Chạm Nhẹ Bờ Môi Anh

Chương 2
Buổi tổi, gia đình Văn Ý ngồi quanh bàn ăn, mọi người lúc nói lúc gắp đồ ăn, âm thanh chén bát đụng vào bàn rôm rả. Không khí ấm cúng đến mức khiến cô ăn thêm được một chén cơm.

- Văn Ý, con cũng lớn rồi, lát mẹ đưa thêm tí tiền tiêu vặt, đừng có tiết kiệm, nghe chưa. - Giọng mẹ cô không nhẹ nhàng như những bà mẹ khác, nó hơi khàn, vì công việc bán cá ngoài chợ đòi hỏi người bán phải biết hô to nói lớn, nhưng không vì vậy mà cô thấy giọng mẹ mình không hay, thậm chí cô còn thấy đó là giọng nói hay nhất trên đời.

- Dạ, con cảm ơn mẹ.

- Chị hai giàu quá, Ti chẳng có đồng nào.

Thằng bé mới 9 tuổi, tên ở nhà là Ti, là em trai út của cô, thằng bé lém lỉnh lại thông minh lắm, lúc nào cũng là niềm vui của cả nhà.

- Thế không cho chị hai tiền nữa, Ti tự mua kem với bánh ăn nhé. - Ba cô cười.

Ông trước kia là một phụ hồ, lương cũng tính ra ổn, nhưng hai năm trước bị một thanh sắt từ tầng 2 rơi xuống đè gãy chân làm yếu đi, chính số tiền phẫu thuật ấy đã khiến cả nhà Văn Ý rơi xuống tình trạng nợ nần ngập đầu trong một khoảng thời gian tiếp đó, sau không thể tiếp tục công việc, đành phải chuyển sang giao đồ ăn, tối còn làm bảo vệ.

- Ba chẳng hài hước gì cả, Ti đang nói giỡn thôi mà! - thằng bé bĩu môi, ân cần gắp cho chị gái con tôm.

- Ti yêu chị hai nhất!

- Thằng nịnh bợm.

Giọng nam trầm khàn.

- Vì anh không nịnh nên chị hai mới không mua kem cho anh đó.

- Ồ, kem cơ đấy, chị ấy mua cho anh mày gà rán đây này.

Người nói là em trai đầu của cô, tên Văn Hòa, năm nay học lớp chín, học cũng rất giỏi. Câu chuyện thằng bé kể đã nhắc lại nhiều lần, năm đó nó được học sinh giỏi nên mẹ cho tiền hai đứa đi ăn gà rán, coi như một món quà xa xỉ tạo động lực cho con em, còn thằng Ti khi ấy đã về quê ngoại chơi. Sau khi biết chuyện, nó hối tiếc đến mức khóc òa, đây vẫn luôn là câu chuyện cười cả nhà đem ra chọc nó nhiều lần.

- Gà rán, gà rán, sau này em giàu rồi còn mua được mấy trăm cân gà rán luôn cơ. - Nhóc Ti lầm bầm.

Khuôn mặt trắng trẻo với hai cái má mũm mĩm phì ra hai bên vô cùng đáng yêu khiến cả nhà được một tràng vui vẻ, hạnh phúc.

- Á à, bây ăn không gọi tao nhé, ỷ bà già rồi nên không cho bà ăn chứ gì. - Một giọng nói già nua chợt cất lên, âm rung rung lúc lên cao hạ thấp vô cùng uyển chuyển.

- Ơ mẹ, ban nãy mẹ ăn sớm xong vào phòng ngủ còn gì, mẹ lại quên rồi đấy, thôi mẹ lại ăn tiếp với tụi con. - Ba cô thở dài cười đi đến đỡ bà cụ vào bàn.

- Buông tao ra, không cho tao ăn cơm, cả nhà này chẳng ra gì, dám chê bà già tao.

Bà nội ngúng nguẩy không chịu. Nhóc Ti thấy vậy buông chén đến bên bà cầm tay, tận tình dắt bà ra ghế ngồi.

- Bà ăn tiếp đi ạ, Ti ăn no rồi, Ti nhường bà ăn cơm.

Cũng kì lạ, bà nội mắc chứng đãng trí lâu năm lại nhớ được thằng Ti, bà vừa được nó cầm tay đã im lìm đi theo ngồi xuống, cầm muỗng xúc cơm.

Văn Ý nhìn mọi người, cười mỉm. Không ai biết hơn, gia đình này là niềm hạnh nhất của cô, cô có thể vì họ làm bất kì chuyện gì.

Ăn uống xong, mọi người giải tán, ba cô khoác áo đi làm, mẹ thì lo khâu đồ giao cho người ta, bà nội lại đi ngủ, chỉ còn ba đứa trẻ trong phòng đang an tĩnh học bài.

Nhà có 3 đứa trẻ, ban đầu cô và Văn Hòa ngủ cùng nhau, mãi đến năm Văn Ý lớp 8 mới tách ra, sau có thêm nhóc Ti thì thằng bé ngủ chung với anh.

Trên giường có một cái bàn nhỏ, là có người khác không dùng nữa cho lại, cô dùng cũng được 7, 8 năm gì rồi. Ngồi một lúc, bài tập cũng giải xong, chỉ có người là như rơi vào sa mạc khô liêu, cô không có chút gì là thích học hành. Đây là điều đã sớm được phát hiện, dù cố bao nhiêu, thì việc học mấy môn trên trường đối với cô cũng vô cùng khô khan và khó khăn.

Lật vở nháp ra, so với cuốn nháp lộn xộn, chằng chịt công thức của những người khác, vở nháp của Văn Ý được nắn nót từng nét, hơn nữa lại có rất nhiều hình vẽ từ người đến vật cho đến cảnh. So với những công thức toán học, cô thích vẽ hơn, từ một thú vui đơn giản với những đường nét bình thường, tranh của cô ngày càng có thần, bút lực của cô ngày càng linh hoạt, nó khiến cô đắm chìm và say mê lúc nào không hay.

Suy nghĩ học trường nghệ thuật không phải không có, nhưng những bức tranh này thì bán được bao nhiêu, ai làm người thẩm định cho kẻ vô danh là cô đây, so với biết bao người tài giỏi khác, một đứa chỉ hí hoáy mấy đường nét làm sao đủ tự tin để thỏa sức vì đam mê như người ta, hơn nữa nhà cô còn nghèo, tiền chi vào nghệ thuật còn hơn là bỏ vào trong đại dương, vĩnh viễn không thể lấp đầy, cô không dám cược với vận mệnh của gia đình. So với những điều viễn vông ấy, Văn Ý thà chọn tin tưởng vào mục tiêu làm giáo viên được trợ cấp tiền học miễn phí, mặc dù cô biết mình sẽ không đời nào thích được nó.

Hôm nay tiết hóa học ở phòng thực hành, phải di chuyển từ tầng 5 xuống tầng 3. Văn Ý đi một mình, cô mang cả cặp theo, bờ vai bỗng bị húych một cái, người nghiêng theo dựa vào tường, cô gái tóc xõa dài uốn lượn nom đáng yêu lại dùng đôi mắt khinh thường nhìn cô. Bạn bè cô ta ôm khuỷu tay cô ta nhìn theo, trong mắt họ chỉ toàn ý xấu, thản nhiên đi tiếp.

Mới sáng đã gặp chó điên, cô nghĩ.

Chuyện bắt đầu từ cuối năm lớp 10, khi đó tiền quỹ lớp đột ngột mất tích, đúng lúc có tiết thực hành ở phòng vật lý nên cả lớp đều rời đi, chỉ còn lại Văn Ý vừa giặt khăn lau bảng vào đã không còn ai, sau có bạn quay lại vì quên đồ thấy cô nên hai người cùng xuống phòng thực hành. Đó cũng là nguyên nhân tại sao mọi người trong lớp không thích cô, họ cho rằng cô lấy cắp tiền, nhà cô nghèo nên họ nghĩ cô trộm tiền là đúng, ngay cả cô giáo còn liên lạc với mẹ của cô, và cũng lạ thay hai ngày sau tiền lại được phát hiện dưới bàn giáo viên, đúng là số lượng tiền đó nhưng thiếu mất một trăm nghìn, Văn Ý vĩnh viễn không quên ánh mắt tất cả mọi người nhìn cô, có khinh khi, bất ngờ và cả ghê tởm.

Từ hôm đó mọi chuyện thay đổi, cô bị cô lập, không ai muốn ở cạnh cô, mọi người đều dán lên người cô cái mác "tội phạm", dần dần biến tấu thành bắt nạt công khai, không có bạo lực thể xác như trong phim ảnh, nó còn nặng nề hơn thế, những lời chế giễu thẳng thừng, những dòng chữ nhạo báng trên bảng, những sự phớt lờ lạnh lùng đã khiến Văn Ý trở thành kẻ đáng ghét được đông đảo khối 11 biết đến.

Kể cả thầy cô, người cô giáo chủ nhiệm năm đó cũng không tin cô, dù cho cô đã giải thích biết bao nhiêu lần.

Phòng thực hành vừa có lớp rời đi, là mấy anh chị lớp 12. Làm sao biết ư, dựa vào chàng trai đi giữa đám người kia, mái tóc đen làm nổi bật khuôn mặt hoàn hảo của anh, lớp 11 đang đi vội tách ra hai bên, không thiếu mấy cô gái trộm ngắm anh, dù người ta đã có bạn gái.

Tuy nhiên, Văn Ý lại không biết, cô vừa rẽ qua đã đụng phải một nam sinh, đứng không vững đã ngã xuống đất.

- Ôi em không sao chứ! - Người đụng trúng vội kéo cô dậy.

Cô lắc đầu, vừa đứng vững đã nhìn thấy một đôi mắt đẹp đang nhìn mình, hay chính xác hơn là vô tình phóng tầm mắt qua sự cố ở đây.

Sau việc ấy, cô lại được dán thêm cái mác "cố tình gây sự chú ý", ác ý của loài người thật đáng sợ, đặc biệt là ác ý nảy sinh từ vô thức.


Chương kế tiếp