BÌNH MINH CỦA TÔI LÚC 8 GIỜ

Chương 3
Tiết thứ năm, tôi từ văn phòng hiệu trưởng trở về lớp, dáng vẻ vẫn rất bình thản tự tin như mọi khi. Tiết học vừa rồi tôi có đánh nhau với mấy thằng con trai lớp mười một, đánh bọn chúng thê thảm đến nỗi bò ra đất, phải được khiêng lên phòng y tế. Tôi bị bầm tím vài chỗ, chưa kịp xem qua vết thương thì hiệu trưởng đã cho người đến gọi tôi lên văn phòng, sau một hồi giáo huấn cẩn thận liền thả tôi về.

Bọn họ bất lực rồi, hạnh kiểm của tôi cũng không thể hạ xuống thêm nữa, nếu không tôi sẽ không đủ tư cách tham gia kỳ thi quốc gia sắp tới. Chuyện này đối với tôi cũng không có gì to tát, nhưng đối với nhà trường là mất đi một con cờ tốt trong tay.

- Một tuần đánh nhau ba ngày, ba ngày còn lại trốn học, thiếu bài tập, vô lễ với giáo viên. Tôi không hiểu cậu ta nghĩ cái gì trong đầu. Các em nhìn vào cậu ta mà xem, nhìn để biết tránh xa cậu ta ra, tránh xa những tật xấu của cậu ta, đúng là chán không nói nổi mà.

Giờ đang là tiết sinh hoạt cuối tuần, tiếng nói của cô Ngọc Phương từ trong lớp vọng ra oang oang, tôi đi từ hành lang đã nghe thấy, từng câu, từng chữ, cái gì cũng nhắm vào tôi mà chửi. Cũng đúng, 12a1 có một đứa như tôi, đúng là làm bẩn cả cộng đồng.

Nhưng, tôi không quan tâm.

Tôi đứng trước của lớp, cứ thế bước vào một cánh thản nhiên, đầu ngẩng cao và sải chân phóng khoáng bước dài. Đang nghênh ngang bước đi thì cô Ngọc Phương cầm thước kẻ giơ ra chắn ngang mặt tôi.

- Đứng lại, tôi đã cho cậu vào chưa?

- Ồ.

Tôi chẳng nói chẳng rằng lùi lại cửa lớp, ai trong lớp cũng tưởng tôi sẽ đứng ở cửa lớp đợi cô giáo cho vào mới bước vào. Nhưng tôi không đứng đấy làm gì, trực tiếp xoay gót đi thẳng xuống cửa dưới, một lần nữa thản nhiên bước vào lớp.

Cô Ngọc Phương đã tức muốn hộc máu ra ngoài, cặp lông mày đậm của cô chau lại giữa trán, che rợp hai con mắt một mí nhỏ ti ti. Cô ném thước kẻ xuống dưới đất, những đứa ngồi xung quanh sợ tái mặt, theo phản xạ mà co chân lên. Tôi cợt nhả liếc nhìn, còn huýt sáo một tiếng. Cô Ngọc Phương tức không làm gì được, nghiến răng nhìn tôi mà chửi:

- Cha nào con nấy. Đúng là thứ không có tiền đồ.

Cô ấy tức quá, quên mất bản thân đang là một nhà giáo luôn rồi. Nhưng nói cũng phải, bị tôi chọc đến nỗi như thế, có kẻ nào không mất bình tĩnh mà phát điên lên chứ?

Bình Minh ngồi ngay ngắn, toàn thân bất động như tượng, nhưng mắt lại đảo sang nhìn tôi, nhìn những vết bầm dập trên mặt tôi, tôi cảm thấy hình như hắn khẽ thở dài.

- Nhìn gì? Không quen à? Cũng đâu phải ngày một ngày hai, ngày nào chả vậy, có gì lạ đâu?

Dứt câu tôi đưa tay chạm lên vết bầm trên gò má, vừa chạm vào liền đau đớn mà kêu lên một tiếng. Khóe mắt Bình Minh giật nhẹ, bất chợt quay cả người sang nhìn tôi, dường như hắn muốn làm gì đó, nhưng do dự một hồi lại không làm nữa.

Một ngày thứ bảy của tôi kết thúc như thế, vẫn vô vị nhạt nhẽo như bình thường.

Tôi trở về nhà, trời Hà Nội giữa trưa chói chang, những tia nắng như gai nhọn đâm xuyên qua lớp vải, châm chích vào da thịt, đã vậy còn tắc đường. Chật vật một hồi, cuối cùng tôi cũng về được nhà. Nhà tôi nằm ở khu nhà thuê tít trong ngõ hẹp, xung quanh ít người đi lại. Tôi không nghèo, cũng không giàu, gia cảnh rất tầm thường, nhưng mạng sống hàng ngày vẫn cứ như ngọn đèn trước gió, có thể vì một chút lơ là mà bị dập tắt.

Tôi bước vào nhà, lại nhìn thấy mẹ đang dọn dẹp đống lộn xộn trên sàn. Cái ấm vừa mua bị ném vỡ nát dưới chân mẹ, chỉ còn được cái quai ấm là lăn một góc. Bàn ghế bị xô dịch không ít, những đồ đạc còn lại mỗi chỗ một nơi, không đâu ra đâu. Tôi ngồi sụp xuống bên cạnh mẹ, hoảng loạn nắm lấy hai vai gầy trơ xương của bà:

- Chó má, lão súc sinh đấy lại đánh mẹ à?

Mẹ tôi lau máu tay áo vạt áo, rồi dịu dàng đưa tay vuốt ve gò má bầm tím của tôi, bà biết là do tôi đánh nhau, cũng quá quen thuộc rồi, không buồn nói nữa, chỉ nhẹ giọng nói một câu với giọng rất yếu ớt:

- Con không được gọi bố như thế.

Tôi nổi cáu:

- Không được? Lão già đấy vẫn gọi con là thằng súc vật đấy thôi.

Tôi ôm mẹ rồi dìu mẹ lên ghế, đây là cảnh mà tôi ghét phải nhìn thấy nhất từ nhỏ đến giờ. Tôi sợ phải nhìn mẹ ngồi chơ vơ giữa đống đổ nát, sợ mẹ quằn quại với những vết thương trên người, sợ nhìn thấy lão già đó đánh mẹ tôi.

Một bàn tay lão toàn mùi máu tanh, máu động vật, máu người, máu con nợ, máu tôi, máu của cả mẹ tôi, thật kinh tởm, thật đáng hận.

Mẹ tôi ngồi xuống ghế, tôi đứng trước mặt mẹ, hơi cúi người kiểm tra vết thương trên người mẹ, những vết lằn từ hôm qua chưa khỏi, hôm nay lại chèn những vết thương mới lên. Tôi xót đến ruột gan nóng như bị thiêu cháy, có lẽ vì chăm chú đến nỗi bản thân không biết có người đang đứng sau tôi, cặp mắt hằm hằm.

Mẹ tôi ngước nhìn, hét lên tuyệt vọng:

- An! Mau tránh ra.

Chương kế tiếp