Năm ngoái ta tự mình đào một cái ao, kiếm đá lớn đắp xung quanh, thả vào vài con cá chép, sau đó cả năm cứ chằm chằm ngồi bên cạnh chờ chúng nó lớn. Con nào hơi lớn một chút là ta vớt lên chiên luôn. Chẳng gì bằng cá tươi.

Hôm nay lúc ta vừa mới lấy cái gậy tre một đầu vót nhọn sọc vào giữa thân con cá thì Quốc Khang tới thăm, vẻ mặt nó lúc ấy biến màu vô cùng đặc sắc, từ xanh sang trắng rồi trở về xanh lè, cuối cùng nó không chịu nổi mà tựa vào tường nôn thốc nôn tháo. Nhìn bộ dạng muốn bao nhiêu thê thảm có bấy nhiêu thê thảm của nó, ta nhếch mép: “Cũng không phải lần đầu nhìn thấy, sao lần nào ngươi cũng nôn thế?”

Nó giơ tay quẹt miệng, cực kỳ phẫn nỗ gào lên với ta: “Sao người có thể đâm cái gậy xuống mà mặt không đổi sắc vậy chứ?”

Ta bực bội làm bộ dứ con cá vẫn còn giãy đành đạch trên đầu gậy vào mặt nó, thằng bé lại tái mặt dựa tường nôn tiếp.

Thằng nhóc này bản tính cực kỳ mâu thuẫn, ví dụ nó thích mặc đồ lòe loẹt nhưng đồ sứ trưng bày trong phủ lại thích loại tinh tế thanh cao, ví dụ nó sợ đau nhưng lại thích chơi đấu vật, ví dụ nó sợ ta nổi điên nổi khùng nhưng cứ hở ra là mò tới.

Hoặc ví dụ, nó kịch liệt lên án cái trò xiên cá sống này của ta, nhưng rán lên rồi thì lần nào cũng phải gặm mất của ta nửa con. Rõ vớ vẩn!

Quốc Khang ngẩng đầu nhíu mày nhìn ta, càu nhàu: “Người có thể dịu dàng một chút được không?”

Ta nhìn cái miệng vẫn còn dính đầy dầu mỡ của nó, không khỏi giật giật thái dương hai cái: “Ta mà dịu dàng thì ngươi còn lâu mới có cá mà ăn.”

Quốc Khang than thở với ta, nói phụ hoàng muốn nạp phi cho nó.

Ta có chút giật mình thầm nhẩm tính, tiếu tử này năm nay mười ba tuổi. Còn ta đã ở đây mười ba năm, năm nay ba mươi ba tuổi.

Thời gian như nước chảy, đến đá còn bị sức nước bào mòn, chút tình cảm mong manh của con người địch sao nổi thời gian.

Ta nói với nó, năm xưa ta tám tuổi đã gả cho người ta rồi, nó kêu ca cái gì. Nó giãy nãy kêu bản thân hãy còn nhỏ lắm, lại nói trong tộc có người hai mốt tuổi còn chưa thành thân kia kìa. Hai mốt tuổi còn chưa thành gia lập thất, ai mà bất thường vậy?

Nó nói đó là đường huynh của nó, con thứ của An Sinh vương, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

Ta suýt chút nữa thì phun trà ra ngoài.

Đã nhiều năm, cái tên này ta cũng ngại chẳng muốn nhắc lại nữa.

Nhưng vì thằng nhóc Quốc Khang này không dưng nhắc tới, hại ta đến đêm lại bắt đầu nằm mơ. Ta mơ mình quay về năm Giáp Thìn[1], quay về lần cuối cùng ta gặp nó.

Trong mơ, mới cuối xuân mà trời đã nóng đến phát điên, ta cầm một cái quạt giấy mỏng manh ngồi trước hiên nhà quạt lấy quạt để, quạt đến mức tưởng sắp rách cả giấy mà cũng chẳng mát lên được tí nào.

Bên cạnh ta có tiếng người bật cười: “Ngồi yên một lúc là sẽ hết nóng.”

Ta quay sang trừng mắt một cái, người đó lè lưỡi cười xòa, không nói nữa.

Năm ấy Quốc Tuấn mười lăm, ta hai mươi bảy.

Quốc Tuấn tập võ từ nhỏ, cho nên thân hình rất cao lớn, cao hơn bạn bè đồng trang lứa, cũng sớm đã cao hơn ta nửa cái đầu. Khi ấy ta nghĩ, thêm vài tuổi nữa, nếu ta muốn xoa đầu nó chắc phải bắt nó quỳ xuống mất.

Nó càng lớn càng tuấn tú, gương mặt góc cạnh sắc sảo, nhưng sóng mắt vẫn yên ả dịu hòa.

Bọn ta thường ngồi yên lặng bên cạnh nhau như thế này, ngắm trời ngắm đất. Ta thích trời nhiều mây, muôn hình vạn trạng. Quốc Tuấn lại thích trời xanh ngắt trong veo. Nhưng bọn ta đều thích cầu vồng, sau mỗi cơn mưa, lúc cầu vồng xuất hiện, bọn ta đều ngây người nhìn mãi.

Hôm ấy Quốc Tuấn có tâm sự, ta không hỏi, ta thường không hay tọc mạch vào chuyện của người khác. Nếu ai đó nói thì ta sẽ nghe, nhưng ta không chủ động hỏi bao giờ. Nó im lặng rất lâu mới mở miệng, câu đầu tiên lại là: “Nếu con vì lợi ích cá nhân, hủy đi thứ người yêu thương nhất, người có hận con không?”

Ta chẳng chút nghĩ ngợi đáp: “Có.”

Ta nghe tiếng nó cười buồn, hỏi ta câu thứ hai: “Giữa trung và hiếu, người chọn gì?”

Ta vẫn chẳng chút nghĩ ngợi đáp: “Ta chỉ chọn trái tim mình. Mỗi người đều có một nguyên tắc sống, một tín ngưỡng riêng, ngươi cho thế nào là đúng thì làm theo thế ấy. Chỉ cần không thẹn với lòng.”

“Hay cho câu chỉ cần không thẹn với lòng.” Nó bật cười, hỏi ta câu thứ ba: “Nếu con có thể đưa người rời khỏi đây, người sẽ đi theo con chứ?”

Khi ấy ta đã ngần ngừ, nhưng rốt cuộc ta vẫn lạnh lùng nói: “Không.”

Sau khi nghe được câu trả lời của ta, ta chỉ nhớ Quốc Tuấn cứ cười miết, cười quá đỗi thê lương, cười đến mức khiến tim ta như vỡ vụn: “Quả nhiên, dù người đó đối xử với người thế nào, người cũng không quên được, không bỏ được. Dù con đối tốt với người thế nào, người cũng không nhìn thấy, người cũng không muốn nhìn…”

“… Lý Thiên Hinh, bao giờ thì nàng mới tỉnh mộng?”

Ta mở mắt, phát hiện lưng áo đã ướt đẫm.

Thằng nhóc Quốc Khang này, quả nhiên là đồ xúi quẩy.

Đông chí, ta chợt muốn đọc lại truyện du ký Lê Tần từng mua cho ta nhiều năm trước, cũng không nhớ rõ là đã vứt ở cái xó nào rồi.

Ta ôm ngọn đèn dầu run rẩy đẩy cửa tàng thư các, bắt đầu lật tìm từng giá sách một, khổ nỗi tính ta lười nhác lại lộn xộn, đọc sách xong đều vứt bừa một góc. Lúc trước còn có Quốc Tuấn tới đây, giúp ta sắp xếp lại toàn bộ, còn ép ta nhớ ngăn nào là dành cho sách nào. Sau khi nó rời đi, đâu lại hoàn đấy, ta lại ngập trong núi sách, lần mò nhiều canh giờ mà không tìm nổi cuốn cần tìm.

Thế nhưng lại vô tình tìm thấy một quyển sách lạ mắt. Quyển sách này rất mỏng, hai mặt đều không có dán tên sách. Ta hiếu kỳ lật mở một trang.

Xem hết một lượt, ta lại trở nên thẫn thờ.

Đây là một quyển vẽ nháp, bên trong đều là tranh phác họa, chưa có một bức nào hoàn chỉnh. Nửa đầu nguệch ngoạc xấu xí, nhìn như trẻ con vẽ bậy, dần dần có lẽ vẽ đã quen tay, nét vẽ thuần thục hơn nhiều, càng về sau lại càng đẹp. Điều đặc biệt là những bức vẽ này chỉ vẽ một người duy nhất, một nữ tử mặc áo đơn mỏng đi chân trần, tóc thả ra tùy tiện, có lúc nàng đang chăm chú đọc sách, có lúc nàng đang thiu thiu ngủ gật trên bàn, có lúc nàng đang nhào bột làm bánh…

Có khi hung dữ, có khi dịu dàng, nhưng những bức này đều là vẽ ta.

Ta trầm mặc vuốt ve một bức họa, nữ tử trong ấy đang ngoác miệng cười rạng rỡ, một nụ cười xuất phát từ sâu thẳm trong lòng, không đề phòng cảnh giác, không ngọt ngào giả tạo.

Thì ra nụ cười đẹp nhất của ta là thế này.

“Cuối cùng cũng tìm thấy rồi à?”

Ta giật mình hoảng hốt, giống như lén xem trộm dâm thư mà bị phu tử bắt gặp, vội vội vàng vàng gập sách lại. Chưa kịp ngẩng đầu nhìn thì đã cảm thấy đầu váng mắt hoa, trời đất đảo lộn. Khi ta định thần lại, ta đã nằm bên dưới một nam tử. Mấy chồng sách ta tùy tiện chất cao như núi ban nãy vì bị ngoại lực tác động mà ầm ầm đổ sụp xuống người bọn ta, ta sợ đến xanh mặt.

Người đó khom người đè thấp xuống, kéo ta vào trong lòng, chắn cho ta hết thảy mọi tổn thương.

Tiếng tim đập vang lên bên tai rất rõ ràng, khiến ta không tự chủ mà nhớ về nhiều năm về trước.

Đứa trẻ ấy kiên định nhìn ta, tay cầm một chiếc ô không che nổi hai người trưởng thành, ngăn cho ta một chiều mưa bão.

Thực ra từ thuở thiếu thời ta đã từng rất mong, sẽ gặp được một người dù trong tay không có đến nửa tấc sắt, vẫn sẵn sàng ôm ta vào lòng, che cho ta một đời sương gió.

Chờ cho đống bụi mù tan hết, Quốc Tuấn ho khụ khụ mấy tiếng, cúi xuống nhìn ta mỉm cười: “Ai không biết còn tưởng tàng thư các của cô cô có từ đời nhà Hán đấy.”

Năm nay Quốc Tuấn hai mươi mốt, ta ba mươi ba.

Trời rất tối, đêm nay còn không có trăng, ta chỉ dựa vào ánh đèn dầu leo lắt đặt trên thư án phía xa để nhìn rõ dung mạo người trước mặt. Quốc Tuấn đã trưởng thành hơn rất nhiều kể từ lần cuối cùng ta gặp nó, góc cạnh gương mặt rất rõ ràng, mũi vừa cao vừa thẳng, lông mi vừa cong vừa dài. Nhưng ánh đèn không soi tỏ được đôi mắt nó, nhìn vào chỉ thấy sâu hun hút như trời đêm, khiến lòng ta lo sợ.

Ta bất an muốn đứng dậy, lại bị nó giữ chặt tay. Bàn tay nó to lớn, cổ tay còn đeo một chuỗi vòng dương chi bạch ngọc, đeo từ năm mười hai tuổi chưa từng tháo ra. Ta nghiêm mặt quát: “Đứng lên.”

Quốc Tuấn hơi do dự, nhưng nó vẫn không buông tay, mà lại gục đầu xuống sát bên tai ta, tiếng thở nặng nhọc vang lên, nó xuýt xoa kêu đau một tiếng.

Bị thương rồi sao?

Ta hốt hoảng muốn giật tay lại sờ thử xem lưng nó thế nào, chợt nghe thấy tiếng nó cười đắc ý: “Đúng là vẫn dễ lừa như thế.” Ta ngẩn người, phản ứng đầu tiên là thở phào, sau đó là giận dữ. Nhưng trước khi ta nổi khùng bất chấp tất cả mà cắn người, thì lại nghe thấy tiếng nó truyền tới bên tai, quá đỗi dịu dàng khiến người ta thương xót: “Chỉ một lát thôi… cô cô nằm yên một lát thôi. Nghe con nói đã, nói xong con sẽ đi.”

Ta mềm lòng yên lặng.

“Ra Giêng con sẽ thành thân,… lấy… lấy Thiên Thành công chúa.”

Ta biết người này, là tiểu muội nhỏ nhất của Trần Bồ.

“Người thử nói xem, tại sao con lấy cô cô cùng họ thì được, mà lấy cô cô khác họ thì lại không được?”

Đừng hỏi ta, cái luật lệ trái luân thường đạo lý này phải đi hỏi hoàng thúc gia gia Thái sư một tay che trời của ngươi ấy. Mà khoan đã, cô cô nào thì cũng không được lấy!

“Thực ra người đã biết từ lâu rồi phải không, nhưng người cứ giả vờ không biết… Con cũng đã từng thử từ bỏ rồi… nhưng đều không được…”

Kể từ ngày đầu tiên ta gặp Quốc Tuấn, ta đã nhìn thấy hoài bão trong mắt nó, nhìn thấy tài năng sở học của nó, cũng nhìn thấy tấm lòng sáng như nhật nguyệt của nó. Ta biết rõ An Sinh vương có hiềm khích với Trần Bồ, cũng biết ông ta đã gây ra cho Quốc Tuấn áp lực lớn thế nào, nhưng ta luôn tin, tin nó sẽ không vì lợi ích cá nhân mà gây ra một cuộc chiến tranh đổ máu vô ích. Ta nói rồi, đứa trẻ này quá lương thiện, lương thiện đến mức khiến bản thân thiệt thòi.

Ta luôn hi vọng, tài năng của nó được người đời biết tới, ta hi vọng nó được tung hoành chốn sa trường, thỏa chí nam nhi, chứ không phải bị kìm chân bởi chút tư tình nam nữ. Đứa trẻ này của ta quá ưu tú, quá tử tế, ta hi vọng tên tuổi nó sẽ khắc ghi vào sử xanh, giống như Triệu Vân Thục Hán[2], giống như Hoài Âm hầu thời Hán Sở tranh hùng[3], khiến ngàn đời sau nhắc tới chỉ có niềm kính ngưỡng.

Vì thế trong cuộc đời của nó tuyệt đối không thể lưu lại bất cứ một vết nhơ nào.

Ta sẽ không trở thành vết nhơ ấy.

“Mỗi năm vào ngày sinh thần của cô cô, Quốc Tuấn đều tới… Nhưng năm Giáp Thìn, cô cô quen được bạn mới, y nói gì cô cô cũng cười, vì thế con không dám chen ngang…”

“Năm Ất Tỵ, cô cô cùng Hoàng thượng uống trà ngắm hoa, con cũng không dám bước vào…

“Năm Bính Ngọ, cô cô uống rượu ngủ say cả ngày, con đã tới nhưng không dám đánh thức…”

“Năm Đinh Mùi… con cũng tới… Mỗi năm con đều tới… Cô cô là duy nhất đối với con, nhưng con thì không phải… không có con, cô cô vẫn rất vui vẻ…”

“Chiếc vòng cô cô tặng con… thứ duy nhất mà người tặng con… thì ra lại là của nam nhân khác. Nhưng con vẫn đeo, con vẫn thích…”

“Thực ra con vốn không thích cầu vồng, cảm thấy nó chẳng có gì đặc biệt, nhưng bộ dạng người ngắm nhìn… thất thần như thế… rất đẹp…”

Bọn ta duy trì tư thế này đến sáng, Quốc Tuấn lải nhải bên tai ta cả đêm, giống như những ngày trước khi hoàng tỷ mất, ta cũng dốc ruột dốc gan nói hết tâm tư của mình.

Đó là lời từ biệt, đây là lần cuối cùng.

Vì thế ta rất nghiêm túc lắng nghe, khắc ghi từng câu từng chữ vào trong lòng.

Thì ra, cũng từng có một nam tử chờ đợi ta lâu đến như thế.

Sau cùng, Quốc Tuấn đặt lên trán ta một nụ hôn, rồi xoay lưng rời khỏi.

“Thiên Hinh, vĩnh biệt.”

Bốn chữ này vang vọng trong tim ta, vang đến rất nhiều năm về sau nữa.

[1] Tức năm 1244.

[2] Tức Triệu Tử Long, danh tướng nhà Thục Hán.

[3] Tức Hàn Tín, danh tướng thời Hán.

Note: Vì “có tật giật mình”, Trần Thủ Độ đặt ra quy định là nhà Trần chỉ được phép kết hôn trong họ, tránh tình trạng “nhường ngôi” tái diễn

Tác giả có lời muốn nói: Là một người tôn trọng lịch sử, cho nên bắt buộc phải cắt đứt mối nghiệt duyên cô cháu này, nhưng Trần Quốc Tuấn vẫn là nam thứ ta thích nhất đấy :'<<