là có một nữ đồng nghiệp trong công ty luôn kiếm chuyện với mình, khiến cô ấy cảm thấy rất khó chịu.

Mẹ cô ấy khuyên cô ấy dĩ hòa vi quý, nên tạo mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp.

Sau hai tháng làm việc, công ty của Trần Hân Dư gọi điện cho Trần Vũ.

Hóa ra mâu thuẫn giữa cô và đồng nghiệp nữ kia ngày càng leo thang, Trần Hân Dư tức giận ra đòn taekwondo, cả đám người không ai dám cản cô ấy.

Bên kia bị đánh liền khiếu nại với giám đốc, Trần Hân Dư suýt thì đánh cả giám đốc.

Đồng nghiệp đều cảm thấy Trần Hân Dư bị bệnh tâm thần, liền trực tiếp tống cô ấy vào bệnh viện tâm thần. Các bác sĩ chẩn đoán cô ấy mắc chứng "rối loạn lưỡng cực".

Sau khi điều trị trong bệnh viện, cảm xúc của Trần Hân Dư càng trở nên bất ổn. Công ty cho rằng cô ấy không đủ năng lực để tiếp tục làm việc nên đã sa thải cô ấy.

Kể từ khi Trần Hân Dư bị gắn mác "rối loạn lưỡng cực", chỉ trong ba tháng Trần Vũ đã sụt đi tám ký.

Bác sĩ Trịnh vẫn còn nhớ, mùng một năm mới, ông đến nhà Trần Vũ ngồi chơi.

Vừa vào đến cửa ông đã giật cả mình: "Trần Vũ đã bị chứng mất ngủ hành hạ đến không còn hình người."

Trần Vũ nói con gái lớn rồi không nghe lời nữa, trở nên nhạy cảm: “Tôi chỉ có một đứa con là nó, những gì tôi làm còn chẳng phải là vì nó hay sao?”

“Tất cả chỉ vì muốn tốt cho con” là điều mà Trần Vũ đúc kết được từ kinh nghiệm sống của chính mình.

Khi còn nhỏ, ông ta sang nhà hàng xóm chơi, lấy trộm một hào ở trên bàn, bị bố phát hiện. Ông cụ mua một chai rượu Mao Đài dẫn ông ta sang nhà hàng xóm để xin lỗi.

Trước mặt người hàng xóm, ông cụ bẻ một nhánh gỗ táo. Khi ông ta về đến nhà, bà cụ mới ôm ông ta vào lòng rồi nói: “Đây đều là vì muốn tốt cho con, sau này lớn lên con sẽ hiểu.”

Sau này trong một buổi nhậu nhẹt, Trần Vũ kể lại chuyện này, cảm thấy bố ông ta làm rất đúng. Về sau, bố ông ta không kiểm soát nghiêm ngặt như thế nữa, việc kết bạn, đi thi của ông ta đều phải đi qua rất nhiều đường vòng.

Ông ta luôn cảm thấy sự thất bại trong cuộc sống của mình có liên quan đến việc lúc đầu bố nghiêm khắc lúc sau bố mặc kệ: “Giá như lúc trước ông ấy tiếp tục nghiêm khắc.”

Ông ta không muốn con gái giống mình năm đó, không có sự chỉ dẫn của bố mà lầm đường lạc lối.

Hai người đàn ông trưởng thành ngồi hơn một tiếng, bác sĩ Trần khóc lóc hết hơn tiếng đồng hồ. Bác sĩ Trịnh nhớ lại, bác sĩ Trần “nước mắt nước mũi tèm nhem” nói: “Căn bệnh của con gái không thể chữa khỏi được. Tôi cảm thấy bản thân mình không thể tiếp tục sống nữa, cuộc sống hoàn toàn không còn hy vọng.”

Trên thực tế, rối loạn lưỡng cực có liên quan đến gia đình dòng họ, do di truyền và một số nhân tố khác. Nhưng mắc căn bệnh này không có nghĩa là bị kết án tử hình, có rất nhiều người nổi tiếng cũng từng mắc chứng rối loạn lưỡng cực.

Trước khi bác sĩ Trịnh rời đi, Trần Vũ có hỏi ông một câu: "Mấy đồng nghiệp trong bệnh viện có bàn tán về tôi không?"

Sau khi biết rất ít người bàn tán về mình, Trần Vũ có vẻ hơi mất hứng.

Ông ta nói với bác sĩ Trịnh: "Tôi không muốn nhúng tay vào công việc ở bệnh viện nữa, ông cứ đi theo lãnh đạo mới, chăm chỉ làm việc. Khi nào rảnh rỗi thì đến đây ngồi, gọi điện tâm sự với tôi.”

Tuy ngoài miệng thì nói vậy nhưng ngay từ đầu Trần Vũ đã nhận định: Nhất định là chẩn đoán sai! Hẳn là chẩn đoán sai! Con gái không “bị" mắc chứng rối loạn lưỡng cực.

Trong bức di thư, ông ta viết: “Tâm trạng ai cũng sẽ thay đổi, có dâng cao, có khi trầm xuống, công ty của con gái dựa vào cái gì mà kết luận như vậy? Sau khi vào viện, bác sĩ trực tiếp chẩn đoán là trầm cảm. Quá trình quá lơ là. Người khỏe mạnh bước vào bệnh viện tâm thần cũng sẽ biến thành bệnh nhân tâm thần. Tùy tiện hết sức!”

Ông ta không tin vào kết quả chẩn đoán bệnh tình cho con gái mình của người khác, giống như ông ta chỉ chấp nhận kết quả chẩn đoán do chính ông ta làm ra.

Ông ta tự chẩn đoán mình mắc hơn chục căn bệnh và liệt kê từng căn bệnh một trong di thư: bong tróc võng mạc, cận nặng, cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, viêm khớp dạng thấp, loét dạ dày hoặc ung thư dạ dày, mất ngủ trầm trọng, rối loạn lo âu, trầm cảm ...

Không phải tất cả các bệnh này đều là "chẩn đoán chính xác".

Nhưng Trần Vũ lại cảm thấy thời gian của mình không còn nhiều, ông ta muốn kết thúc cuộc sống của mình nhưng ông ta không yên lòng.

"Vợ tôi không còn gì để nói, chỉ nói một chữ, được! Nếu tôi không tự sát, bà ấy sẽ phải đối mặt với hai kẻ mắc bệnh trầm cảm một mình, làm sao sống nổi đây? Nếu tôi không giết bà ấy thì bà ấy sẽ phải dẫn theo một đứa con gái bị bệnh, sau này không thể đi làm, sao có thể vượt qua khó khăn đó đây?”

“Tôi giết cả nhà chỉ vì sợ tôi đi rồi, người nhà không thể sống tốt.” Ông ta cho rằng vợ con sẽ không sống thể nổi nếu không có ông ta.

Trong di thư của mình, Trần Vũ đẩy nguyên nhân gia đình nhà tan cửa nát lên căn bệnh của con gái.

11.

Ngày 1 tháng 3 năm 2019 là ngày thứ sáu Trần Hân Dư về nhà.

Trần Vũ âm thần trộn thuốc vào bữa sáng, liều lượng không đủ để vợ con ngất đi nhưng có thể làm giảm sức chống sự của bọn họ.

Hàng xóm cho biết, chiều hôm đó bọn họ đã nghe thấy cuộc cãi vã dữ dội trong nhà Trần Vũ. Sau đó, người luôn nho nhã như Trần Vũ dùng búa giết chết vợ con mình.

Ông ta là người ưa sĩ diện, thích sạch sẽ. Sau khi rửa sạch hung khí gây án còn đi tắm một lần.

Sau khi làm xong mọi việc, Trần Vũ để lại một bức di thư, sau khi uống thuốc liền lặng lẽ nằm trên giường chờ chết. Nhưng đến nửa đêm, ông ta vẫn chưa chết, ông ta đo huyết áp và kiểm tra chỉ số sinh tồn của bản thân.

Không hiểu vì sao, Trần Vũ lại xuống giường đi ra ngoài nhưng cuối cùng chỉ có nửa người trườn ra khỏi phòng ngủ.

"Tôi phải làm gì để xứng với vợ hiền con ngoan đây? Không có đáp án! Tôi là tội nhân!”

Trong di thư, Trần Vũ viết hơn mười cái tên, có tên của họ hàng, cũng có tên của đồng nghiệp: “Nếu được cho phép, có thể cho những người sau đây đến xem tôi có phải là tội nhân không?"

Trần Vũ để lại mấy di nguyện. Một là ông ta hy vọng chấp pháp viên có thể nghiên cứu căn bệnh của con gái mình: “Tôi là một bác sĩ, tôi biết mọi người vẫn luôn xem nhẹ bệnh tâm thần. Có rất nhiều căn bệnh đều do “bị” mà trở thành bi kịch!”

Tiếp theo, ông ta liệt kê tài sản của mình, bao gồm khoản tiết kiệm hơn mấy trăm nghìn, hai ngôi nhà và một chiếc xe hơi, ông ta đều đã sắp xếp ổn thỏa – “quyên hết sung vào công quỹ.”

Cuối cùng, ông ta còn viết một dòng chữ to: Đầu óc rối bời, không giữ lại tro cốt.

Trong bức thư của Trần Vũ, tôi chỉ đọc được sự ích kỷ và yếu đuối, đọc xong thì để xuống. Nhưng tôi lại đọc bức thư của Trần Hân Dư rất nhiều lần.

Trong thư, cô ấy có nói rằng sau khi về nhà mấy ngày cô ấy cảm thấy "thất vọng và tự phủ nhận bản thân rất nhiều lần."

Cô ấy nhìn thẳng vào bản thân, nhận thức rõ ràng: "Tâm trí của tôi rất yếu ớt. Cũng có những lúc đâm chồi nảy lộc nhưng sau khi chồi bị cắt đi liền không có dũng khí và sức lực để nảy mầm một lần nữa. Sao bông hoa có thể mỉm cười với mặt trời, sao có thể khiến lòng người ngọt ngào đây?

Trong bức di thư có sợ hãi cuộc sống nhưng tôi đoán chắc rằng Trần Hân Dư yêu bản thân, yêu cuộc sống. Cô ấy đã nhận xét cuộc đời của mình như thế này: “Tôi không có lối sống cao cả cũng chưa từng sống qua loa.”
Chương kế tiếp