Cọ Xát

Chương 47: Ngô Mạn Giai

Khu bếp nhà giam Thái An, Lăng Thành.

“A Văn, A Văn!”.

Lúc này là 4 rưỡi sáng, sắc trời còn chưa tỏ, một giọng nói thô cứng gào lên kéo theo mấy tiếng chó sủa.

“Ơi, có ngay”. Cô gái tên A Văn có vẻ chậm chạp, nghe thấy có người gọi tên mình, cô gái sửng sốt đứng ngây một lúc mới bỏ cục bột lớn trong tay xuống, chùi tay vào tạp dề, sau đó quay đầu về phía cửa, ấp úng đáp: “Cháu, cháu ở đây chú Giang! Có chuyện gì ạ?”.

Trả lời cô là một ông chú nghiện thuốc lá chừng năm mươi tuổi. Người đó ngậm một điếu thuốc lá, khoác chiếc áo quân phục, dưới chân đi một đôi giày vải Bắc Kinh cũ đã đắp vài miếng vá. Khuôn mặt người đó tràn đầy vẻ mất kiên nhẫn, rõ ràng không phải là người tốt tính gì.

Chú Giang nói: “Lão Tề đi giao đồ ăn làm rơi đầy ở cửa sau ấy, khắp nơi đều là khoai tây, củ cải, cà chua. Cô mau chóng đi giúp thu dọn nhé. Bằng không lát nữa lãnh đạo hậu cần nhìn thấy thì đừng bảo sao lại phải ăn mắng”.

A Văn hơi còng lưng, cả người có vẻ rất gầy yếu, nhút nhát sợ sệt. Cô nhỏ giọng nói: “Biết rồi chú Giang, cháu đi giúp ngay đây”.

“Nhanh nhẹn lên một chút, thu dọn xong còn phải về làm cơm sáng”. Mặc dù giọng điệu của chú Giang có phần ác nghiệt nhưng ánh mắt nhìn cô gái trẻ tuổi lại thoáng vẻ thương tiếc. Nói xong, ông ta vắt chiếc áo khoác lên vai, xoay người rời đi.

Lúc này còn có mấy nhân viên đang làm bếp cùng A Văn.

Trong đó có một phụ nữ trung niên béo lùn, nhìn lão nghiện thuốc đã đi xa, người đó gắt gỏng nói: “Lão Giang này cả ngày cứ như ăn nhầm phải thuốc súng, chả niềm nở với ai cả”. Nói xong, chị ta dừng lại nhìn A Văn, an ủi: “A Văn, cô đừng chấp chú Giang, trông thì vậy nhưng thực lòng cũng không đến nỗi nào”.

Người phụ nữ đó thường gọi là chị Trần, sớm chiều làm việc chung với A Văn nhiều năm nay, trước mặt chị Trần thì A Văn mới tự nhiên hơn một chút. Cô gái cười thẹn thùng: “Em biết, chú Giang chỉ sợ chúng ta bị lãnh đạo quở trách nên mới đến nhắc nhở”.

Nói xong, cô gái nhanh nhẹn cởi tạp dề, tiện tay treo lên cái móc bên cạnh, thong thả nói: “Vậy… chị Trần, các chị cứ làm trước, em sang bên kia giúp lão Tề đã ạ”.

Chị Trần gật đầu cười, “Đi đi”.

A Văn không nói gì nữa, gật đầu đi thẳng đến cổng lớn của nhà ăn. Cô đưa tay sửa tóc mái che đi góc trái khuôn mặt, sau đó mới đi ra ngoài.

Dưới trời sáng tờ mờ, bóng dáng mảnh khảnh hao gầy của cô gái dần dần biến mất.

Chị Trần chống dao lên thớt, ánh mắt vẫn dõi theo sau cô gái vừa rời đi. Rất lâu sau, chị Trần thu hồi tầm mắt, thở dài một tiếng.

Một chú lớn tuổi đứng bên cạnh thấy chị ấy thở dài bèn liếc mắt nhìn sang chị Trần, trêu chọc: “Mới sáng sớm đã thở ngắn than dài, buồn gì thế. Buồn chuyện con trai nhà cô vẫn chưa tìm được đối tượng à?”.

“Ông buồn thì có”. Chị Trần liếc ông chú đó một cái, “Con trai tôi tuần trước đã đưa bạn gái về rồi. Cô gái kia là người Côn Thành, công tác trong cơ quan nhà nước, đã vào biên chế, điều kiện vô cùng tốt!”.

“Ồ, thằng nhóc có bản lĩnh ghê ha”. Ông chú cầm dao phay chặt thịt rất thành thục, thuận miệng lại nói: “Thế cô còn than chuyện gì nữa”.

Chị Trần ngập ngừng một lúc, nói: “Tôi đang thấy tiếc cho A Văn của chúng ta”.

Vừa dứt lời, cả nhà bếp đều im lặng. Mọi người cùng lúc liếc mắt nhìn nhau, không hẹn mà gặp ai nấy cùng lắc đầu, thương tiếc vô cùng.

Chị Trần nhiệt tình tốt bụng, lại là người hay nói, ngày thường cũng chỉ có mình chị hay lảm nhảm một mình, chẳng có ai tiếp chuyện. Lúc này chị Trần lại bắt đầu lẩm bẩm: “A Văn vừa chăm chỉ vừa giỏi giang, học việc cũng nhanh, thế mà phải chịu khổ, một cô gái tốt như vậy… đáng tiếc, đáng tiếc…”.

Cửa nhà giam.

Gần sáng sớm, hai cảnh ngục cầm súng đứng nghiêm hai bên cửa, đồng phục màu xanh lục đậm, bên hông trang bị đầy đủ vũ khí, quần áo ngay ngắn, mặt mày lạnh băng. Dưới bầu trời u ám, trông xa hai người đó như quỷ la sát từ địa ngục khiến người khác nhìn thôi cũng cảm thấy sợ.

Lăng Thành bất ổn là việc trăm dặm quanh đó đều biết, nhà giam Thái An chính là nơi giam giữ tội phạm nghiêm trọng của địa phương. Những cảnh ngục có thể trấn áp tội phạm ở đây có thể nói còn hung hãn hơn cả ác quỷ.

Cái năm A Văn mới đến nhà giam Thái An, cả ngày cô đều nơm nớp lo sợ, thậm chí còn không dám nhìn những cảnh ngục đó. Cũng may, mấy năm trôi qua, cô đã dần dần quen thuộc với nhà giam nên không còn sợ như vậy nữa.

Thời gian vẫn còn sớm, tầm nhìn trước mắt vẫn còn mơ hồ.

Cửa lớn nhà giam chiếu đèn pha tuần tra rất lớn, A Văn lờ mờ nhìn thấy một chiếc xe kéo ba bánh bị lật nghiêng, các loại rau dưa và trái cây vương vãi trên mặt đất.

 Một ông già chừng 60 tuổi đang khom lưng nhặt chỗ rau củ rơi rụng đó bỏ vào một tiếng túi phân hủy màu trắng sạch sẽ.

A Văn đi đến trước cổng, nhìn xung quanh một cái, một lúc sau mới lấy được chút dũng khí, thử lên tiếng thăm dò: “Cảnh… cảnh sát?”.

Cô nói không lớn, hơn nữa còn hơi nói lắp, đúng lúc bên ngoài có một chiếc xe cứu thương đi qua, tiếng còi cảnh sát đã át hoàn toàn giọng nói của cô. Gọi xong, cánh cổng vẫn yên tĩnh như cũ, không hề có ai phản ứng.

Hết cách, A Văn đành phải đi gần thêm một chút, thấp thỏm gõ cánh cửa phòng đóng chặt, cao giọng hô: “Cảnh… cảnh sát?”.

Lần này, âm thanh rõ ràng đã truyền vào bên trong.

Nhà giam đều là đàn ông, ngay cả giám ngục cũng là đàn ông, thế nên âm thanh mềm mại uyển chuyển này rất hiếm khi xuất hiện ở đây.

Phía bên trong có người đang uống nước, nghe thấy tiếng gọi, người đó chợt dừng lại. Anh ta im lặng hai giây, duỗi hai chân đang vắt vào nhau, thong thả đứng dậy mở cửa đi ra ngoài.

Gió thu lạnh lẽo, A Văn im lặng đứng chờ bên ngoài.

Lăng Thành có thể nói là nơi trời đất không độ đến. Mùa hè thì nóng như lò than, mùa đông lại như cái hầm băng, hoàn toàn như một lò luyện ngục giữa trần gian.

Vào thu hơn một tháng, nhiệt độ đã giảm sâu xuống mười mấy độ, không khí lúc rạng sáng càng thêm lạnh lẽo.

A Văn ngày ngày đều thức khuya dậy sớm làm việc trong bếp, lò lửa luôn cháy bừng bừng, độ ấm cao, hơn nữa đi làm phải mặc quần áo lao động nên áo trong của cô thường rất mỏng manh.

Lúc này có cơn gió thổi qua, bộ quần áo mỏng manh không đủ chống lạnh, chớp mắt đã khiến cô lạnh đến rùng mình sởn gai ốc.

A Văn xoa hai tay vào nhau, giậm chân nhảy tại chỗ làm ấm cơ thể.

Đúng lúc này, tiếng bước chân đột ngột vang lên, vững vàng rắn rỏi. Cô ngơ ngẩn thong thả ngước mắt nhìn lên, chợt thấy một người đàn ông đi ra cổng.

Giống như những cảnh ngục khác, đối phương cũng mặc đồng phục cảnh ngục chỉnh tề, chiều cao chừng 1 mét 8, vai rộng chân dài, thân hình cường tráng. Dưới ánh đèn tuần tra, A Văn đã nhìn rõ khuôn mặt của người đàn ông.

Khuôn mặt của người đó rất thu hút, màu da hơi trầm, mặt mày sắc nét, sống mũi thẳng tắp đặc trưng của người phương Đông, hơn nữa còn rất đĩnh đạc đoan chính.

Ánh mắt người đàn ông rất đạm mạc, tĩnh lặng như mặt hồ không gợn sóng, lạnh nhạt nhìn cô.

Vài giây ngắn ngủi, A Văn chợt cảm thấy sợ hãi xen lẫn tò mò.

Cô đã làm việc ở đây mấy năm, gần như biết mặt tất cả cảnh ngục ở đây, nhưng vị cảnh sát trẻ tuổi này trông rất lạ mặt.

Có điều, anh ta cũng khá đẹp trai.

Ngay trước khi cô mở miệng nói thì người cảnh sát đã lên tiếng. Anh ta hờ hững hỏi: “Cô có chuyện gì?”.

“À, chào… chào anh cảnh sát, tôi là nhân viên nhà bếp”. A Văn cố gắng nói liền mạch, cô nở nụ cười, duỗi tay chỉ ra ngoài cửa lớn, “Chú… chú ngoài kia đến giao đồ ăn cho chúng tôi, xe bị lật, đồ ăn nhiều quá rơi đầy đất, tôi muốn đến giúp, nếu không người trong nhà giam… đều không được ăn cơm đúng giờ. Anh mở cửa cho tôi ra ngoài được không?”.

Cô có thể cố gắng nói hết một câu dù câu cú có đôi chút vấn đề, nhưng A Văn đã nỗ lực hết sức rồi.

Cô rất ít khi nói chuyện với người khác, năng lực biểu đạt ngôn ngữ cũng dần dần giảm sút.

Phía đối diện, nghe A Văn nói xong, viên cảnh sát quay đầu về phía tay cô chỉ, quả nhiên thấy một chiếc xe chở hàng ba bánh lật nghiêng, dưới đất đều là trái cây rau củ.

Anh ta không hề nhiều lời, lập tức đến quẹt mở cửa.

“Cảm… cảm ơn anh”.

A Văn gật đầu cảm ơn với viên cảnh sát, sau đó nhanh chóng đi ra ngoài giúp lão Tề nhặt đồ ăn.

“Chú Tề, xe… xe của chú sao lại đổ?”. A Văn tìm một chiếc túi to bên cạnh, ngồi xuống vừa nhặt đồ vừa hỏi.

“Nói lại thấy tức!”. Lão Tề tức giận thở phì phì khiến chòm râu rung rinh, hùng hổ nói: “Chắc lại là kẻ nào nghịch ngu vứt gạch lung tung trên đường. Tôi vốn đã mắt mờ rồi, sáng sớm không nhìn rõ đường nên đâm phải. Ôi, chỗ cà chua này dập quá nửa rồi”.

“Không… sao, dập thì dập thôi, rửa sạch đem đi xào với đồ ăn, vào… bụng rồi thì gì chả giống nhau”.

A Văn cười ngơ ngác, an ủi lão Tề đôi câu, sau đó cúi đầu chăm chú nhặt đồ. Nhặt được một lúc, đột nhiên một bàn tay lớn xuất hiện trước mắt cô.

Cái tay đó nhặt mấy bông cải xanh đưa cho cô.

A Văn sửng sốt, ngây ngốc ngẩng đầu lên, thì ra là cảnh ngục vừa mở cửa cho cô.

“Anh…”. A Văn trợn tròn mắt, mấp máy môi muốn nói gì đó rồi lại thôi.

Người đàn ông vẫn im lặng nhặt rau củ, hai quả thanh long, một đống cam sành, sau đó nhét cả vào chiếc túi bên cạnh cô.

A Văn nhìn hồi lâu mới nhận thức được viên cảnh sát này có lòng tốt giúp mình và lão Tề, cô nhỏ giọng nói: “Cảm ơn anh nhé, anh cảnh sát”.

Người đàn ông nghe tiếng, tầm mắt nâng lên cao, chuyển đến khuôn mặt của A Văn.

Cô gái ước chừng chưa qua 25, 26 tuổi, ăn mặc quần áo lao động giản dị, để phòng dính mỡ và thức ăn vào tóc mà trên đầu còn đội một chiếc mũ vải bố trắng kiểu ông già.

Khí chất của cô gái không hề xuất sắc, dáng dấp không quá đẹp, lưng lại hơi cong. Nhưng khuôn mặt lại nhỏ nhắn, má phải trắng nõn, đôi mắt như hai mảnh trăng non, có điều bên má trái lại khuất sau lớp tóc mái dày, làm thế nào cũng không nhìn rõ.

Rất giống kiểu tóc trong hoạt hình và truyện tranh Nhật Bản.

Người đàn ông nhìn A Văn, giọng điệu tự nhiên: “Hướng Hoài Viễn”.

A Văn sửng sốt, không hiểu anh ta đang nói gì: “Hả?”.

Hướng Hoài Viễn… Đó là cái gì?

Người đàn ông nhìn đôi mắt cô, giải thích: “Hướng Hoài Viễn, tên tôi”.

“À…”. Đối diện với khuôn mặt anh tuấn của người đàn ông, A Văn chợt hoảng hốt, cảm giác tự ti sâu thẳm trong nội tâm đột nhiên xuất hiện.

Cô nghiêng người theo bản năng, quay má phải về phía anh ta, nói: “Chào, chào cảnh sát Hướng”.

Sáng sớm buồn tẻ nhạt nhẽo ở nhà giam bỗng chốc trở nên thú vị vì sự xuất hiện của cô gái ngốc nghếch hậu đậu này.

Vì thế, anh ta nhìn cô chằm chằm, lại lần nữa tiếp lời: “Còn cô, tên là gì?”.

“Tôi tên là… A Văn”. A Văn trả lời ngắn gọn.

Trả lời xong, không biết nghĩ tới điều gì, ánh mắt cô chợt rủ xuống ảm đạm, vội vàng đứng dậy chạy đến bên cạnh lão Tề, không dám nhiều lời với cảnh sát trẻ tuổi kia nữa.

Thêm người thêm sức, chẳng mấy chốc ba người đã nhặt hết đồ vương vãi lên chiếc xe ba bánh của lão Tề.

Nhặt đồ ăn xong, A Văn đi vào cửa sau cùng lão Tề, lập tức trở về nhà bếp.

Hướng Hoài Viễn trở lại cổng gác uống trà. Qua cửa kính, anh ta thấy chiếc xe kéo ba bánh kia tiến vào cổng nhà giam.

Chiếc xe ba bánh đã bị hỏng khi bị lật ban nãy nên không thể lái đi tiếp, chỉ còn cách dùng sức người kéo. Cũng may ông chú giao đồ cũng là dân lao động, sức dài vai rộng, đẩy xe cũng không tốn nhiều sức.

Cô gái tên A Văn đó cũng không được rảnh rang, hai tay chống phía sau đẩy hết sức.

Hướng Hoài Viễn nhìn một lúc, chuẩn bị đi đến giúp một tay. Vừa ra tới cửa, một người đàn ông trung niên mặc quần áo lao động xuất hiện giúp người đàn ông giao đồ ăn và A Văn đẩy xe đi.

Lúc này, một cảnh ngục rất trẻ mở cửa đi vào, tươi cười nói: “Cảm ơn anh Viễn, vừa được điều tới đã bắt anh giúp em trực ban, ngày mai sẽ mời anh ăn cơm!”.

Cảnh ngục nói xong thì lấy một điếu thuốc lá trong hộp ra đưa cho Hướng Hoài Viễn.

Hướng Hoài Viễn nhận lấy, cầm bật lửa nhưng không vội châm, ánh mắt vẫn nhìn về chiếc xe ba bánh ở phía xa.

“Anh Viễn đang nhìn gì thế?”. Cảnh ngục trẻ tuổi khó hiểu, nhìn theo tầm mắt Hướng Hoài Viễn, nói: “Vừa rồi nghe nói xe đồ ăn bị lật trước cổng, đúng là, mệt còn thêm mệt”.

Hướng Hoài Viễn trầm mặc vài giây, bỗng nhiên cười nói: “Các cô gái trẻ bây giờ sao thế nhỉ, dám tới cả nhà giam Thái An làm việc”.

“Cô gái trẻ?” Cảnh ngục cau mày suy tư, lát sau mới bừng tỉnh: “Anh Viễn, anh nói A Văn ở nhà bếp à?”.

Hướng Hoài Viễn nhướng mắt hỏi: “Cậu biết cô ấy à?”.

“Cô ấy đã làm ở đây được vài năm rồi”. Cảnh ngục nói, “Cô gái đó rất ngốc, phản ứng chậm chạp, hiểu vấn đề cũng hơi chậm, nói chuyện với cô ấy mệt lắm. Nhưng mà cũng là một người đáng thương, haizzz”.

Hướng Hoài Viễn nhíu mày, “Sao thế”.

“Cô ấy…”.

Cảnh ngục trẻ tuổi hơi do dự, nhìn trái nhìn phải một lúc mới nhỏ giọng nói: “Anh Viễn, chắc là anh chưa thấy đúng không? Má trái của A Văn có một vết sẹo rất lớn, rất dọa người, không biết vì sao mà có, cho nên cô ấy mới lấy tóc che hết một bên má”.

Cảnh ngục nói xong, Hướng Hoài Viễn đóng lại bật chiếc bật lửa kim loại trong tay, hình ảnh thân hình gầy yếu nhặt rau củ của cô gái vô thức hiện lên trong đầu.

Một lát sau, Hướng Hoài Viễn hỏi: “Làm thế nào cô ấy lại được tuyển vào đây?”.

“Lăng Thành vốn đã có tiếng xấu, nhà giam Thái An lại là nơi tập hợp toàn đầu trâu mặt ngựa, xưa nay đều giam toàn tội phạm nghiêm trọng”. Cảnh ngục trẻ tuổi nhún vai, “Tiền lương ở nhà ăn vừa thấp, công việc lại vất vả, thức khuya dậy sớm, có thể tuyển được người là tốt lắm rồi, ai còn quan tâm chuyện khác nữa”.

Lăng Thành giáp với biên giới, thành phần phức tạp, trị an không tốt. Dưới bối cảnh như vậy, người địa phương ở Lăng Thành sớm đã hình thành thói quen sẽ nhanh chóng về nhà khi trời vừa sẩm tối, cố gắng hết sức không nán lại bên ngoài.

Mặt trời ngả về Tây, màn đêm buông xuống.

A Văn cất mâm bát đũa cuối cùng vào tủ khử trùng, xoa bóp vòng eo tê mỏi vì làm việc cả ngày, sau đó về phòng nghỉ thay quần áo về bộ đồ thường ngày của mình.

Công việc của nhà bếp trong trại giam rất vất vả nhưng công việc đơn giản, giờ giấc nghỉ ngơi rất có quy luật, không phải vắt óc giao tiếp với người khác, điều này khiến A Văn rất hài lòng.

Sau khi chào tạm biệt chị Trần và mọi người, cô đeo túi rời khỏi nhà giam, di chuyển đến trạm chờ xe buýt.

A Văn phải đến đường 47 ở Lăng Thành bắt xe, điểm đầu chính là nhà giam Thái An.

Người cả nước muốn tránh Lăng Thành, người Lăng Thành lại muốn tránh nhà giam Thái An. Vì vậy, cô ngồi xe buýt về nhà, trên xe chỉ có cô và tài xế.

Nhưng hôm nay là ngoại lệ.

Xe buýt vừa ra khỏi trạm đường 47, A Văn cúi đầu bước lên bậc xe, chuẩn bị trả tiền thì nhìn thấy mấy người đàn ông trẻ tuổi ngồi ở hàng trước.

Dáng vẻ mấy người đó lấc cấc cù bất cù bơ, làn da đen sẫm, trò chuyện bằng thứ tiếng gì đó không phải của Lăng Thành, thậm chí không phải tiếng Trung.

A Văn hơi sững lại.

Mặc dù cô hơi chậm chạp nhưng không phải kẻ ngốc. Chẳng mấy chốc cô đã đoán được họ là người Myanmar.

“…”. A Văn nắm tiền xu trong tay, vô thức siết chặt, nội tâm rối rắm, đứng ở cửa xe mãi vẫn không trả tiền.

Tài xế mất kiên nhẫn, nhíu mày thúc giục: “Rốt cuộc cô có đi không? Đừng làm người khác chậm trễ”.

“… Xin, xin lỗi”.

A Văn vốn đã nhát gan, tài xế vừa cáu đã khiến cô đỏ mặt, sợ hãi nhảy xuống xe.

Cô vừa mới xuống xe, cửa xe đã đóng lại. Tài xế lẩm bẩm mắng cô mấy câu sau đó đạp phanh đi thẳng.

A Văn ủ rũ quay trở về trạm, ngẩng đầu nhìn bầu trời u ám, bóng đen sắp bao phủ cả thành phố.

Đúng lúc này, một chiếc xe ô tô màu xám bạc ra khỏi cửa nhà giam, chậm rãi rẽ tới con đường trước trạm xe.

Cửa xe ở ghế lái hạ xuống, theo sau là tiếng nói nhẹ nhàng truyền đến bên tai, hỏi cô: “Cô ở chỗ nào?”.

A Văn ngẩn ngơ, chậm chạp ngẩng đầu lên thấy một khuôn mặt lạnh lùng phía sau cửa sổ xe.

A Văn nhớ lại một chút, nhận ra đây là viên cảnh sát đã giúp cô nhặt đồ vào sáng sớm.

“… Cảnh sát Hướng?”. Giọng nói của A Văn rất nhẹ mang theo ngữ khí không chắc chắn, cẩn thận sợ mình nhận nhầm.

Hướng Hoài Viễn nhướng mày: “Cô còn nhớ rõ tên của tôi không”.

A Văn gật đầu, cố gắng nói thật lưu loát: “Nhớ, anh… anh tên là Hướng… Hoài Viễn”.

Hướng Hoài Viễn bị dáng vẻ ngốc nghếch lắp bắp của cô chọc cười, khóe miệng cong lên, nói: “Lên xe đi, tôi đưa cô đi một đoạn. Không còn sớm nữa, con gái đừng một mình bên ngoài”.

A Văn hơi do dự, một lúc sau mới nhẹ giọng nói: “Anh đưa tôi đi, có phải hơi phiền phức không”.

Hướng Hoài Viễn: “Lăng Thành không lớn, có gì mà phiền phức”.

A Văn hơi cúi đầu, đưa tay sờ tóc che bên má trái theo bản năng, sau đó mới lấy hết can đảm đi về phía xe của Hướng Hoài Viễn.

Vốn dĩ A Văn không dám ngồi ghế phụ, nhưng nghĩ đến nếu cô ngồi ghế sau lại càng bất lịch sự nên đành phải vòng sang bên kia, kéo cửa xe ngồi vào ghế phụ.

Hướng Hoài Viễn khởi động xe, tùy ý hỏi: “Cô ở chỗ nào?”.

Cô gái trả lời một địa chỉ.

Cả người cô cẳng thẳng co rúm lại, giọng nói cũng rất nhỏ. Hướng Hoài Viễn nghe không rõ đành hỏi lại: “Chỗ nào?”.

Lúc này, A Văn hắng giọng, lớn tiếng hơn một chút: “Số 14 phố Bạch Ngọc Lan”. Tiếp đó, cô ngập ngừng nửa giây mới nói tiếp: “Cảm ơn”.

Hai người im lặng suốt đoạn đường.

Hướng Hoài Viễn lái xe đưa A Văn về đến cửa tiểu khu của co, sau đó quay đầu xe về nhà.

A Văn không có cảm đảm nói “Hẹn gặp lại” với Hướng Hoài Viễn mà chỉ vẫy tay với bóng chiếc ô tô đang rời đi của viên cảnh sát trẻ tuổi.

Vẫy xong, trái tim cô bỗng nhiên trở nên ấm áp, khóe miệng vô thức cong lên nở nụ cười nhẹ nhàng.

Phố Bạch Ngọc Lan nằm trong khu phố cổ của Lăng Thành, khắp nơi đều mang hơi thở niên đại.

A Văn đi vào cửa tiểu khu, lấy chìa khóa ở cổng và sữa mà mẹ đặt cho cô mỗi ngày, sau đó lên tầng trở về nhà.

Cô lấy chìa khóa ra mở cửa, đặt sữa bò trên tủ ở huyền quan, vừa thay giày vừa lên tiếng chào hỏi: “Mẹ… con về rồi đây”.

Đột nhiên, một giọng nữ từ phòng khách vọng đến, vừa ngỡ ngàng vừa thấp thỏm, lại vừa như mang theo cảm xúc mừng rỡ vô cùng. Người đó gọi một cái tên mà rất nhiều năm rồi A Văn chưa từng nghe thấy.

“… Mạn Giai?”.

Giọng nói trong trẻo dễ nghe, nữ tính trưởng thành nhưng không thiếu sự dịu dàng ngọt ngào của thiếu nữ. Cho dù đã xa cách nhiều năm nhưng A Văn lập tức nhận ra chủ nhân của giọng nói đó.

Năm ngón tay cô ấy chợt run lên, bình sữa tươi rơi xuống mặt đất vỡ tung, sữa trắng vấy đầy ngoài cửa, vung vãi khắp nơi.

“Ngô Mạn Giai!”.

Hàm Cẩm Thư đợi trong phòng khách đã lâu, sống mũi cay cay, cô đứng bật dậy bước về phía cửa, giọng nói thoáng chốc đã trở nên nghẹn ngào: “Trời ạ, đúng là cậu rồi! Mình không phải đang nằm mơ!”.

A Văn, cũng chính là Ngô Mạn Giai đứng bất động tại chỗ, rất lâu vẫn không có phản ứng.

Hàn Cẩm Thư bước lên trước, liếc mắt đã chú ý đến tóc mái dày che khuất má trái của Ngô Mạn Giai. Cô đau lòng đến mức khó thở, không màng chuyện gì chạy đến ôm chầm lấy Ngô Mạn Giai, nước mắt tràn mi: “Mạn Giai, Mạn Giai, đúng là cậu rồi. Mình còn tưởng đời này không được gặp cậu nữa!”.

Khuôn mặt nhỏ nhắn của Ngô Mạn Giai vẫn ngơ ngác, chết lặng không nhúc nhích. Cô ấy không hề trả lời Hàn Cẩm Thư, cũng không có động tác khác.

Ngô Mạn Giai nhướng mắt nhìn phòng khách nhỏ bé đơn sơ sau lưng Hàn Cẩm Thư đã có thêm mấy người xa lạ. Mẹ cô mặc một chiếc váy hoa đã cũ, ánh mắt vừa phức tạp vừa câu nệ, bà đứng cạnh bàn trà, sắc mặt vô cùng bất an.

Ngoài ra còn có hai người đàn ông cao lớn ngồi trên chiếc sô pha secondhand, một người nghiêm nghị chỉnh tề, lạnh lùng cao quý; một người cao gầy, khuôn mặt tuấn tú còn có một vết sẹo dữ tợn vắt ngang.

Còn cả cô gái xinh đẹp đang ôm mình lúc này.

Bọn họ đều không hợp với ngôi nhà của cô, thế giới của cô và cả cuộc sống của cô.

Lát sau, Ngô Mạn Giai nâng tay lên, nhẹ nhàng đỡ tay Hàn Cẩm Thư, sau đó hơi dùng sức đẩy Hàn Cẩm Thư ra.

Hàn Cẩm Thư cảm giác được sự kháng cự của Ngô Mạn Giai với mình, nỗi lòng trầm xuống, giọng nói run rẩy: “Mạn Giai, cậu…”.

“Hàn Cẩm Thư”. Cô gái gầy yếu hơi nói lắp nở nụ cười bình tĩnh lịch sự với cô, “Đã… đã lâu không gặp, cậu vẫn… xinh đẹp như năm đó”.

Hàn Cẩm Thư nắm tay Ngô Mạn Giai: “Cậu biết không, mấy năm nay mình rất lo lắng cho cậu, vẫn luôn tìm cậu khắp nơi”.

“Tìm tôi?”. Ngô Mạn Giai khó hiểu, ánh mắt tràn đầy hoang mang, “Vì sao?”.

Hàn Cẩm Thư nhìn đôi mắt Ngô Mạn Giai, trầm giọng nói: “Mình có thể chữa trị vết thương trên mặt cậu”.

Hàn Cẩm Thư vừa dứt lời, căn phòng đều lâm vào yên tĩnh.

Ngay sau đó, hoàn toàn ngoài dự liệu của Hàn Cẩm Thư, Ngô Mạn Giai chẳng hề tỏ ra vui vẻ. Khuôn mặt cô ấy vẫn mang theo nụ cười rất nhạt, vừa lạnh lùng vừa xa cách.

Ngô Mạn Giai nói: “Cảm ơn… ý tốt của cậu, tôi không cần đâu”.

Hàn Cẩm Thư nhíu mày: “Không cần?”.

Ngô Mạn Giai nói: “Đúng vậy”.

Hàn Cẩn Thư run rẩy, mấp máy môi: “Mạn Giai…”.

“Gọi tôi là A Văn đi”. Ngô Mạn Giai thong thả nói, “Tôi đã quen… cuộc sống thế này. Ở đây không có người… biết tôi, cũng không có người làm phiền tôi. Rất tốt, không cần phải thay đổi gì cả”.

Nhìn khuôn mặt bình tĩnh thản nhiên của người bạn thân năm đó, trong lòng Hàn Cẩm Thư dâng lên một suy đoán khiến cô cảm thấy đau đớn.

Cô suy sụp nắm chặt hai tay Ngô Mạn Giai, khóe miệng cười chua xót, nhẹ giọng nói: “Cậu không muốn nhận sự giúp đỡ của mình”.

Ngô Mạn Giai không lên tiếng.

“Cậu vẫn không chịu tha thứ cho mình”. Hai mắt Hàn Cẩm Thư đỏ ậng nước, nhịn không được bật khóc: “Phải không?”.

Chương kế tiếp