Tôi Trọng Sinh Trước Khi Đổi Hôn

Chương 9: Đăng báo
Diệp Mạn không ngờ có thể đưa ra một biện pháp lại thuận tiện cho bản thân một công việc.

Cô ngồi trước bàn, nhìn đống giấy viết thư đang bày ra, cô không biết nên viết từ đâu. Trình độ học vấn của cô chỉ ở mức trung học cơ sở, kiếp trước thứ cô viết nhiều nhất chỉ là những kế hoạch bán hàng và tóm tắt doanh số thực tế, cô có biết viết bản thảo bao giờ đâu. Đây không phải là việc của người có học vấn làm sao? Chủ nhiệm Mai đánh giá cô cao quá rồi.

Nhưng nếu giao bản thảo cho người khác thì Diệp Mạn không yên tâm cho lắm, bởi vì bản thảo này viết xong có thể gây ra một làn sóng tuyên truyền ý tưởng mới trong toàn thị trấn, có tác dụng khiến người bán con gái như Diệp Quốc Minh phải sợ hãi. Không một ai có trải nghiệm sâu sắc bằng cô được.

Vì vậy Diệp Mạn rất muốn tự mình làm việc này.

Cô hít một hơi thật sâu, cam chịu số phận cầm "Nhật Báo Khê Hoá" trên bàn lên, nghiêm túc nghiên cứu. Nếu không biết thì phải bắt đầu học từ đầu, cho dù chuyện này có khó thế nào, có thể khó bằng kiếp trước hay không?

Diệp Mạn trấn an tinh thần đi sâu nghiên cứu "Nhật Báo Khê Hoá". May mà trong nhà máy có phòng mượn báo, còn lưu giữ những tờ báo xưa cũ, Diệp Mạn đến mượn vài tờ báo của mấy tháng trước, cô đọc lướt một lần để hiểu rõ phong cách của "Nhật Báo Khê Hoá". Tờ báo thiên về những thông tin tích cực, rất ít đưa tin tức tiêu cực.

Vì vậy bản thảo này của cô không thể viết quá tiêu cực, nó thể hiện một mặt tích cực đồng thời cũng phơi bày được những thói hư tật xấu như cha mẹ sắp đặt hôn nhân, hay là hôn nhân trao đổi ở huyện Trường Vĩnh. Nếu không bản thảo sẽ không thể được tổng biên tập phê duyệt.

Quyết định xong quan điểm chủ yếu, Diệp Mạn bắt đầu tìm kiếm những bài báo tương tự trong các tờ báo trước đó. Cô không biết viết bản thảo trên báo thế nào, thời gian lại vô cùng gấp gáp, cách tốt nhất chính là bắt chước, tham khảo cách viết của các bài báo tương tự, tuy cách này sẽ có thể sẽ không nổi bật lắm, nhưng sẽ giảm được sự rủi ro.

Diệp Mạn mất nửa ngày mới tổng hợp được tám bài báo tương tự.

"Cháu bận gì thế? Mọi người đều tan làm rồi, sao cháu vẫn chưa về?" Giọng của quản lý Triệu nhắc nhở Diệp Mạn.

Diệp Mạn ngẩng đầu lên, phát hiện ra bộ phận bảo trì chỉ còn lại hai thầy trò là cô và quản lý Triệu.

"Quản lý Triệu, mấy giờ rồi ạ?" Diệp Mạn không có đồng hồ, nhìn sắc trời không đoán ra được thời gian chính xác.

Quản lý Triệu nhấc cánh tay lên nhìn một cái: "Sắp năm giờ rồi, tan làm thôi."

Đến giờ tan làm rồi, Diệp Mạn gấp mấy tờ báo lại cất vào trong túi của mình, chuẩn bị tối về nhà rồi xem tiếp, sau đó cô ra về cùng với quản lý Triệu.

Quản lý Triệu nhớ ra chuyện hôm qua, hỏi một câu: "Còn hai tháng nữa là năm mới rồi, Tam Ni, tối qua chú đã nói với dì của cháu rồi, cháu đừng lo lắng nhé."

Chỉ tiêu trở thành nhân viên chính thức ở nhà máy của bọn họ thường được công bố vào cuối năm, nếu bây giờ không hành động, thì sẽ không còn cơ hội nữa.

Diệp Mạn có chút bất lực, quản lý Triệu vẫn đang suy nghĩ về điều này. Vừa mới bước tới cửa lớn, Diệp Mạn quay đầu nhìn nhà máy trống không, chẳng có bao nhiêu người, cô hỏi: "Quản lý Triệu, chú cảm thấy với sự nhiệt tình làm việc của mọi người như thế này, chúng ta thật sự có thể làm việc ở nhà máy cả đời này sao?"

Tại sao không thể chứ? Quản lý Triệu trong tiềm thức muốn bác bỏ, nhưng đối diện với ánh mắt nghiêm túc của Diệp Mạn, và tác phong làm việc lười biếng của công nhân bộ phận bảo trì, ông nhất thời không biết phải nói gì nữa.

Diệp Mạn cũng hy vọng ông có thể lập tức hiểu ra, cô vừa đi vừa nói: "Quản lý Triệu, đất nước không thể dựa vào không khí để tạo ra của cải, thu nhập tài chính từ đâu mà có? Tất cả đều là từ tiền thuế và lợi nhuận của các nhà máy, hầm mỏ, xí nghiệp nộp, còn có cả thuế nông nghiệp của nông dân đóng nữa. Nhưng hiện nay nhiều nhà máy không những không có lãi hàng năm mà thay vào đó, nhà nước phải chi một khoản tài chính khổng lồ để trợ cấp thâm hụt. Chú cảm thấy có thể tiếp tục trong một thời gian dài không?"

"Điều này cũng giống như đại gia đình của chúng ta, sinh hoạt phí mỗi thành viên phải đóng hằng tháng ít nhất phải đủ khoản chi tiêu trong gia đình, như vậy đại gia đình mới có thể tiếp tục sinh sống được. Nếu hầu hết các thành viên đều không nộp sinh hoạt phí, mỗi tháng còn muốn đại gia đình bỏ ra một khoản trợ cấp, theo thời gian, chú cảm thấy gia đình này có thể tiếp tục duy trì được nữa không?"

Cách so sánh này rất dễ hiểu.

Quản lý Triệu lộ ra vẻ trầm ngâm, nhưng rõ ràng ông vẫn không muốn tin rằng nhà máy mà ông đã làm việc hơn mười năm có thể biến mất trong tích tắc.

"Điều, điều này sao có thể giống được chứ!"

Giọng điệu này quá thiếu sức thuyết phục, hơn nữa ông cũng không nói ra được tại sao lại không giống nhau.

Diệp Mạn biết ông đã nghe hiểu lời mình nói, nhưng ông cần thời gian để tiếp thu và thậm chí chấp nhận sự thật rằng nhà máy có thể đóng cửa trong tương lai.

Cô mỉm cười nói: "Quản lý Triệu, cháu phải đi mua chút đồ, cháu đi trước đây ạ."

Nói xong cô đi đến một ngã ba đường.

Cho đến khi không thấy bóng hình của cô nữa, dù có nghĩ thế nào thì quản lý Triệu cũng không tin, ông cúi đầu hỏi học trò nhỏ: "Tiểu Chu, con nói xem nhà máy đang hoạt động tốt của chúng ta có khả năng sẽ đóng cửa vào một ngày nào đó sao?"

Tiểu Chu nhìn một cái: "Thầy ơi, thầy nói với con rằng không có món đồ nào mãi mãi không hỏng cả. Nếu những thiết bị mà chúng ta chế tạo ra sẽ hỏng, vậy tại sao nhà máy mà chúng ta xây dựng nên không thể đóng cửa chứ?"

"Đứa trẻ ngoan, con thắng thầy rồi đấy!" Quản lý Triệu xoa đầu cậu.

Thật ra Diệp Mạn chẳng có chuyện gì cả, cô chỉ muốn ra ngoài ăn cơm. Cô ở một mình, nhà lại nhỏ, nấu cơm quá phiền phức còn phải mua một đống đồ, dù sao buổi trưa có thể ăn ở nhà ăn, buổi tối cô ra ngoài ăn chút gì đó đơn giản, như vậy vừa tiết kiệm thời gian vừa bớt phiền phức, ăn cơm xong rồi về nhà tiếp tục viết bản thảo.

Năm 1985, kinh tế cá thể mọc lên như nấm sau cơn mưa và phát triển vượt bậc. Mọi người coi thực phẩm là ưu tiên hàng đầu, ngành ăn uống phát triển nhanh nhất. Trên phố có rất nhiều cửa hàng nhỏ, Diệp Mạn chọn một cửa hàng trông khá vệ sinh rồi vào gọi món.

Trong lúc đợi món, Diệp Mạn chống cằm suy nghĩ về huyện Trường Vĩnh ba mươi năm trước, cô vừa ngẩng đầu vừa khéo nhìn thấy nhà hàng quốc doanh phía đối diện.

Vào những năm sáu mươi, bảy mươi còn nhớ nhà hàng quốc doanh có uy phong thế nào, nhưng bây giờ đến giờ ăn cơm, cửa hàng vắng vẻ ít khách, cô phục vụ ủ rũ ngồi nhìn ra ngoài đường qua ô cửa kính.

Từ khi có giấy phép kinh doanh tự do, đồ ăn được bày bán khắp nơi trên đường phố, rẻ hơn nhà hàng quốc doanh, thái độ phục vụ cũng tốt, nhân dân lựa chọn thứ phù hợp với bản thân cũng là điều bình thường.

Dòng chảy của thời đại đang ập đến, nếu bạn không theo kịp sự thay đổi của thời đại thì bạn sẽ trở thành kẻ bị thời đại bỏ rơi!

Tất cả những gì cô phải làm là đi theo xu hướng của thời đại.

Diệp Mạn thu lại ánh nhìn, mỉm cười với ông chủ, nhận lấy bát rồi chậm rãi ăn.

Buổi tối Diệp Mạn không ngừng cúi đầu viết bản thảo, cả một buổi tối, cô viết được hai bản thảo, nhưng so với các bài viết trên báo vẫn không ổn, tính kích động của từ ngữ không đủ.

Diệp Mạn buồn bực vò tờ giấy thành một cục, ném vào trong thùng rác, rồi lại lật đọc các bài viết trên báo, sắp xếp lại mạch suy nghĩ viết lại từ đầu.

Cả một buổi tối viết viết dừng dừng sửa sửa, đến sáng hôm sau, trời vừa sáng, Diệp Mạn đến nhà máy ngay lập tức, tiếp tục làm tổ trên bàn viết bản thảo.

Cuối cùng cô mất hai ngày để hoàn thành bản thảo.

Diệp Mạn nộp hai bản thảo cho giám đốc Mai, cô nói: "Chủ nhiệm Mai, đây là bản thảo cháu viết, cháu viết hai bản, cô xem bản nào viết tốt hơn."

Ai mà biết được sau khi chủ nhiệm Mai xem xong lại khó khăn trong việc lựa chọn: "Ôi trời, tiểu đồng chí à, bản thảo của cháu viết tốt quá, cô thấy bản nào cũng được hết, xuất bản bản nào thì tốt hơn nhỉ?"

Trình độ học vấn của Diệp Mạn không cao, nhưng rất nhiều cán bộ ban đầu cũng không học nhiều mà đã tham gia làm việc rồi, chủ nhiệm Mai cũng thuộc trong số đó.

Diệp Mạn thấy bà nhất thời không chọn được, bèn đề nghị: "Chủ nhiệm Mai, hay là gửi cả hai bản này cho phóng viên Hùng đi, xuất bản bản nào, xuất bản thế nào do người chuyên nghiệp như anh ấy quyết định."

"Ý này của cháu được đấy, suy nghĩ của người trẻ tuổi thật linh hoạt." Chủ nhiệm Mai vui vẻ đồng ý đề nghị của Diệp Mạn, bà cất hai lá thư đi, định lát nữa đến bưu điện gửi.

Để bảo đảm hai bài viết này sớm được xuất bản, chủ nhiệm Mai còn gọi điện thoại cho bạn của bà ấy nhắc trước, mong đối phương giúp đỡ việc này.

Sau khi bài viết gửi đi, Diệp Mạn cũng rảnh rỗi hơn. Lúc đi làm không có việc gì, cô sẽ nghiên cứu các chính sách, tan làm sẽ đi dạo trong thị trấn, tìm hiểu về thành phố lâu ngày không gặp này, xem có những cơ hội kinh doanh nào không.

Chớp mắt bốn ngày đã trôi qua, mỗi ngày Diệp Mạn đi làm thì điều đầu tiên cô làm chính là đọc "Nhật Báo Khê Hoá", nhưng mãi cô vẫn không nhìn thấy bài viết của mình được xuất bản.

Cũng không biết đối phương đã nhận được chưa, Diệp Mạn định qua hai ngày nữa, nếu bài viết vẫn chưa được xuất bản, cô sẽ đi tìm chủ nhiệm Mai để nghe ngóng tình hình.

Kết quả đợi đến ngày thứ hai, cô vừa bước vào phòng làm việc, các chị các cô đều quay lại nhìn, ánh mắt phát sáng, cực kỳ ngưỡng mộ: "Tam Ni à, em lên báo rồi, đây là lần đầu tiên của bộ phận bảo trì chúng ta đó!"

Cuối cùng cũng có tin tức, Diệp Mạn thở phào nhẹ nhõm, bước đến nói: "Ở đâu, em xem với."

Chị Hoàng run run đưa tờ báo cho Diệp Mạn, chỉ một cái tên ở trên đó Diệp xx, nói: "Đây, em ở đây."

Diệp Mạn...

Đây cũng gọi là lên báo, cũng xứng đáng để bọn họ vui mừng sao? Chỉ có thể nói nhân viên ở bộ phận bảo trì quá nhàn rỗi, quá nhàm chán.

Diệp Mạn nhận lấy tờ báo, xem cẩn thận một lần, nó giống với những gì mà cô đã viết, nhưng phóng viên Hùng đã trau chuốt một chút, ngôn ngữ mượt mà hơn, hành văn cũng hay hơn, hơn nữa tính khiêu khích cũng mạnh hơn không ít.

Không hổ là người dựa vào ngòi bút để kiếm ăn.

Diệp Mạn vô cùng hài lòng, bài báo cáo này kể về Diệp xx, cũng nói về việc cô bị người nhà ép gả thế nào, các cán bộ của hội phụ nữ, công an và nhà máy từ trên trời rơi xuống, cứu những nạn nhân trong cuộc hôn nhân sắp đặt ra làm sao.

Tin tức được viết rất thú vị, thú vị hơn nhiều so với những báo cáo cứng nhắc thường ngày, hơn nữa cũng thu thập một loạt các chủ đề phổ biến như "Tình trạng hủy hôn", "Hôn nhân trao đổi", "Trọng nam khinh nữ", những chủ đề này e rằng ba mươi năm sau chắc chắn sẽ hot.

Diệp Mạn yên tâm rồi, cô trả lại tờ báo cho chị Hoàng.

"Ai là đồng chí Tam Ni? Chủ nhiệm Mai gọi cô ấy qua đó một chuyến." Đột nhiên một cô gái với hai bím tóc đen nhánh đứng ngoài cửa hét lớn.

Diệp Mạn vội vàng đứng dậy: "Là tôi, phiền đồng chí phải chạy qua một chuyến rồi, tôi qua đó ngay đây."

Cô bàn giao một tiếng, sau đó nhanh chóng chạy tới phòng làm việc của chủ nhiệm Mai.

Trong tay chủ nhiệm Mai đang cầm tờ "Nhật Báo Khê Hoá", vui vẻ hỏi: "Tiểu đồng chí, cháu đã đọc báo hôm nay chưa?"

Diệp Mạn cười giòn giã nói: "Cháu vừa đọc rồi, phong cách viết bài của phóng viên Hùng giỏi thật, viết quá hay luôn."

Chủ nhiệm Mai cười nói: "Cậu ấy cũng khen cháu có tài năng, bản thảo đầu tiên đã đạt được trình độ này, cậu ấy còn nói nhà máy sản xuất TV của chúng ta đang giấu nhân tài đấy!"

Diệp Mạn không dám nhận: "Phóng viên Hùng quá khen rồi, đây cũng là kinh nghiệm do đích thân cháu trải qua nên mới thể hiện cảm xúc thật như vậy, nếu đổi thành đề tài khác thì cháu không viết được tốt như thế đâu."

"Tiểu đồng chí đừng khiêm tốn, cô gọi cháu đến đây là vì một chuyện khác. Cháu là bên đương sự, bản báo cáo này không thích hợp xuất bản dưới danh nghĩa của cháu, cho nên mới viết tên của phóng viên Hùng, nhưng bản thảo là do cháu viết, phí viết bản thảo cậu ấy bảo cô đưa cho cháu, phí bản thảo không cao, chỉ có mười hai tệ, cháu cầm lấy đi." Nói xong chủ nhiệm Mai lấy một phong bì từ trong ngăn kéo ra.

Mười hai tệ tương đương với nửa tháng lương của cô, Diệp Mạn không chê ít một chút nào, cô nhận lấy cười nói: "Cháu thật sự rất cảm ơn chủ nhiệm Mai và phóng viên Hùng. Nếu không có sự giúp đỡ của hai người, thì cháu cũng không có cơ hội kiếm tiền này."

Chủ nhiệm Mai xua tay nói: "Đây là điều cháu xứng đáng có được, tiếp theo..."

Chưa nói xong, đồng nghiệp nữ lúc trước lại hoảng hốt chạy vào, khuôn mặt xinh xắn vì kích động mà đỏ bừng lên, không nói nên lời: "Chủ nhiệm Mai, người đó, bảo cô đi một chuyến, trong huyện..."

"Đinh Tuyết, cháu đừng vội, từ từ nói, trong huyện làm sao vậy?" Chủ nhiệm Mai biết đồng nghiệp nữ này cứ khi nào căng thẳng sẽ ăn nói không lưu loát, nên bà nhẹ giọng an ủi cô ấy.

Đinh Tuyết vuốt ngực, kích động nói: "Chủ nhiệm Mai, Liên đoàn phụ nữ huyện vừa mới gọi điện thoại đến, bảo chủ nhiệm Mai đi một chuyến, còn bảo cô mang "Nhật Báo Khê Hoá" hôm nay theo nữa."

Chủ nhiệm Mai đứng dậy, vội vàng hỏi: "Điện thoại đâu? Cúp chưa?"

"Đã cúp rồi!" Đinh Tuyết gật đầu nói.

Chủ nhiệm Mai sững sờ một lúc, xua tay: "Cô biết rồi, cháu đi làm việc đi."

Diệp Mạn thấy chủ nhiệm Mai vẫn có việc phải làm nên cô xin phép rời đi: "Chủ nhiệm Mai, cháu về làm việc đây ạ."

Chủ nhiệm Mai nghe thấy câu này, đột nhiên ngẩng đầu, nhìn Diệp Mạn với ánh mắt rực lửa: "Tiểu đồng chí, cháu không bận nhỉ, nếu không bận thì cùng cô đến Liên đoàn phụ nữ huyện một chuyến, đi thôi!"

Nói xong bà cầm tờ báo, kẹp vào nách rồi kéo Diệp Mạn đi cùng.
Chương kế tiếp