Dệt Kén

Chương 14: Khóc cũng được
Xe buýt còn nhiều ghế trống, hai đứa ngồi xuống, Tưởng Lâu nói: "Buổi chiều đừng về vội, chắc hẳn lũ kia sẽ chầu trực đến tan học."

Hơn nữa trường Trung học Số 1 Tự Thành đang tổ chức đại hội thể thao, cổng trường mở nên muốn lẻn vào không phải chuyện khó.

Lần trước cậu gặp tụi nó là sau tiết tự học tối, trời tối om dù bị đánh hội đồng cũng không ai để ý, bây giờ ban ngày ban mặt, nếu bị lãnh đạo nhà trường truy cứu thì...

Thật sự nguy hiểm.

Nhưng Lê Đường còn nhiệm vụ phải làm, nghĩ đi nghĩ lại bèn nhắn Wechat cho thành viên duy nhất thuộc trạm phát thanh mà mình có cách liên lạc, cũng tức là Tô Thấm Hàm để xin nghỉ.

Cô bạn gọi thẳng cho cậu chứ không trả lời tin nhắn: "Không phải cậu giả vờ ốm đấy chứ?"

Tưởng Lâu đang nghiêng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, Lê Đường xoay người nói nhỏ với điện thoại: "Không hề, tôi bị sốt thật."

"Vậy cậu chụp ảnh nhiệt kế cho tôi xem."

"... Vừa nãy không chụp."

Tô Thấm Hàm cười: "Trêu cậu thôi, cậu còn định chụp thật à?"

Lê Đường nhất thời câm nín.

"Ầy quên đi, dù sao buổi chiều cũng không có Tưởng Lâu." Tô Thấm Hàm nói: "Nể tình cậu chọn nhiều bài viết về Tưởng Lâu, giúp cậu lần này đó."

"... Cảm ơn cậu."

Cúp điện thoại, Lê Đường nhận ra Tưởng Lâu đã quay mặt sang nhìn mình bằng ánh mắt thờ ơ.

Lê Đường tưởng mình bị phát hiện vừa gọi điện với ai, đang phân vân có cần thành thật hay không thì Tưởng Lâu mở lời trước: "Nếu cậu muốn về nhà thì xuống ở hai điểm nữa, đi xe buýt 21."

Lê Đường ngớ ra: "Tôi vẫn chưa muốn về nhà."

Tưởng Lâu bèn im lặng, khoanh tay nhắm mắt nghỉ ngơi.

Ba mươi phút sau đó, thế giới yên ắng lạ thường.

Cảnh người nào đó sau khi ngủ nghiêng đầu tựa vai người bên cạnh, hay cảnh hai người dùng chung tai nghe nghe một bài hát trong tưởng tượng không hề xảy ra. Tưởng Lâu ngả ra lưng ghế chợp mắt, dù lái xe phóng ẩu, phanh gấp cua gấp thì cùng lắm người hắn chỉ khẽ lệch đi, đến đường thẳng lại ngay ngắn trở lại.

Lê Đường đoán đây là tay nghề được rèn luyện do thường xuyên đi xe buýt.

Tưởng Lâu tỉnh giấc lúc gần đến điểm cuối. Hắn đứng dậy đi ra cửa sau chờ xuống xe, Lê Đường cũng đứng lên theo, bám tay cầm đi về cuối xe một cách nhọc nhằn.

Cảm nhận được ánh mắt của Tưởng Lâu, Lê Đường giải thích: "Một người bạn của tôi sống ở đây."

Chờ xe buýt dừng hẳn và cửa khí nén mở ra, điểm này chỉ có hai người xuống xe.

Nơi đây hoang vắng ít bóng người, nhìn quanh chỉ thấy những nhà xưởng hình hộp thấp tè bụi bặm và con đường bê tông đầy ổ voi ổ gà.

Tưởng Lâu đi phía trước, qua "Nhà máy phân bón Phúc Hâm" thì ngoặt vào ngã rẽ. Còn Lê Đường đã giả vờ đến nơi từ ngã rẽ trước đó, sau khi tạm biệt Tưởng Lâu, cậu núp trong góc tường thò nửa đầu ra ngoài.

Cậu nhìn Tưởng Lâu đi qua cửa trước của nhà máy phân bón về phía cầu thang dẫn xuống lòng đất, bóng dáng dần biến mất ở đường chân trời.

Đến khi chắc chắn sẽ không bị phát hiện, Lê Đường mới đi theo con đường đó tới trước cầu thang làm từ khung sắt.

Bên dưới có tiếng ầm ĩ, nghe kỹ còn có thể loáng thoáng nhận ra tiếng gào thét và tiếng vỗ tay.

Rất đông người ở dưới, ngay cả mặt đất cũng đang rung động.

Mất một lát chuẩn bị tư tưởng, Lê Đường hít sâu và bước xuống cầu thang.

Nhưng cậu không vào được.

Tại nơi chưa biết dưới lòng đất, trước cánh cửa sắt dày nặng, một người trông có vẻ là bảo vệ bắt Lê Đường xuất trình giấy tờ.

Tim Lê Đường vọt lên tận cuống họng, run lẩy bẩy lấy căn cước công dân trong túi áo. Năm nay cậu mười bảy tuổi, còn một năm nữa mới thành niên.

Không ngoài dự đoán, bảo vệ nhìn căn cước công dân của cậu rồi xua tay đuổi đi: "Cái này không được."

"Theo dõi" không thành công, Lê Đường hơi tiu nghỉu.

Cậu bắt đầu đi lang thang xung quanh, vừa đi vừa nghĩ rốt cuộc đó là nơi nào, quán bar ngầm hay sòng bạc tư nhân?

Bất kể là gì thì hình như đều không phù hợp cho học sinh cấp ba lui tới, dù là học sinh cấp ba đã mười chín tuổi. Lê Đường lo lắng nghĩ.

Trên đường quay trở lại điểm xe buýt, Lê Đường nhận được cuộc gọi từ Tào Dương.

Cậu đã định không nghe, ngón tay vừa chạm vào nút nhận máy màu xanh thì giọng nói sốt sắng của Tào Dương vang lên: "Bé Đường, cuối cùng mày cũng để ý tao rồi bé Đường!"

Lê Đường nhắm mắt, chỉ cảm thấy đau đầu.

Cậu dừng bên vệ đường nghe Tào Dương lải nhải.

"Xin lỗi mày, hôm qua tao mới biết bé Kỳ gọi điện cho mày... Về chuyện xu hướng tính dục của mày, có lần phó chủ nhiệm câu lạc bộ bọn mình nói thấy mày chưa có người yêu, muốn giới thiệu bạn gái cho mày, tao bảo anh ta đừng giới thiệu lung tung, Lê Đường không cần bạn gái... Tao có thể thề tao chỉ nói thế, không sai một chữ, không biết anh ta làm thế nào lại đoán được mày thích con trai, còn kể cho người khác."

Lê Đường "ồ" lên: "Ra là thế à."

Tào Dương như sắp khóc đến nơi: "Mày đừng không tin tao mà, thật sự không phải tao nói."

"Tao tin mày."

"Vậy mày còn giận không?"

"Không giận."

"Giọng điệu này rõ là giận còn gì."

Tự dưng Lê Đường cảm thấy bất lực, nhớ đến câu hỏi "cậu có mệt không" của Tưởng Lâu.

Có mệt không khi mà cứ năm lần bảy lượt bấm bụng chịu đựng như thế, rốt cuộc là bảo vệ cái sĩ diện còn mỏng hơn tờ giấy của ai?

"Ừ thì giận." Lê Đường nói to hơn: "Bạn gái mày không có cảm giác an toàn, tự tưởng tượng ra tao là tình địch, chẳng có căn cứ đã chất vấn tao, làm tổn thương tao, lẽ nào tao không thể giận?"

Tuy rằng so với giận thì cậu buồn nhiều hơn.

"Cậu ấy đã nói gì với mày?" Tào Dương bị nói cho không kịp trở tay: "Con gái cứ thích nghĩ vẩn vơ, mày đừng chấp nhặt với cậu ấy..."

"Đây không phải chuyện giữa tao và cậu ấy, nguyên nhân là mày kìa. Thế nên trước khi mày xử lý xong quan hệ của hai bọn mày, làm ơn đừng liên lạc với tao."

Lê Đường nói tiếp: "Cảm ơn bánh sinh nhật mày tặng tao, bao giờ sinh nhật cậu ấy, xin mày nhất thiết phải mua cái to hơn đắt hơn cái của tao, đừng để cậu ấy nghĩ vẩn vơ nữa."

Lê Đường tuôn một tràng dài rồi cúp máy, nhận ra tay mình đang run rẩy, sau lưng cũng túa mồ hôi lạnh.

Đã quen làm đứa hèn nhát, chẳng mấy khi cứng cựa một lần mà còn làm mình thành ra thế này, Lê Đường cắn môi, thầm nghĩ mất mặt thật.

May sao không có ai nhìn thấy.

Đang lấy làm may mắn thì gác canh bên cạnh vẳng ra tiếng cười khà. Cậu quay mặt sang nhìn, bác bảo vệ nhà máy phân bón Phúc Hâm nhoài người trên bệ cửa sổ thò đầu ra cười: "Đời sống tình cảm của người trẻ tuổi phong phú ghê cơ."

Lê Đường: "..."

Vẻ kiêu căng ban nãy tắt lịm theo gió, Lê Đường đang định lủi đi thì bác ấy lại nói: "Sắp mưa rồi, vào đây ngồi lát đã."

Thật ra cậu vốn không muốn vào.

Lê Đường đã quen với thời tiết thất thường ở Tự Thành, nhưng nghĩ mình mới dính mưa bị sốt thì cuối cùng vẫn chấp nhận lời mời.

Vả lại cậu còn có lòng riêng khác.

Các nhà xưởng quanh đây nằm rải rác, kỳ nghỉ đều đóng cửa, chỉ có gác bảo vệ có người trực 24/24, nếu đã ở đây lâu thì ắt sẽ hiểu rõ tình hình khu này.

Lê Đường không giỏi giao tiếp với người lạ, vào nhà năm phút, ngoài trời dần có tiếng mưa mà cậu vẫn chưa nghĩ ra phải bắt chuyện thế nào, rồi nên làm sao để âm thầm dẫn dắt câu chuyện về cái cầu thang dẫn xuống lòng đất.

Mà bác bảo vệ thấy cậu im ỉm không nói thì cho rằng cậu vẫn đang rầu vì "đời sống tình cảm", bật tivi trong gác canh chỉnh sang kênh địa phương.

Kênh địa phương đang chiếu tin tức xã hội, một người đàn ông nghi ngờ vợ ngoại tình, đuổi đến công ty vợ mình làm việc đánh cấp trên của vợ, hiện đã bị tạm giam.

Bác bảo vệ xem rất thích chí: "Thế mới nói, tình cảm ba người tuy vui nhưng chật chội quá."

Lê Đường lại: "..." Cháu không hề chen vào cái mớ bòng bong ấy ok.

Sau quảng cáo là đến tin tức thanh niên lêu lổng đánh nhau trên phố bị thương nghiêm trọng, bác bảo vệ cầm cốc chè càm ràm: "Thế này mà nghiêm trọng gì, lần trước còn có xe cấp cứu đến đây, hai thằng choai choai được khiêng lên xe mới gọi là máu thịt lẫn lộn, không nhìn rõ mặt mũi nữa cơ."

Lê Đường như ngờ ngợ ra, lên tiếng hỏi: "Cũng là ẩu đả đánh nhau à bác?"

"Xem như là vậy." Bác ấy nhìn ra ngoài cửa sổ, liếc hướng cầu thang dẫn xuống lòng đất: "Ban ngày là phòng tập quyền anh chính quy, buổi tối hoặc ngày nghỉ thì động tĩnh trong đấy, chậc..."

Hóa ra là phòng tập quyền anh.

Việc này vẫn thuộc phạm vi Lê Đường không hiểu, cậu hỏi: "Không phải phòng tập quyền anh là chỗ tập gym ạ, sao lại bị thương?"

Bác bảo vệ ra chiều kín đáo: "Biết boxing không? Nghe về hắc quyền [1] bao giờ chưa? Người ở trên sàn đấu liều mạng, khán giả ở dưới rải tiền, lũ trẻ bọn bay đừng vì vài ba quả dưa trái cà mà đến chốn như thế học thói hư."

[1] Hắc quyền (黑拳 - tạm dịch) là thi đấu quyền anh phi pháp có đặt cược, về cơ bản là không có luật, hơn nữa trong quá trình đấu hắc quyền tồn tại rất nhiều cách thức tàn nhẫn. (Baidu)

Tại phòng tập quyền anh dưới lòng đất.

"Bụp..."

Sau một đòn nặng nề mà chắc nịch, đối thủ đổ rầm xuống đất, giãy giụa mấy cái rồi cuối cùng không đứng dậy nổi nữa.

Trọng tài đứng bên sân tiến lên giơ cao tay của Tưởng Lâu, trong phút chốc tiếng vỗ tay và tiếng hoan hô vang khắp phòng tập quyền anh như sấm dậy.

Lúc xuống sân có người đưa khăn mặt cho, Tưởng Lâu vẫn thở hổn hển, nhận khăn lau mặt qua loa, sau đó bịt tai trái.

Cái tai vô dụng bình thường không nghe được tí gì, vậy mà khi ở môi trường khép kín có tín hiệu âm thanh tần số cao lại xuất hiện tiếng ù chói tai như réo kèo cảnh báo.

Đây là những lúc hiếm hoi Tưởng Lâu cảm nhận được đau đớn.

Vào trong hậu trường, lão Trương gỡ trang bị giúp Tưởng Lâu rồi kiểm tra vết thương cho hắn, nghe lời khuyên đội mũ bảo hộ nên đầu mặt không đáng ngại, vai, ngực và bụng đã nổi vết máu bầm.

Dù cho có giỏi phòng thủ, rèn luyện được cơ bắp rắn chắc thì bị thương trên sàn đấu quyền anh vẫn là chuyện như cơm bữa.

"Bảo mày cuối tuần nghỉ ngơi đàng hoàng đừng có đến, sao chẳng nghe lời gì cả." Lão Trương thở dài: "Sau này chú xuống suối vàng, bố mày trách chú không chăm sóc tốt cho mày thì chú biết ăn nói với bố mày làm sao..."

"Ông ấy không đâu." Tưởng Lâu vẫn cất giọng nhạt nhẽo: "Chính ông ấy cứu người khác bỏ cháu lại, sao lại trách chú không chăm sóc cho cháu?"

"Muốn trách cũng là cháu trách ông ấy."

Sau khi tắm rửa thay lại quần áo lúc đến, Tưởng Lâu vừa đi lên cầu thang vừa kéo kín khóa áo khoác.

Vừa đặt chân lên mặt đất hắn đã giẫm phải nước. Con đường như tấm vải vẽ tranh sơn dầu loang lổ, chỗ trũng thì xám xịt, chỗ tích nước phản quang, rõ ràng trời mới đổ cơn mưa.

Mà ở chính giữa tấm vải, có một người đang lẳng lặng đứng đấy.

Tưởng Lâu khựng lại chốc lát rồi đi tiếp, khi đến trước mặt Lê Đường thì môi đã nở nụ cười: "Sao thế, bạn không giữ cậu lại ăn cơm à?"

Lúc này là bốn giờ chiều, còn lâu mới đến giờ sáng đèn, đất trời mờ tối nhưng đủ để Tưởng Lâu nhìn thấy vẻ lo âu trong mắt Lê Đường.

Ngần ấy năm trời, dường như cậu ta vẫn chưa học được cách che giấu cảm xúc. Điều đó khiến Tưởng Lâu nhớ đến ánh mắt sùng bái cậu ta nhìn mình trên xe buýt vào mấy tiếng trước, và cả sớm hơn nữa, cậu ta cũng từng nhìn mình bằng ánh mắt sáng ngời, cất giọng trẻ con non nớt: "Biết viết bao nhiêu là chữ, anh ơi anh giỏi quá à."

Chân thành xiết bao.

Nhưng cũng khiến trong suốt hai mươi năm sau đó, mỗi lần Tưởng Lâu nhớ đến lại như có một vốc nước tuyết hắt vào trong lòng, buốt lạnh thấu xương.

Lê Đường chẳng hề nhận ra, cậu vẫn lo lắng, thậm chí còn chẳng buồn lấp liếm: "Tôi nghe nói rồi, đấy là phòng tập quyền anh."

Tưởng Lâu hít sâu không khí ngoài trời: "Cậu vào rồi?"

"Không, tôi không vào được." Lê Đường hỏi: "Cậu vào kiểu gì? Cậu... làm gì ở trong đó?"

"Cậu hy vọng tôi làm gì trong đó?"

"Tôi không hy vọng cậu vào, đấy không phải nơi cậu nên ở."

Tưởng Lâu thoáng sững người, và rồi lại cười: "Vậy tôi nên ở đâu? Trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, hay là quán cà phê các cậu thường đến?"

Hắn đang cười Lê Đường ngây thơ: "Những chỗ đó đều tốn tiền, học cũng cần tiền, muốn sống tiếp thì không thể tách khỏi ăn uống ngủ nghỉ, tất cả đều cần tiêu tiền, vào đấy thì có thể kiếm tiền, có thể có con đường sống, cậu bảo tôi đừng vào... Vậy tôi nên đi đâu, nên ở chỗ thế nào?"

Ánh mắt Lê Đường tối đi.

Cậu nhớ đến những vết bầm tím mình từng thấy trên tay Tưởng Lâu, và cả bao cát nặng mấy chục cân treo trong nhà hắn.

Hóa ra nó không phải đồ trang trí mà là công cụ mưu sinh của hắn.

Không phải Lê Đường không nhận ra sự mỉa mai trong giọng hắn, nhưng cậu vẫn tiếp tục câu hỏi dang dở hôm sinh nhật: "Vậy cậu nghỉ học, có phải vì tai..."

"Đúng thế." Như thể đã hạ quyết tâm sẽ thỏa mãn tất thảy sự tò mò của cậu, Tưởng Lâu nói: "Hồi lớp 2 hay lớp 3 tiểu học, tôi đánh nhau với tụi cấp hai, bốn đứa đánh một mình tôi, có một đứa cầm chậu hoa đập đầu tôi, trên đường đến bệnh viện tai trái đã không nghe thấy rồi."

Khi ấy có tổ chức phúc lợi sẵn lòng bỏ tiền cho hắn chữa trị, tuy nhiên khó tìm ra nguyên nhân gây điếc thần kinh do tổn thương sọ não, hai lần phẫu thuật liên tiếp thất bại, tai trái được xác định là mất thính lực mức độ nghiêm trọng trở lên, các bác sĩ phụ trách đều đề nghị đừng hành xác nữa, chi bằng cấy ốc tai nhân tạo hoặc đeo máy trợ thính.

Lúc đó máy trợ thính vẫn là thứ đồ lạ lẫm với lũ trẻ con, lần đầu Tưởng Lâu đeo nó đi học đã bị mấy thằng lớp lớn xúm lại cười nhạo, còn giật máy trợ thính trên tai hắn ném xuống đất để giẫm.

Tưởng Lâu đánh nhau với tụi nó, xém chút lại vào viện.

Lúc ấy không chỉ nhà trường mà tổ chức phúc lợi tài trợ cho hắn cũng cho rằng đứa trẻ này tính nết tồi tệ, khó mà dạy dỗ, sinh ra đã là mối họa.

Người lớn bên cạnh lần lượt ra đi, hắn được đưa từ nhà đến trại trẻ mồ côi, quanh đi quẩn lại, cuối cùng vẫn quay về ngôi nhà chỉ còn một mình hắn.

Quá khứ ấy không phải chuyện gì khó mở miệng với Tưởng Lâu, hễ có người hỏi thì hắn sẽ kể đúng sự thật.

Vậy nên hắn biết tất cả những phản ứng có khả năng sẽ xuất hiện, sửng sốt, thở dài, hoặc là thương hại... Hầu hết mọi người đều sẽ động lòng trắc ẩn với những câu chuyện bi thảm. Dù cho Tưởng Lâu đã từng kể chuyện này vô số lần và trở nên chai sạn vô cảm từ lâu, thậm chí còn như một người bàng quan trần thuật lại câu chuyện của người khác.

Mà với tư cách là một phần trong chúng sinh, thể nào phản ứng của Lê Đường cũng giống những người đó.

Cậu chủ nhỏ ngây thơ không biết nỗi khổ đời người như cậu, chắc hẳn sẽ cảm thấy thương hại nhiều hơn.

Ấy là điều Tưởng Lâu mong đợi, cũng là cái bẫy hắn bố trí để dụ cáo cắn câu.

Thế nhưng khi hắn kể xong, thứ hắn nhìn thấy lại là nét mặt mù mờ khó hiểu của Lê Đường.

Dường như trong ánh mắt cậu còn chứa đựng... sự bất lực?

"Không muốn cười thì có thể không cười." Lê Đường thấp hơn hắn, khẽ ngẩng đầu nhìn hắn: "Cậu hỏi tôi có mệt không, nhưng cậu thế này còn mệt hơn tôi mà."

Nụ cười cứng đờ trên môi hắn.

Y như thình lình đạp bước vào hư không, cảm giác mất trọng lượng khiến tim Tưởng Lâu hẫng nhịp.

Đến khi hoàn hồn thì hắn cảm thấy hoang đường. 𝑻hử đọc t𝗿uyện không quảng cáo tại [ 𝑻𝗿𝑼 𝗆𝑻𝗿uy𝓮n﹒vn ]

Lời nói của Lê Đường hoang đường, phản ứng của mình cũng hoang đường.

Sao lại có người nghe câu chuyện của hắn xong, phản ứng đầu tiên không phải thổn thức mà là cảm thấy hắn đang cố ép bản thân gượng cười?

Tưởng Lâu vô thức cười khẩy, hỏi: "Cậu sốt tới lẩm cẩm à?"

Lê Đường lắc đầu: "Uống thuốc rồi, hạ sốt rồi."

Thuốc còn là Tưởng Lâu cho cậu uống.

Sợ Tưởng Lâu không tin, Lê Đường kéo tay hắn áp lên trán mình: "Cậu thử mà xem."

Gió rét thổi làm lòng bàn tay Tưởng Lâu lành lạnh, khiến Lê Đường muốn lại gần hắn, ủ ấm cho hắn.

"Nếu khó chịu thì đừng cười."

"Cậu mới mười chín tuổi, khóc cũng được nữa."
Chương kế tiếp