Bút Ký Giải Phẫu Có Thật: Sổ Điều Tra Của Một Pháp Y Về Nguyên Nhân Tử Vong

8. Lời khai của kẻ sát nhân sau 13 năm: Tay nghề của anh ta quá tốt, tôi không thể chịu được
Ở chỗ chúng tôi, pháp y thích uống rượu có vẻ như là chuyện rất bình thường.

Các pháp y thế hệ trước thường có thói quen rửa tay bằng rượu trắng sau khi rời khỏi hiện trường, rồi uống thêm hai ngụm. Khử trùng, thư giãn, tiện thể còn giảm bớt áp lực tinh thần.

Một đồng nghiệp nói với tôi, sư phụ pháp y Dư của tôi trước đây cũng có tửu lượng rất khá nhưng điều kì lạ là từ lúc tôi quen biết ông ấy, ông ấy cũng chưa từng uống một giọt rượu nào.

Có một lần, tôi đến nhà pháp y Dư, thấy trên tủ đặt nửa chai rượu trắng ở vị trí rất nổi bật, cũng không phải rượu quý gì, nhưng có vẻ đặt ở đây cũng rất lâu rồi.

Thấy tôi nhìn chằm chằm vào nửa chai rượu, ông ấy bắt đầu đổi chủ đề, mời tôi uống rượu, còn ông ấy lại dùng trà thay rượu.

Tôi càng nghĩ càng cảm thấy chai rượu này kỳ lạ.

Chỉ không ngờ được, nguyên nhân ông ấy không uống rượu thực ra liên quan đến một vụ trọng án đã khép lại nhiều năm.

Đó là một vụ án lớn gần như đã trở thành một truyền thuyết trong cục công an ở nơi này của chúng tôi.

Trong vụ án này, pháp y Dư đã khâu tay mình vào một xác chết.

Một.

Tháng chạp năm 1999, pháp y Dư ngồi trên một chiếc xe ô tô xóc nảy lao đến hiện trường vụ án.

Địa điểm gây án diễn ra ở một khu khai phá mới thành lập, mới được quy hoạch trong ba bốn năm nay, từ một vài thị trấn nhỏ ở ven biển hợp thành.

Mấy thị trấn nhỏ này có phong tục dân gian rất giản dị, mặc dù đất rộng người thưa nhưng quản lý rất tốt.

Cho đến ngày này, ở khu vực “Thôn Bắc Kiều” mới thành lập này lại xảy ra một cuộc thảm sát tàn khốc.

Đầu ngày này, mọi người trong thôn đều đang bận rộn chuẩn bị cho thiên niên kỷ sắp tới. Một chàng trai vội vàng rẽ vào con hẻm cạnh đường quốc lộ, ánh nắng ban mai kéo dài bóng dáng cậu ta.

Dượng của chàng trai trẻ là một nha sĩ có tiếng trong vùng, thường ngồi ở nhà để tư vấn khám bệnh, ngoài cửa treo một tấm biển gỗ “Nha khoa Bắc Kiều” đang đung đưa trong làn gió nhẹ.

Chàng trai trẻ muốn thuê xe đạp, thấy cửa khép hờ nên không ngần ngại đẩy cửa vào. Cậu ta thấy mảnh sân bình thường đều được cô mình quét dọn sạch sẽ nay lại có chút không đúng.

Trên đất lấm tấm nhiều vết máu, cậu ta cười đùa gọi lớn vào phòng “Dượng ơi, Sao nhổ răng cho người ta mà để chảy nhiều máu thế này?”

Trong sân im bặt, không ai trả lời.

Vết máu không chỉ chảy tới phòng khám ở phía Tây mà là vẫn luôn kéo dài tới tận phòng cô của cậu. Chàng trai trẻ đi thẳng vào, kéo màn cửa, dùng sức thăm dò nhìn vào bên trong, sau đó liền bất động ở đấy không di chuyển được nữa.

Chàng trai trẻ nhanh chóng báo việc này cho cơ quan cảnh sát, đồng thời, việc này cũng không tránh được nhanh chóng lan truyền trong thôn.

Mấy vụ án nguy hiểm này dễ dàng gây ra tâm lý hoảng loạn, đặc biệt đối với một khu mới thành lập, cảnh sát không chỉ cần giải quyết rõ ràng vụ án mà cần phải kết thúc càng nhanh càng tốt.

Ngày hôm đó, cảnh sát được điều động đến rất nhanh, người lái xe đã giảm thời gian đi đường bình thường từ một giờ xuống còn hơn bốn mươi phút. Trên đường, pháp y Dư nắm chặt tay vịn, bước xuống xe mà cảm thấy choáng váng, thiếu chút nữa đã nôn ra rồi.

Nhưng ông ấy không có thời gian phàn nàn, rất nhanh đã bị sốc trước hiện trường khủng khiếp này.

Hai.

Pháp y Dư đẩy cánh cửa sơn đen, bước vào sân cùng với Lão Đặng - cảnh sát kiêm kỹ thuật viên kiểm định dấu vết.

Sân nhà này rộng rãi, giữa sân là một khu vườn nhỏ được bao quanh bởi gạch, có một xô nhựa màu đỏ đựng đầy nước thải cạnh tường, cảnh sát viên Lão Đặng bước lên trước xem một lúc, tìm được cây gậy gỗ dính máu trên mặt nước.

Trong sân tổng cộng có bảy gian phòng, nhà kho và nhà bếp ở phía nam, hai phòng khám răng ở phía tây và ba phòng sinh hoạt ở phía đông.

Trước cửa phòng sinh hoạt, quần áo phơi trên dây vẫn chưa khô hẳn, trên nền gạch loang lổ rất nhiều máu, cây lau nhà trong góc cũng chảy ra chất lỏng màu đỏ hồng.

Lúc đẩy cửa vào, Pháp y Dư cố tình tránh tay nắm cửa đầy máu kia.

Khi ông ấy bước vào phòng liền bị mùi máu nồng nặc cùng luồng không khí ẩm ướt xộc vào mũi.

Lúc đó, pháp y Đổng vẫn còn là người mới theo sát phía sau. “Từ lúc bước chân vào phòng, tim tôi luôn đập thình thịch thình thịch, tay chân cũng không ấm lên nổi”.

Phòng khách hỗn độn, nệm lót sopha văng khắp mặt đất, vết máu bắn tứ tung khắp trên tường, trên sàn và trên gương.

Giữa phòng khách có một chiếc chăn bông đẫm máu, mơ hồ có hình người nhô lên. Pháp y Dư cẩn thận nhặt góc chăn bông lên, bên dưới lộ ra một người đàn ông vạm vỡ, nằm ngửa trên mặt đất, máu me bê bết xung quanh người.

Quần áo người đàn ông rách nát, khuôn mặt sưng tấy nghiêm trọng không thể nhìn ra hình dáng, thiếu một khoảng lớn phần môi trên, tạo thành một khoảng trống lộ cả răng lợi.

“Ông ta chết không nhắm mắt, mắt trợn trắng lên”. Đến bây giờ, pháp y Dư vẫn nhớ như in cảnh tượng lần đầu tiên gặp bác sĩ nha khoa Hà Lập Bân kia.

Ông ta duy trì một tư thế đặc biệt kỳ quái: Khuỷu tay phải uốn cong, cẳng tay phải nâng lên theo tư thế nắm đấm, cánh tay trái duỗi thẳng và bàn tay trái nắm hờ.

Đây là một loại hiện tượng đặc biệt, khi con người hấp hối, cơ bắp của họ sẽ bị co rút và trực tiếp tiến vào giai đoạn “Xác cương”. Ví dụ trong bộ phim “Chiến đấu đến cuối cùng”, những người lính kia chết đứng, còn có mấy người chết trôi, trong tay nắm chặt một nắm bèo, làm sao cũng không bẻ ra được.

Pháp y Dư cảm thấy đây càng giống một loại chấp niệm. Ông ấy có thể nhìn ra sự phẫn nộ, tuyệt vọng, buồn bã và không cam tâm trong đôi mắt trợn to của Hà Lập Bân.

Một người đàn ông lúc còn sống khoẻ mạnh như vậy, lại bị đánh bại giữa sự sống và cái chết, người nhà cũng không thể bảo vệ ông ta.

“Ngay cả khi chết, ông ta vẫn còn duy trì tư thế chiến đấu”.

Ba.

Vết máu trên sàn từ phòng khách kéo đến phòng ngủ.

Nhắc đến cảnh tượng trong phòng ngủ, sắc mặt người đồng nghiệp xử lý vụ án lúc đó vẫn có chút tái nhợt: “Cái rèm cửa kia cũng quá doạ người rồi”.

Trong phòng ngủ, tấm rèm lớn màu đỏ che bớt ánh nắng hắt vào phòng, cả căn phòng đều được chiếu một tầng đỏ chót. Vì thế rất lâu sau này, đồng nghiệp kia chỉ cần nhắm mắt lại là có thể nghĩ tới những thứ màu đỏ ở hiện trường:

Xô nước màu đỏ, rèm cửa màu đỏ, miệng vết thương hỗn loạn, những vũng máu đỏ sẫm…

Phòng ngủ cũng có dấu vết bị lật qua, trên sàn rải đầy quần áo, chăn ga và giày dép. Hai thi thể nằm ngửa cạnh nhau, trên người bị che kín bởi sách vở và giấy thi.

Người dựa vào trong là nữ chủ ngôi nhà này, mặt phải bị biến dạng, dày đặc miệng vết thương, không thể nhìn thấy mắt phải, trên mu bàn tay có vết thương do chống cự tạo thành. Người bên ngoài là một cậu bé mặc đồng phục học sinh vóc dáng cao gầy, có hai vết thương lớn trên cổ.

Những vết thương trên mỗi tử thi đều vô cùng thê thảm, nhưng điều khiến pháp y Dư ấn tượng nhất đó chính là đứa cô bé trong phòng ngủ kia.

Đứa bé đang nằm trên giường, trạc tuổi con trai pháp y Dư, cô bé mặc áo quần dài tay, không mang giày, có lẽ trước khi chết đang chuẩn bị đi ngủ.

Nhưng bây giờ, cô bé không bao giờ tỉnh lại nữa, phía trước trán cô bé đã bị rạch ra, có thể thấy được hộp sọ và mô não bị cắt qua khe hở, vết thương trên cổ cô bé bị khoét to ra như một cái động để lộ một miệng máu lớn, làm sao cũng không khép lại được.

Một tờ “Đề kiểm tra đại số lớp 6” rơi xuống người cô bé, trên đó là 100 điểm đỏ tươi, đỏ như màu máu trong căn phòng.

Một nhà bốn người, không một ai sống sót.

Tất cả mọi người đều rơi vào trầm tư. Ngoài những giao tiếp cần thiết, hiện trường chỉ có thể nghe thấy tiếng thở nặng nề nối tiếp nhau. Một nỗi phẫn nộ không thể kiểm soát đột ngột dâng lên.

Hung thủ cuối cùng có bao nhiêu tàn bạo mới có thể ra tay tàn nhẫn như vậy?

Bốn.

Pháp y Dư tìm thấy một khoảng đất trống trong sân, sau đó “mời” bốn người trong nhà ra đây.

Cục công an lúc đó không có phòng khám nghiệm tử thi, nhà xác bệnh viện cũng không sáng sủa bằng bên ngoài. Các pháp y thuộc thế hệ trước như pháp y Dư đều đã quen với việc khám nghiệm tại hiện trường vụ án, mặc dù bây giờ cảm thấy làm như vậy không đạt tiêu chuẩn.

Bốn thi thể nằm cạnh nhau trên khoảng đất trống. pháp y Dư ngồi xổm trong sân, bắt đầu giải phẫu từ lớn đến nhỏ.

Trời bắt đầu tối dần, mấy người khác đi ăn cơm đều trở về rồi, pháp y Dư vẫn đang giải phẫu cô bé kia – cái xác thứ tư trong ngày hôm nay.

Nhiệt độ bên ngoài đã giảm xuống âm độ, cuối cùng đã tới bước cuối, khâu lại.

Pháp y Dư đâm xuyên qua làn da sớm đã đông cứng của cô bé từng mũi từng mũi một. Đến cuối cùng, ông ấy muốn bỏ tay trái ra, lại phát hiện tay trái bị “nắm” thật chặt

Pháp y Dư phát hiện ra, ông đã khâu ngón trỏ tay trái mình với phần da bụng của cô bé lại với nhau.

Đây không phải là lỗi mà một pháp y nên phạm phải.

Pháp y Dư được mọi người gọi là “thần y”, khi nào có vụ án lớn xảy ra, mấy lãnh đạo đến hiện trường đều sẽ hỏi: “Pháp y Dư đến chưa?”, mọi người đều cho rằng chỉ cần có ông ấy ở hiện trường thì vụ án về cơ bản sẽ được giải quyết ổn thoả.

Pháp y năm đó đều rất tinh ý trong việc xử lý các vụ án, pháp y Dư lại cực kỳ nhạy cảm với các chi tiết nhỏ. Một lần nọ, có người kéo được một khúc xương ngoài sông, mọi người đều không tìm ra manh mối gì, pháp y Dư đã xem xét rất lâu, rồi phân tích người chết là một người đàn ông cao một mét tám, đã từng bị tai nạn xe hơi, bị người ta dùng một con dao và một chiếc cưa sắt cắt thi thể. Sau khi vụ án được giải quyết, sự thật quả nhiên đúng như vậy.

Lần này thật sự rất kì lạ, cả quá trình khâu lại, pháp y Dư đều không cảm thấy đau đớn.

Sau nhiều năm, pháp y Dư nhớ lại nói: “Đêm hôm trước tôi bị mất ngủ, thức dậy rồi uống nửa chai rượu. Cũng không chắc có phải là do hôm đó trời vừa tối vừa lạnh khiến tay tôi bị tê hay không”. Ông ấy luôn bị mất ngủ, rượu được dùng làm thuốc chữa bệnh.

Tôi đoán, cũng có khả năng tác động của thảm kịch này đối với pháp y Dư quá lớn.

Pháp y Dư tháo chỉ khâu, nhưng không lập tức tháo găng tay để xem vết thương trên ngón tay mình, cũng không vội khâu lại. Ông ấy nằm lấy bàn tay nhỏ bé nhợt nhạt kia, nhìn chằm chằm hồi lâu vào gương mặt non nớt của cô bé vừa được khâu lại với nhau.

“Xin lỗi, chú không cố ý”. Pháp y Dư thấp giọng lẩm bẩm, hai mắt đỏ bừng.

Sau đó, ngay cả khi mất ngủ, ông ấy cũng không uống rượu nữa.

Năm.

Người làm kỹ thuật đều biết, hiện trường càng phức tạp và đẫm máu thì càng có nhiều manh mối đáng giá lưu lại.

Tại hiện trường vụ án, nhiều phòng bị lật tung lên, các ngăn kéo trong phòng khám bị mở tung, hầu hết các tay nắm cửa và công tắc đèn đều có vết máu loang lổ…

Nhưng các kỹ thuật viên có mặt tại hiện trường lại không lấy ra được nhiều manh mối có giá trị. Hầu hết các dấu chân dính máu ở hiện trường đều không rõ ràng, chỉ có thể thấy rõ mười ba dấu chân được phân bố trên mười ba viên gạch lát nền trong nhà họ Hà.

Ngay cả dấu vân tay của nghi phạm cũng không lấy được.

Tính chất của vụ án vô cùng ác liệt, nhưng điều kiện hiện trường lại không mấy lạc quan, Lão Đặng tức đến mức nghiến răng nghiến lợi.

“Gia đình tốt như vậy mà bây giờ không còn ai nữa, thảm quá đi mất”. Ai biết người nhà họ Hà đều thở dài.

Hà Lập Bân là chủ của gia đình bốn người này, là một nha sĩ nổi tiếng, có tay nghề giỏi, không chỉ những người dân gần đây thích đến khám mà rất nhiều người vùng khác cũng đến Bắc Kiều Thôn để tìm ông ta.

Vợ ông ta là một người tốt bụng lương thiện, con cái cũng lễ phép ưu tú, trong mắt hàng xóm, đây là một gia đình khiến người khác ngưỡng mộ, không tưởng tượng được bọn họ đã chọc đến kẻ thù nào rồi.

Một gia đình bị sát hại dã man như vậy khiến người dân trong thôn vô cùng lo lắng, việc đầu tiên khi mọi người về nhà là khoá cửa, không ai biết trước liệu tai hoạ này có đến lượt nhà mình không. Những người đêm không đóng cửa cũng đã biến mất.

Cứ cách vài giờ, Lão Đặng lại chạy đến hỏi cảnh sát phụ trách duy trì trật tự tại hiện trường, điều tra có kết quả gì không?

Trước đây, rất nhiều vụ án hung thủ đã bị bắt khi bộ phận kỹ thuật vẫn đang kiểm tra. Nhưng lần này đã làm cho Lão Đặng thất vọng.

Từ ban ngày đến đêm muộn, từ đêm muộn đến ban ngày, các cảnh sát kỹ thuật cẩn thận kiểm tra hiện trường, hơn ba mươi giờ trôi qua, bên cảnh sát điều tra vẫn chưa có kết quả gì.

Áp lực dư luận ngày càng lớn, người dân địa phương bắt đầu mất niềm tin vào cảnh sát.

Các lãnh đạo phía trên ngồi không yên, vội vàng đến hiện trường hỏi xem có phát hiện gì lớn không.

Lãnh đạo rất không hài lòng với kết quả giám định hiện trường, ông ta để lại một câu: “Hiện trường lớn như vậy, tội phạm nhất định sẽ để lại chứng cứ, tiếp tục tìm đi!”

Hung thủ có thể bốc hơi khỏi nhân gian sao?

Sáu.

Khám nghiệm tử thi của pháp y Dư cũng không phải không có phát hiện gì, ông ấy có những suy luận quan trọng về thời gian và công cụ gây án.

Ông ấy kiểm tra đồ trong dạ dày của nạn nhân, thấy ngoại trừ một lượng nhỏ thức ăn trong dạ dày của cô bé, ba người còn lại đều trống rỗng, có lẽ bọn họ đã chết sau bữa ăn cuối cùng hai giờ.

Cảnh sát thông qua tìm hiểu điều tra đã biết được nhà Hà Lập Bân thường ăn vào khoảng sáu giờ chiều. Vào các ngày trong tuần, con trai của Hà Lập Bân thường là người về nhà cuối cùng. Cậu bé về nhà sau vào khoảng chín giờ hai mươi phút sau khi tự học buổi tối. Để giết cậu bé, nghi phạm phải ở lại hiện trường sau chín giờ hai mươi tối. cộng với thời gian lục tung đồ đạc và thu dọn hiện trường.

Pháp y Dư đã đưa ra nhận định toàn diện về thời gian chết của bốn nạn nhân: Đều đã chết sau tám giờ tối và trước mười hai giờ đêm. Tồn tại một khoảng thời gian giữa nhất định.

Cảnh sát đặc biệt hỏi những người hàng xóm của Hà Lập Bân xem họ có nghe thấy bất kì tiếng động bất thường nào trong khoảng thời gian xảy ra vụ án hay không.

Hàng xóm nói, Hà Lập Bân rất tài giỏi, hàng ngày đều bận đến khuya, không phải trám răng cho người ta thì là tự mình đánh bóng các khuôn niềng răng. Nhà ông ta luôn phát ra tiếng xèo xèo hàng đêm, hàng xóm đã quen với điều này rồi.

Lúc xảy ra vụ án là hơn chín giờ đêm, người hàng xóm thức đêm liếc nhìn ra sân chỉ thấy ánh đèn hắt ra từ nhà bên cạnh, mơ hồ nghe thấy tiếng mài khuôn niềng răng.

Nói cách khác, người nhà này có thể là bị giết từng người, từng người một rất chậm rãi trong tiếng niềng răng.

Dấu chân đầy máu được tìm thấy sau cánh cửa dường như cũng khẳng định điều này – nghi phạm từng trốn sau cánh cửa, sau khi giết chết ít nhất một người, chân dính đầy máu, trốn sau cánh cửa, chờ đợi cơ hội để giết người tiếp theo.

Hung thủ không chỉ tàn nhẫn mà còn rất xảo quyệt.

Hàng xóm còn cho biết, vào đêm xảy ra vụ án, con chó của một nhà gần đó đã sủa rất dữ dội nhưng không ai phát hiện ra điều bất thường nên mọi người vẫn tiếp tục chìm trong giấc ngủ say.

Dựa theo vết thương của các nạn nhân, pháp y Dư phân tích rằng có thể có ba đến bốn loại công cụ gây án. Một là một dụng cụ sắc bén giống như dao găm, một là dụng cụ cùn, một là loại có góc cạnh còn một loại khác hình trụ, khá phù hợp với một ống nước tại hiện trường.

Mang nhiều dụng cụ như vậy đi giết người không thực tế cho lắm nên Pháp y Dư tin rằng có một dụng cụ có thể hình thành nhiều hơn hai dấu vết, ví dụ như một cái rìu.

Kỹ thuật viên xem xét kĩ chiếc gậy trong xô nước màu đỏ kia. Điều này cũng khẳng định suy luận của pháp y Dư về công cụ gây án. Cây gậy đó rất có khả năng là cán rìu.

Để che giấu dấu vết của cuộc ẩu đả, nghi phạm đã rửa sạch nơi Hà Lập Bân bị giết, một chiếc khăn quàng cổ màu vàng cũng được quấn quanh cái chổi quét dọn hiện trường.

Trên đống cỏ khô bên ngoài bức tường ngoài sân, một chiếc găng tay dính máu với các đường chỉ dày không để lại dấu vân tay đang yên lặng nằm đó.

Đây không phải giết người một cách ngẫu hứng, mà là một vụ giết người có tính toán từ trước.

Hung thủ có chuẩn bị mà đến.

Bảy.

Đã một tuần kể từ khi vụ án xảy ra, đến nay vẫn chưa có tiến triển gì, lãnh đạo phía trên đã ra lệnh khẩn cấp, tổ chuyên án hơn sáu mươi người được thành lập để toàn lực triệt phá vụ án giết người này.

Có thể vào tổ chuyên án này là một sự khẳng định lớn về khả năng xử lý vụ án của cảnh sát, bọn họ là những người tinh nhuệ.

Tổ chuyên án này sau này trở thành “trường hợp đặc biệt” ở vùng này của chúng tôi, dù đã giải thể nhiều năm nhưng những người đã từng hoạt động trong tổ này vẫn như đồng đội trong một chiến hào.

Bọn họ đã cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng cũng không thể hoàn thành vụ án trước thềm tết Nguyên Đán.

Mọi người lại đến hiện trường vài lần nữa, rồi thống nhất động cơ phạm tội cơ bản là: Nghi phạm có thể quen biết với gia đình nạn nhân, biết người nhà họ Hà có bốn người, giàu có. Hai nạn nhân nữ không có dấu hiệu bị tấn công tình dục, từ các dấu vết lục lọi có thể thấy, chủ yếu là tìm cách trả thù hoặc cướp của, hoặc có thể bao gồm cả hai động cơ này.

“Công việc kinh doanh của Hà Lập Bân đang phát đạt, chẳng lẽ người nào trong ngành ghen tị nên sinh ra ác ý?” Lúc đó có một cảnh sát điều tra đưa ra vấn đề này.

Lãnh đạo không nói gì, luôn cúi đầu ghi gì đó vào sổ tay.

Tổ chuyên án thống nhất suy luận rằng, giết bốn người, còn có khả năng trèo qua bức tường ngoài sân cao hơn hai mét, xét về kích thước dấu chân dính máu, nghi phạm là nam trung niên cao khoảng 1m75.

Giết người trước sau đó cướp tiền, lục lọi lấy hết tài sản rồi bình tĩnh rời đi, trước khi đi, hắn ta đã lau chùi hiện trường, cho thấy tâm lý nghi phạm ổn định, rất có khả năng đã có tiền án phạm tội.

Cách thi thể Hà Lập Bân không xa có một chiếc cờ lê có thể điều chỉnh dài 30 cm có dấu vân tay của Hà Lập Bân, cho thấy ông ta đã cầm cờ lê đánh nhau với nghi phạm, nghi phạm có khả năng bị thương.

Tuy nhiên câu hỏi về đường đi của nghi phạm vào hiện trường và số lượng hung thủ vẫn chưa có câu trả lời.

Có dấu vết leo trèo dính máu bên trong và bên ngoài sân phía nam, có thể nghi phạm đã vào hiện trường bằng cách trèo qua hàng rào, mà cổng chỉ khép hờ không khoá. Không đi qua cổng mà trèo tường không phải có chút thừa thãi sao?

Thảo luận về số lượng hung thủ, đã có điểm rất bất đồng so với ban đầu.

“Có ít nhất dấu giày của hai người”. Một kỹ thuật viên nói ra quan điểm của mình. Hai mẫu dấu chân dính máu xuất hiện ở hiện trường với độ rộng hẹp khác nhau.

Đặc biệt trên nền gạch sau cánh cửa, có hai dấu chân song song dính máu, phải do hai người đứng sau cánh cửa cùng một lúc mới tạo thành được.

Trên tường có hai dấu trèo qua, đồng thời cũng cho rằng hai nghi phạm trèo tường rời đi sau khi gây án.

Ngoài ra, theo lẽ thường, một người khó có thể giết chết bốn người trong khoảng thời gian ngắn như vậy.

Suy đoán của pháp y Dư làm cho người ta bất ngờ hơn. Ông ấy nói, một nghi phạm cũng hoàn toàn có thể thực hiện toàn bộ quá trình gây án này, ông nêu ra bốn lý do.

Đầu tiên, tất cả vết thương của các nạn nhân đều tương tự nhau và có thể cùng do một công cụ gây ra, cho thấy thủ pháp giết người cũng tương tự nhau.

Thứ hai, mặc dù mười ba vết máu để lại ở hiện trường có hai loại, nhưng có khả năng chân trái là một loại, chân phải một loại. Mặc dù hoa văn và chiều rộng của dấu chân sau cánh cửa khác nhau nhưng chiều dài về cơ bản lại giống nhau.

Trên tường có hai dấu vết trèo qua, chưa chắc là hai người trèo qua, cũng có khả năng là một người trèo qua hai lần.

Ngoài ra, về việc tương quan sức lực, chỉ cần không phải đối mặt với bốn người cùng một lúc, người này hoàn toàn có thể giết xong một người lại đến một người khác.

Tổ chuyên án đã xác định được mười ba nghi phạm chính dựa trên thông tin thu thập được. Hầu hết bọn họ đều có liên quan lợi ích với gia đình nạn nhân, nhưng sau khi điều tra, mười ba nghi phạm này đều bị loại trừ.

Điều tra sâu hơn, pháp y Dư và pháp y Đổng đã đi khắp các bệnh viện và phòng khám lớn nhỏ trong khu vực xung quanh, hỏi xem có người đàn ông nào bị thương do một vật thể cùn gây ra đến chữa trị không. Các bác sĩ trong khu vực này gần như đều quen biết hai người bọn họ rồi nhưng vẫn chưa tìm được nghi phạm.

Một người trong tổ chuyên án đã chụp ảnh mẫu đế giày và đi đến các trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng giày bất kể lớn nhỏ ở cả thành phố nhưng không tìm thấy bất kì đôi giày nào giống với hoa văn trên này.

Trong hơn bốn tháng này, cảnh sát đã mở rộng phạm vi điều tra ra toàn bộ khu khai phá, đồng thời cũng kiểm tra hơn hai mươi nghìn người đàn ông ở các nhóm tuổi khả nghi.

Nhưng giống như mò kim đáy bể, vẫn không có bất kỳ thu hoạch nào.

Ngay khi tổ chuyên án bị cuốn vào các loại thông tin và tranh luận, manh mối cuối cùng đã xuất hiện từ những tình tiết phức tạp của vụ án.

Tám.

Manh mối đến từ vết máu dính trong xô.

Kỹ thuật viên đã tìm gặp một chuyên gia lâm nghiệp, qua phân tích, chiếc cán này làm từ thân của một loại cây keo năm năm tuổi mọc ở khu vực nhiễm mặn.

Kết quả này làm mọi người phấn khởi, bởi hiện trường vụ án thuộc khu vực nhiễm mặn, tức là cây keo làm cán rìu cách hiện trường không xa, hung thủ cũng ở khu vực này.

Vào thời điểm đó, các phương tiện kĩ thuật chưa phát triển, cách giải quyết vụ án cũng chủ yếu dựa vào phương pháp truyền thống – điều tra theo kiểu dàn trải, dùng mắt thường và kinh nghiệm để tìm ra điểm khả nghi.

Trong một vòng điều tra mới, đã xuất hiện một người đàn ông phù hợp với các đặc điểm của nghi phạm.

Pháp y Đổng và nhóm của ông ấy đã gặp một gia đình rất kì lạ, đến điều tra rất nhiều lần đều không mở cửa.

Một lần đứng đợi ngoài cửa, pháp y Đổng nghe thấy có tiếng động trong sân nhưng bọn họ có gõ cửa hay gọi như thế nào cũng không có ai mở cửa. Bọn họ không vội vàng hành động mà liên lạc với đồn cảnh sát, biết được nhà này có một thanh niên khoảng hai mươi tuổi, tên Đinh Chí Phong.

Nhiều lần gõ cửa như vậy cũng không trả lời đã khiến pháp y Đổng nghi ngờ, tuổi tác của Đinh Chí Phong cũng hoàn toàn phù hợp với phạm vi điều tra được vạch ra của nghi phạm. Cậu ta trở thành đối tượng nghi ngờ trọng điểm.

Chạng vạng vài ngày sau, pháp y Đổng và hai cảnh sát điều tra lại đến ngôi nhà kia. Lúc này là giờ ăn tối, ngoài sân sáng đèn, trong nhà có người.

Lần này, bọn họ đã yêu cầu trưởng an ninh thôn đến gõ cửa gọi người ra.

Một lúc sau, cánh cửa mở ra, một người đàn ông da đen gầy gò với khuôn mặt nhăn nhó ló đầu ra, sau khi nhìn thấy là trưởng an ninh thôn mới nở một nụ cười. Mở cửa ra, pháp y Đổng thấy có một người phụ nữ khác ở trong sân, mặc quần áo tối màu, lưng còng xuống, vẻ mặt buồn bã.

Khi bọn họ bước vào cửa, trưởng an ninh thôn nói anh ta có việc gấp ở nhà nên rời đi trước. Hai vợ chồng dẫn ba người họ vào nhà, người đàn ông đen gầy vừa đi vừa ho khan, người phụ nữ lập tức đi qua đỡ anh ta.

Đèn trong phòng lờ mờ, có mùi ẩm mốc trong không khí. Trên tường căn phòng chính nổi bật lên một tấm áp phích phim có in hình một nữ diễn viên xinh đẹp.

Hai vợ chồng mời bọn họ ngồi xuống uống trà, pháp y Đổng và hai cảnh sát điều tra ngồi xuống một chiếc bàn thấp, giải thích ngắn gọn mục đích đến đây, pháp y Đổng lấy cuốn sổ ra để chuẩn bị ghi lại chi tiết.

Nhưng đúng lúc này đã xảy ra một chuyện ngoài ý muốn.

Khi pháp y Đổng vừa nhìn lên trên, đã thấy một bóng đen từ trong phòng xông ra. Cậu ta cởi trần, đầu tóc bù xù, trong tay cầm một cái liềm. Dưới ánh đèn, lưỡi liềm sáng chói cách đầu pháp y Đổng nhiều nhất chỉ là một mét.

Pháp y Đổng lúc đó bị doạ hoảng rồi, cảnh sát điều tra bên cạnh túm chặt cậu ta, kéo cậu ta lên rồi đưa ngoài. Cặp vợ chồng phía sau ngay lập tức ôm chầm lấy bóng đen kia. Rất nhanh sau đó, cửa nhà lại bị khoá.

Sau một hồi kinh sợ, pháp y Đổng đã nhanh chóng báo cáo cấp trên “Đinh Chí Phong có xu hướng bạo lực nghiêm trọng, chiều cao và tuổi tác hoàn toàn phù hợp, có hiềm nghi gây án rất lớn.

“Đứa nhỏ này bị bệnh tâm thần”, bí thư chi bộ thôn nói. Khi Đinh Chí Phong lên cơn, cậu ta thường cởi trần chạy ra đường, gặp người nào liền đánh người đó, người dân trong thôn sợ hãi nên cha mẹ cậu ta mới nhốt cậu ta trong nhà.

Sau nhiều lần được cảnh sát xác nhận, vào ngày gây án Đinh Chí Phong đã ở nhà không ra ngoài, hàng xóm có thể làm chứng. Nghi phạm “Vũ Phong Tử” này cuối cùng cũng được loại trừ khỏi diện tình nghi.

“Thật sự sau này nghĩ lại, một kẻ điên căn bản không thể nghĩ một cách thấu đáo như vậy, biết đeo găng tay khi gây án, rồi còn thu dọn hiện trường”. Pháp y Đổng kể lại, thấy mình đã quá nóng vội khi báo cáo lên trên.

Nhưng manh mối duy nhất lúc đó chỉ là hy vọng. Trong vòng bốn tháng, hơn sáu mươi người tập trung làm việc, ăn ở, lao đầu vào vụ án giết người này.

Kéo dài lâu như vậy nhưng chưa phá được án, mọi người bắt đầu nóng vội.

Nhưng không ai trong tổ chuyên án bỏ cuộc giữa chừng.

Thời gian đầu, do nguyên tắc bí mật và không tiện truyền tin, nên mọi người hầu như không liên lạc gì với gia đình. Sau đó, các lãnh đạo thấy như thế này không phải là cách thế là mỗi đêm sau khi mọi người thu thập tình hình xong, có thể báo cáo cho gia đình biết bản thân vẫn bình an vô sự.

Đó là khoảng thời gian thư giãn nhất trong ngày của các anh cảnh sát.

Tổ chuyên án được trang bị cho vài chiếc điện thoại di động, pháp y Dư vẫn còn nhớ rõ, đó là điện thoại bật nắp Motorola. Điện thoại chỉ có vài chiếc nhưng người quá đông, những cảnh sát không mượn được điện thoại chỉ có thể xếp hàng trước điện thoại công cộng trong hành lang của khách sạn.

Một ngày nọ vào nửa đêm, pháp y Dư nhìn thấy một cảnh sát điều tra ngồi xổm ở hành lang, ông ấy bước đến, cảnh sát điều tra kia có vẻ xấu hổ rồi quay mặt đi chỗ khác.

Mắt cậu ấy đỏ hoe, nước mắt lăn dài trên gương mặt. Cậu mở to miệng và cố gắng hết sức để kìm nén bản thân, nhưng không có âm thanh nào phát ra từ cổ họng. Pháp y Dư hỏi có chuyện gì vậy, cậu ấy không kìm chế được nức nở “Con em bị cảm, người nhà không chú ý đến, nó bị viêm cơ tim rồi”.

“Cậu trở về đi”. Pháp y Dư khuyên cậu nên báo cáo những khó khăn này với lãnh đạo.

“Anh, vụ này rất quan trọng, em không muốn rút lui”. Cậu ta nắm tay pháp y Dư “Sau này có khả năng sẽ không gặp phải vụ án lớn như vậy nữa. Em không cam tâm lui về, nhưng khi nghĩ đến con em, em đau lòng quá”.

Trong bốn tháng qua, tổ chuyên án cũng có những chuyện vui.

Một viên kỹ thuật vì không thể hoãn ngày cưới nên lãnh đạo cho cậu ta nghỉ ba ngày. Nhưng sáng sớm ngày thứ hai của hôn lễ, chú rể phải vội vàng trở về tổ chuyên án để không làm chậm trễ công việc.

Những gì cần cân nhắc bọn họ đều đã nghĩ xong rồi, làm tất cả những gì có thể, nhưng hung thủ gây ra tội ác này lại giống như bốc hơi khỏi nhân gian.

Cảnh sát kỹ thuật cẩn thận lưu giữ lại tất cả các vật chứng được trích xuất tại chỗ, mười ba viên gạch lát sàn cũng được thu thập đến phòng vật chứng.

Tổ chuyên án giải tán rồi, tại buổi họp chuyên án lần cuối cùng, lãnh đạo cũng động viên mọi người “Có lẽ bây giờ vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp nhất để phá án, mọi người đừng nản lòng. Chỉ cần chúng ta không bỏ cuộc, một ngày nào đó vụ án chắc chắn sẽ được giải quyết thôi”.

Trong bữa ăn giải tán, nhiều người đã say khướt, mọi người đều không cam tâm. Suốt bốn tháng, không thể tìm ra hung thủ. Mọi người đều cảm thấy nếu cứ kéo dài thời gian thì hi vọng sẽ càng ít.

Pháp y Dư vẫn chưa chạm đến một giọt rượu nào. Ông đã tự hỏi bản thân mình không biết bao nhiêu lần: Tôi có thể uống hết nửa chai rượu lần trước không?

Ông ấy muốn đợi đến ngày kết thúc vụ án này.

Một vài người thân thuộc nói đùa với ông ấy, nhắc đến việc ông ấy khâu tay vào xác chết, pháp y Dư tự cười nhạo bản thân mình “Có lẽ tôi với cô bé ấy có duyên”.

Nhiều năm sau, ông nhớ lại sự trùng hợp của vụ án lúc ấy, căn bản không thể lý giải rõ ràng được.

Cô bé bị sát hại chỉ mới mười ba tuổi, ở hiện trường phát hiện mười ba dấu chân dính máu được tìm thấy, có mười ba nghi phạm chính đang được điều tra, mười ba viên gạch lát nền trong phòng chứa vật chứng giống như mười ba tảng đá đè lên trái tim của cảnh sát.

Ẩn sâu trong chúng chất chứa những bí mật, chỉ cần giải mã thành công liền có thể tìm ra sự thật.

Mười ba năm sau, vào một buổi sáng đầy nắng, pháp y Dư đưa tôi vào con hẻm ở thôn Bắc Kiều. Dưới cái nhìn của người dân, chúng tôi dừng lại trước cửa nhà bác sĩ nha khoa có treo bảng “Ngôi nhà hạnh phúc”.

Không lâu sau, một người đàn ông cao gầy khoảng năm mươi sáu mươi tuổi đi về phía chúng tôi với một chùm chìa khoá trong tay.

“Đến rồi sao”. Ông ta chào pháp y Dư.

Chìa khoá trong tay ông ta hướng tới cánh cổng, mở ổ khóa lớn. Hai cánh cửa gỗ sơn mài đen cùng lúc phát ra tiếng “cạch cạch”, thời gian như ngừng trôi, rồi quay ngược lại trong tích tắc, tôi giống như trở lại mùa đông mười ba năm trước.

Tôi đã trích xuất một vài vết máu tại hiện trường, nghe pháp y Dư mô tả về vị trí, quần áo, tư thế và đặc điểm vết thương của từng nạn nhân. Giống như đang kể về một vụ án mới xảy ra hôm qua vậy.

Chúng tôi dừng lại ở phòng của cô bé lâu nhất.

Vết máu trên tường đã sậm màu, nền gạch cũng mất màu hoàn toàn từ khe hở giữa các tấm ván giường. Máu của cô bé được vẽ với các hình thù kỳ dị, giống như một con sói.

Hiện trường này giống như đã đợi tôi mười mấy năm nay.

Nhưng lần này không giống lần trước, chúng tôi đã nắm trong tay “chìa khoá”.

Chín.

Trong vụ án này, con số mười ba được lặp đi lặp lại nhiều lần, giống như một điềm báo vậy.

Một số thành viên của tổ chuyên án năm đó: Pháp y Dư, đội trưởng Vương của Lữ đoàn cảnh sát Hình sự, chủ nhiệm Lý của phòng DNA lại một lần nữa họp mặt sau mười ba năm.

Đội trưởng Vương đội cảnh sát hình sự gần đây thấy thông tin có người dùng kỹ thuật DNA để xác định danh tính chủ nhân ngôi mộ cổ, làm anh nhớ đến vụ án cả nhà bác sĩ nha khoa bị sát hại kia.

Vào thời điểm đó, do hạn chế về kỹ thuật, không đưa ra được thông tin của nghi phạm nhưng bây giờ, một giọt máu cũng có thể nói lên rất nhiều thứ.

Nếu nói máu là ổ khoá, thì kỹ thuật xét nghiệm chính là chìa khoá và người giữ chìa khoá này chính là pháp y.

Bọn họ tụ họp lại với nhau bàn bạc để kiểm tra lại các tài liệu của năm đó.

Một nhóm người vây quanh những vật chứng, sau khi kiểm tra, họ nhất trí xác định chứng cứ có giá trị nhất chính là mười ba viên gạch lát nền kia –hình vuông 25 cm, màu xám xanh, bên trên có dấu chân dính máu.

Sau khi sự việc xảy ra, nó đã được cảnh sát cất giữ đàng hoàng, mỗi lần cục công an chuyển địa điểm làm việc đều được các chuyên gia cẩn thận mang đi theo.

Năm đó, trọng tâm xét nghiệm của các pháp y đi trước chính là vết chân dính máu trên gạch lát nền. Nhưng lần này, việc này được trao đến tay tôi, thay vì bám vào những dấu chân kia, tôi lại chú ý đến những giọt máu để lại trên nền gạch.

Ý nghĩ của những giọt máu này có khả năng chính là máu của nghi phạm. tại hiện trường có dấu vết đánh nhau, nhiều khả năng nghi phạm đã bị thương. Trước đây chỉ có thể xét nghiệm nhóm máu, nhưng công nghệ ngày nay có thể nhắm thẳng vào một người.

“Chúng ta phải tìm ra bằng bất cứ giá nào”. Chủ nhiệm phòng DNA nói.

Trích xuất vết máu là một việc quen thuộc với tôi, nhưng lần này tôi đột nhiên hơi lo lắng – gạch lát nền trước mặt tôi không phải là vật chứng thông thường, nó ở phòng chính nhà Hà Lập Bân, nặng trĩu.

Năm đó, nghi phạm đã dẫm lên nó rời khỏi hiện trường, rồi sau đó hoàn toàn biến mất.

Tôi gần như nín thở, động tác cẩn thận, quan sát từng viên gạch một.

Sau hai tiếng quan sát, cuối cùng cũng tìm ra vài giọt máu trên hai viên gạch, một giọt ẩn trong khe hở hoa văn, vô cùng kín đáo.

Vài ngày sau đã có kết quả của hai mẫu máu này: DNA là của hai người đàn ông khác nhau.

Mấy vết máu được giấu kín này giống như nhân chứng đã im lặng bấy lâu nay, mà cuối cùng cũng sắp lên tiếng nói ra tất cả.

Mười.

Đơn vị đã tổ chức họp mặt mọi người, bàn họp chật kín người, khi phân phó nhiệm vụ, dù là cảnh sát cũ hay mới, trên gương mặt họ đều nở nụ cười rạng rỡ.

Trước đó, hơn sáu mươi cảnh sát hình sự hơn mười năm trước đã tranh cãi về số lượng người gây án, và dường như đã sắp có lời giải đáp. Đôi mắt pháp y Dư như phát sáng.

Đầu tiên chúng ta cần xác định xem hai vết máu này có phải của cha con nạn nhân không. Nếu đều được loại trừ thì nó ẩn chứa quá nhiều bí mật.

Chúng tôi quay lại hiện trường vụ án năm đó để thu thập mẫu máu, đồng thời tìm kiếm những người thân trong gia đình nạn nhân, dùng quan hệ huyết thống để tiến hành loại trừ và xác định mẫu máu.

Người nhà Hà Lập Bân đã nhiều năm không lui tới với cảnh sát, lần ngày phía cảnh sát đột nhiên đến, người nhà mặc dù phối hợp rất tốt nhưng ánh mắt lại có chút phức tạp “Vụ án có tiến triển gì sao”. Lúc tôi lấy máu cho một người, anh ta trực tiếp hỏi tôi.

Em trai của Hà Lập Bân nói rằng, cha mẹ anh ta luôn đau khổ sau khi nhà anh trai xảy ra chuyện. Qua vài năm, hai người cũng lần lượt qua đời. “Khi mẹ tôi sắp đi, bà ấy có hỏi liệu kẻ sát nhân có bị bắt hay không? Cả nhà tôi đều không biết trả lời bà thế nào”.

Hung thủ sát hại người thân của họ vẫn ung dung tự tại mười ba năm qua, điều này đã trở thành một cái gai trong lòng của những người trong gia đình.

Vào lúc đó, tôi cũng không đưa ra bất kì câu trả lời nào, chỉ có thể lấy vài vết máu tại hiện trường, cùng với mẫu máu của các thành viên trong gia đình có quan hệ huyết thống với vợ chồng Hà Lập Bân rồi gửi đến phòng DNA.

Các đồng nghiệp bắt đầu tăng ca, phân tích và kiểm tra cẩn thận, cuối cùng chúng tôi xác định được một trong các DNA là của Hà Lập Bân đã chết, DNA còn lại chỉ có thể là của nghi phạm hoặc một trong những nghi phạm.

Vẫn chưa có câu trả lời cho vấn đề có bao nhiêu người gây án, nhưng có DNA rồi, chúng tôi đã có thể sờ đến góc áo của nghi phạm.

Nhiễm sắc thể của con người được chia thành X và Y, nhiễm sắc thể Y chỉ có ở nam giới. Cái gọi là kho Y, nói dễ hiểu chính là thu thập nhiễm sắc thể của nam giới, kết hợp với thói quen tụ họp theo tộc ở Trung Quốc, có thể dựa theo quan hệ huyết thống của nam giới để xác định nghi phạm.

Việc xây dựng kho y ở nơi này đã bắt đầu hình thành, nhưng chúng tôi đã tìm kiếm cũng không tìm thấy bất kì thông tin nào liên quan đến nghi phạm.

Sau khi biết kết quả, pháp y Dư có vẻ hơi thất vọng “Có vẻ thời gian phá án vẫn chưa chín muồi”.

Tôi không biết phải an ủi ông ấy như thế nào, nhưng pháp y Dư đã chủ động vỗ vai tôi và nói: “Chuyện tốt thường gặp trắc trở, chúng ta đừng nôn nóng quá”.

Thực tế, không ai nôn nóng bằng pháp y Dư cả, mấy năm qua dù là khó khăn về kỹ thuật hay áp lực dư luận, ông ấy đều không dễ chịu.

Bây giờ cuối cùng cũng lấy được thông tin của nghi phạm, tôi tin rằng vụ án này sẽ nhanh chóng được phá thôi.

Những lúc thế này, pháp y Dư sẽ vỗ về tôi rồi nói “Thế hệ trẻ bây giờ không giống trước kia, tâm lý cũng càng ngày càng tốt”.

Tôi nghĩ, điều này có lẽ vì chúng tôi càng ngày càng tin vào công nghệ thông tin.

Mười một.

Sau đó, chúng tôi cố gắng đẩy nhanh công việc thiết kế kho Y ở nơi đây. Không đơn giản chỉ vì vụ án này mà còn vì nhiều vụ án sau này nữa.

Mỗi người thêm mẫu máu vào kho DNA có thể cung cấp manh mối chính để tìm ra thủ phạm thật sự. Theo một ý nào đó nữa mà nói, các thành viên của tổ chuyên án đã không còn giới hạn tối đa nữa rồi.

Khoảng nửa năm sau, vào một buổi sáng, tôi tình cờ gặp pháp y Dư ở hành lang của đơn vị. Ông ấy không giấu được phấn khích mà gọi tôi “Tìm được rồi”.

Có một người có nhiễm sắc thể Y rất giống với nghi phạm. Anh ta tên Vương Á Tân, 37 tuổi, đã bị tạm giam vì lái xe trong tình trạng say rượu.

Mười ba năm trôi qua, vụ án cuối cùng cũng có hồi kết. mọi người đều rất phấn khích, cho rằng Vương Á Tân có khả năng là nghi phạm nên muốn nhanh chóng bắt được anh ta.

Nhưng vào thời khắc mấu chốt này, pháp y Dư ngược lại không hề vội vàng.

Bản đồ gen trong kho Y giống như điện tâm đồ của con người, mỗi đỉnh nổi bật là một gen. Vương Á Tân có hơn hai mươi gen phù hợp với nghi phạm, nhưng con số này không đủ để xác định chắc chắn.

Để an toàn, chúng tôi đã kiểm tra hơn bốn mươi gen và thấy rằng một trong hơn bốn mươi gen của Vương Á Tân không trùng khớp với nghi phạm.

Điều này nói rõ Vương Á Tân không phải là nghi phạm nhưng có mối quan hệ huyết thống với nghi phạm. Nghi phạm có khả năng họ Vương.

Nhưng họ Vương là một tộc lớn, có rất nhiều người họ này.

Trong thôn của Vương Á Tân có hơn sáu trăm hộ gia đình, trong đó có hơn một trăm hộ họ Vương. Chúng tôi quyết định điều tra từng hộ một, không để sót bất kì người nào.

Mọi người đều có chung một mục tiêu: mạng lưới này không những phải dày đặc mà còn phải đủ lớn. Hơn 1200 người được kiểm tra. Cuối cùng, chúng tôi phát hiện ra một người có hơn 40 gen khớp với nghi phạm.

Con quỷ tội ác ẩn náu suốt mười ba năm qua đã sắp lộ diện.

Trong phòng giám sát của phòng thẩm vấn, lần đầu tiên tôi nhìn thấy Vương Á Cường: Mắt nhỏ, gò má cao và chiếc mũi khoằm.

Ông ta cũng là một bác sĩ nha khoa.

Khi Vương Á Cường bị bắt là lúc ông ta vừa đưa bệnh nhân ra khỏi phòng khám. Vợ con ông ta đang ngồi ở bàn cơm bên cạnh, đợi ông ta để cùng nhau ăn cơm.

Trước mặt xuất hiện rất đông cảnh sát, vợ ông ta vội vàng đứng dậy tiến lên phía trước một bước, để hai đứa nhỏ ra phía sau mình. Hai cái đầu nhỏ thò ra sau lưng mẹ tò mò nhìn. Vương Á Cường bình tĩnh hỏi “Có chuyện gì sao?”

Gia đình ông ta cũng giống với Hà Lập Bân đã chết, cũng có một cặp vợ chồng, một đôi trai gái, con gái cũng vừa tròn mười ba tuổi. vào thời điểm xảy ra vụ án, vợ của Vương Á Cường đang mang thai.

Cô gái nhỏ trốn sau lưng mẹ có lẽ không bao giờ nghĩ rằng cha mình lại tham gia vào một vụ án giết người. Cũng có một cô bé bằng tuổi mình, nhưng mãi mãi dừng lại ở tuổi mười ba.

Đồng nghiệp ập đến rồi đè Vương Á Cường xuống đất, ông ta chỉ vùng vẫy hai lần rồi ngừng chống cự.

Trước khi bị bắt, các đồng nghiệp đã kiểm tra lý lịch của người này: Vương Á Cường là kiểu người hướng nội nhưng nóng nảy, đã đuổi một nha sĩ khác đi vì công việc kinh doanh của mình. Bình thường ít giao thiệp với hàng xóm, nên uống rượu nói chuyện với nhau là điều không thể xảy ra.

Mọi người trong thôn đều cảm thấy ông ta thuộc kiểu rất khó kết giao.

Nơi ở của Vương Á Cường cách hiện trường vụ án mười lăm kilomet, không nằm trong phạm vi điều tra của cảnh sát, nhưng thôn mà ông ta đang cư trú cũng đã được cảnh sát điều tra đến kiểm tra vài lần, nhưng bằng cách nào đó, ông ta đã lọt khỏi lưới.

Sau nhiều năm, cảnh sát kỹ thuật đã tiếp cận và lấy dấu chân của Vương Á Cương để xem xét rất lâu – kích thước giày của ông ta trùng khớp với dấu chân tại hiện trường.

Cuộc thẩm vấn bắt đầu.

Vương Á Cường hét lên rằng ông ta không làm điều gì sai cả, cảnh sát đã bắt nhầm người rồi, và muốn giải thích mọi chuyện. Ông ta thẳng lưng ngẩng cao đầu như thể không sợ hãi điều gì cả.

Cảnh sát thẩm vấn hỏi Vương Á Cường ông ta có biết một nha sĩ họ Hà ở khu mới khai phá không, có từng đến nhà nạn nhân không, Vương Á Cường đều phủ nhận tất cả.

Thẩm vấn đến nửa đêm, ông ta đã phải thừa nhận khi cảnh sát thẩm vấn đưa ra những bằng chứng.

“Tôi đã giết người”. Vương Á Cường im lặng nửa phút, sau đó đột nhiên ngẩng đầu thở phào nhẹ nhõm.

Cảnh sát thẩm vấn vội vàng đứng lên “Ông giết người khi nào?”

“Vào một đêm tháng chạp năm 1999, hơn 8 giờ”.

“Giết người ở nơi nào?”

“Một gia đình mở phòng khám nha khoa ở thôn Bắc Kiều của khu khai phá”.

“Ông đã giết những ai?”

“Tôi đã giết bốn người, một nam một nữ, một người phụ nữ và một người đàn ông”.

“Vì sao lại giết người?”

“Tôi muốn trộm tiền”.

Nghi phạm ẩn náu mười ba năm đã bị bắt giữ, tình huống tại hiện trường phù hợp với động cơ gây án khiến mọi người thở phào nhẹ nhõm.

Trong quá trình có vẻ suôn sẻ này, lại đang ấp ủ một nguy cơ lớn.

Mười hai.

Vương Á Cường bình tĩnh tường thuật lại vụ sát hại gia đình bốn người nhà nha sĩ Hà.

Ông ta nói rằng ông ta không quen biết nha sĩ Hà Lập Bân của Nha khoa Bắc Kiều, ông ta chỉ muốn cướp tiền. Hơn nửa tháng trước khi xảy ra vụ án, ông ta mua một con dao gọt hoa quả ở chợ và tìm thấy một cái rìu ở nhà. Vào ngày gây án, Vương Á Cường trèo qua cánh cửa không khóa nhà Hà Lập Bân, trước tiên đến phòng ở phía nam có đèn mờ đợi một lúc, sau đó đi thẳng tới phòng khách.

Nhưng không may, người phụ nữ đã phát hiện ông ta, nên ông ta đã dùng rìu chặt vào đối phương sau đó cắt cổ bằng dao gọt hoa quả.

Ông ta tiến vào phòng ngủ nhỏ, bắt gặp một cô bé, ông ta cũng cắt cổ cô bé. Khi trở lại phòng khách, thì gặp cậu bé. Thế là ông ta tiếp tục giết chết cậu bé này, rồi kéo vào phòng ngủ của người phụ nữ đã chết kia.

Vương Á Cường nói rằng sau khi làm những chuyện này, ông ta đã đến phòng ở phía tây để tìm tiền, rồi nghe thấy tiếng ai đó đột nhiên vào phòng khách, ông ta đã chạm trán với chủ nhà Hà Lập Bân.

Trong lúc đánh nhau, ông ta dùng rìu đánh ngã người đàn ông xuống đất, cán rìu cũng bị gãy. Trong lúc khẩn cấp, ông ta đã nhặt một vòi nước từ dưới đất rồi đập vào đầu Hà Lập Bân cho đến chết.

Trong lời thú tội của Vương Á Cường, ông ta một mình gây án, không có thù oán cá nhân, chỉ vì muốn cướp tiền. Vì bị phát hiện và trong lúc khẩn cấp nên mới giết người.

Hầu hết những tình tiết này đều trùng khớp với tình huống khám nghiệm tại hiện trường. Chỉ những người có mặt tại hiện trường mới có thể tường thuật lại chi tiết như vậy, mọi người nghe xong đều cảm thấy lần này bắt đúng người rồi.

Hơn ba giờ sáng đêm hôm đó, pháp y Dư lại mất ngủ. Trong lòng ông ấy có chút không yên – lời nhận tội của người đàn ông không khớp với kết quả khám nghiệm tử thi.

Trong lời nhận tội của Vương Á Cường, ông ta nói chặt người bằng một hoặc hai nhát rìu, và dao chém nhiều nhất là hai lần. Nhưng kết quả khám nghiệm tử thi lại bi thảm hơn nhiều.

Vào một ngày nắng đẹp trời, Vương Á Cường được áp giải vào một con hẻm để xác định hiện trường.

Vương Á Cương rất quen thuộc với sân nhà nạn nhân. Ông ta nhớ rõ những gì mình đã làm ở nơi nào. Bao gồm giết người, tìm kiếm tiền và rời đi. Những người xem rất kích động, dưới sự khuyên giải của cảnh sát, bọn họ mới không lao lên đánh người.

Theo tài liệu thẩm vấn hiện có, tất cả mọi người đều cho rằng vụ án cơ bản đã giải quyết xong, việc tiếp theo là chờ uống rượu chúc mừng.

Pháp y Dư ngồi trong văn phòng của mình, hút thuốc với gương mặt nghiêm nghị. Vừa hút thuốc, vừa lật xem một cuốn sách dày.

Tôi bước vào và thấy các góc của cuốn sách đã sờn rách, bên trong vẫn còn nhiều giấy in được dán lên, trên đó được viết dày đặc các dòng chữ.

Mười ba.

Không bao lâu sau, Vương Á Cường đã làm một điều khiến mọi người đều kinh ngạc – ông ta phản cung, phản lại lời nhận tội trước đây của mình.

Bởi vì pháp y Dư đã tìm lãnh đạo, nói rằng Vương Á Cường chắc chắn đang nói dối cho nên lãnh đạo quyết định thẩm vấn lại lần nữa.

Kết quả, vừa đến phòng thẩm vấn, Vương Á Cường giống như đang nói đùa, ông ta nói với cảnh sát thẩm vấn, trước đây ông ta đã nói dối, thật sự có hai thủ phạm.

“Tôi và một người tên Chu Đại Hải đã cùng nhau cướp của giết người nhà bác sĩ nha khoa kia”.

Một cảnh sát kỹ thuật lập tức gọi điện thoại cho pháp y Dư “Lão Dư, anh nhìn xem, tôi đã nói có hai thủ phạm mà, anh còn không nghe tôi”.

Pháp y Dư không hé môi, tắt điện thoại rồi lấy ra một điếu thuốc, bình tĩnh quan sát màn trình diễn của Vương Á Cường.

Trong phòng thẩm vấn, Vương Á Cường thú nhận từng chút một về chuyện giết người của mình và đồng bọn.

Ông ta và Chu Đại Hải gặp nhau ở một nhà hàng tại khu khai phá. Chu Đại Hải là người Đông Bắc, 25 tuổi, cao khoảng một mét bảy lăm, hơi mập, tóc húi cua, da ngăm đen. Người này thuộc kiểu vô công rỗi nghề, sống trong một ngôi nhà gỗ ở phía bắc con đường điện tử ở khu khai phá.

Sau khi trời bước vào thu, Chu Đại Hải đột nhiên hỏi ông ta ở quanh đây có người nào giàu có không. Vương Á Cường cảm thấy gia đình bác sĩ nha khoa ở thôn Bắc Kiều rất giàu. Hai ngày trước vụ án, Chu Đại Hải bí mật nói với ông ta nghe nói bác sĩ nha khoa kia mới rút về một trăm ngàn nhân dân tệ từ ngân hàng.

“Tôi muốn đi trộm tiền, ông đi cùng không?”. Chu Đại Hải rủ Vương Á Cường cùng nhau thực hiện kế hoạch.

Cậu ta còn nói “Ông không cần làm gì cả, tôi có dụng cụ rồi, đến lúc đó ông giúp tôi canh chừng là được rồi”.

Ngày xảy ra vụ án, Chu Đại Hải đã cầm theo một túi vải lớn, bên trong có một con dao găm và một cái rìu.

Vương Á Cường vẫn còn nhớ về con dao găm và cái rìu kia. Dao găm hai lưỡi, rìu là loại những người thợ mộc hay dùng, cán rìu màu đen.

Khoảng bảy giờ ba mươi tối, họ đến nhà của bác sĩ nha khoa. Cổng chỉ khép hờ, hai người họ tiến vào, Chu Đại Hải để Vương Á Cường đi vào phòng phía nam để canh chừng.

Vương Á Cường thấy Chu Đại Hải lấy dao găm và rìu trong túi ra, sau đó đẩy cửa vào phòng. Cậu ta dùng rìu đập vào đầu người phụ nữ rồi dùng dao găm cứa hai hoặc ba nhát vào cổ người phụ nữ kia. Sau đó, Vương Á Cường nghe thấy tiếng khóc của một cô bé, nhưng ngay sau đó, không còn âm thanh nào nữa.

Lúc này có một cậu nhóc từ bên ngoài chạy vào phòng khách gọi cha vài tiếng. Chu Đại Hải bước ra từ căn phòng phía đông, cậu nhóc định cướp lấy dao găm của Chu Đại Hải nhưng nhanh chóng đã bị quật ngã xuống sàn, sau đó Chu Đại Hải dùng dao găm đâm cậu bé đến chết.

Một hai phút sau, bác sĩ nha khoa kia bước vào phòng khách, ôm lấy Chu Đại Hải. Ông ta đi ra khỏi căn phòng phía nam để qua bên này giúp một tay. Nhưng Chu Đại Hải đã quật ngã người xuống, sau đó nhặt một ống nước bằng sắt trên mặt đất đập xuống ba bốn lần.

Một nhà bốn người đã bị Chu Đại Hải giết chết. Vương Á Cường luôn cách rất xa các xác chết, không có bất kỳ tiếp xúc trực tiếp nào.

Khi bước vào phòng lục tiền, bọn họ thấy dưới tấm rèm có năm ngàn tệ, Chu Đại Hải lấy ba ngàn, ông ta giữ hai ngàn.

Sau đó hai người đến phòng khám, Chu Đại Hải tìm được 120 hay 130 tệ gì đấy, ông ta chỉ lấy hơn hai mươi miếng hàn răng. Ông ta nghĩ mình cũng là bác sĩ nha khoa, đồ này có lợi.

Bọn họ trèo tường từ nhà vệ sinh ở góc sân phía tây nam, sau khi ra ngoài, Chu Đại Hải đột nhiên vỗ đầu nói mình để quên cán rìu. Anh ta vào lại để tìm nhưng không thấy, không lâu sau, Chu Đại Hải từ cổng lớn đi ra.

Vương Á Cường nhớ rằng lúc đó trên người Chu Đại Hải dính rất nhiều máu, ông ta cũng không biết người này có bị thương hay không. Nhưng từ đầu đến cuối ông ta đều chưa đụng vào những người chết kia.

Sau này, ông ta và Chu Đại Hải không còn liên lạc với nhau nữa.

Vào một mùa xuân tám năm sau, có một lần Chu Đại Hải tới phòng khám răng của ông ta. Vương Á Cường bị dọa một trận nhưng Chu Đại Hải nói không có việc gì chỉ đến xem một chút thôi. Cậu ta bây giờ bán rau ở chợ, còn để lại số điện thoại cho Vương Á Cường “Lúc nào rảnh cùng nhau uống rượu đi”.

Sau này Vương Á Cường nhiều lần đổi điện thoại nên đã làm mất số điện thoại của cậu ta. Bọn họ không gặp lại nữa.

Lời nhận tội lần này của Vương Á Cường giống như một quả bom nổ chậm, làm cho cảnh sát thẩm vấn cũng choáng váng.

Sức ảnh hưởng của lời khai lần này thật sự rất lớn, tổ chuyên án lần nữa được thành lập, còn có rất nhiều viện trợ từ bên ngoài được cung cấp.

Lời khai của Vương Á Cường có tính xác thực rất cao và đầy đủ, tình tiết về tội ác của cả hai đều đã được mọi người công nhận. Chỉ là vẫn còn một số cảnh sát kỹ thuật vẫn đứng về phía pháp y Dư, đều cho rằng lời khai của Vương Á Cường có vấn đề.

Tình huống hai bên tranh cãi nhau cũng giống hệt mười ba năm trước.

Chỉ có pháp y Dư vẫn cương quyết nói với cảnh sát có mặt tại đó: Lời khai của Vương Á Cường vẫn chỉ là lời nói dối, hung thủ chỉ có một mà thôi.

Mười bốn.

Tổ thẩm vấn đã thẩm vấn Vương Á Cường rất nhiều lần, nhưng trong mỗi lần thẩm vấn, lời khai của ông ta đều khác với lần trước.

Thẩm vấn lần thứ sáu, Vương Á Cường nói rằng ông ta và Chu Đại Hải sau khi đến hiện trường đã ở phòng phía nam hút thuốc rồi quan sát khoảng năm phút trước khi Chu Đại Hải ra tay; ông ta quen với vợ chồng họ Hà kia, năm năm trước khi vụ án xảy ra, ông ta có đến đó để học kỹ thuật làm răng giả; lúc gây án, ông ta đã quấn hai miếng vải đen dưới đế giày, Chu Đại Hải đã xử lý các hoa văn dưới giày trước rồi…

Theo kết quả điều tra trước đó, cho dù có phải hai người gây án hay không, thì cũng có thể khẳng định, Vương Á Cường chắc chắn tham gia vào vụ giết người này, hơn nữa ông ta cũng bị thương chảy máu.

Nhưng sau khi phản cung, ông ta lại khẳng định mình không làm gì cả, đều do một mình Chu Đại Hải thực hiện hành vi giết người.

Cảnh sát thẩm vấn lấy ra một bản thông báo ý kiến thẩm định đưa cho Vương Á Cường ký, nội dung: Máu của ông ta được phát hiện trên gạch lát sàn và ống nước. Ông ta nhìn thấy câu này nên trực tiếp từ chối kí tên.

Mọi người trong tổ chuyên án lúc này mới kịp nhận ra, bắt được Vương Á Cường không phải là sự kết thúc mà là khởi đầu của một cuộc chiến khác.

Ở các giai đoạn khác nhau của vụ án, chúng tôi cũng có nhiệm vụ khác nhau và phải đối mặt với những tình huống khó khăn khác nhau. Năm đó, pháp y Dư và các tiền bối đã làm thế nào thông qua hiện trường để xem xét quá trình thủ phạm thực hiện quá trình phạm tội, vẽ chân dung nghi phạm và tìm được nghi phạm thông qua các manh mối đã có.

Bây giờ đã bắt được Vương Á Cường, chúng tôi phải xem xét làm thế nào để ông ta thú nhận tội ác của mình.

Kể từ lúc ông ta đề cập đến cái tên Chu Đại Hải này, chúng tôi đã bắt tay vào tìm kiếm người này.

Tổ chuyên án đã thu thập một lượng lớn thông tin hộ khẩu, thông tin tạm trú và kiểm tra hơn 800 người. nhưng không ai khớp với tên tuổi và ngoại hình của Chu Đại Hải. Cũng đã tìm đến người đứng đầu trong khu vực pháp lý của Đông Bắc, nhưng bọn họ cũng nói không có.

Để có đủ bằng chứng, tổ chuyên án đã mở rộng phạm vi tìm kiếm Chu Đại Hải, đồng thời tìm kiếm toàn bộ thông tin của hơn 600 người đàn ông có tên phát âm gần giống với người này trong cơ sở dữ liệu hộ khẩu của ba tỉnh Đông Bắc, để Vương Á Cường xác nhận từng người một. nhưng ông ta liên tục lắc đầu, nói vẫn chưa tìm thấy.

Để xác minh một số phỏng đoán, tổ chuyên án đã sử dụng một phương pháp mới – bắt đầu từ những người xung quanh Vương Á Cường.

Cảnh sát đã tìm hai tù nhân cùng phòng với Vương Á Cường là Lão Trịnh và Lão Mã để tìm hiểu thêm thông tin.

Theo lời khai của bọn họ, hình như cả phòng giam lúc đầu đều sợ Vương Á Cường, nên không có màn chào hỏi người mới như bình thường. Hơn nữa Vương Á Cường cũng không thích nói chuyện với người khác, đa số đều ngồi một mình.

Chỉ khi Lão Đặng hỏi vài câu, Vương Á Cường mới nói bản thân kết thù với người khác nên mới giết người.

Vương Á Cường là một bác sĩ nha khoa, gia đình bị ông ta sát hại cũng như vậy, người đó đã cướp mất công việc kinh doanh của ông ta nên đã giết cả nhà họ. Động cơ giết người là cạnh tranh kinh doanh, đây là chuyện Lão Trịnh nghe được.

Không giống với Lão Trịnh, Lão Mã là người hơi lớn tuổi hơn trong phòng giam, và cũng là “chuyên gia pháp luật” trong số các tù nhân.

Trước khi Vương Á Cường vào phòng giam, Lão Mã nghe nói người này đã giết người cách đây mười ba năm. Ngày hôm sau, mấy người Lão Mã quay lại cùng nhau để phân tích vụ án của Vương Á Cường, họ cảm thấy cảnh sát hẳn là chưa có chứng cứ xác thực, nếu không đã bắt người từ lâu rồi.

Mười lăm.

Vương Á Cường không tin tưởng bất kỳ ai.

Đối mặt với sự chất vấn hết lần này đến lần khác của Lão Mã và mấy người xung quanh, ông ta cũng giống như khi nói dối chúng tôi, mở miệng liền nói “Ba bốn ngày trước đã giết người”.

Vì để đánh bại ông ta, trong cục đã cử đến hai chuyên gia kiểm tra nói dối, kết quả kiểm tra cho thấy:

Vụ án giết cả nhà bác sĩ nha khoa Hà do một người làm.

Vương Á Cường đã giết người.

Đồng phạm Chu Đại Hải trong lời khai của ông ta không tồn tại.

Đây là một kẻ nói dối trời sinh, nhưng dưới sự kiểm tra nói dối chuyên nghiệp và gần hai mươi lần thẩm vấn, Vương Á Cường cuối cùng đã thừa nhận: Kết quả kiểm tra nói dối hoàn toàn chính xác.

Chúng tôi cuối cùng cũng làm rõ toàn bộ quá trình phạm tội của ông ta.

Vương Á Cường cảm thấy cuộc sống của mình luôn không được suôn sẻ. Vào khoảng năm 1994, mọi người đều thấy làm bác sĩ nha khoa vừa bỏ ít vốn vừa kiếm được tiền nhanh, thế là Vương Á Cường theo anh họ học nha khoa, năm sau đã bắt đầu làm việc độc lập rồi.

Vào thời điểm đó, xung quanh có rất nhiều đối thủ cạnh tranh với phòng khám của ông ta, có người dựa vào giá cả thấp hơn để thu hút khách hàng, Vương Á Cường lại dựa vào thủ đoạn.

Để giành giật mối làm ăn, Vương Á Cường từng có mâu thuẫn với rất nhiều bác sĩ nha khoa khác, tổ chuyên án tốn rất nhiều công sức mới tìm ra được hai người bị ông ta quấy rối. Một người họ Tống, người còn lại họ Lâm.

Vào năm đó, phòng khám của bác sĩ Tống rất gần với Vương Á Cường. Phòng khám của bác sĩ Tống luôn bận rộn còn Vương Á Cường bên này lại rất ít người đến.

Một ngày nọ vào 8 - 9 giờ sáng, bác sĩ Tống đang bận trong phòng khám thì Vương Á Cường đến. Ông ta công khai gạ gẫm khách hàng ở đây, kêu gọi những người này đến phòng khám của mình.

Bác sĩ Tống rất tức giận, nên mắng ông ta vài câu sau đó tiếp tục công việc của mình.

Buổi chiều, Vương Á Cường lại lao vào phòng khám của bác sĩ Tống. Ông ta hùng hùng hổ hổ nói “Cậu mau ra ngoài”.

Bác sĩ Tống vừa bước ra ngoài đã bị Vương Á Cường đấm một cái thật mạnh. Hai người xảy ra xô xát, Vương Á Cường liền rơi vào thế yếu. Ông ta tức giận, nhặt một viên đá bên đường đập vỡ kính xe chắn gió của bác sĩ Tống.

Hai mươi phút sau, có hai thanh niên chạy xe máy màu đỏ vào phòng khám của bác sĩ Tống. Vương Á Cường chỉ vào bác sĩ Tống rồi nói “Người này đã đánh tôi”.

“Nghe nói anh rất giỏi đánh người sao?”. Một thanh niên cởi trần nói với bác sĩ Tống.

Bác sĩ Tống không có vẻ sợ hãi “Tôi mới ra tù, chỉ muốn làm ăn chân chính, đừng làm khó tôi nữa. Từ nhỏ tôi đã luyện võ rồi, các người không đánh lại tôi đâu”.

Hai thanh niên nhìn bác sĩ Tống hồi lâu “Không dám chọc mấy người trong kia mới ra đâu”. Nói xong, họ cùng Vương Á Cường rời đi.

Sau đó, bác sĩ Tống muốn mọi chuyện êm xuôi mới xin lỗi Vương Á Cường. Hai bên bắt tay làm hòa nhưng kể từ ngày đó phòng khám của bác sĩ Tống dăm ba ngày lại có trạm phòng chống dịch tễ đến kiểm tra.

Vương Á Cường năm lần bảy lượt gọi đến đường dây nóng của thị trưởng.

Mọi việc không được thuận lợi nên bác sĩ Tống đã rời đi.

Mà bác sĩ họ Lâm trước đây hoàn toàn không quen biết Vương Á Cường. Vào một đêm, một vị khách không mời mà đến đã tới nhà bác sĩ Lâm, ông ta đi thẳng vào vấn đề chính “Tôi tên là Vương Á Cường, là người cùng ngành với anh, sau này anh đừng đến khu khai phá làm việc nữa”.

Lúc đó có vài người bạn trong nhà bác sĩ Lâm, nghe Vương Á Cường nói vậy liền rất tức giận “Mọi người đều dựa vào tay nghề kiếm tiền, anh dựa vào cái gì không cho người ta đi làm”.

Vương Á Cường không nói lời nào, ngồi trong phòng khoảng mười phút, sau đó đứng dậy rồi rời đi. Ai cũng cho rằng người này thần kinh có vấn đề.

Vài ngày sau, bác sĩ Lâm đi xe máy đến khu khai phá để trám răng. Đi được nửa đường thì bị Vương Á Cường chặn lại, ông ta uy hiếp “Anh không được phép đến khu khai phá làm việc, nếu không nghe tôi giết cả nhà anh đấy. Tôi sẽ tìm mấy đứa con của anh rồi giết chúng”.

Bác sĩ Lâm tức giận, lựa chọn phớt lờ ông ta. Sau đó, Vương Á Cường đã chặn bác sĩ Lâm ba bốn lần gì đó, mỗi lần đều uy hiếp đe doạ. Cuối cùng, gia đình bị doạ một trận nên đã báo cảnh sát.

Vương Á Cường cũng từng đánh nhau với một bác sĩ khác. Vào lúc đó, ông ta nói “Tôi đã giết một gia đình, không bằng lại giết thêm một nhà anh nữa”.

Mười sáu.

Vương Á Cường đã tìm mọi cách để đuổi các bác sĩ nha khoa gần đó đi, nhưng không nghĩ tới, công việc kinh doanh của ông ta vẫn không khởi sắc, mọi người trong thôn đều tìm đến “Nha khoa Bắc Kiều”.

Sau khi khu khai phá được thành lập, không cho phép các bác sĩ ở nơi khác đến đây làm ăn. Thu nhập của Vương Á Cường không bằng trước đây. Khi làm răng cho người khác, ông ta nghe đối phương nhắc đến Nha khoa Bắc Kiều ở khu khai phá, nói rằng làm răng ở đó rất đắt nhưng kinh doanh lại rất tốt.

Vương Á Cường đang suy nghĩ, ông ta phí sức đuổi hai bác sĩ kia đi, cuối cùng Hà Lập Bân mới là người kiếm được nhiều tiền.

Mặc dù chưa gặp Hà Lập Bân nhưng Vương Á Cường đã thấy ghét người này rồi.

Sau đó, khi vợ ông ta mang thai, cuộc sống của Vương Á Cường càng trở nên túng thiếu. Ông ta muốn kiếm một ít tiền để mua một chiếc xe máy đi khu vực khác làm việc. Và cách ông ta kiếm tiền đó chính là trộm tiền của nhà giàu.

Hà Lập Bân chắc có rất nhiều tiền.

Vì hành động lần này, Vương Á Cường đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Cách nửa tháng trước, ông ta mua một con dao gọt trái cây lớn ngoài chợ, sau khi về nhà lại thấy một cái rìu. Vương Á Cường cũng tự tay làm một đôi giày có một không hai. Ông ta đã cắt và đánh bóng phần đế giày.

Cũng chính đôi giày này đã gây ra một cuộc tranh luận trong tổ chuyên án trong hơn mười năm qua.

Vương Á Cường không biết Hà Lập Bân sống ở đâu, nên ông ta đến thôn Bắc Kiều để tìm hiểu trước nơi ở của nạn nhân. Sắp đến năm mới, vợ ông ta về nhà mẹ đẻ, Vương Á Cường cảm thấy đã đến lúc ra tay rồi.

Ngày đó hơn bảy giờ, trời đã sập tối. Vương Á Cường đeo găng tay chỉ trắng và đi đôi giày đã chuẩn bị trước đó, ở nhà tìm thấy một miếng vải đen để bọc dao và rìu lại.

“Lúc đầu, tôi chỉ muốn dùng dao và rìu để dọa đối phương thôi, đợi bọn họ đưa tiền cho tôi tôi sẽ chạy đi ngay”. Vương Á Cường nói.

Hôm nay vẫn không thể phân biệt được câu nói này là thật hay đùa, nhưng đêm hôm đó, ông ta thật sự đã đạp xe đến nha khoa Bắc Kiều.

Mười bảy.

Năm căn phòng ở phía bắc nhà Hà Lập Bân đều sáng đèn, truyền đến tiếng xèo xèo chói tai. Vương Á Cường rất quen thuộc với âm thanh này, đó là tiếng mài khuôn nha.

Ông ta mở cửa căn phòng phía đông, chạm mặt một người phụ nữ trạc 40 tuổi. Cả hai đều giật mình.

“Là ai?”

“Là tôi”.

Vương Á Cường cầm rìu chỉ vào người phụ nữ, hằn học nói: “Mau lấy tiền ra đây”.

Người phụ nữ sợ hãi, muốn gọi người đến giúp đỡ. Vương Á Cường không nghĩ nhiều, giơ tay lên chính là một nhát, người phụ nữ giống như say rượu, cơ thể co giật, Vương Á Cường lại chém liên tiếp thêm năm sáu nhát, người phụ nữ ngã xuống đất, cuối cùng không thể nói thêm bất kì câu nào nữa.

Vương Á Cường sợ người phụ nữ vẫn chưa chết nên cúi xuống đâm một dao vào cổ họng bà ấy.

Đột nhiên, tiếng khóc của một cô bé lọt vào tai Vương Á Cường, ông theo tiếng khóc đi vào phòng thì phát hiện một bé gái khoảng mười tuổi đang đứng cạnh giường nhìn ông ta bằng đôi mắt hoảng sợ, hai tay ôm chặt trước ngực nhẹ giọng khóc.

Vương Á Cường cũng giết chết bé gái.

Lúc này, ngoài âm thanh phát ra từ phòng khám, trong sân không có bất kì động tĩnh gì.

Ông ta trở lại phòng khách, kéo xác người phụ nữ vào phòng ngủ bên cạnh rồi bắt đầu lục tung căn nhà lên. Ông ta chợt nghe thấy tiếng hai cậu bé nói chuyện trong sân, nói ngày mai sẽ cùng nhau đi học.

Sau khi cậu bé kia rời đi, một cậu bé khác đóng cổng. Vương Á Cường cầm dao bước ra ngoài, khi đến phòng khách, ông ta chạm mặt với cậu bé tầm mười lăm mười sáu tuổi.

Cậu bé sững người một lúc, sau đó bắt đầu gọi cha. Cậu nhóc bước tới rồi giữ chặt tay phải của Vương Á Cường, cố gắng lấy con dao đi.

Vương Á Cường lúc đầu rất khẩn trương, nhưng ông ta đã phản ứng lại. Rất nhanh sau đó, ông ta tăng sức mạnh trên tay mình, cậu nhóc không lấy được con dao mà còn bị ông ta giết chết một cách tàn nhẫn.

Trong quá trình Vương Á Cường giết chết ba người, Hà Lập Bân hoàn toàn chìm đắm trong công việc của mình. Tiếng ồn của việc mài khuôn nha đã át đi tiếng đánh nhau và la hét.

Ông ta không bỏ chạy ngay lập tức, mà trốn sau cánh cửa phòng khách, đợi Hà Lập Bân đi vào.

Ông ta hạ quyết tâm sẽ không để bất kỳ ai sống sót. Hà Lập Bân rất cường tráng, chờ ở đây là cách tốt nhất để hạ gục người kia.

Vương Á Cường đợi rất lâu, từng phút từng giây đều cảm thấy khó chịu, một lúc sau, tiếng mài khuôn nha dừng lại, trong sân lại chìm vào im lặng. Vương Á Cường nắm chặt cái rìu trong tay.

Hà Lập Bân dừng chân sau khi bước vào nhà. Ông ấy nhìn thấy vết máu trên mặt đất nên lấy một chiếc cờ lê trên kệ gần đó cầm.

Hà Lập Bân vừa định quay lại, Vương Á Cường đã tiến lên một bước, giơ tay và chém vào sau đầu Hà Lập Bân. Không ngờ cái rìu bị rơi ra trượt xuống đầu vai đối phương.

Cán rìu và lưỡi rìu đột ngột bị tách ra, lưỡi rìu rơi xuống đất, cán rìu rơi vào xô nước thải màu đỏ trong sân.

Hà Lập Bân quay đầu lại dùng hai tay ôm ông ta, sau đó cả hai đều ngã xuống đất, lăn vài vòng, con dao trong tay phải Vương Á Cường không biết vì sao lại rơi trên đất.

Hà Lập Bân dùng cờ lê đánh vào Vương Á Cường, ông ta nắm lấy hai tay Hà Lập Bân, cả hai giằng co một lúc. Nhưng chiếc rìu lúc sau đã phát huy tác dụng, lực tay Hà Lập Bân ngày một yếu đi. Vương Á Cường nhân cơ hội rút tay phải ra, nắm lấy tóc đối phương rồi đập xuống đất.

Hà Lập Bân không cử động được, vẫn đang thở hổn hển. Vương Á Cường tìm thấy một ống nước trong góc sau đó đã đập tan hơi thở cuối cùng của đối phương bằng chiếc ống sắt này.

Vương Á Cường nghỉ ngơi một lúc, sau đó vào nhà lục lọi. Tìm được hai ngàn tệ dưới tấm nệm trong phòng ngủ. Ngoài ra, trong nhà không còn thứ gì khác có giá trị. Trong phòng khám chỉ có một trăm tệ, ông ta thuận tay lấy đi hai mươi khuôn làm răng giả.

Cửa sân đã bị con trai Hà Lập Bân đóng lại nên ông ta định trèo tường ra ngoài. Nhưng vừa ra khỏi sân được hai bước thì chợt nhớ đến cái rìu vẫn còn trong nhà.

Cổng đã đóng, ông ta chỉ có thể trèo qua tường lần nữa. Khi ông ta mò mẫm trên sàn nhà vệ sinh tối tăm, đã để lại một vết máu hình vòng cung.

Vương Á Cường vào nhà lần nữa và tìm thấy cái rìu nhưng không thấy cán rìu đâu, ông ta liếc nhìn Hà Lập Bân đang nằm trên mặt đất, cảm thấy có chút hoảng nên quyết định không tìm nữa.

Trước khi ra ngoài, ông ta đã kiệt sức, không còn sức trèo qua tường nữa nên đã mở cửa rời đi.

Cổng sân đã mở, trên tường có dấu vết của việc trèo tường hai lần, Vương Á Cường một lần nữa trình bày vấn đề này với cục công an. Nhưng lần này, ông ta không cố ý.

Mười tám.

Ông ta giết cả một gia đình chỉ vì hai ngàn tệ, Vương Á Cường không mua xe máy, số tiền cũng được tiêu hết vì cuộc sống sau này.

Cuộc sống sau này cũng không vì giết người cướp của mà khởi sắc hơn, nếu nói có điều gì thay đổi thì chắc là con ông ta cũng chào đời vào năm đó, Vương Á Cường thường bị ác mộng doạ tỉnh, trong miệng ú ớ nói gì đó.

Vợ của Vương Á Cường nói với tổ chuyên án rằng trong mấy năm gần đây, ông ta luôn gặp ác mộng, tính khí cũng trở nên mưa nắng thất thường. Bình thường không muốn tiếp xúc với mọi người, cũng ít nói chuyện với người trong nhà.

Vương Á Cường luôn không dám uống rượu, có lẽ ông ta sợ mình uống say rồi không cẩn thận nói những lời không nên nói.

Nhưng sự thật sẽ không bao giờ mãi mãi bị che giấu.

Sau 13 năm, vụ án cuối cùng cũng được giải quyết.

Vào ngày ăn mừng, phân cục đặc biệt mời tất cả cảnh sát của tổ chuyên án năm đó đến tham dự. Lần này, pháp y Dư người đã từ lâu không đụng đến rượu nay đã nâng ly chúc mừng.

Chỉ cần có người kính rượu, ông ấy đều không từ chối. Tửu lượng của pháp y Dư làm cho tôi có chút khiếp sợ.

Tôi cõng pháp y Dư về nhà, ông ấy uống say rồi, nhớ lại lần đầu đến hiện trường vụ án.

Ngày đó, tài xế lái xe quá nhanh, khi xe dừng lại pháp y Dư đã sắp nôn rồi. Khi ông ấy nhìn lên thấy khẩu hiệu rất bắt mắt ở bên đường – “Yêu nghề kính nghiệp, tuân thủ pháp luật”.

Nhưng có một số người không làm được điều này, vào mùa đông năm 2016, phạm nhân Vương Á Cường đã bị xử tử theo quy định của pháp luật.
Chương kế tiếp