Giấc Mộng Hoè Nam

Chương 15
Thẩm Hòe Nam

Khoảng thời gian anh trở về Mỹ phẫu thuật, em đã tập trung toàn bộ vào kỳ thi thử. Có lẽ lần này không phải là kỳ thi tuyển sinh đại học mà em hy vọng, nhưng em biết cuộc sống này có rất nhiều khả năng, em không có gì để mất, cho nên mỗi cơ hội phải được nắm bắt thật chắc.

Mấy ngày đó em cũng không gặp Trần Hoành Vũ, em nghĩ chắc cậu ấy đang bắt đầu nghiêm túc học tập. Thế mà có một ngày nọ cậu ấy đến nhà tìm em, em thấy trạng của cậu ấy có vẻ không được ổn lắm, thái độ ngập ngừng muốn nói lại thôi lộ rõ trên mặt. Cuối cùng, cậu ấy vò đầu, nói ra một hơi:

- Tiểu Nam, cậu có thể dẫn tôi tới nhà Cảnh Thời một chuyến không?

Em nhíu mày, nghĩ là cậu ấy chỉ đang nói đùa, hỏi:

- Trần Hoành Vũ, cậu phát bệnh gì nữa vậy?

Em không biết rằng cậu thanh niên trông thật bình thường này có thể duy trì sự chấp niệm đến cùng cỡ này. Cậu ấy nói với em, lần trước Chu Vân Phong nói nhà máy điện cắt giảm công nhân, cậu ấy có đi tìm hiểu một chút, tình cờ phát hiện cách thức mua vào giá rẻ rồi bán lại với giá cao giống y như đúc thời điểm xưởng dệt đóng cửa, cậu ấy nghi ngờ là cũng một nhóm người làm. Đồng thời, những đứa trẻ có người nhà bị sa thải đứng chặn ở cửa nhìn thấy có một người phụ nữ. Cậu ấy đã từng nhìn thấy người phụ nữ này, bởi vì cậu ấy yêu quần vợt đến nỗi đã xem trận chung kết của anh không biết bao nhiêu lần, ngay cả những cảnh quay trên khán đài cũng không bỏ qua, cậu ấy biết đó là mẹ anh.

Em im lặng một hồi lâu, sau đó hất tay cậu ấy ra, nói:

- Trần Hoành Vũ, cậu đừng đoán mò, cậu đang phỉ báng...

Cậu ấy lấy chiếc điện thoại cũ ra, trên đó là bóng dáng mơ hồ của mẹ anh, nói:

- Bác Lưu nói rằng trước kia bà ấy là Phó khu trưởng của khu Bắc Thành, quan chức thông đồng với nhau, rất dễ xảy ra những chuyện như vậy! Tiểu Nam, hiện tại đang điều tra nghiêm ngặt nạn tham nhũng, bây giờ là cơ hội tốt nhất!

Trái tim của em trống rỗng, dường như mong đợi một cái gì đó, và cũng đang sợ hãi một điều gì đó, em nói:

- Tôi không thể làm điều đó.

Bọn em im lặng hồi lâu, cậu ấy gật đầu, nói:

- Tôi hiểu được mà, Tiểu Nam! - Cậu ấy nở một nụ cười giống như một cậu bé mới lớn, tiếp: - Tiểu Nam, cậu cứ ôn tập thi đại học cho thật tốt, tôi hứa sẽ làm chuyện này tới cùng, giành lại công bằng cho dì của tôi và mẹ của cậu.

Cậu ấy rời khỏi, trong nhà chỉ còn mỗi em, em ngồi thụp xuống cạnh bên mép giường, em tự nhủ với bản thân, chuyện này không có khả năng.

Mọi thứ diễn ra nhanh hơn em nghĩ, em không biết Trần Hoành Vũ đã sử dụng biện pháp gì để tập hợp những người già trẻ lớn bé này lại với nhau, có công nhân nhà máy máy điện bị sa thải, có sinh viên trường kỹ thuật, còn có người nhà của các nạn nhân trong vụ nổ lớn ở nhà máy dệt. Tay họ cầm loa, giơ cao biểu ngữ, trên đó còn dùng sơn đỏ viết “TRẢ LẠI CÔNG BẰNG CHO CÔNG NHÂN BỊ SA THẢI!!!” và “TƯỞNG NHỚ CÁC NẠN NHÂN TRONG VỤ NỔ NHÀ MÁY DỆT”, tập trung trước cổng đồn công an Bắc Thành.

Em đã thấy Trần Hoành Vũ ở phía xa, cậu ấy vừa giơ nắm tay, vừa hô khẩu hiệu, kéo theo đằng sau là những tiếng hô vang vọng. Cậu ấy không còn là một cậu bé mười tám tuổi nữa mà giống như một hiệp sĩ, với một lá cờ trên tay để chiến đấu với số phận, tìm kiếm tương lai từ trong tối ra đến ngoài sáng.

Tiếp theo là tiếng rầm rầm lớn, pháo bắn lên bầu trời xanh, tiền giấy màu vàng trắng nở rộ giữa không trung, rồi rơi lả tả xuống đất, nghênh đón sương mù cùng hoàng hôn giống như một cơn mưa dầm yên tĩnh. Sự việc lập tức trở nên căng thẳng hơn, mấy chiếc xe cảnh sát chạy qua. Trần Kiến Quốc xuống xe, tức giận giữa chặt tay của Trần Hoành Vũ, em muốn đi theo nhưng không có đủ dũng khí. Trần Kiến Quốc hét lớn, giọng nói mang theo phẫn nộ và trách móc:

- TRẦN HOÀNH VŨ, CON ĐANG LÀM GÌ Ở ĐÂY? QUAY TRỞ VỀ TRƯỜNG NGAY CHO BA!

Quần chúng biểu tình phía sau cũng đang tranh chấp với cảnh sát, không ít người trong lúc chen chúc đã té ngã, thế nhưng bọn họ lập tức đứng lên, tự động đứng ở phía sau cột cờ một hàng trở thành tấm lá chắn thịt.

Trần Hoành Vũ đoạt lấy cái loa, Trần Kiến Quốc tức giận không thể kìm được:

- Con! Thằng nhóc này! Cút về trường học ngay cho ba!

Trần Hoành Vũ không hề quan tâm, giơ loa lên và ngửa đầu cao giọng hô:

- TRẢ LẠI CÔNG BẰNG CHO CÁC CÔNG NHÂN ĐÃ BỊ SA THẢI! TRẢ LẠI CÔNG BẰNG CHO CÁC NẠN NHÂN TRONG VỤ NỔ Ở XƯỞNG DỆT!!!

Giống như một dàn hòa nhạc, mọi người ở sau đồng loạt ca vang.

Giữa tiếng người đang hô hét lên, Trần Hoành Vũ rưng rưng nước mắt nói với Trần Kiến Quốc:

- Cha, chuyện cha không thể làm, để con trai làm thay cha!

Em thấy Trần Kiến Quốc ngây ngẩn cả người, ngừng động tác lại. Chỉ chốc lát sau, lại có mấy chiếc xe cảnh sát tới, cứng rắn xua đuổi mọi người.

Đường phố trở nên vắng lặng, xa xa có người mang theo chổi liễu gom hết đá vụn, tàn thuốc, tiền giấy và lá rụng lại thành một đống, sau đó châm lửa. Gió rất lớn, tro bay đầy trời, tàn dư còn sót lại trên mặt đất xi măng bị thổi bay, em rời đi, chỉ còn lại mỗi Trần Kiến Quốc ngồi bên vệ đường, vừa hút thuốc vừa dụi nước mắt.

Em chạy đi, chạy đến trạm xe buýt. Ngồi trên xe buýt, nhìn Bắc Thành cũ kỹ đi qua trước mắt em, nơi này đã từng chứa đựng những kỷ niệm đẹp nhất thời thơ ấu của em. Tại thời điểm đó, xưởng dệt là một thắng cảnh. Trưa nào nhà máy cũng phát nước ngọt có ga hương cam, đóng gói bằng chai thủy tinh, sóng sánh trong suốt. Mùa hè thường xuyên tổ chức cho người nhà của công nhân đi chơi bãi biển, em và Trần Hoành Vũ như người một nhà. Ngoài ra còn có lễ hội hóa trang của nhà máy dệt, đó là thời điểm mà tất cả mọi người trong khu công nghiệp cũ đều rất mong ngóng. Bọn em được người ta gọi là hậu duệ của “con cả nền cộng hòa”, đó là niềm kiêu hãnh lớn lao. Sau đó, xảy ra vụ nổ, nhà xưởng trở nên hoang tàn.

Xe buýt chạy ngang qua địa chỉ trước đây của nhà máy dệt, bây giờ nơi đó đã trở thành một xưởng gia công linh kiện điện thoại rồi. Đôi mắt của em dần dần trở nên nhập nhèm, lúc đó khu này người đến người đi náo nhiệt làm sao, mỗi lần tan tầm mẹ em đều sẽ đi tắm dưới vòi hoa sen cho sạch những mảnh vải vụn và bụi bặm trên người, mùi bạc hà thơm mát của dầu gội con ong thoang thoảng trên mái tóc ướt dầm dề. Các cô đồng nghiệp thắt hai bím tóc, mặc váy hoa bằng vải bông, dùng kem dưỡng da Hữu Nghị, kem dưỡng da Trăm Hoa Đua Nở. Ngoài cửa xưởng dệt là từng hàng xe đạp chật ních, của những anh chàng tới đón mấy cô nàng tan làm về.

Em nhắm mắt lại, sau đó, không khí chứa tro tàn đột nhiên bốc cháy và lan tràn khắp nơi, nắp xi măng dày một mét bị nổ vỡ vụn, cong lên, các thanh thép dày như ngón tay và các bức tường đúc xi măng bị nổ tung đến biến dạng và sụp đổ, máy móc nặng hàng chục tấn bị hất lên không trung, làn khí mạnh mẽ làm vỡ tấm kính của mái nhà răng cưa thành mảnh vụn, cùng với khung cửa sổ bay ra ngoài hàng trăm mét. Cuộc sống của mẹ em và tất cả các nữ công nhân đã dừng lại trong khoảnh khắc đó, kèm theo tiếng la hét bị thiêu đốt bởi ngọn lửa, tiếng rên rỉ bị đè bẹp bởi vật nặng và máy móc, tiếng thét chói tai, tiếng sụp đổ như mưa đá, tiếng lửa gầm gừ…

Em mở mắt ra, dòng nước mắt lạnh lẽo chảy qua má, em hét lên: “cho xuống!" trong lúc lao về phía trước, em không quan tâm đến đôi mắt của người khác, em chạy nhanh, chạy đến căn hộ đã từng có những kỷ niệm đẹp của chúng ta, lấy chìa khóa anh đưa cho em ra. Ngay khi mở cửa, em biết, tất cả mọi thứ giữa chúng ta đã kết thúc rồi.

Em đưa cho Trần Hoành Vũ bức ảnh mà anh chụp chung với mẹ, Trần Hoành Vũ há miệng muốn nói gì đó, nhưng em quay đầu đi, trên đường gặp Bùi Tử Quân, em chỉ cúi đầu rồi vội vàng đi lướt qua.

Năm đó, chuyện này vô cùng ác liệt. Lần sau khi em đi ngang qua đồn công an thì không nhìn thấy Trần Hoành Vũ, mà thay thế cậu ấy là Trần Kiến Quốc đã cởi bỏ trang phục màu xanh của công an. Ông ấy cũng ra sức hô khẩu hiệu, vung nắm đấm, em dường như nhìn thấy bóng dáng Trần Hoành Vũ trên người ông ấy. Khi đó em còn không biết, bởi vì chuyện này, bởi vì ánh mắt kiên định của con trai mình, ông ấy cố nén đau đớn trình lên thư xin từ chức.

Trần Hoành Vũ mất rất nhiều thời gian để đi điều tra, tìm tư liệu, tìm đủ loại chứng cứ, liệt kê thành một quyển sổ dày, mỗi ngày đều chạy đến Ủy ban kỷ luật hoặc đồn công an. Sau đó, kết quả nhanh chóng được đưa ra, em thấy trên TV mẹ của anh được đưa ra khỏi máy bay và bóng dáng anh nâng chiếc cúp bỗng loé lên, em quay đầu, giả vờ như không nhìn thấy, nhưng điều này không ai có thể lừa dối bản thân mình được.

Em biết rằng anh đã trở lại, nếu không thì mỗi buổi sáng chỗ ngồi của em sẽ không xuất hiện một bài thi thử tiếng Anh đã được sửa lỗi và ghi chú kỹ lưỡng. Em cũng biết rằng mỗi đêm anh đều đưa em về nhà, biết anh sẽ trốn trong con hẻm cho đến khi em bật đèn lên thì anh mới rời đi. Nhưng em đã không đi tìm anh, giống như em đã không nói với anh rằng khi đối mặt với một bài thi hoặc màn đêm yên tĩnh, em sẽ rơi nước mắt một mình.

Em tự trấn an, kiên trì cho đến khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh Đại học. Nhưng ông trời cứ thích trêu ngươi, em đã phụ công lao của anh, không tham gia môn thi tiếng Anh cuối cùng. Tiền bồi thường đã được thanh toán một lần, nhưng mẹ em cũng đã rời đi mãi mãi.

Chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa.

Có lẽ đó là số phận.

Chúng ta đón A Chính từ nhà Trần Hoành Vũ về, anh dẫn thằng bé đi chơi quần vợt, thân thể nhỏ bé của nó mang theo một cây vợt lớn chạy tới chạy lui có chút buồn cười. Đánh bóng xong, chúng ta lại cùng nhau đi ăn McDonald's. Về đến nhà cùng nhau xem phim hoạt hình một lát, thằng bé liền ngáp. Sau khi đưa thằng bé đi ngủ, em nằm trong vòng tay anh.

Chúng ta đã không đề cập đến buổi họp lớp kết thúc trong bầu không khí bực dọc ban trưa. Sau cơn thịnh nộ này, hình như em đã không còn đau đớn hay tuyệt vọng nữa. Đối mặt với bầu trời đầy ắp những vì tinh tú, em bắt đầu chấp nhận sự thờ ơ nhưng cũng dịu dàng của thế giới này. Em cảm thấy thế giới này rất giống chúng ta, nói chung là như thể tay chân. Nhưng có một điều không giống chính là, em thấy trước kia mình cũng hạnh phúc, giờ đây em vẫn hạnh phúc.

Em gối lên cánh tay của anh và nhìn vào đôi mắt to dưới hàng mi rậm của anh. Ngón tay của em chạm vào vết sẹo trên cổ tay trái anh, nó thật gồ ghề, uốn lượn, màu đỏ tươi dưới ánh đèn đặc biệt hung tàn. Em quay lại và hỏi anh làm thế nào chịu đựng được như vậy. Anh không nói một lời, chỉ rút tay ra, và sau đó ôm em chặt hơn.

Em nói cho anh biết rằng tuần tới em sẽ thi chứng chỉ giáo viên. Anh hỏi em chuẩn bị như thế nào rồi. Em nói mình vẫn sợ ca hát. Anh vuốt đầu trấn an, nói không có việc gì, không được thì cứ mặc kệ tất cả hát bừa lên đi, dọa chết bọn họ. Em đã bật cười bởi những gì anh nói. Nhìn chằm chằm vào trần nhà với ánh đèn mờ vực, bắt đầu lập kế hoạch tương lai của chúng ta, em nói rằng chúng ta tiết kiệm một số tiền, sau đó đổi qua một ngôi nhà lớn hơn, tốt nhất là trong trung tâm thành phố, để đi đâu cũng tiện. Anh nhắm mắt lại, gật gật đầu, nói rằng chuyện kiếm tiền là trách nhiệm của anh, bảo em đừng lo lắng những điều này, còn nói anh ở nước ngoài có chút tiền tiết kiệm, nhưng vẫn còn phải xoay vòng thêm một thời gian.

Em lại cọ cọ vào trong ngực anh, thân thể vặn vẹo, nghe thấy anh ở bên tai nói em đây là đang châm lửa. Trong lòng em ấm áp, không dừng lại mà vẫn tiếp tục, anh cũng giật giật thân thể, nói em hôm nay sao mà to gan quá vậy. Em nói, em đã rất to gan rồi. Anh cười ra tiếng, vừa hôn em vừa nói, lúc trước sao không phát hiện ra nhỉ.

Em bị anh hôn đến không thở được, vùi đầu vào lòng anh, cảm nhận cơ ngực của anh. Em thì thầm:

- Cảnh Thời, anh thích con trai hay con gái?

Anh cúi đầu nhìn em, mân mê vành tai em, nói:

- Chúng ta có A Chính, một đứa nhỏ là đủ rồi, một nhà ba người không phải rất tốt sao?

Tim em đập thình thịch, lại vùi đầu vào ngực anh, em nói:

- Cảnh Thời, cảm ơn anh.

Anh nâng mặt em lên, nói: - Cảm ơn cái gì?

Em nói: - Cảm ơn anh rất nhiều.

Anh hôn nhẹ lên trán em và nói em ngốc.

Thời gian cứ trôi qua một cách chậm rãi, trong sự ấm áp như vậy, em vẫn tiếp tục đắm mình rồi dần dần có chút buồn ngủ, trong cơn mơ màng em nhỏ giọng lẩm bẩm: “Cảnh Thời, anh không giữ lời!”. Em cảm nhận được hơi thở đều đều của anh, em cũng khép đôi mi lại.

Em biết rằng hai linh hồn sẽ không gặp nhau một cách tình cờ. Anh là vị khách qua đường duy nhất trong cuộc đời của em. Anh để lại một vài dấu ấn của mình, sau đó cũng sẽ mang đi một phần hơi thở của em. Em cần anh, cho dù bây giờ hay mãi mãi.

Em ngủ thiếp đi và mơ một giấc mơ thật lạ.

Chúng ta vẫn bỏ lỡ hoàng hôn.

Chiều nay không ai thấy bàn tay của em nắm lấy tay anh, khi đêm đen buông xuống nhân gian, em nhìn ra ngoài từ ô cửa sổ nhà em, mặt trời đã lặn trên những ngọn đồi xa xăm.

Có một mặt trời, giống như một đồng xu vàng đang cháy giữa hai bàn tay của em.

Em nhớ đến anh, với nỗi buồn quen thuộc của anh, đè bẹp linh hồn. Em đang tìm anh, lúc này anh đang ở đâu? Với ai? Anh đang nói gì?

Em buồn, cảm thấy anh ở rất xa em rồi. Vì sao những người có tình lại chẳng được về với nhau? Giống như thời khắc quyển sách em đọc vào lúc hoàng hôn rơi xuống mặt đất, nước mắt lăn dài. Luôn là như vậy, anh luôn luôn rời xa vào buổi chiều, chạy về phía hoàng hôn để xóa nhòa nơi chứa ký ức.

Em thức dậy, nhưng anh không còn ở đây nữa.
Chương kế tiếp