Ta Có Một Ngôi Đạo Quán

Chương 8
Tạm không nói đến tình cảm giữa phu thê Dương thị tốt đẹp ra sao, Phó Yểu đã hẹn ngày mai sẽ đến, cho nên ngày mai nàng thật sự không nuốt lời. Thời gian như cũ, vị trí như cũ, Dương đầu bếp bưng một cái nồi đất nóng hầm hập ra trước mặt nàng, nói:

- Đây là món ăn mà ta nấu ngon nhất.

Theo đó là chưởng quầy nhấc nắp nồi lên, hơi nóng và mùi hương toả ra xung quanh. Xuất hiện trong tầm mắt mọi người lúc này là một chén thịt kho tàu đo đỏ sóng sánh và béo ngậy. Chỉ cần nhìn hình thức của món thôi, đủ biết nó không tầm thường.

Phó Yểu hít nhẹ một hơi, cầm đôi đũa lên và gắp một miếng thịt cho vào trong miệng. Nàng chậm rãi nhấm nháp, một lúc lâu sau mới nuốt thức ăn xuống bụng, nàng nói:

- Ta còn nhớ rõ món ngon nổi danh nhất của tửu điếm Thái An ở thành Dương Châu chính là thịt ba rọi kho tàu. Thế mà ta lại có thể cảm nhận được một chút hương vị do đầu bếp của họ nấu từ trong món này của ngươi. Thật là hoài niệm, đã lâu lắm rồi ta chưa được nếm lại mùi vị tuyệt vời thế này.

Lời này làm cho gương mặt vốn đang háo hức của Dương đầu bếp bỗng nhiên trở nên bàng hoàng.

- Hoá ra khách quan cũng đã từng nếm thử tay nghề của đầu bếp Triệu Thụy An sao? Thật không dám giấu giếm, ta từng học việc ở tửu lầu Thái An hơn mười năm trời, lúc đó đầu bếp nấu chính đúng là Triệu đầu bếp, nhưng ta học nghề đến năm thứ ba thì ngày ấy đã qua đời rồi.

Gã cũng chỉ may mắn được thưởng thức thịt kho tàu của Triệu đầu bếp một lần trong lúc ở lại làm việc đến khuya, khi ấy Triệu đầu bếp đã làm riêng cho gã. Hương vị món thịt kho tàu đó tuyệt vời tới nỗi đến giờ mà gã vẫn chưa thể quên, thế nên sau này gã đã dồn hết tâm huyết vào một món ăn duy nhất. Đây là lý do vì sao thịt kho tàu là món sở trường nhất của gã.

Đến nay đã gần hai mươi năm sau ngày Triệu đầu bếp qua đời, không ngờ thật nhiều năm sau đó, gã còn có thể nghe thấy một vị khách nói rằng cảm nhận được tay nghề của Triệu đầu bếp từ món ngon của gã. Những lời của nàng chính là lời bình đáng giá nhất trong suốt sự nghiệp nấu nướng của gã.

Phó Yểu nhận ra giọng điệu kích động của gã, nàng biết ngay là gã đang hiểu lầm.

Tửu điếm Thái An có truyền thừa trên trăm năm, chủ yếu dựa vào hai vị đầu bếp họ Triệu. Vị đầu tiên là Triệu Thụy An, người đã kiến lập ra tửu điếm Thái An, thậm chí còn đặt nền móng sơ khai cho nét đặc sắc của ẩm thực Hoài Dương. Nói chung là thực khách cùng thời Triệu Thụy An chỉ công nhận ẩm thực Hoài Dương chính thống nhất là món ăn của tửu điếm Thái An. Còn vị thứ hai, nhẩm tính tuổi tác thì bây giờ có lẽ vẫn còn đang sống trong hậu viện của Triệu gia và luyện tập nấu nướng hòng chấn hưng tửu điếm Thái An. Bởi lẽ, không có Triệu Thụy An, tửu điếm Thái An chẳng khác nào đã chết.

- Từng đi ngang qua Dương Châu nên có ghé ăn vài lần - Phó Yếu không giải thích nhiều, nàng tiếp tục nhấm nháp chén thịt kho tàu.

Ăn xong bữa cơm, nàng vẫn không tính tiền, tiếp tục dùng ngọc bội trừ nợ và dẫn theo đoàn người của mình rời đi. Những ngày sau đó, thỉnh thoảng Phó Yểu lại đến tửu lầu ăn một bữa ngon. Nàng không kén chọn, Dương đầu bếp làm món gì thì nàng ăn món đó. Dần dà, phu thê Dương thị đã quen với việc có một vị khách thường hay tới lúc nửa đêm. Mỗi lần nàng tới, bọn họ đều sẽ chuẩn bị sẵn trà thơm để chiêu đãi nàng.

Cũng trong khoảng thời gian này, phu thê Hà thợ mộc đã tu sửa xong gian nhà chính của đạo quán. Hiển nhiên, mặc dù gọi là nhà chính nhưng trên thực tế không gian không lớn, vừa bước vào cửa là những pho tượng Tam Thanh, xung quanh là nơi thắp nến, ngoài ra không còn gì nữa. Sửa xong nhà chính, còn lại những gian phòng cơ bản nhất như nhà bếp, chái nhà, phòng dành cho khách, sân tường cũng cần được tu sửa từ từ.

- Bảo Hà thợ mộc xây bếp trước đi - Phó Yểu dặn dò.

Tam Nương đáp “vâng”, Đại Lang có chút tò mò:

- Đạo quán của chúng ta cũng đâu có ai, sao lại phải xây cái này trước?

- Bởi vì quán chủ của ngươi rất nghèo, không thể nào cứ ăn uống mà không trả tiền cho người ta mãi được, chúng ta chỉ có thể tay làm hàm nhai mặc sức mà ăn.

- Tỷ rất nghèo sao? - Đại Lang có vẻ không tin điều này. Người rất nghèo có thể lấy ra một hũ bạc trắng sao? Từ nhỏ tới giờ nó chưa từng nhìn thấy nhiều bạc đến vậy, ngay cả một thỏi trong đó cũng chưa từng thấy nữa là.

Dường như biết được suy nghĩ trong lòng Đại Lang, Phó Yểu đen mắt đáp lại:

- Bạc đó là ta hỏi mượn hàng xóm của chúng ta, cái vạc ba chân ở cửa cũng thế.

- Chúng ta có cả hàng xóm sao? - Lúc này hai “người” còn lại đều đang nhìn Phó Yểu, bọn họ chưa từng nhìn thấy bất kỳ ai mới lạ ở đây.

- Đúng vậy, là một con tên cực kỳ cực kỳ bủn xỉn, kiểu người mà sẽ giãy nảy lên nếu như ngươi đúng đến một văn tiền của hắn ấy - Tất nhiên Phó Yểu không muốn nói nhiều về người nọ - Tóm lại là các người vào trong nghĩ cách kiếm thêm chút tiền đi.

Tam Nương và Đại Lang:

- …

- Với năng lực của người, chẳng phải là kiếm tiền, dễ như trở bàn tay sao? - Tam Nương cảm thấy vô cùng khó hiểu.

- Đúng đấy, đúng đấy - Đại Lang cũng gật đầu hùa theo.

Giọng điệu của Phó Yểu trở nên xót xa dữ dội:

- Không ngờ quen biết nhau lâu như vậy mà các ngươi còn không hiểu ta. Làm sao ta có thể vứt bỏ nguyên tắc làm người của mình chỉ vì những thứ ngoại vật giống như tiền tài cơ chứ? Đừng nói là bây giờ, cho dù là sau này, tương lai, ta cũng không thể dùng phép thuật của mình để đối lấy những thỏi bạc dơ bẩn đó.

- …

Mặc dù lời lẽ nghe có vẻ rất chính đáng, nhưng bọn họ cứ cảm thấy thiếu thuyết phục thế nào ấy nhỉ?

Có điều mấy ngày sau đó, trước tượng Tam Thang trong đạo quán vẫn có thêm một cái hòm công đức. Đồng thời,ba nữ nhi của nhà Phương Nhị cũng bày ra một sạp bán nhang đèn ở trước cửa đạo quán, tiền bán nhang đèn chia cho đạo quán một phần. Đây là cách do Tam Nương nghĩ ra, sau khi Phó Yểu biết chuyện, nàng còn ra sức khích lệ Tam Nương một hồi và đồng ý tặng cho nàng ta một lễ vật nhỏ. Thế nhưng Tam Nương lại có suy nghĩ khác.

- Quán chủ, nếu ta, kiếm rất nhiều tiền, cho người, ta có thể sống lại không?

Đây là câu hỏi ngoài ý muốn, nhưng lại nằm trong dự định. Phó Yểu hơi nghiền ngẫm nói:

- Đến cả Đại Lang cũng có cơ hội trở lại dương gian lần nữa cơ mà, tất nhiên là ngươi có thể. Nhưng mà muốn kiếm bạc cho ta thì không dễ đâu, người chắc chắn muốn dùng chuyện này để giao dịch với ta chứ?

Tam Nương không ngờ thỉnh cầu của mình có thể được chấp nhận, vẻ mặt nàng ta lộ ra vẻ kích động hiếm thấy:

- Ta chắc chắn, ta rất chắc chắn!

Tuy rằng sau khi chết đi vẫn được tồn tại dưới một trạng thái khác, nhưng Tam Nương vô cùng hoài niệm ánh sáng mặt trời và những cơn mưa, hoài niệm những ngày còn sống tươi đẹp.

- Được - Phó Yểu gật đầu - Ta chúc ngươi mọi điều suôn sẻ.

* * * * *

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới đó mà đã đến giữa thu rồi. Mùa thu Giang Nam tới thật khẽ khàng, cho nên người ta chẳng hề hay biết. Cứ như một buổi sáng nọ bất chợt mở cửa sổ nhìn ra bên ngoài, bỗng nhiên nhận ra "Ồ ra là thu đã về!".

Mùa thu xinh đẹp, mặt trăng xinh đẹp, ngày thu có trăng lại càng xinh đẹp. Vào một ngày lành như vậy, có vị thiếu niên phong trần mệt mỏi tìm đến tửu lầu của phu thê Dương thị. Thiếu niên khoảng chừng 15 - 16 xuân xanh, quẩy một cái tay nải rất lớn bên người. Y vừa vào cửa đã gọi vào món ăn có tiếng, rồi ngồi trong góc từ từ nhấm nháp.

Đêm trung thu là thời điểm thực khách ra vào nườm nượp. Tới tới lui lui, đã qua vài lượt khách rồi, ấy vậy mà thiếu niên vẫn chiếm một cái bàn không đi, tất nhiên là tiểu nhị cũng để ý. May mà thiếu niên tương đối biết điều, y ngồi trong góc, không hề khó chịu khi có khách muốn ngồi ghép bàn. Mãi cho đến gần nửa đêm, khách khứa dần dần vãn bớt, cuối cùng thiếu niên mới chịu đứng lên. Y vừa trả tiền vừa hỏi thăm tiểu nhị:

- Cho hỏi tửu lầu của các vị có thuê thêm người không? Ta có thể chịu cực chịu khổ, làm gì cũng được.

Trước đó tiểu nhị đã thấy y quẩy theo tay nải, trên giày toàn là bùn đất, khẩu âm nghe không giống giọng của người địa phương, cho nên hắn đã lờ mờ đoán được. Thế nhưng tửu lầu chứ có phải nhà chùa đâu, mà bây giờ trong bếp cùng không có thiếu người.

- Vừa thuê đủ rồi, bây giờ không cần thuê nữa.

- Ta không cần tiền công - Thiếu niên tiếp tục dùng giọng điệu thương lượng nói - Ta chỉ muốn đến học hỏi trù nghệ. Hôm nay ta đã quan sát vài tửu lầu rồi, có mỗi tửu lầu của ngươi là đắt khách nhất thôi. Vả lại ta cũng đã ăn thử, món thịt kho tàu của các ngươi rất ngon.

- Vậy ra ngươi muốn đến đây để học lỏm bí quyết à? - Tiểu nhị nhíu mày, có lẽ là thấy thiếu niên một thân một mình, giọng điệu của hắn bớt đi vào phần khéo léo đưa đẩy và cảnh giác nhiều hơn.

Thiếu niên sửng sốt, vội vàng xua tay, nói:

- Không có, ta chỉ…

- Ngươi tới đây làm đi - Lúc này Giang chưởng quầy đi đến và nói - Mấy người làm trong bếp hiện tại thật sự không đủ, nếu ngươi còn chưa có chỗ ở thì cứ ở lại đây.

- Chưởng quầy, nói không chừng người này sẽ học trộm…

Tiểu nhị còn muốn nói tiếp, nhưng bị Giang chưởng quầy ngắt lời:

- Học trộm cái gì, không phải trù nghệ của Dương đại ca cũng là học được sao? Huống chi, trình độ tay nghề của mỗi người rất khác nhau, có rất nhiều thứ không phải cứ nhìn là có thể học được đâu.

Tiểu nhị không còn lời gì để nói, thiếu niên tỏ vẻ cảm kích và nói với chưởng quầy:

- Đa tạ tỷ tỷ.

- Ngươi còn chưa nói cho ta biết là ngươi tên gì? - Giang chưởng quầy nhoẻn miệng cười.

- Đệ tên là Triệu Hưng Thái.

- Vậy sau này chúng ta sẽ gọi ngươi là Tiểu Triệu. Ngươi cầm đồ theo đi, ta dẫn ngươi ra hậu viện trước đã.

- Vâng!

Lúc thiếu niên đi lấy đồ đạc, Giang chưởng quầy quay sang giảng giải cho tiểu nhị biết:

- Sau này nói chuyện nhớ phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Đứa nhỏ này quẩy theo đồ dùng làm bếp bên người, kẽ giữa ngón tay cái và ngón tay giữa toàn là vết chai, cánh tay cũng rất có lực, bàn tay có rất nhiều vết sẹo do dao cắt trúng. Vừa nhìn đã biết đến để học nghề làm bếp. Năm đó Dương đại ca của ngươi đi học nghề ở chỗ người ta cũng như thế này. Nếu ai cũng giống ngươi thì làm sao có thể truyền lại tay nghề.

- Vâng… - Tiểu nhị ỉu xìu đáp lời.

Cứ như vậy, tửu lầu Dương gia có thêm một người học nghề không mấy nổi bật. Cuộc sống của những người học nghề khá là vất vả, quét dọn, rửa rau, rửa chén đều do họ làm, mỗi ngày thức dậy sớm nhất và đi ngủ muộn nhất. Ngoài ra giữa những người học nghề với nhau đều có cạnh tranh, Triệu Hưng Thái từ vùng khác đến càng bị cô lập. Nhưng y không để ý những chuyện này cho lắm, mỗi ngày làm xong phần việc của mình, y sẽ luyện tập cắt đậu hũ.

Bởi vì vị khách nào đó mà Dương đầu bếp thường xuyên đi ngủ rất muộn, nhanh chóng chú ý chàng thiếu niên chăm chỉ này. Sau đó nhận ra kỹ thuật xắt rau của y rất tốt, vừa nhìn là biết học có bài bản, vì vậy càng thêm để bụng.

Nửa đêm hôm nay, vị khách thần bí đã mấy ngày không xuất hiện lại tới. Dương đầu bếp vô cùng phấn chấn, tự mình cắt rửa và chuẩn bị những nguyên liệu để nấu nướng. Triệu Hưng Thái cũng nhìn thấy cảnh này, nhưng y không hỏi, từ trước tới giờ y không quan tâm những chuyện không liên quan đến trù nghệ. Cho dù y không hỏi thì nhóm người học nghề bên cạnh cũng lặng lẽ bàn tán với nhau.

- Có phải vị khách ăn mặc không khác gì quỷ lại tới nữa không?

- Lần nào cũng ăn mặc kiểu đó, nếu ta bất ngờ gặp được bọn họ thì chắc chắn sẽ sợ tới mức tè cả ra quần.

- Ngay cả lúc ăn vị khách đó cũng đội mũ có rèm, dáng vẻ trông ra làm sao cũng không thấy rõ. Chẳng lẽ bởi vì dáng dấp quá xấu cho nên không dám gặp ai?

Trong lúc nhóm người học nghề đang trò chuyện đến quên trời quên đất, Phó Yểu và Giang chưởng quầy ở phía trước cũng nói:

- Có một vị khách vô cùng ghê gớm ghé chơi tửu lầu của các ngươi.

Giang chưởng quầy nghĩ nàng đang nói tới thực những khách ban ngày, cho nên cười đáp:

- Tất cả khách đến đều là cha mẹ áo cơm của chúng ta, ai cũng ghê gớm.

Phó Yểu khẽ cười, không nói gì thêm. Có điều từ sau hôm đó, đêm nào nàng cũng đến tửu lầu. Cho đến một tháng sau đó, Triệu Thái An bị sai bưng thức ăn ra mới được diện kiến vị khách được mô tả là "ăn mặc giống quỷ", và Phó Yểu cũng chạm mặt "vị khách ghê gớm".

- Quán chủ, nhìn kìa! Hình như là đệ hoa mắt thì phải… - Đại Lang lắp ba lắp bắp - Sao đệ lại nhìn thấy có một ông lão đang bay bay phía sau người kia thế nhỉ?
Chương kế tiếp