Dù sao cũng là con số chẵn, ta đang nghĩ có lẽ nên nấu một bữa ăn thịnh soạn để kỷ niệm.

Quốc Tuấn đã ba năm không tới, ban đầu ta quả thật có chút hụt hẫng, vì dù sao cũng là người bạn đầu tiên của ta ở nơi này, nhưng lâu dần cả chút hụt hẫng này cũng phai nhạt. Trần Bồ nói đúng, ta vốn vô tâm vô phế, tình cảm nông cạn, không gặp thì cũng chóng quên.

Ta nghiên cứu y thư được hơn một năm, tìm được một thú vui mới. Đó là chế độc dược rồi lại chế giải dược, tự đầu độc mình rồi lại tự giải cứu. Chơi cũng khá vui, chỉ hiềm có đôi lúc để lại tác dụng phụ, như máu không đông được hoặc phát ban toàn thân. Nhưng ta chỉ coi như chút tai nạn nhỏ, vẫn tiếp tục chơi không biết chán.

Quốc Khang lại không bình tĩnh được như thế, mấy lần liền bị ta dọa sợ, thành ra cứ cung nữ hở ra là nó chạy tới đây, nhìn chằm chằm vào ta như thể nếu nó chớp mắt thì ta chết ngay được ấy.

Ta giơ tay búng trán nó, thờ ơ nói: “Nhóc con, nếu ta muốn chết thật thì ngươi có ngồi canh ở đây cũng vô dụng.”

Nó bưng cái trán bị đau, mím môi nhìn ta, ấm ức như sắp khóc: “Cô cô, vì sao người lại giận? Người nói ra đi, Quốc Khang giúp người.”

“Ta giận? Ta chẳng giận ai cả.”

“Nói dối! Rõ ràng người đang giận!” Nó gào lên.

Nhìn vẻ mặt của nó, bất giác ta nhớ đến Quốc Tuấn. Lần đầu Quốc Tuấn đi lạc vào đây cũng tầm tuổi thế này, nó đứng trước mặt ta, dùng một chiếc ô che không nổi hai người trưởng thành, ngăn cho ta một chiều mưa gió.

Thế là ta cũng gào lên với nó: “Đúng đấy, ta giận đấy! Nhưng nhóc con ngươi làm được gì? Có giỏi thì ngươi đem thằng ranh lang tâm cẩu phế kia về đây cho ta! Nó nợ ta ba năm quà sinh thần rồi! Tìm được nó thì hỏi nó rượu hoa đào đã ủ được năm năm, có uống không, không uống ta đem đổ đi hết!”

Nói xong hậm hực bỏ về phòng, để mặc thằng nhóc Quốc Khang kia ngẩn người vì sợ.

Thực ra ta chẳng cố ý dọa thằng nhóc nhát gan kia đâu, chẳng qua trong người khó chịu nên mới lỡ lời thôi.

Mười năm qua ta sống trong lãnh cung kỳ thực chẳng cô đơn lạnh lẽo chút nào. Năm đầu tiên có nhũ mẫu bên cạnh, nhũ mẫu đi thì Quốc Tuấn tới, bầu bạn với ta gần bốn năm trời, sau đó ta lại gặp Quốc Khang, gặp Lê Tần.

Chỉ mười năm ngắn ngủi mà sống được phong phú nhường ấy, kể ra cũng không thấy phí hoài.

Giờ Quốc Tuấn bặt vô âm tín, Lê Tần thì đang ở vùng tái ngoại không rõ sống chết, chỉ còn mỗi thằng nhóc mập mạp Quốc Khang tới chơi với ta thôi. Dọa nó sợ bỏ đi thì khổ.

Cho nên sau khi ta hết khổ sở vì đống mụn nước do chế nhầm thuốc trên mặt, ta quyết định làm một bữa điểm tâm thật thịnh soạn để lấy lòng Quốc Khang, tiện thể kỷ niệm dấu mốc mười năm lần thứ nhất.

Lần lữa lần lữa mãi, cuối cùng cũng có thể tổ chức được. Hôm ấy là ngày hai mươi tư tháng chín, trước sinh thần của ta một ngày. Ta dốc hết sở học một đời làm một bữa tiệc phong phú toàn bánh điểm tâm, háo hức ngồi đợi cái bóng tròn trịa lòe loẹt của Quốc Khang.

Lần này Quốc Khang còn kéo theo một người, nhị hoàng đệ của nó, Trần Hoảng. Trần Hoảng năm nay bảy tuổi, càng lớn càng xinh đẹp, và quan trọng là nó đã bỏ được đống chuông vàng lắc bạc leng keng không ngớt trên người. Thằng nhóc này bề ngoài thì ôn hòa, nhưng thực chất lại rất có chính kiến, lúc dịu dàng thì băng cũng phải chảy, lúc cương quyết thì đá cũng phải mềm. Lòng dạ ta lạnh như băng, cứng như đá, thằng nhóc này vừa hay là khắc tinh của ta.

Thần kỳ ở một chỗ, ngày hôm sau cũng là ngày sinh thần của Trần Hoảng, bọn ta có cùng ngày sinh thần. Ta nghĩ, đây cũng xem như một loại thiện duyên.

Trời thu hôm ấy trong xanh vô ngần, ta như trở lại tuổi ấu thơ, la hét, nhảy múa, ăn một bữa sinh thần nhộn nhịp nhất trong đời. Ba người bọn ta nắm tay nhau, xoay vòng vòng trong một bản nhạc không có tiết tấu.

Vui như thể không có ngày mai, vui như thể đây là lần cuối cùng.

Tối hôm ấy ta vác gối ra bên ngoài, vừa ngắm sao trời vừa hồi tưởng lại mấy trò đùa ngớ ngẩn hồi chiều, vui đến mức không khép miệng lại được.

Mùa thu ta thích nằm trước hiên nhà hóng gió, hít hà mùi hương hoa sữa không biết từ nơi nào trong cung truyền tới, sau đó bình yên chìm vào giấc ngủ.

Đến đêm, ta hình như đã mơ một giấc mơ kỳ lạ.

Có một người tiến lại gần ta, phủ lên người ta một lớp chăn mỏng. Ta muốn mở mắt nhìn nhưng mí mắt lại nặng trĩu không cách nào mở ra được.

Người đó khẽ vuốt lên mặt ta, đầu ngón tay cái lướt qua mí mắt. Bàn tay người đó rất ấm, nhưng hơi chai sần. Ta nghe thấy người đó khẽ cười, giọng nói mơ hồ: “Ta cứ tưởng nàng nhớ ta lắm cơ… thì ra không có ta vẫn cứ vui như vậy…”

Sau đó y khẽ hôn lên trán ta, rồi buông tay, tiếng bước chân xa dần.

Lúc ấy ta chỉ nhớ tim mình trống rỗng.

Sáng hôm sau, quả thật trên người ta có chiếc chăn đơn mỏng, ta đoán người đêm qua có lẽ là Trần Bồ, lại nhớ tới lúc đó người ấy có hôn ta một cái, bèn nhất quyết ra giếng nước rửa mặt mười tám lần.

Rất nhiều năm về sau ta mới biết, thì ra… không phải là hắn.

Ta từng nói ta đặc biệt không thích mùa đông, không phải vì ta sợ lạnh, mà là vì ta luôn cảm thấy mùa đông luôn đem tới những điều xui xẻo.

Năm nay cũng thế, hoàng tỷ của ta lâm bệnh nặng.

Những ngày cuối cùng của tháng Chạp, lạnh đến mức mặc ba lớp áo dày mà răng vẫn cứ va vào nhau lập cập. Trần Bồ xuất hiện trước cửa cung vào một buổi chiều đông lạnh nhất, nói với ta: “Ta đưa nàng đi gặp Hoàng hậu.”

Ta cảm nhận được một nỗi bất an mơ hồ, vì thế ta bước theo sau hắn.

Ta bước qua đầm sen tàn lạnh ngắt, đi trên những bậc cấp tiến vào điện Thiên An. Trước những thứ tưởng chừng như rất thân thuộc ấy lại có cảm giác như đã xa tận mấy đời.

Trần Bồ không đi cùng ta, hắn đứng dưới bậc cấp ngước mắt lên nhìn trời, vẻ mặt ấy của hắn, ta nghĩ là thương xót, hoặc cũng có thể là đau lòng.

Ta bước vào nội điện, nhanh chóng nhìn thấy một chiếc giường lớn phủ mành trắng phất phơ như sóng biển nổi bật giữa đủ loại vàng bạc châu báu chạm khắc thiếu quy luật. Thành thực mà nói ta luôn cảm thấy thẩm mỹ quan của mấy người này vô cùng có vấn đề. Hoàng tỷ đang nửa nằm nửa ngồi dựa vào thành giường, trước giường có bốn người, một người lớn, ba trẻ con, ta đều quen cả.

Người lớn kia dung mạo đã nhuốm màu thời gian, nhưng vẫn được chăm chút tỉ mỉ, khóe miệng khẽ nhếch hờ hững, cao quý từ trong cốt tủy – Thiên Cực công chúa, phu nhân của Thái sư. Ba đứa trẻ này lần lượt là Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang, Hoàng thái tử Trần Hoảng và Tam hoàng tử Trần Quang Khải.

Trần Quang Khải năm nay sáu tuổi, trời sinh bướng bỉnh, lúc nào cũng ngông nghênh, kiêu ngạo. Quốc Khang từng nói, tam hoàng đệ của nó rất giống ta. Giống thế nào thì ta không biết, nhưng nó không thích ta, ta vừa hay cũng chẳng ưa gì nó.

Hoàng tỷ rất yếu, nhìn bằng mắt thường cũng cảm nhận được sự hư nhược mong manh. Yếu như vậy rồi mà lúc ta tới, tỷ vẫn còn sức để cười, một nụ cười thấu hiểu và khoan dung, dịu dàng đến mức khiến ta ghen tị với đám nhóc con kia.

Nếu như có thể có một người mẹ dịu dàng như thế, cuộc đời ta có lẽ sẽ khác chăng?

Quả không phụ sự kỳ vọng của ta, ta vừa tới Thiên Cực công chúa liền cáo từ rời đi. Chẳng thèm liếc ta đến một lần. Ta cũng chẳng bận tâm, từng bước tiến lại gần giường của hoàng tỷ, nói với đám nhóc đang rấm rứt khóc kia: “Quốc Khang, dẫn các đệ đệ ra ngoài đi, cô cô muốn nói chuyện riêng với mẫu hậu con.”

Thằng nhóc rất nghe lời ta, dụi mắt thật mạnh một cái, kéo tay Trần Hoảng và Quang Khải rời đi. Ba đứa cứ vừa đi vừa ngoái lại, hoàng tỷ nhìn chúng nó, khẽ bật cười xua xua tay. Ta lại một lần nữa nổi lòng ghen tị.

Chờ chúng nó đi khuất rồi, ta bước lên trước một bước rồi ngồi xuống, giường rất cao, ta vừa vặn có thể tì cằm lên trên đệm. Ta khoanh tay lại, tì cằm lên cánh tay, nghiêng đầu nhìn hoàng tỷ, hoàng tỷ cũng cúi đầu nhìn ta, sau đó chậm rãi đưa tay ra xoa đầu ta.

Chỉ hơn ta hai tuổi, nhưng thần thái lại vượt ta cả vạn dặm.

Im lặng một hồi, ta lại bắt đầu huyên thuyên đủ thứ, kể về những gì ta từng trải qua trong lãnh cung, ta chỉ chọn những việc ta cho là vui vẻ, kể một cách thật hăng say. Hoàng tỷ vẫn cười thật hiền.

Nói lâu đến nỗi khô cả nước bọt, ta vớ lấy ấm trà trên bàn, ngửa đầu dốc thẳng vào cổ, uống xong còn oai phong lấy tay áo quẹt miệng một cái. Hoàng tỷ bật cười, lắc lắc đầu kéo tay ta, lấy trong người ra một chiếc khăn lụa, tỉ mẩn lau nước trà trên tay trên miệng ta.

Ta ngoan ngoãn để tỷ lau, nhắm mắt tận hưởng những đầu ngón tay búp măng mềm mại, chỉ có điều, tay tỷ lạnh quá.

Ta hỏi: “Tỷ có hiểu muội nói gì không?”

Hoàng tỷ quả nhiên lắc đầu: “Không hiểu.”

“Vậy sao tỷ lại cười?”

“Vì muội luôn kể rất hào hứng, ta cảm thấy muội đang rất vui. Muội vui vẻ, ta cũng thấy vui lây.”

Một lời ấy khiến ta không cầm được nước mắt.

Tối hôm ấy ta ngủ lại điện Thiên An, nằm bên cạnh hoàng tỷ. Ta mân mê một lọn tóc của tỷ trong tay. Ta vẫn nhớ rõ, mái tóc của tỷ vừa mềm vừa mượt, vậy mà giờ đây đều khô cứng hết cả.

Ta nói: “Muội từng đọc trong y thư, có rất nhiều loại thảo dược có tác dụng dưỡng tóc, tỷ muốn thử không?”

Hoàng tỷ mỉm cười: “Có, ngày mai chúng ta thử luôn đi.”

Hôm sau ta thực sự tỉ mẩn điều chế một hỗn hợp thuốc gội đầu cho tỷ tỷ, vừa làm vừa liến thoắng: “Tỷ biết không, hà thủ ô đỏ chỉ mọc ở nơi khí hậu trong lành, chỉ có trên núi cao phương bắc mới có đấy, rất quý hiếm, có tác dụng làm đen tóc, đẹp da, còn có thể bồi bổ gan thận, dưỡng huyết tư âm, nhuận tràng giải độc. Bồ kết không chỉ làm sạch da đầu còn có thể kích thích mọc tóc mới, làm tóc vừa đen vừa bóng. Đương quy có tác dụng bổ huyết, giúp chân tóc chắc khỏe, ngăn ngừa tóc rụng…”

Ba thằng nhóc hiếu kỳ vây quanh ta, Quang Khải nhìn ta băm băm giã giã, vẻ mặt cực kỳ nghi ngờ: “Cô cô làm được thật không đó, trước đây nghe hoàng huynh kể cô cô còn tự làm mình nổi mụn toàn thân cơ mà.” Ta quay sang lườm Quốc Khang một cái, nó ngó nghiêng tỏ vẻ không liên quan. Nhân lúc Quang Khải không để ý, ta quẹt một ít hỗn hợp đen sì lên mặt nó: “Được hay không cứ tự thử là biết.”

Thằng nhóc nhảy dựng lên như phải bỏng, hoàng tỷ ta nằm trên giường cười ngất.

Mỗi tối ta đều kể cho tỷ nghe rất nhiều chuyện, như thể sợ nếu không nói nhanh thì sẽ không kịp mất. Ta kể chuyện trên trời dưới biển, kể những câu chuyện trong những cuốn du ký Lê Tần từng mua cho ta, sau đó còn kể cả những câu chuyện dụng binh từ xa xưa đời Tần Hán mà ta đọc trộm trong binh thư của Quốc Tuấn. Ta dường như mỗi ngày đều nói đến khô cả cổ, khi hoàng tỷ mơ màng thiếp đi, ta luôn dặn tỷ ấy một câu: “Chuyện ngày mai còn hay hơn nữa cơ, muội còn nhiều chuyện lắm, tỷ nhớ phải nghe hết nhé.” Tỷ mơ hồ cười đáp lại ta một tiếng.

Ông trời biệt đãi bọn ta được mười ngày.

Sau mười ngày, những câu chuyện của ta không còn níu được chân hoàng tỷ nữa. Sau khi tỷ trút hơi thở cuối cùng, ta rời khỏi điện Thiên An. Ta sợ ta sẽ còn gào khóc to hơn đám nhóc Quốc Khang mất.

Ta trở về lãnh cung của mình, cuộn tròn trong chăn ấm, để mặc nước mắt tuôn rơi.

Ngày cuối cùng của năm Đinh Mùi[1], hoàng tỷ không kịp cùng bọn ta đón năm mới.

Sau đó, ta không bao giờ ăn Tết nữa.

[1] Tức năm 1247.